Bài giảng Lễ Thăng Thiên 2015
BÀI 1: QUÊ TRỜI
Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, như chính Người đã khẳng định: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho con” (Ga 17,4). Và, như người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với ngành nguyệt quế chiến thắng, Đức Giêsu được cất lên trời trong vinh quang và giữa tiếng muôn thiên thần tung hô chúc tụng.”Được cất lên”, đó là kiểu nói của Kinh Thánh. Độc giả Do Thái dễ dàng liên tưởng đến trường hợp của ngôn sứ Elia và ông Enốc trong Cựu ước. Hai vị này đã được Chúa cất lên không trung, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ.
Việc Chúa về trời trước hết diễn tả vinh quang chiến thắng. Qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần. Người cũng chiến thắng những cám dỗ của thế gian nhằm lôi kéo Người từ bỏ thực thi ý định của Chúa Cha. Chúa Giêsu về trời, đem theo những dấu tích của cuộc khổ nạn (dấu đinh), như bằng chứng của sự hy sinh tự hiến để thánh ý Chúa Cha được nên trọn.
Việc Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự hoàn tất của công trình cứu độ được thực hiện qua biến cố thập giá. Tuy vậy, sự hoàn tất này lại mở ra một giai đoạn mới trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã sang một trang mới kể từ biến cố phục sinh. Nhận được lệnh truyền của Chúa, các môn đệ đã hân hoan ra đi thi hành sứ vụ. Đây là một cuộc lên đường mới, đầy hứng khởi nhiệt tình. Việc Chúa được cất lên trời không làm cho các môn đệ u sầu buồn bã, trái lại các ông lại hân hoan vui vẻ, vì tin chắc có Chúa ở với mình. Từ nay, các ông được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng với khả năng làm phép lạ mà chính Chúa đã ban cho các ông, như lời căn dặn trước khi Người về trời. Với lời “sai đi” của Chúa, lãnh vực truyền giáo không còn giới hạn trong xứ Palestina, nhưng đã mở ra những chân trời mới. Nước của Chúa không còn giới hạn ở những cột mốc lãnh thổ, nhưng lan rộng đến mọi nền văn hóa, đến mọi dân tộc. Chúa đã về trời. Cũng như trời rộng bao la mênh mông thế nào, thì vương quốc bình an mà Người đã khởi sự thiết lập cũng sẽ rộng lớn như vậy.
Chúa Giêsu đã nhập thể và mang lấy thân phận con người như chúng ta. Sau khi kết thúc cuộc đời trần gian, Người đã khải hoàn về thiên quốc. Việc Chúa Giêsu về trời cũng khẳng định với chúng ta, đất và trời từ nay không còn cách biệt nữa. Dưới đất này đã có trời, và trên trời cao đã có đất. Quả vậy, nếu định nghĩa trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì trong “cõi người ta” này, Thiên Chúa đang hiện hữu để chúc lành và dẫn dắt chúng ta bằng cánh tay yêu thương của Ngài. Nếu định nghĩa đất là nơi con người sinh sống, thì trên trời, hiện đã có một “Con Người” là Đức Giêsu, mẫu mực chung cho tất cả mọi người về cách sống cũng như về sự hy sinh vì tha nhân. Vì thế, liền sau khi Chúa Giêsu được cất lên, trong khi các môn đệ còn bỡ ngỡ lưu luyến, thì hai sứ thần đã nói với họ: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Qua những lời này, các sứ thần muốn khẳng định với các ông rằng, các ông hãy quay về với bổn phận, vì tuy Chúa đã về trời, Người vẫn luôn hiện diện trên mặt đất này với các ông. Từ nay, mọi bước đường truyền giáo của các ông sẽ có Chúa đi cùng. Người hiện diện thiêng liêng, vô hình nơi trần gian, và Người sẽ trở lại trong vinh quang vào thời tận cùng của lịch sử. Chính vì vậy, “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên).
“Quê Trời” là niềm mơ ước của con người thuộc mọi nền văn hóa, dù khái niệm về trời rất mông lung bàng bạc. Trong quan niệm dân gian của người Việt, “Trời” không chỉ là cái vòm màu xanh ở tít trên cao, nhưng là một “Đấng”, một “Ông”, một “Vị”. Nơi “Ông Trời” người ta tin tưởng cầu xin ơn phù trợ để mọi sự tốt lành: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm” (Ca dao). Trời cũng là nơi ở dành cho các anh hùng dân tộc, những người có công với nước, như trường hợp Thánh Gióng, sau khi đánh giặc Ân, cưỡi ngựa về trời.
Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: Quê trời là phần thưởng Chúa Cha dành cho người công chính. Hạnh phúc Nước trời là được chìm mình trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, cùng với anh chị em mình. Đó là tình yêu vĩnh cửu, viên mãn, tồn tại muôn đời. Hạnh phúc Chúa Giêsu hứa ban không phải một thứ “bánh vẽ” xa vời, một thứ “thuốc phiện mê dân” ảo tưởng, Nước Trời đã hiện diện giữa trần gian, ngay ngày hôm nay, nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận bằng con tim rộng mở và tấm lòng chân thành.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: CHÚA PHỤC SINH LUÔN HIỆN DIỆN VÀ HOẠT ĐỘNG TRONG GIÁO HỘI
Hôm nay chúng ta cùng toàn thể Giáo hội mừng lễ Chúa lên trời. Thực ra thời gian đầu, lễ Chúa Giêsu lên trời và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được mừng chung với lễ Chúa phục sinh. Từ thế kỷ IV, Giáo hội đã mừng riêng lễ Chúa lên trời vì dựa theo sách Công vụ Tông Đồ, bốn mươi ngày sau khi Chúa phục sinh, Chúa đã “được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (CVTD 1,9).
Khi cử hành lễ Chúa Giêsu lên trời đúng bốn mươi ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội có ý giúp con cái mình sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai, một kinh nghiệm rất hữu ích và phong phú cho đời sống của những người con Chúa. Trong thời gian bốn mươi ngày, Giáo hội sơ khai đã vinh dự được sống những tháng ngày mà Thầy Chí Thánh “chiếu cố” gặp gỡ một cách hữu hình, và ngày thứ bốn mươi là lần cuối cùng họ được diễm phúc gặp gỡ Người một cách trực tiếp. Để rồi từ đây, họ sẽ vui mừng hơn nữa khi đã đủ khả năng để bước vào một kinh nghiệm lớn lao hơn, đó là kinh nghiệm gặp gỡ. sống và hoạt động tông đồ với Người, Đấng từ nay sẽ hiện diện một cách vô hình. Điều này đã được thánh Luca mô tả rất hay. Sau khi đã chứng kiến tận mắt Thầy Chí Thánh “được cất lên” và “có đám mây quyện lấy Người”, để rồi “không còn thấy Người nữa”. “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ” (Lc 24,53).
Sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục sinh, là Đấng đang hiện diện cách vô hình, quả là một kinh nghiệm thiêng liêng vô giá. Chính vì thế, trong suốt thời gian của Mùa Phục Sinh, đặc biệt những ngày trong tuần Bát Nhật Phục Sinh, Giáo hội đã không ngừng cho chúng ta suy ngắm những sự kiện Chúa Phục sinh đến gặp cách tỏ tường với nhiều người, với Giáo hội. Đó là thời gian Giáo hội sơ khai chưa thoát ra được cái thói quen của sự gặp gỡ, đồng hành. Những ước mong được tận mắt trông thấy dấu đinh hay được tận tay đặt vào cạnh sườn Người (Ga 20,25) đâu phải chỉ có một mình thánh Tôma? Những ước muốn được ôm chặt và giữ lấy Người (Ga 20,17) đâu phải chỉ có một mình bà Ma-ri-a Mác-đa-la? Đó là ước mong, khao khát của hết mọi người, nhất là những người đã một thuở vui buồn có nhau. Chúa Phục sinh hiểu điều đó, bốn mươi ngày là thời gian Người “chiều theo” thói quen của họ, nhưng cũng là thời gian Người bắt đầu tập cho họ bước vào một kinh nghiệm hoàn toàn mới, đó là kinh nghiệm gặp gỡ và sống với Người, Đấng không còn phải hiện diện hữu hình nữa mà là vô hình. Hễ khi họ tưởng không có Chúa, vắng bóng Chúa, thì ngay lập tức Chúa hiện diện bên họ. Bốn mươi ngày là thời gian đủ để Chúa củng cố niềm tin và giúp Giáo hội sơ khai sống kinh nghiệm mới đó. Và một khi đã sống kinh nghiệm đó rồi, Giáo hội mới nhận ra cái kinh nghiệm hữu hình của thời gian đầu thật “buồn cười” làm sao! Và cũng từ đây, Giáo hội không ngừng xác tín và khẳng định Đấng Phục sinh luôn hiện diện vô hình ngay trong lòng Giáo hội.
Giáo hội đã sống niềm tin đó (Giáo hội mang tên là lữ hành trong đức tin), không ngừng rao giảng niềm tin đó và sẵn sàng chết cho niềm tin đó. Giáo hội sơ khai đã ra sức truyền lại cho chúng ta cái kinh nghiệm vô cùng quý báu đó: Chúa Phục sinh đang hiện diện, đang có mặt trong cuộc đời chúng ta, không phải chỉ khi chúng ta họp nhau cầu nguyện, không phải chỉ khi chúng ta ở trong nhà thờ, nhưng Người còn hiện diện trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta. Khi thì như một người đang làm vườn (Ga 20,11-18), lúc thì như một người đi đàng (Lc 24,13-35), khi thì lại như một người đang cầu nguyện (Lc 24,50-53), lúc lại như một người thuyền chài (Ga 21,4-23). Chúa Phục sinh vẫn luôn đang hiện diện như vậy, không ngừng hiện diện như vậy với Giáo hội. “Lên trời” đấy, “ngự bên hữu Thiên Chúa” đấy; ấy vậy mà Giáo hội vẫn mạnh dạn khẳng định chắc chắn rằng: “Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20).
Cảm nghiệm được Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện với mình, đang cùng sống với mình, Giáo hội đã “mỉm cười” và “hoan hỷ” biết bao. Liệu đó có phải là kinh nghiệm của tôi không? Đã bao giờ tôi cảm thấy “hoan hỷ” và “mỉm cười” hạnh phúc vì biết rằng Chúa Phục sinh đang ở bên cạnh mình?
Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nguồn: gphaiphong.org