Bài phát biểu của Cha Đaminh Ngô Công Sứ tại lễ trao giải Văn Hoá Đất Mới 2014
Khi vị mục tử quan tâm đến vấn đề văn hóa
Ngày 30-9-2004, Văn phòng báo chí Tòa Thánh chính thức công bố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi Cha Tông Đại Diện giáo phận Xuân Lộc Đaminh Nguyễn Chu Trinh lên làm Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, thay thế Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật được Tòa Thánh cho nghỉ hưu. Khi nói về vị Tân Giám mục, người ta biết trước đây lúc còn là một linh mục trẻ ngài đã coi trường trung học Hòa Bình hằng chục năm cho đến sau năm 1975. Ngài đã từng làm cuốn kỷ yếu đầu tiên của giáo phận Xuân Lộc kỷ niệm NĂM THÁNH 1975; đã từng làm giám đốc truyền thông của giáo phận xuất bản tờ thông tin cho giáo phận hằng tháng; và từ năm 2000 ngài là người được Đức Cha cố Phaolô Maria đặt làm trưởng ban xây dựng kiến thiết tượng đài Chúa Kitô Vua núi Tao Phùng, và xây dựng trung tâm hành hương Đức Mẹ của giáo phận tại Bãi Dâu, Vũng Tàu. Một đời linh mục tham gia vào các lĩnh vực văn hóa nhiều đến độ trở thành máu thịt, thành cách xử sự của ngài, vì vậy con người dịu dàng đầy nét nhân văn ấy đã có một thời được gọi là “cha chính ngọt ngào”.
Con người ấy được tấn phong Giám mục ngày 11-11-2004, tại chính giáo xứ Chính Tòa ngài đang coi sóc. Hôm nay đúng mười năm Ngài lãnh nhận sứ vụ mục tử tại giáo phận Xuân Lộc. Một vị chủ chăn thực thi sứ mạng chăm sóc và thánh hóa đoàn chiên, lại là người cả đời quan tâm đến vấn đề văn hóa thì đường hướng mục vụ của ngài chắc chắn mang đậm nét nhân văn, và là một cách thức truyền giáo mới mà Thượng HĐGM lần thứ XIII đã chọn: "Tân Phúc Âm Hoá Để Thông Truyền Đức Tin Kitô Giáo". Thật ra, trong việc loan báo Tin Mừng, dù ở thời nào “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), thế nhưng Hội Thánh muốn chúng ta phải mới trong cách diễn tả, và như Tông huấn Giáo hội tại Châu Á hướng dẫn: "Con đường của những nhà rao giảng Tin Mừng là làm cho Đức Tin Kitô giáo trở nên một thành phần của di sản văn hóa của một dân tộc”. Vì thế, phải trình bày thế nào để con người thời nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc Âm. Một lãnh vực có thể loan báo về Đức Giêsu Kitô cách hiệu quả, chính là trình bày Người trong lãnh vực Văn Hóa nghệ thuật.
Ý thức như vậy, nên trong 10 năm Giám mục đường hướng mục vụ của Đức Cha Đaminh đã chú trọng đến những những nét văn hóa sau đây:
1. Xây dựng những con người và công đoàn Kitô có nhân bản và đạo đức: Trước một xã hội đánh phá Đức Tin về mọi mặt nhất là mặt tư tưởng, giáo phận chúng ta quan tâm đến việc huấn giáo, và giáo dục Đức Tin cho mọi thành phần Dân Chúa nhất là giới trẻ và các gia đình. Trong trường học, khi học sinh được giáo dục rất kỹ ngay từ nhà trẻ về chủ nghĩa duy vật vô thần và thái độ chống tôn giáo; khi những yếu tố suy đồi đạo đức tạo nên một xã hội băng hoại tận gốc rễ thì Đức Giám mục của chúng ta đề cao việc canh tân đời sống Đức Tin… hoặc sống và loan báo Tin Mừng, khi một xã hội chỉ biết thu lợi, an thân, và ích kỷ thì ngài xây dựng mô hình: gia đình và giáo xứ cộng đoàn yêu thương… Tiếp nối truyền thống Kinh Thánh đào tạo nhân sự, và truyền thống văn hóa Việt Nam cần những sĩ phu để giữ vững kỷ cương xã hội ngài đã mở ĐCV đào tạo linh mục (chính ngài đã truyền chức cho 3 ĐGM và hơn 200 linh mục), đoàn ngũ hóa sinh hoạt Ban Hành Giáo (giáo phận có hơn 10.000 quý chức BHG), các giới các đoàn thể… các khóa thường huấn, huấn luyện cho các thành phần Dân Chúa luôn giúp mở rộng kiến thức Đức Tin và khả năng phục vụ cộng đoàn.
Những đường lối mục vụ của giáo phận mà Đức Cha Đaminh tiếp nối các Đức Giám Mục tiền nhiệm đang góp phần xây dựng văn hóa Công Giáo trong lòng văn hóa dân tộc. Những nét văn hóa Việt Nam: nhiễu điều phủ lấy giá gương…, hoặc một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ… đang cùng với giáo lý Công Giáo làm nên nếp sống nhân ái, và giáo phận đang có những hành vi tương trợ rất đẹp trong lòng xã hội Việt Nam với chương trình “tấm bánh sẻ chia” hay chương trình “văn hóa an toàn giáo thông và môi trường” đang phổ biến trong giáo phận.
Nét văn hóa Việt mà ngài quan tâm đưa vào trong việc tổ chức hội nghị liên HĐGM Á châu năm 2012 tại TGM Xuân Lộc được các ĐGM Á Châu hài lòng và đánh giá rất cao.
2. Xây dựng văn hóa Công Giáo ở lãnh vực văn chương
Ông Lê Đình Bảng trong cuốn Văn học Công Giáo Việt Nam – Những chặng đường đã có nhận xét trong lãnh vực văn chương các tác phẩm truyện Công giáo của chúng ta mới chỉ có trên đầu ngón tay. Gần đây, những tác phẩm của Song Nguyễn (bút danh của ĐC Đaminh Nguyễn Chu Trinh) thực sự có giá trị đóng góp cho sự phát triển của văn chương Công Giáo. Đến nay, Song Nguyễn đã cho ra đời 11 tác phẩm, gồm truyện dài, truyện ngắn. Tác giả gọi chung là tủ sáchĐời Dâng Hiến. Hầu hết những tác phẩm này theo tác giả: "đã được viết vào thời gian trước sau năm 1975, là thời gian mà công việc mục vụ đang bị “đóng khung”. Chúng ta có thể kể tên những tác phẩm truyện dài như: Đất Mới, 3 tập, Một đời dâng hiến, Đồng Hành, Định hướng, Chỉnh hướng, và Đồng cỏ xanh; cùng 5 tập truyện ngắn khác là: Chuyến xe về trời, Còn một niềm Tin, Suối nguồn, Người cha hiền, và Mẹ yêu của con.
Ngoài việc sáng tác, chính ngài còn cỗ vũ những người khác đi vào lãnh vực văn hóa như là một biên cương mới của việc truyền giáo cần nhiều người khai phá và dấn bước. Từ năm 2010 giáo phận Xuân Lộc còn công bố “Giải thưởng sáng tác Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới” với nhiều hình thức thể loại văn học nghệ thuật khác nhau như: Văn, thơ, nhạc, kịch… nhằm “phản ánh các mặt đời sống nhân bản và công giáo của cá nhân, gia đình và xã hội” dành cho tất cả mọi người có nhiệt tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương tham gia. Hôm nay, là ngày trao giải Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới lần thứ IV có 21 tác giả đoạt giải trong 5 thể loại văn chương: thơ, truyện ngắn, truyện dài, kịch và nhạc.
3. Xây dựng các công trình tôn giáo góp phần làm đẹp đất nước. Ngay từ khi làm Giám mục, do nhu cầu sinh hoạt và phát triển của giáo phận thúc đẩy, ngài đã nghĩ ngay đến việc xây dựng lại TGM, xây mới ĐCV với quy mô lớn để phục vụ Hội Thánh. Cơ sở chúng ta đang thấy hiện nay có tới 8 khối nhà với một quy mô xây dựng thật lớn lao. Có thể nói công trình tôn giáo này đã thành niềm tự hào cho Đồng Nai và cả nước. Mười năm là một thời gian kỷ lục để còn xây dựng thêm Nhà Hưu dưỡng linh mục, Trường Trung cấp nghề Hòa Bình… Đó là chưa kể nhiều chục nhà thờ, cơ sở mục vụ, cộng đoàn các dòng tu trong giáo phận được làm mới lại rất nghệ thuật và có giá trị kiến trúc.
Cho đến nay Ngài vẫn còn ấp ủ một thao thức là xây dựng một Trung Tâm Đức Mẹ tại Núi Cúi, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất trên một ngọn núi cao 180 mét so với mặt nước biển và trên một qui mô hơn 90 hecta. Công việc đang bắt đầu và sẽ là một công trình văn hóa nghệ thuật tôn giáo có tầm cỡ tại Việt Nam.
Kết luận
Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam từ khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, cho đến nay, đã có lịch sử trên 400 năm. So với Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thì đạo của chúng ta đến muộn, tuy nhiên văn hoá đạo vẫn có một chỗ đứng nhất định trong nền văn hoá Việt Nam. Những đóng góp của đạo Công Giáo với văn hoá dân tộc thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực: lối sống đạo, ngôn ngữ – chữ viết, báo chí, văn chương, kiến trúc…
Sẽ là thiếu khách quan và không công bằng nếu như chúng ta phủ nhận những đóng góp có thể coi là tích cực này của giáo phận Xuân Lộc, dù đây một giáo phận trẻ so với dòng lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo mục tử của Đức Cha Đaminh nếp sống chan hòa tình làng nghĩa xóm của người giáo dân và những sinh hoạt lễ hội mang nội dung đạo đang gần gũi với đồng bào tại các địa phương. Những công trình kiến trúc tôn giáo như Tòa Giám Mục, Đại Chủng Viện, nhà hưu dưỡng linh mục, trường nghề Hòa Bình trở thành một biểu tượng của sự phát triển xã hội trong thời đại mới. Các tác phẩm văn chương của tác giả Song Nguyễn cũng đang hòa nhập với nhịp thở của dân tộc và trở thành một mảng văn chương tôn giáo. Từng dòng chữ ở đây đã trở thành lời rao truyền, và từng nhân vật ở đây đã trở thành chứng tá.
Ngài là một mục tử, và ngài cũng là một người viết văn vì thế chứng từ văn hóa Công giáo của Ngài tại giáo phận Xuân Lộc dù là vật thể hay phi vật thể, thực sự đã đóng góp cho sự thăng tiến xã hội, nhất là về mặt tinh thần, tư tưởng và đức Tin. Nhờ đó, cùng với những vị chủ chăn khác như Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần và bộ sách “Thao thức” 5 tập, hơn 2500 trang; hay Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống với bộ “Hạt nắng vô tư” cũng 5 tập dày hơn 1000 trang, đang làm cho khuôn mặt Giáo hội đẹp hơn giữa xã hội và trên hết đang bảo vệ Giáo Hội, làm cho Tin Mừng nhập thể vào xã hội.
Ngày nay Giáo Hội Việt Nam đang rất cần những trí thức Công Giáo, cần những nhà nghiên cứu trên mọi lĩnh vực để góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Trường hợp Đức Cha Đaminh Nguyễn chu Trinh vị chủ chăn nhân hiền của giáo phận, nhờ uy tín và tầm ảnh hưởng của Ngài, nhất là nhờ “tất cả vì tình yêu Đức Kitô”, chúng ta tin Ngài sẽ đẩy hiệu quả tông đồ trong văn chương và văn hóa đi rất xa, trở thành một phương thức Tân Phúc Âm hóa trong thời đại chúng ta. Đặc biệt trong tương lai khi ngài hoàn tất việc xây dựng Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi, chúng ta sẽ hãnh diện đây là một công trình văn hóa tôn giáo có tầm cỡ trong khu vực góp phần với việc phát triển xã hội.
Xin cám ơn quý Đức Cha và tất cả mọi người.
Lm. Đaminh Ngô Công Sứ