Bánh Trường sinh – Bài giảng Chúa nhật XVIII Thường niên năm B
Sau khi Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, những người Do Thái chỉ nhìn phép lạ ấy với cái nhìn trần tục, họ mong nhận được bánh mỗi ngày để khỏi phải lao động. Chúa Giêsu muốn nói với họ về Bánh Trường Sinh mà Người ban tặng cho thế gian. Bánh ấy không đơn thuần là vật chất, mà là chính Thịt và Máu Người.
Báo cáo về Tình trạng An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên thế giới được thực hiện tháng 7-2020, ước tính có khoảng 690 triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn trong năm 2019 – tăng thêm 10 triệu người so với năm 2018 và thêm gần 60 triệu người trong vòng 5 năm. Với đại dịch Covid-19, tình hình thiếu đói lương thực còn nghiêm trọng hơn, nhất là ở những quốc gia châu Phi và châu Á. Lương thực là một trong những nỗi lo căn bản của con người. Nó cũng là nguyên nhân gây xung đột ở nhiều cấp độ, thế giới, quốc gia, vùng miền và cá nhân.
Cùng với nạn đói lương thực, con người cũng đang trải qua những nạn đói khác. Đó là đói khát Chân lý và Tình thương. Con người hiện hữu trên trần gian luôn mong muốn tìm về cội nguồn của mình. Con người cũng luôn mong muốn được yêu thương. Những nhu cầu về bánh ăn, mặc dù rất cần thiết để tồn tại, không làm cho con người thoả mãn trọn vẹn. Cùng với nhu cầu về cơm bánh, con người còn có nhu cầu tìm về Chân Lý. Đức Giêsu đến trần gian để khẳng định với chúng ta: điều mà nhân loại đang tìm kiếm, đó là Chúa Cha, là Thượng Đế, là Ông Trời, là Tạo Hoá. Chính bản thân Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người dẫn chúng ta đến gặp Chúa Cha, là Cha chung của gia đình nhân loại và là nguồn mạch của mọi sự thiện hảo. Được gặp gỡ Chúa, con người sẽ thoả mãn những ước vọng thâm sâu của mình.
Tác giả sách Xuất hành kể lại một sự kiện trong lúc hành trình sa mạc của người Do Thái để về Đất Hứa. Trước những những nhu cầu cấp thiết của họ, Thiên Chúa đã làm mưa manna và cho chim cút bay đến, làm lương thực và thực phẩm cho dân. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài, trong bốn mươi năm hành trình sa mạc, dân Do Thái không cày cấy, không canh tác và trồng tỉa mà vẫn có đủ lương thực và thực phẩm để nuôi sống phần xác. Qua đó, Chúa thể hiện lòng trung tín với dân mà Ngài đã dẫn đưa họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Nếu Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng và tình thương của Ngài trong lịch sử qua hành động cung cấp manna và chim cút, thì nay, Ngài lại tiếp tục thực hiện những điều lạ lùng qua Chúa Giêsu Kitô. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái, có liên quan đến đề tài Bánh. Sau khi Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, những người Do Thái chỉ nhìn phép lạ ấy với cái nhìn trần tục, họ mong nhận được bánh mỗi ngày để khỏi phải lao động. Chúa Giêsu muốn nói với họ về Bánh Trường Sinh mà Người ban tặng cho thế gian. Bánh ấy không đơn thuần là vật chất, mà là chính Thịt và Máu Người. Bánh này là lương thực thiêng liêng để nuôi sống con người, biến đổi làm cho cho họ được trở nên thần linh. Nhờ ăn bánh này mà con người được chia sẻ sự sống của Đấng Tối cao. Khi nhắc lại sự kiện manna trong Cựu Ước, Chúa Giêsu nối kết quá khứ với hiện tại, như hành động có tính liên tục của Thiên Chúa, mặc dù ở bình diện và cấp độ khác. Thiên Chúa, Đấng đã nuôi dưỡng tổ tiên người Do Thái trong sa mạc bằng manna, giờ đây tiếp nối hành động yêu thương ấy qua chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa, Đấng ban manna thời ông Môisen và Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu là một. Cuộc tranh luận với người Do Thái trong Tin Mừng Thánh Gioan (chương 6) cũng là mạc khải từng bước giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Đây vừa là lời khích lệ, vừa là lời hứa cho những ai thành tâm đón nhận lương thực thiêng liêng trong đức tin chân thành và tâm tình yêu mến.
Con người hôm nay không chỉ đói lương thực, nhưng còn đói khát kiến thức, văn hóa, và nhất là đói khát tình thương. Điều nghịch lý là trong khi của cải càng ngày càng phong phú, kỹ nghệ máy móc càng ngày càng tinh vi, thì tình người càng ngày càng nghèo đi. Sự nghèo về tình người dẫn đến nghèo về cơm bánh, vì khi người ta sống ích kỷ thì không có sự chia sẻ giúp đỡ nhau. Giáo Hội luôn kêu mời và cổ võ những hoạt động thiết thực nhằm giải phóng con người khỏi đói nghèo, dốt nát và hận thù. Sống màu nhiệm Thánh Thể cách đích thực là cảm thông chia sẻ với người nghèo đói, để họ được sống theo đúng phẩm giá con người và phẩm giá của con Thiên Chúa. Qua Giáo Hội và qua mỗi Kitô hữu, Thiên Chúa vẫn đang đến cứu giúp những người nghèo khó bất hạnh, để nâng đỡ họ và giúp họ vững bước trong đường đời.
Như dân Do Thái xưa trong hành trình sa mạc, chúng ta đang sống trong cuộc lữ hành trần gian. Cuộc sống đan xen những vui buồn, và đầy những gian nan trắc trở. Giữa những buồn vui trắc trở ấy, chúng ta cần được Chúa dưỡng nuôi thêm sức. Bánh trường sinh mà Chúa Giêsu đã hứa, chính là bản thân Người, tự hiến để nên của ăn của uống thiêng liêng cho chúng ta. Thánh Phaolô khuyên chúng ta, một khi lãnh nhận của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Chúa, cuộc đời của chúng ta phải được biến đổi: “Anh em hãy cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. Con người mới mà Thánh Phaolô nói tới, chính là con người được thần linh hóa nhờ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, nhờ vậy, chúng ta nên một với Người và hình ảnh của Người tỏa sáng nơi cuộc đời chúng ta.
Mỗi khi dâng thánh lễ và rước Thánh Thể, chúng ta được đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu. Thịt Máu Chúa trở nên máu thịt của chúng ta để nuôi dưỡng và biến đổi chúng ta nên giống như Người. Đó là tác động kỳ diệu của Thánh Thể nơi cuộc đời người tín hữu. Đây là Bí tích của Đức tin. Chỉ có Đức tin mới giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện nhiệm màu. Vâng, Đức Giêsu hiện diện trong Thánh Thể để ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế, như lời Người đã hứa.
Như trên đã nói, số người nghèo đói trên thế giới hiện nay có nguy cơ tăng thêm. Tuy vậy, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự nghèo đói là do phân phối tài sản không đồng đều. Nếu con người bớt ích kỷ, nếu người giàu biết chia sẻ cho người nghèo, nếu những quốc gia phát triển văn minh biết quan tâm đến các dân tộc còn lạc hậu và nghèo nàn, thì nạn đói sẽ bị xoá sạch và thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nói đến chuyện thế giới thì xa xôi, mỗi chúng ta, hôm nay và ở địa vị cụ thể mình đang sống, hãy làm một điều gì có thể để nâng đỡ những người nghèo khó xung quanh, đang có nhu cầu cấp thiết trong đời sống. Trong thời gian dịch Covid-19, chúng ta được chứng kiến tấm lòng quảng đại của người dân Việt: những bữa cơm miễn phí, những dịch vụ “không đồng” là những chia sẻ tuyệt vời, bất kể nhân danh tôn giáo nào, cũng là những hành động nhân văn đầy tình người. Đối với người tín hữu, những nghĩa cử bác ái với tha nhân là những chứng từ sống động cho thấy chúng ta là con cái của Cha trên trời. Chúng ta hãy cầu nguyện với Thánh Augustinô:
Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là Tình Yêu tràn đầy và là sự ý thức chắc chắn của con. Với Lời của Chúa, Chúa đã gặp gỡ trái tim con và con trở thành người yêu của Chúa. Nhưng cũng như bầu trời, trái đất và tất cả những gì chất đầy nơi chúng, tất cả đều nói với con rằng, con cần phải yêu mến Chúa.
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org