Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Bài 1: Đấng quy tụ muôn loài
Trong Cựu ước, tác giả sách Sáng thể đã kể lại một trang sử buồn của lịch sử nhân loại, đó là câu chuyện tháp Baben. Vì con người kiêu ngạo, muốn xây tháp chọc trời. Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn. Kết quả là họ không hiểu nhau. Cây tháp Baben được gọi là cây tháp gây phân tán (x. St 11,1-9).
Thế rồi, kể từ trang sử buồn ấy, con người ngày càng xa Chúa và xa nhau. Nhân loại bị trượt dài trong đường dốc sa đọa. Người Do Thái nhắc tới tháp Baben như một kinh nghiệm đau thương.
Trong Tân ước, tác giả Công vụ kể với chúng ta một biến cố trọng đại, đó là câu chuyện lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem (Bài đọc I). Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, đã ngự xuống liên kết muôn người nên một. Họ đã hiểu nhau mặc dù khác biệt về nguồn gốc. Người Kitô giáo gọi Lễ Ngũ Tuần là lễ Hiện Xuống, ghi nhớ sự kiện Chúa Thánh Thần từ trời đến ở với cộng đoàn tín hữu, đến với Giáo Hội. Nếu tháp Baben trong Cựu ước là biểu tượng của sự phân tán, thì Lễ Ngũ Tuần của Tân ước là điểm quy tụ.
Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để quy tụ muôn dân về một mối. Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ chung cho toàn thể nhân loại. Ngôn ngữ đó là Tình Yêu, vì Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình yêu lấp đầy mọi ngăn cách, san bằng mọi núi đồi, phá tung mọi ranh giới. Nhờ Chúa Thánh Thần, Tin Mừng của Đấng Phục Sinh được loan báo cho mọi tạo vật, mọi nền văn hóa. Chúa Thánh Thần đã liên kết mọi người trong một Đức tin và làm thành Giáo Hội của Chúa Kitô.
Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh một thân thể gồm nhiều chi thể để nói về Giáo Hội (Bài đọc II). nhờ sự liên kết của Chúa Thánh Thần, mọi tín hữu được quy tụ nên một thân thể. Mặc dù khác biệt về chức năng, mọi chi thể đều phải liên kết với nhau và làm cho thân thể được khỏe mạnh. Năng lực sống để điều khiển thân thể hoạt động, chính là Chúa Thánh Thần. Ngài nối kết và làm cho những khác biệt trở nên hài hòa với nhau. Lịch sử Giáo Hội hai ngàn năm nay đã chứng minh hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.
Thánh Gioan kể lại việc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ qua cử chỉ “thổi hơi” trên các ông, qua biểu tượng này, Chúa Thánh Thần được diễn tả như hơi thở, như làn gió mát và như sự sống. Bài đáp ca trong thánh lễ hôm nay cũng khẳng định vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần đối với mọi loài tạo vật: “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gửi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29). Bởi vậy, đời sống Đức tin của chúng ta cần có Chúa Thánh Thần nâng đỡ và hướng dẫn. Nhờ Ngài mà chúng ta không sợ lạc đường. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể trung tín với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Cũng nhờ Ngài mà chúng ta mới biết cách cầu nguyện thế nào cho có hiệu quả.
Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ muôn loài, thì những ý đồ gây chia rẽ thù oán là đi ngược lại với hoạt động của Ngài. Sống ở đời, chúng ta luôn bị giằng co giữa một bên là giáo huấn của Chúa, một bên là cám dỗ của thế gian. Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo dân Thêxalônica: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí… Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều gì xấu thì bất cứ hình thức nào cũng phải lánh cho xa” ( 1Tx 5,19).
Lễ Hiện Xuống được cử hành trong tháng Năm, là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Đức Maria đã hiện diện với Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần ngự đến trong khi các tông đồ quây quần xung quanh Đức Mẹ để cầu nguyện. Trong suốt chặng đường dài của lịch sử Giáo Hội, Đức Mẹ vẫn hiện diện để che chở Giáo Hội và nâng đỡ các tín hữu. Đức Phaolô VI đã tôn vinh Trinh nữ Maria với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ chúc lành cho Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Mỗi người hãy dâng lên Đức Mẹ đóa hoa lòng, thể hiện qua tâm tình yêu mến, siêng năng lần hạt Mân Côi và thực thi bác ái đối với tha nhân. Đó là những đóa hoa không tàn úa với thời gian, nhưng luôn tươi đẹp và tỏa ngàn sắc hương trước dung nhan Mẹ.
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, cùng với việc trao ban bình an, Chúa Giêsu phục sinh còn trao ban cho chúng ta sức mạnh của Người. Nhờ được trang bị bằng sức mạnh là Chúa Thánh Thần, đến lượt mình, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin quy tụ chúng con trong tình hiệp nhất yêu thương. Amen.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Bài 2: Chúa Thánh Thần, sức mạnh thần linh thánh hóa và loan truyền Tin Mừng
Đúng mười ngày sau khi mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hai sự kiện cách nhau đúng mười ngày, nhưng lại liên hệ với nhau một cách chặt chẽ không thể tách rời như chính lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7).
Có lẽ khi nghe Chúa nói những lời đó, các tông đồ không thể nào hiểu được tại sao Chúa lại nói như thế. Tại sao Chúa phải ra đi thì Đấng Bảo Trợ mới đến? Tại sao Chúa không ở lại để cùng với các tông đồ đón Đấng Bảo Trợ, để rồi cả hai Đấng đều ở lại với các ông có tốt hơn không? Không. Chúa Giêsu nói rõ là không có lợi. Tại sao nhỉ?
Nếu chúng ta để ý phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bài thứ nhất trích trong sách Công vụ Tông Đồ, trong đó có đoạn ghi lại sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ (Cv 2,1-4). Bài Tin Mừng theo thánh Gioan cũng ghi lại sự kiện Chúa Phục sinh ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,22-23). Thế há chẳng phải có hai lần Chúa Thánh Thần hiện xuống đó sao? Đúng là đã có hai lần Chúa Thánh Thần hiện xuống và đã được các thánh sử ghi lại. Tuy nhiên, khi cho chúng ta suy ngắm cả hai sự kiện này trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội như muốn nói với chúng ta rằng: Chúa Thánh Thần không phải chỉ có hiện xuống hai lần, mà rất rất nhiều lần. Chả lẽ trước khi Chúa Giêsu “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãu nhận lấy Thánh Thần’”, thì Chúa Thánh Thần chưa hiện xuống sao! Chả lẽ trần gian này chưa có Chúa Thánh Thần? Rồi vào “ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, .. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Chả lẽ lúc đó Chúa Thánh Thần mới xuất hiện? Có lẽ không phải thế. Thánh sử Gioan đã rất tinh tế khi sử dụng hai chữ “thổi hơi”. Chữ này làm cho chúng ta nhớ tới sự kiện được ghi lại trong sách Sáng Thế nói về việc Thiên Chúa “thổi hơi” như sau: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Việc Chúa Phục sinh “thổi hơi” vào các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” cho thấy đó như là một cuộc tạo dựng mới, một sự sống mới, một sự sống trong Thần Khí. Chính Chúa Thánh Thần là Sức mạnh thần linh tái tạo tâm hồn con người, thanh tẩy lòng người nên trong sạch và làm cho con người xứng đáng nên con Thiên Chúa. Bởi thế, ta lại càng thấy sự tinh túy của thánh sử Gioan khi ngài viết những lời trước đó như sau: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần”. Ngày thứ nhất cũng là một chi tiết nhắc nhớ tới công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đó là ngày “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1). Với cái nhìn thần học của thánh Gioan, Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý sự sống, nguyên lý của sự thánh thiện. Chính vì thế, sau khi nói lời ban Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Như vậy, nếu Chúa Thánh Thần đã hiện diện trong vũ trụ ngay từ “ngày thứ nhất” của công trình sáng tạo, thì “ngày lễ Ngũ Tuần” là thời gian đánh dấu một gian đoạn mới của Ngài, đó là giai đoạn lịch sử mang tính quyết định của Chúa Thánh Thần, là giai đoạn Ngài sẽ “ra tay” hoạt động như “vũ bão- gió mạnh” hay như “lưỡi lửa” mà sách Công vụ Tông đồ nhắc đến.
Dưới cái nhìn thần học của tác giả sách Công vụ Tông Đồ, sự ra đi của Chúa Phục sinh là cần thiết vì đó là dấu hiệu thời của Chúa Thánh Thần đã đến. Nếu sự hiện diện hữu hình của Chúa Phục sinh làm cho các tông đồ không thoát ra được những ràng buộc thể lý, thì sự hiện diện vô hình của Người lại có thể làm cho các ông “hoan hỉ” vì thấy “có Chúa cùng hoạt động” với mình. Đấng có đủ quyền năng và sức mạnh để giúp các tông đồ cảm nghiệm được điều đó, không ai khác là chính Chúa Thánh Thần. Ngài làm cho Đấng Phục sinh có thể luôn hiện diện với Giáo hội một cách vô hình. Ngài cũng làm cho Giáo hội không ngừng nghiệm thấy Thầy Chí Thánh đang hoạt động với họ. Ngài còn là Đấng làm cho Giáo hội bước vào một thời đại mới, đó là thời đại xây dựng và mở mang Nước Chúa. Giáo hội vẫn được hiểu là đã khai sinh vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó là ngày thành lập Giáo hội, là ngày Giáo hội nhận được sứ mạng phải ra đi rao giảng Tin Mừng. Bởi thế, ngay sau khi tường thuật lại sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống, tác giả sách Công vụ Tông Đồ ghi lại sự kiện thánh Phêrô cất lời rao giảng đầu tiên, và kết quả thật mỹ mãn: “hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo”. Một chuyện ngoạn mục đã xảy ra, chắc chắn không phải vì tài khéo của thánh Phêrô, nhưng rõ ràng có một sức mạnh thần linh nào đấy đã tác động rất mạnh, đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ba ngàn người theo đạo là hoa quả đầu tiên mà Chúa Thánh Thần ban xuống cho Giáo hội. Điều đó cho thấy thật rõ thời đại của Chúa Thánh Thần đã đến. Ngài đến như một trận cuồng phong: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà”. Ngài đến như một sự sắc bén bằng lửa: “Họ thấy những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Phải chăng đã đến thời lời ước nguyện của tiên tri Gioen trở thành hiện thực, đó là thời mà: “Thiên Chúa phán: ‘Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm” (Ge 3,1.5).
Hai tác giả đã trình bày cho chúng ta hai khía cạnh khác nhau của cùng một sự kiện, sự kiện “thời của Chúa Thánh Thần”. Thánh sử Gioan thì nhấn mạnh đến vai trò thánh hóa, thánh hóa bản thân, thánh hóa Giáo hội. Tác giả sách Công vụ Tông Đồ lại nhấn mạnh đến khía cạnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng.
Giáo hội luôn ý thức vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, đó là vai trò thánh hóa và loan báo Tin Mừng. Nếu chỉ lo giữ một khía cạnh, Giáo hội đã liều đánh mất một phần quan trọng không thể thiếu của mình. Thánh hóa là cần và tốt, nhưng nếu một Giáo hội chỉ thánh thiện mà không sống tinh thần truyền giáo, Giáo hội ấy sớm muộn sẽ già cỗi và tàn lụi. Nếu một Giáo hội chỉ lo truyền giáo mà quên rằng, chính bản thân mình là một “Giáo hội thánh thiện”, Giáo hội ấy sớm muộn sẽ trở thành một tổ chức xã hội thuần túy thế gian.
Ơn thánh hóa và ơn loan báo Tin Mừng là hai ơn đặc biệt mà Chúa Thánh Thần đã rộng rãi ban cho hết thảy mọi tín hữu, nhất là qua bí tích Thêm Sức. Nhưng nhìn vào thực tế đời sống, chúng ta dường như để ý quá nhiều, quan tâm quá nhiều đến ơn thánh hóa. Lãnh bí tích Rửa tội để nên con Chúa, thành người có đạo. Lãnh bí tích Thánh Thể để kết hiệp nên một với Chúa. Lãnh bí thích Thêm Sức để thêm sức mạnh sống đạo. Lãnh bí tích Giải tội để được tha tội và giao hòa với Chúa. Lãnh bí tích Hôn phối để “được ơn thánh cho được thương yêu nhau”. Lãnh bí tích Xức dầu để được thanh tẩy, thêm ơn thánh chống trả chước ma quỷ cám dỗ… Chúng ta toàn lo lắng sao cho mình được đạo đức, sốt sắng, thánh thiện (Chúa Thánh Thần trong Tin Mừng của thánh Gioan), mà chưa thấy lưu tâm nhiều đến ơn của Chúa Thánh Thần trong sách Công vụ Tông Đồ, đó là ơn Chúa Thánh Thần để hăng say loan báo Tin Mừng. Mình đã lãnh nhận bí tích Rửa tội rồi, sao không tìm cách để anh chị em khác cũng được làm con Chúa như mình. Mình đã được kết hiệp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, sao không nghĩ tới biết bao anh chị em khác chưa bao giờ được kết hiệp với Chúa!
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta xin Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta, đổi mới chúng ta nên một người mới. Chúng ta đồng thời xin Chúa Thánh Thần thêm sức để chúng ta đủ can đảm và sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho tất cả những anh chị em chưa biết Chúa.
“ Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến,
Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến…”.
Amen.
Lm. Giuse Dương Hữu Tình