Báo chí thế giới khen ngợi cuộc viếng thăm đảo Lampedusa của ĐTC
Như đã được loan tin hồi đầu tháng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc động trước cái chết của bảy người nhập cư bất hợp pháp vào giữa tháng 6 tại Địa Trung Hải, và đã quyết định đến thăm đảo Lampedusa để thả một bó hoa tưởng niệm những người đã chết trên biển và kêu gọi sự tôn trọng những người nhập cư và người tị nạn.
Tuy chương trình của Đức Thánh Cha là sẽ đi một mình, không có Giám mục hoặc chính quyền dân sự tháp tùng, nhưng hàng trăm ký giả đã chờ đón ngài, báo chí toàn cầu đã đồng loạt đưa tin và khen ngợi cuộc viếng thăm bằng những lời lẽ đầy thán phục.
Đây là cuộc hành trình đầu tiên ra ngoài Rome cuả Ngài. Và nhiều bình luận gia đã lưu ý rằng đây là một bằng cớ nữa chứng tỏ Đức Thánh Cha muốn triều đại cuả Ngài là một triều đại cho những người bị bỏ rơi.
10 ngàn người đã tham dự thánh lễ trên bãi biển, một con số lớn gần gấp đôi dân số của đảo (6000 người).
Ngài đã tới thăm những người tị nạn, mà phần đông là dân Hồi Giáo từ vùng Bắc Phi sôi động, trên một chiếc xe mượn, một chiếc xe Fiat loại Jeep mui trần.
Ngài ngỏ lời chào đón những người Hồi giáo trong đám đông, chúc họ một tháng chay Ramadan tốt đẹp.
Một số biểu ngữ viết "Chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô" và "Đức Thánh Cha là một người trong chúng tôi".
Bản thân Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là một người con của những người nhập cư từ Ý đến Argentina trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã mặc bộ áo lễ màu tím, màu của xám hối, đã kết án điều mà Ngài gọi là "sự thờ ơ toàn cầu" đối với những đau khổ cuả dân tị nạn, nguyên văn: "Chúng ta đã rơi vào một sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ," ("We have fallen into a globalisation of indifference,").
Bàn thờ được làm bằng những khúc gỗ lấy từ những chiếc thuyền bỏ rơi. Bãi tha ma cuả đám thuyền bè nằm ngay sát khu hành lễ, chồng chất với hàng chục con thuyền mục nát và những mảnh quần áo tả tơi, là di tích cuả những cuộc vượt biển gian lao trên những con thuyền đầy ắp người và đã bị đám 'con buôn người tị nạn' bỏ lại.
Hàng chục ngàn người di cư, chủ yếu từ châu Phi, đã đến Lampedusa trong những năm gần đây để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Châu Âu. Hầu hết các con tàu khởi hành từ Tunisia hoặc Libya. Đảo Lampedusa chỉ cách Tunisia có 70 dặm (113 km) đường biển.
Tưởng nhớ đến những nạn nhân trên biển, nhất là những người chết oan vì bị từ chối giúp đỡ, Đức Giáo Hoàng nói: "Chúng tôi xin tha thứ cho sự thờ ơ cuả rất nhiều anh chị em trong chúng tôi,"
Với thế giới, Đức Thánh Cha gởi tới một thông điệp: "Nền văn hóa 'vinh thân phì gia' làm cho chúng ta chỉ nghĩ tới bản thân mình, làm cho chúng ta không còn nhạy cảm với tiếng kêu cứu của những người khác", Đức Thánh Cha kêu gọi cần có "một tinh thần trách nhiệm huynh đệ" đối với những người tị nạn.
Chỉ vài giờ trước khi Đức Thánh Cha đến, một chiếc thuyền đã đến đảo mang theo 166 người di cư, nhiều người trong số họ đã kiệt sức và mang thương tích và một số đông đi chân đất. Người ta đã khiêng trên cáng một số người nằm liệt, còn những người khác đã được cung cấp nước uống và thực phẩm.
Đức Thánh Cha đã gặp một nhóm người nhập cư trẻ tuổi, nhiều người trong số họ đến từ Eritrea.
Một thiếu niên nói với Đức Thánh Cha rằng họ đã phải "chịu đựng khủng khiếp" trên cuộc hành trình sau khi bị "cướp sạch" bởi giới con buôn.
Đức Thánh Cha cũng không quên vinh danh người dân địa phương, một làng chài với dân số 6.000 trên một hòn đảo 7.7 miles vuông (20 km2) vì sự hổ trợ và khoan dung mà họ đã thể hiện đối với các thuyền nhân từ nhiều năm nay.
"Có thể nói tấm gương quý bạn là một ngọn hải đăng cho thế giới," Đức Thánh Cha nói.
Trần Mạnh Trác (08/07/2013)