Bài suy niệm tại cơ mật viện bầu Giáo hoàng năm 2013 đã được bật mí
Bản tin chính thức của Tòa Thánh đã cho đăng bài suy niệm được Đức Hồng Y người Malta là Prosper Grech đọc cho các vị Hồng Y cử tri tại cơ mật viện bầu giáo hoàng hồi tháng Ba năm nay, sau khi cửa Nhà Nguyện Sistine đã đóng lại.
Bài suy niệm này được đọc ngày 12 tháng Ba, liền sau đó là việc bỏ phiếu của các Hồng Y cử tri, việc mà Đức HY Grech không được tham dự vì đã 87 tuổi. Sau đây là một số đoạn chủ yếu đăng trên Acta Apostolicae Saedis số 5 tháng Tư tới 3 tháng 5 năm 2013, liên quan tới những điểm “mà Chúa Kitô muốn có nơi Giáo Hội của Người”.
"Hành động mà chư huynh sắp thực hiện bên trong Nhà Nguyện Sistine này…” – Prosper Grech
[…] Tôi không có ý định tạo ra căn tính mẫu cho vị tân giáo hoàng, lại càng không phải trình bày một kế sách hành động cho vị giáo hoàng tương lai. Nhiệm vụ rất tế vi này là của Chúa Thánh Thần, Đấng, trong nhiều thập niên mới đây đã thương ban cho chúng ta hàng loạt các vị giáo hoàng tuyệt vời thánh thiện. Ý định của tôi (chỉ) là: rút tỉa từ Thánh Kinh một vài suy tư giúp chúng ta hiểu Chúa Kitô muốn gì nơi Giáo Hội của Người. […]
Tin Mừng không khoan nhượng
Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu sai các tông đồ đi khắp thế giới để làm muôn dân thành môn đệ và rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần (Mt 29:19). Giáo Hội làm điều này bằng cách trình bày Tin Mừng không khoan nhượng, không làm loãng bất cứ lời nào. […]
Khi ta khoan nhượng đối với Tin Mừng, ta sẽ giốc rỗng hết mọi tính năng động của nó như thể lấy hết chất nổ khỏi trái lựu đạn cầm tay. Ta cũng không được sa cám dỗ mà nghĩ rằng vì người ta tin Công Đồng Vatican II đã san bằng ơn cứu rỗi cho cả những người ở bên ngoài Giáo Hội nữa, nên nhu cầu rửa tội đã trở thành tương đối. Ngày nay còn có thêm sự lạm dụng của nhiều người Công Giáo dửng dưng, họ sao lãng hay bác bỏ việc rửa tội cho con cái.
Tai tiếng của Thánh Giá
Việc công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã trở thành cụ thể qua việc công bố “Chúa Giêsu Kitô, và là Đấng bị đóng đinh” (1 Cor 2:2). […] Chính tai tiếng của Thánh Giá này đã khiêm hạ hóa “sự kiêu căng” trong tâm trí con người và nâng nó lên để nó chấp nhận sự khôn ngoan phát xuất từ trên cao. Cả trong trường hợp này nữa, tương đối hóa con người của Chúa Kitô bằng cách đặt Người song song với các “vị cứu tinh” khác là giốc rỗng Kitô Giáo hết mọi bản chất của nó.
Chính việc rao giảng về tính vô lý của Thánh Giá, trong non 300 năm, đã thu nhỏ các tôn giáo của Đế Quốc Rôma đến tận cùng và mở tâm trí người ta đón nhận viễn ảnh mới của hy vọng và phục sinh. Thế giới hiện đại cũng đang khát khao cùng một niềm hy vọng này, sau khi khốn khổ vì cơn trầm cảm hiện sinh.
Giáo Hội của Tử Đạo
Chúa Kitô bị đóng đinh liên hệ chặt chẽ với Giáo Hội bị đóng đinh. Đây là Giáo Hội của các tử đạo, từ những tử đạo của các thế kỷ đầu tiên tới rất nhiều tín hữu ngày nay, trong nhiều quốc gia, đang gặp nguy cơ tử hình chỉ vì đi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. […] Chúa Giêsu từng tiên báo “nếu họ bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15:20). Cho nên, bách hại là “quid constitutivum” (điều tạo nên) Giáo Hội, […] nó là cây thập giá mà ta phải ôm lấy. Nhưng bách hại không luôn luôn là thể lý, vì còn thứ bách hại của lầm lạc nữa: “Phúc cho các con khi người ta lăng mạ các con và bách hại các con, và nói đủ loại xấu xa một cách lầm lạc về các con vì Thầy” (Mt 5:11). Gần đây, chư huynh cảm nghiệm rõ điều này qua một số cơ quan truyền thông vốn không yêu thương gì Giáo Hội. Khi lời tố cáo lầm lạc, ta đừng lưu ý tới nó, dù nó gây cho ta nỗi đau mênh mông.
Khi lời tố cáo nói sự thật
Khi điều người ta nói về ta là sự thật thì lại là chuyện khác, như từng xẩy ra trong nhiều lời tố cáo tội ấu dâm. Lúc đó, ta phải khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta, và tìm cách nhổ tận gốc cái ác bằng mọi giá, như Đức Bênêđíctô từng làm, với lòng hối tiếc sâu xa. Và chỉ bằng cách này, ta mới lấy lại được tính khả tín trước mặt thế giới và nêu được gương thành thực. Ngày nay, nhiều người không tiến tới chỗ tin vào Chúa Kitô nữa vì gương mặt Người đã bị phủ bóng hay bị dấu kín đàng sau một định chế thiếu trong sáng. Nhưng nếu gần đây ta khóc vì nhiều biến cố không đẹp, từng xẩy ra với các giáo sĩ và giáo dân, thậm chí ngay trong phủ giáo hoàng, thì ta phải sét rằng các sự xấu xa này, dù lớn lao bao nhiêu, nhưng nếu so với một vài xấu xa trong lịch sử Giáo Hội, thì không là gì mà chỉ là một cơn nóng lạnh. Và cũng như các sự xấu xa kia đã nhờ ơn Chúa trợ giúp mà vượt qua được thế nào, thì cơn khủng hoảng lần này cũng sẽ được vượt qua như thế. Nhưng cả cơn nóng lạnh cũng cần được chữa chạy đàng hoàng để nó đừng biến thành chứng viêm phổi.
Khói Satan trong Giáo Hội
Tinh thần xấu xa của thế gian, “mysterium iniquitatis” (mầu nhiệm sự ác) (2 Tx 2:7), không ngừng cố gắng xâm nhập Giáo Hội. Mặt khác, ta đừng bao giờ quên lời cảnh cáo của các tiên xưa tại Do Thái là đừng tìm cách liên minh với Babylon hay Ai Cập, mà phải bước theo chính sách trong sạch "ex fide" (bằng đức tin) nghĩa là tin tưởng một mình Thiên Chúa (xem Is 30:1; 31:1-3; Hs 12:2) và giao ước của Người mà thôi. Hãy can đảm! Chúa Kitô làm tâm trí ta ra nhẹ nhàng khi Người nói lớn “Các con hãy tin tưởng, Thầy đã chiến thắng thế gian” (Ga 16:33). […]
Các ly giáo đang ló dạng
Không kém khó khăn cho vị giáo hoàng tương lai là nhiệm vụ duy trì hợp nhất trong chính Giáo Hội Công Giáo. Giữa những người cực đoan cực duy truyền thống và những người cực đoan cực duy cấp tiến, giữa các linh mục nổi loạn chống đức vâng lời và những người không chịu thừa nhận dấu chỉ thời đại, vẫn luôn có nguy cơ có những ly giáo nho nhỏ không những có thể gây hại cho Giáo Hội mà còn đi ngược thánh ý Thiên Chúa nữa: họp nhất bằng bất cứ giá nào. Nhưng hợp nhất đâu có nghĩa độc dạng. Hiển nhiên hợp nhất không đóng cửa đối với cuộc thảo luận bên trong Giáo Hội vốn hiện hữu trong toàn bộ lịch sử Giáo Hội. Mọi người được tự do phát biểu suy nghĩ của mình về trách nhiệm của Giáo Hội, nhưng các đề xuất này phải phù hợp với "depositum fidei" (kho tàng đức tin) mà vị giáo hoàng cùng với mọi giám mục có trách nhiệm phải gìn giữ. […]
Tự do tính dục và tiến bộ
Ngày nay, bất hạnh thay, thần học đang bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ yếu ớt là lối suy nghĩ đang thống trị môi trường triết học, nên ta cần một nền tảng triết học vững chắc để có thể khai triển các tín điều với một khoa chú giải giá trị biết nói thứ ngôn ngữ mà thế giới hiện đại có thể hiểu được. Tuy nhiên, đôi khi xẩy ra việc: các đề xuất của nhiều tín hữu đối với việc tiến bộ của Giáo Hội được đặt căn bản trên bình diện tự do tính dục. Chắc chắn, luật lệ và truyền thống chỉ có tính Giáo Hội thì có thể thay đổi được, nhưng không phải thay đổi nào cũng có nghĩa là tiến bộ, cần biện phân liệu các thay đổi này có nhằm gia tăng tính thánh thiện của Giáo Hội hay chỉ làm lu mờ nó. […]
Số còn lại ít ỏi không qùy gối trước thần Baan
Tại Tây Phương, ít nhất tại Âu Châu, Kitô Giáo đang gặp khủng hoảng. […]Ở đấy đang thống trị một sự ngu dốt và bất kính không những đối với học thuyết Công Giáo, mà ngay cả những điều ABC của Kitô Giáo nữa. Do đó mà có cảm nhận khẩn trương phải có cuộc tân phúc âm hóa bắt đầu với lời giảng sơ truyền tinh ròng (pure kerygma) và minh bạch công bố với người không tin, sau đó là việc liên tục dạy giáo lý với sự nuôi dưỡng của lời cầu nguyện. Nhưng Chúa không bao giờ bị bại bởi sự sao lãng của con người và xem ra, khi người ta đóng cửa đối với Người tại Âu Châu, Người đang mở cửa ở nơi khác, nhất là tại Á Châu. Và ngay ở Tây Phương, Thiên Chúa vẫn duy trì cho Người số sống sót (remnant) trong Israel nhất định không chịu qùy gối trước thần Baan, số sống sót mà ta tìm thấy phần lớn trong các phong trào giáo dân; các phong trào này được ban cho nhiều đặc sủng giúp họ góp phần đáng kể vào việc tân phúc âm hóa. […] Tuy nhiên, cần thận trọng để các phong trào này đừng tin rằng Giáo Hội đã cùng kiệt ở nơi họ. Tóm lại, Thiên Chúa không thể bị đánh bại bởi sự dửng dưng của ta. Giáo Hội là của Người, các cửa hỏa ngục sẽ không làm gót chân Giáo Hội bị thương mà nó cũng không thể bóp nghẹt được Giáo Hội. […]
Đức tin của người đơn sơ
Còn một yếu tố hy vọng nữa trong Giáo Hội mà ta không nên coi thường, đó là “sensus fidelium” (cảm thức của tín hữu). Thánh Augustinô gọi cảm thức này là “thầy dạy bên trong” của mọi tín hữu. […] Thầy dạy này tạo nơi thẳm sâu tâm hồn một tiêu chuẩn để biện phân chân giả, nó làm ta phân biệt một cách bản năng điều gì “secundum Deum” (hợp ý Chúa) điều gì phát xuất từ thế gian và từ tên ác quái (1 Ga 4:1-6). […] Ngọn than của đức tin đạo hạnh được giữ cho nồng cháy bởi hàng triệu các tín hữu đơn sơ, những người không hề được gọi là thần học gia nhưng nhờ sự nồng đậm của lời cầu nguyện, của suy niệm và sùng kính đã có thể đem tới nhiều tham kiến sâu sắc cho các mục tử của mình. Chính những người này “sẽ tiêu diệt cái khôn của người khôn và vô hiệu hóa cái hiểu của người hiểu” (1 Cor 1:19). Điều này có nghĩa: khi thế gian, với tất cả các nhận thức và tri thức của nó, từ bỏ lời của lý trí nhân bản, thì Lời của Thiên Chúa sẽ sáng lên trong các tâm hồn đơn sơ, vốn hợp thành sinh tủy nuôi dưỡng toàn bộ xương sống của Giáo Hội.[…]
Dưới bàn tay Chúa Kitô phán xét
Dù tuyên xưng Chúa Thánh Thần là linh hồn Giáo Hội, ta không luôn lưu tâm tới Người trong các kế hoạch của ta về Giáo Hội. Người vượt lên trên mọi phân tích xã hội học và mọi tiên đoán sử học. Người siêu việt mọi tai tiếng, mọi chính trị nội bộ, mọi tham vọng, và mọi vấn đề xã hội, vốn vì những phức tạp của chúng mà đang che khuất gương mặt Chúa Kitô, một gương mặt phải ngời sáng qua cả những đám mây dầy đặc. Ta hãy lắng nghe Thánh Augustinô: “Các tông đồ thấy Chúa Kitô và tin vào Giáo Hội mà các vị không thấy; ta thấy Giáo Hội và phải tin vào Chúa Kitô, Đấng mà ta không thấy. Nhờ bám chặt lấy điều ta thấy, ta sẽ tiến tới chỗ thấy Đấng mà hiện nay ta không thấy” (Bài Giảng 328, 3).[…] Năm 1961, Đức Gioan XXIII, tại Nhà Nguyện Sistine, đã tiếp kiến ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh. Chỉ vào khuôn mặt trọng vọng của Chúa Kitô phán xét trong bức tranh tường của Michelangelo, ngài nói với họ rằng Chúa Kitô cũng sẽ phán xét hành động của từng quốc gia trong lịch sử. Chính chư huynh cũng đang hiện diện tại cùng một Nhà Nguyện này, dưới khuôn mặt của Đấng Kitô ấy với bàn tay giơ cao không phải để đè bẹp mà để soi sáng lá phiếu của chư huynh, để nó “secundum Spiritum,” chứ không “secundum carnem” (theo Thần Khí chứ không theo xác thịt) […] Chính bằng cách này người được chọn không phải là của chư huynh mà là của Người. […]
Vũ Văn An