Báo Time: Đức Phanxicô, Vị Giáo Hoàng của Dân
Khi chọn Đức Phanxicô làm người của năm 2013, Báo Time, qua hai ký giả Howard Chua-Eoan và Elizabeth Dias, đã vắn tắt mô tả ngài như sau:
“Ngài lấy tên của một vị thánh khiêm nhường và rồi kêu gọi một Giáo hội hàn gắn. Vị giáo hoàng không phải người Âu Châu đầu tiên trong 1,200 năm sẵn sàng biến đổi một nơi vốn đo lường thay đổi bằng hàng thế kỷ”.
Hành Lang C
Đây là tên một con phố lầy lội ở ngoại ô Buenos Aires dẫn tới một khu ổ chuột, nơi hoạt động thường xuyên của các băng đảng ma túy, với những chữ như asesino (sát nhân) nguệch ngoạc trên tường. Chó mèo lang thang kiếm ăn bên dưới những chiếc xe hơi vứt bỏ. Trẻ em nô dỡn không cần lưu ý tới lưu thông, vì chả có chiếc xe nào dám tăng tốc độ ở con đường lồi lõm lầy lội này. Chỉ có điều Hành Lang C vẫn có thể dẫn tới Rôma.
Bởi lúc còn là Hồng Y và tổng giám mục Buenos Aires, một thành phố với 13.5 triệu linh hồn, Jorge Mario Bergoglio hàng năm vẫn dành thì giờ hiếm hoi của mình tới thăm mục vụ khu này. Ngài thường cuốc bộ tới trạm xe lửa ngầm gần Nhà Thờ Chánh Tòa nhất, ngôi chánh tòa với những hàng cột và chiếc tháp vòm cân xứng với trung tâm quyền lực Á Căn Đình. Đi một mình, ngài thường đổi qua chiếc xe điện nguệch ngoạc hình vẽ để tới Mariano Acosta, tới một nơi xe lửa ngầm không thể tới. Ngài hoàn tất cuộc hành trình bằng chân, nặng nề lê bước trong đôi giầy đen chỉnh hình cồng kềnh dọc theo Hành Lang C. Vào những ngày khác, ngài tới thăm các khu ổ chuột khác khắp trong thành phố – biết bao khu vực thiếu thốn biết bao điều, nhưng chẳng có khu vực nào quá nghèo và quá dơ bẩn đối với một cuộc viếng thăm của ông hoàng lang thang này của Giáo Hội. Reza por mí, ngài xin mọi người ngài gặp như thế, xin cầu cho tôi.
Ngày 13 tháng Ba, khi Bergoglio thừa hưởng ngôi tòa Phêrô, người giữ chìa khóa nước trời, ngài cũng đã xin thế giới như vậy. Xin cầu cho tôi. Lá thư từ nhiệm của ngài, một đòi hỏi đối với mọi giám mục từ 75 tuổi trở lên, đã nằm sẵn tại Vatican, chờ được chấp thuận. Bạn bè ở Á Căn Đình đã thấy ngài có phần giảm tốc, như một người mất sức. Nhưng bỗng chốc, ngài trở thành một con người mới, tự gọi mình là Phanxicô, theo tên vị thánh khiêm nhường tại Assisi. Trong tư cách giáo hoàng, ngài bỗng trở thành nguyên thủ của Thị Quốc Vatican và đứng đầu một định chế quá đông đúc (đông không khác Trung Quốc), quá đóng khung trong trật tự, quá rối mù về hành chánh, quá bao la trong hoạt động bác ái, quá è cổ vì tai tiếng, quá nhiều phân cực (polarising) đối với những ai nghiên cứu giáo huấn của nó, quá mầu nhiệm đối với những người không mầu nhiệm, đến nỗi khoảng cách giữa ngài và các khốn cùng hàng ngày của người nghèo thế giới xem ra khó lòng có thể bắc cầu qua được. Cho tới lúc vị giáo hoàng thứ 266, trong đôi giầy cồng kềnh, bước vào trả tiền trọ khách sạn.
Biến ông già 70 thành siêu sao
Ngôi giáo hoàng là một điều mầu nhiệm và kỳ diệu: nó biến một ông già 70 thành một siêu sao trong khi hầu như không tiết lộ điều gì về chính con người của ngài. Nó còn gợi lên nhiều hy vọng ở mọi ngõ ngách trên thế giới, những niềm hy vọng chẳng bao giờ được nên trọn, đơn giản chỉ vì chúng quá trái ngược nhau. Những người duy truyền thống cao niên chỉ những mong một thánh lễ La Tinh. Người đàn bà trẻ tuổi đạo hạnh chỉ ước mong trở thành linh mục. Tất cả đều hy vọng. Ông đức ông đầy tham vọng ở Giáo Triều Rôma và ông phó tế truyền giảng Tin Mừng ở Phi Luật Tân xa xôi, tất cả đều hy vọng. Chẳng có ông giáo hoàng nào thoả mãn họ cùng một lúc được.
Nhưng điều biến vị giáo hoàng này thành quan trọng như thế chính là vận tốc trong việc ngài nắm bắt được óc tưởng tượng của hàng triệu người từng hết còn hy vọng chút nào nơi Giáo Hội nữa. Người ta mỏi mệt trước các thất bại vô tận của đạo đức tính dục, những tranh chấp nội bộ khôn nguôi giành quyền giành chức trong khi, nói theo kiểu Milton, “Đoàn chiên đói meo trông nhìn, mà không được một miếng”. Chỉ trong vòng vài tháng, Đức Phanxicô đã nâng sứ vụ hàn gắn của Giáo Hội, một Giáo Hội phục vụ và an ủi những con người bị thương tổn trong một thế giới quá khắc nghiệt, lên trên việc kiểm soát tín lý là việc được các vị tiền nhiệm gần đây coi trọng. Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều là các giáo sư thần học. Đức Phanxicô là một cựu coi nhà, một cựu an ninh hộp đêm, một cựu kỹ thuật viên hóa chất và một cựu thầy giáo văn chương.
Và phía đàng sau dáng dấp tự xóa bỏ mình, ngài là một người hành động khôn khéo. Ngài vận dụng một cách bậc thầy các khí cụ của thế kỷ 21 để thi hành chức vụ có từ thế kỷ thứ nhất của mình. Ngài được chụp hình đang rửa chân cho các nữ tù nhân, đứng tự chụp hình (selfies) với các du khách trẻ tới Vatican, ôm người dị hình trên khuôn mặt. Ngài được trích dẫn nói về các phụ nữ toan phá thai vì nghèo hay vì bị hiếp dâm: “Ai có thể không cảm động trước hoàn cảnh đau lòng như thế?” Nói về người đồng tính “nếu một người đồng tính có thiện chí và biết tìm kiếm Thiên Chúa, thì tôi là ai mà dám phê phán họ?” Với người Công Giáo ly dị và tái hôn, những người, theo luật, không được Rước Lễ, ngài nói rằng nghi thức chủ yếu này “không phải là phần thưởng cho những người hoàn thiện mà là món thuốc và của ăn mạnh mẽ cho những người yếu đuối”.
Qua việc cố ý và khéo léo nhắc lại các thời khắc trong thừa tác vụ của Chúa Giêu, như đã được kể trong các Tin Mừng, vị tân giáo hoàng này rất có thể đã tìm được lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh văn hóa của thế kỷ 20, từng làm cho Giáo Hội hấp hối tại phần lớn các nước Tây Âu và phải lui vào thế bào chữa suốt từ Dublin tới Los Angeles. Nhưng nghịch lý của ngôi giáo hoàng là: mỗi thành công của người mới đều bị đè nén bởi nhiều thành công rạng rỡ của các tiền nhiệm. Sức nặng của lịch sử, của tín lý và tín điều từng đan kết chặt chẽ với nhau hết thế kỷ này qua thế kỷ nọ, hết thiên tài này tới thiên tài khác, vừa là nguồn vừa là giới hạn đối với quyền lực giáo hoàng. Nó toả ra từ mọi bức tượng, mọi căn hầm và bản văn da thú vẽ tay ở Rôma, và ở các nhà thờ, các thư viện, các bệnh viện, các đại học và viện bảo tàng khắp thế giới. Một giáo hoàng chỉ có thể định được hướng đi của mình nếu hướng đi này phù hợp với những nẻo đường đã được lựa chọn.
Và do đó, Đức Phanxicô cho thấy dấu hiệu một thay đổi lớn lao trong khi vẫn đưa ra những câu trả lời tương tự như xưa cho các câu hỏi không thoải mái. Về vấn đề nữ linh mục: “Ta cần phải làm nhiều hơn nữa để khai triển một nền thần học sâu sắc về phụ nữ”. Điều này có nghĩa: không! Không đối với phá thai, vì sự sống cá thể bắt đầu từ lúc thụ thai. Không đối với hôn nhân đồng tính, vì mối liên kết nam nữ là do Thiên Chúa thiết lập. Ngài vốn nói: “giáo huấn của Giáo Hội… rất rõ, và tôi là con cái Giáo Hội, nhưng”, và tại đây, ngài thêm lời cầu nguyện cho chính ngài “không cần lúc nào cũng phải nói về các vấn đề này”.
Nếu lời cầu nguyện trên được đáp ứng, nếu cách nào đó, nhờ gương sáng sống động của mình, Đức Phanxicô có thể đem Giáo Hội vào mối tương quan mới với những người phê phán và bất đồng với Giáo Hội, nghĩa là chịu nhất trí bất đồng (agree to disagree) về các vấn đề đang chia rẽ nhưng sẵn sàng hợp tác trong sứ vụ khẩn cấp loan truyền lòng cảm thương, thì ngài đã đem lại một điều tốt chưa từng được ai nói tới. “Tranh luận ít đi, thực hiện nhiều hơn lên” rất có thể sẽ là khẩu hiệu hàn gắn của thời ta. Chúng ta có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Đức Phanxicô nói bằng gương sáng, Đừng cãi cọ nữa hãy xắn tay áo lên. Đừng để người hoàn hiện trở thành kẻ thù của người tốt, một điều quan trọng mà thế giới cần nghe, nhất là vì người nói câu này đang nắm giữ một chức vụ được coi là vô ngộ.
Một ngôi giáo hoàng đang thay đổi
Đức đương kim giáo hoàng là vị đầu tiên lấy tên Phanxicô, là tên vị thánh ở thế kỷ 13, từng rời bỏ gia đình giầu có đi sống với người nghèo. Phanxicô còn là vị thánh xây dựng hòa bình, vì ngài là nhà lãnh đạo Công Giáo đầu tiên qua tận Ai Cập để cố gắng chấm dứt các cuộc thập tự chinh. Vị thánh này đặt lòng thương xót làm nòng cốt cho đời mình.
Nguyên tên gọi cũng nói lên phần lớn nghị trình của Đức Phanxicô. Trong cuộc phỏng vấn của Cha Antonio Spadaro, chủ bút tờ Civiltà Cattolica, ngài thưa với cha rằng ngài coi “Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến”. Viễn kiến của ngài rõ ràng nặng về mục vụ, chứ không tín lý, chú trọng tới người nghèo, người tan nát và cô đơn về linh đạo. Ngài khai triển viễn kiến này hơn nữa trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Ngài viết: “tôi thích một Giáo Hội bị bầm tín, bị thương và lấm láp vì ở ngoài đường phố, chứ không phải một Giáo Hội không khỏe mạnh vì bị giam hãm và bám víu vào chính sự an toàn của mình”. Ngài nói rõ ngài không muốn nói xuông, ngài cần thay đổi thực sự.
Ngài hãm cái thói quen ban tước đức ông cho các linh mục như phương cách dẹp bỏ đầu óc ham hố nghề nghiệp, thay vào đó, kêu gọi họ đặt nặng mục vụ. Theo ngài, các ứng viên giám mục phải là “người hiền từ, nhẫn nại và thương người, được thúc đẩy bởi sự nghèo khó bên trong, bởi sự tự do của Chúa và bởi tính đơn sơ bề ngoài và cuộc sống khắc khổ”. Đối với Đức Phanxicô, nghèo khó không phải chỉ vì đức bác ái, mà còn vì đức công bằng nữa. Giáo Hội không nên phản ảnh Rôma, mà nên phản ảnh người nghèo.
Việc này giúp ta hiểu tại sao ngài đã biến chức Bố Thí (Almoner) của Vatican, trước đây vốn không ai biết tới, thành một cơ quan quan trọng và ủy thác cho một tổng giám mục là Konrad Krajewski, người Ba Lan, 50 tuổi, điều khiển với lời dặc dò “Đức Cha có thể bán bàn giấy đi, vì không cần tới nữa. Đức Cha cần ra ngoài Vatican. Đức Cha đừng chờ người ta tới bấm chuông. Đức Cha cần ra ngoài tìm kiếm người nghèo”. Đức TGM Krajewski đã phân phát nhiều món tiền nhỏ cho người túng thiếu trong đó có việc tặng 1,600 thẻ điện thoại để những người di dân bị chìm xuồng gọi về cho gia đình ở Eritrea. Hình thức giúp đỡ lặng lẽ này đã khiến có lời đồn chính đức Phanxicô cũng giả dạng linh mục thường để đích thân ra đường phố Rôma tìm kiếm giúp đỡ người nghèo. Việc này khiến Tòa Thánh đã phải đính chính.
Tờ Time, sau đó, đề cập tới cố gắng cải tổ Ngân Hàng Vatican của Đức Phanxicô qua việc thiết lập ủy ban điều tra nhưng sau đó, công việc được trao cho một công ty độc lập ở bên ngoài. Lần đầu tiên trong lịch sử 125, ngân hàng này vừa công bố phúc trình hàng năm của mình.
Tháng Tư, ngài thiết lập hội đồng 8 Hồng Y khắp thế giới. Hội đồng này sẽ họp nhiều lần mỗi năm để cùng ngài xem sét các vấn đề khó khăn trong Giáo Hội. Ngài cho biết “tôi không muốn các tham vấn cho có lệ, mà là các tham vấn thực sự”. Ngày 5 tháng 12 vừa qua, với đề nghị của hội đồng, một ủy ban đặc biệt về lạm dụng tình dục đã được thành lập, để nghiên cứu các phương cách tốt hơn nhằm bảo vệ trẻ em… Ủy ban sẽ không chú ý tới các thách thức về luật lệ mà chú trọng tới các vấn đề về tác phong hơn trong phạm vi lạm dụng tình dục này.
Phương cách Á Căn Đình
Trong bốn năm giữa lúc khám phá thấy mình có ơn gọi làm linh mục và lúc thực sự gia nhập chủng viện, Jorge Mario Bergoglio thú thực ngài “quan tâm tới chính trị nhưng chưa bao giờ đi quá việc tìm hiểu trí thức mà thôi”. Ngài nhận có và thích đọc các ấn phẩm của Đảng Cộng Sản nhưng cho biết chưa bao giờ là đảng viên cả. Nhiều nhà quan sát Á Căn Đình cho rằng quan tâm của ngài đối với người thiếu thốn phát sinh một phần từ kinh nghiệm của Á Căn Đình đối với chủ nghĩa Peron, một thứ pha trộn kỳ quặc giữa xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa từng diễn biến tại xứ sở này từ thập niên 1940 và được củng cố nhờ chính sách ve vãn giai cấp công nhân. Thứ ý thức hệ này tác động lên mọi chuyện ở Á Căn Đình, cả lúc đó lẫn bây giờ.
Các giới hạn đối với việc cải cách
Time cho rằng câu có thể định nghĩa được cả các hứa hẹn lẫn các giới hạn của triều đại Đức Phanxicô là câu “tôi là ai mà dám phê phán?”. Câu này là câu ngài trả lời hồi tháng Bẩy, khi được hỏi về người đồng tính luyến ái. Nhiều người cho rằng, với câu này, ngài đã thay đổi tín lý của Giáo Hội. Nhưng thực ra, ngài chỉ thay đổi cung giọng mà thôi, nhằm tìm ra con đường thực tiễn đưa tới việc gặp gỡ những người bị Giáo Hội hay đúng hơn bị sự nhấn mạnh thái quá của Giáo Hội đối với những điều được làm và những điều không được làm, bác bỏ. Qua kinh nghiệm mục vụ lâu năm với nhiều linh mục chánh xứ, ngài biết Giáo Hội hình như thoải mái trong các vấn đề hẹp hòi hơn là sự phức tạp của con người nhân bản và chính vì thế đã mất cả tín hữu lẫn khả tín tính của mình. Chính vì thế ngài khuyên mọi người suy nghĩ bao quát hơn: “Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai”.
Điều trên dường như không phải là một tiến bộ có ý nghĩa đối với Hoa Kỳ và các nước mở mang khác. Nhưng sự nhạy cảm của Đức Phanxicô đối với xu hướng đồng tính có một tác dụng khác nơi các quốc gia đang phát triển, vì tại đây việc kỳ thị đồng tính đã thành định chế hóa, khá phổ biến và bị ngăn cấm. Tương tự như thế, ngài cũng biết thế giới giầu có Tây Phương chú ý nhiều tới việc phong chức cho nữ giới. Nhưng theo ngài, tín lý Công Giáo không cho phép việc này. Tuy nhiên, trong tông huấn gần đây, ngài muốn giảm nhẹ tính trổi vượt của chức linh mục toàn nam giới, cho rằng việc họ độc quyền về bí tích không có nghĩa phái tính của họ là phái tính duy nhất được dành quyền trong Giáo Hội.
Điều trên không hẳn sẽ mang ngang quyền lại cho phụ nữ, nhưng tại những nơi số phận phụ nữ vẫn còn rất ảm đạm, thì viễn kiến này quả là một khích lệ lớn lao, vượt lên trên quan tâm phong chức cho phụ nữ. Khi một giám mục như Đức TGM Berhaneyesus Souraphiel của Addis Ababa nói tới phụ nữ trong Giáo Hội, ngài không nghĩ tới chuyện phong chức cho họ, mà nghĩ tới cuộc khủng hoảng tại các vùng hạ Sahara của Phi Châu, nơi họ vẫn còn phải chịu cảnh cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Cho nên ngài cố gắng vận động người Công Giáo mở một đại học dành cho phụ nữ để giải thoát họ khỏi cuộc khủng hoảng này. Ngài cho rằng lời tuyên bố của Đức Phanxicô là một tiến bộ lớn lao: “Lời ấy giúp ta nhiều lắm, vì ngài cho hay phụ nữ có một vai trò lớn lao trong Giáo Hội và trong xã hội”.
Time nhận định rằng tuy có đôi chút tiến bộ trong hai phạm vi đồng tính luyến ái và vai trò phụ nữ, nhưng phá thai thì tuyệt nhiên không. Đức Phanxicô nói rất rõ: “Đây không phải là việc để cải cách hay hiện đại hóa. Không phải là ‘chuyện tiến bộ’ khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách loại trừ sự sống nhân bản”. Dù thế đi nữa, giọng điệu thay đổi tín lý của Đức Phanxicô vẫn gây bất an cho những người bảo thủ trong Giáo Hội. Con số những người này khó có thể ước lượng nhưng không ai chối cãi sự hiện hữu của họ. Họ cho rằng ngài tiến quá nhanh ra khỏi phong cách truyền thống của Đức Bênêđíctô về phụng vụ, về việc cử nhiệm các giáo phẩm.
Nhiều người cũng lên tiếng phê phán việc ngài nhấn mạnh tới vai trò của giáo hoàng chỉ như một giám mục khác, dù là giám mục Rôma, chứ không phải Giáo Chủ Thượng Phẩm (Supreme Pontiff). Họ cho rằng điều này sẽ dẫn tới việc kết liễu ngôi vị giáo hoàng như thế giới đã biết đến cả hàng bao thế kỷ qua. Đầu tháng Mười vừa rồi, Mario Palmaro, một nhà đạo đức sinh học bảo thủ vốn làm việc cho Radio Maria dám đi xa đến nỗi là đồng tác giả một tiểu luận tựa là “Chúng Tôi Không Thích Vị Giáo Hoàng Này” (“We Do Not Like This Pope”). Tiểu luận này ngụ ý cho rằng Đức Phanxicô là một Ngụy Kitô vì ngài biết khôn khéo sử dụng truyền thông để phổ biến các tư tưởng không chính thống. Palmaro đặc biệt ngỡ ngàng trước cuộc phỏng vấn ngài dành cho chủ bút vô thần của nhật báo Ý La Republica, trong đó ngài được cho là đã nói “Tôi tin Thiên Chúa, không phải Thiên Chúa Công Giáo”. Đài phát thanh Maria đã sa thải Palmaro vì việc này. Nhưng qua tháng 11, khi Palmaro mắc chứng tê liệt, Đức Phanxicô đã điện thoại an ủi ông. Palmaro nói với các phóng viên “Tôi bị cú điện thoại gây xúc động đến nỗi chẳng nói năng được gì trong cuộc điện đàm. Ngài chỉ muốn cho tôi hay ngài cầu nguyện cho tôi”. Tuy nhiên, ông vẫn cho hay ông không thay đổi quan điểm của ông đối với chính sách của Đức Phanxicô.
Phần lớn các chỉ trích của giới bảo thủ cho rằng lời lẽ và cử chỉ của Đức Phanxicô không thể ăn nhập với di sản của các vị tiền nhiệm của ngài. Rõ ràng ý thức được điều này, nên Đức Phanxicô đã khôn khéo trích dẫn các trước tác của các vị tiền nhiệm để minh chứng sự liên tục. Là giáo hoàng đầu tiên được thụ phong linh mục sau Vatican II, ngài rất ca tụng các ý kiến của Đức Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã triệu tập công đồng này. Nhưng quả là một trách vụ tế nhị khi Đức Phanxicô có một điều mà không vị giáo hoàng nào từ thế kỷ 15 có: đó là một vị tiền nhiệm còn sống. Dù sống hoàn toàn ẩn dật trong Vườn Vatican, Đức Bênêđíctô vẫn là điểm hội tụ có thể có cho tất cả những ai sợ rằng Đức Phanxicô quá nới lỏng sợi dây cương tín lý. Từ trước đến nay, hai Đức Phanxicô và Bênêđíctô khá ăn ý với nhau: cả hai vị ca tụng lẫn nhau và Đức Phanxicô đã hậu hĩnh trích dẫn vị tiền nhiệm trong tông huấn đầu tiên của mình. Dù gì, ngài cũng phải giữ Đức Bênêđíctô về phía mình, vì Đức Bênêđíctô là người cơ chế hóa các quan điểm bảo thủ của Đức Gioan Phaolô II, người được đa số người Công Giáo, nhất là phía hữu, coi là anh hùng.
Đức Phanxicô sẽ tiếp tục chính sách của cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô về hoà dịu và liên hệ anh em với Do Thái Giáo. Ngài dự định qua thăm Israel vào tháng Năm tới. Nhưng với kinh nghiệm làm việc với người di dân Hồi Giáo tại Á Căn Đình, chắc chắn ngài sẽ mở rộng liên hệ tốt với Hồi Giáo hơn Đức Bênêđíctô, người có lần đã làm giới Hồi Giáo xôn xao vì bài diễn văn tại Regensburg. Ngài cũng tỏ ra mềm dẻo hơn với lòng đạo đức Thệ Phản, lòng đạo đức tin lành; ngài từng làm người Công Giáo ở Á Căn Đình ngỡ ngàng khi qùy gối nhận phép lành của các mục sư Thệ Phản tại một hội trường ở Buenos Aires.
Lúc còn ở quê nhà, vị giáo hoàng tương lai cũng đã nói rằng việc độc thân của giáo sĩ chỉ là một triển khai gần đây (khoảng năm 1000) và xem ra có thể thay đổi được. Và cũng tại Á Căn Đình, ngài từng tham dự đám tang của một cựu giám mục phản loạn, từng rời bỏ Giáo Hội để kết hôn. Trong đám tang này, ngài đã yên ủi quả phụ của giám mục phá giới. Ngài cũng có thiện cảm với những người tan vỡ hôn nhân: chính người em gái duy nhất còn sống sót tức María Elena Bergoglio cũng là một người ly dị. Ở Á Căn Đình, ngài làm việc gần gũi với những người Công Giáo ly dị và tái hôn, một số trong số này vẫn tiếp tục rước lễ. Là giáo hoàng, ngài đã cho triệu tập một Thượng Hội Đồng Đặc Biệt vào tháng 10 năm 2014 để thảo luận các thách thức mục vụ đối với các gia đình hiện đại, trong đó có vấn đề đạo đức tính dục, ly dị, sống chung và sinh sản.
Time có một dè dặt: Đức Phanxicô mới chỉ làm giáo hoàng chưa đầy một năm, nên ngôi vị giáo hoàng vẫn có thể thay đổi sau đó. Năm 1846, Đức Piô IX lên ngôi giáo hoàng với hy vọng lớn sẽ đem đạo Công Giáo tới chỗ tự do hơn, nhưng kết cục, đã trở thành quán quân của bảo thủ: tín điều vô ngộ và cực lực chống lại các thế lực thế tục.
Một ngày trong cuộc sống
Đức Phanxicô bắt đầu ngày sống của ngài bằng cầu nguyện. Ngài thức giấc lúc 5 giờ sáng và cầu nguyện cho tới 7 giờ trước khi cử hành Thánh Lễ buổi sáng tại nhà nguyện Nhà Thánh Marta. Sau Thánh Lễ, ngài cầu nguyện và cầu nguyện nữa trước khi ăn sáng. Rồi ngày làm việc bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Ngài đọc giấy tờ cho tới 10 giờ, rồi gặp các thư ký, các Hồng Y, giám mục, linh mục và giáo dân tới trưa, sau đó là ăn trưa và nửa giờ nghỉ trưa. Tiếp theo là 6 giờ làm việc, rồi ăn tối và cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài thú nhận đôi khi ngủ gục vào lúc này, nhưng cho hay “ngủ gục trước nhan Chúa là điều tốt”. Ngài thường đi ngủ khoảng lúc 10 giờ.
Vào các Thứ Tư, ngài có buổi yết kiến chung khoảng giờ ăn trưa tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, với đông người tham dự. Vào một ngày tháng Mười Hai trời đẹp, đám đông đã lên tới 30,000 người. Đây là mùa của ánh sáng, nên ngài nói tới Phục Sinh. Hình như ngài bị cảm cúm; ngài cần tới chiếc khăn lau vẫn dấu trong tay áo. Nhưng tiếng ngài mạnh mẽ, dù có hơi cao hơn người ta mong chờ, và cũng có vẻ réo rắt (musical), giống giọng nói của người kể truyện, với hết ngữ cảnh và đặc điểm, khiến bạn lắng nghe.
Ngài có bản văn soạn sẵn trong tay, vì khi ngài kết thúc bài nói, các linh mục bèn nhắc lại bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Tuy nhiên, đôi khi bản văn rơi khỏi tay ngài, ngài cúi xuống, vừa nhìn đám đông vừa nói, hai tay trong không khí, giọng nói mạnh hơn bao giờ hết, thao thao “tự biên tự diễn”. Ngài bảo họ: Chúa Giêsu đã sống lại, và chúng ta một ngày kia cũng thế. Rồi sợ đám đông không nắm được hệ luận, ngài thúc giục họ: “tôi không nói láo đâu! Đúng như vậy đó! Anh chị em có tin Chúa Giêsu đang sống không?” Đám đông thưa lại “Có!”, và ngài hỏi lại “Há anh chị không tin sao?” Họ hô lên “Có”. Thế là ngài thuyết phục được họ. Họ trở thành một phần của sứ điệp. Ngài nói với họ rằng tình yêu của Chúa Kitô giống như người kia tìm được của qúy và chẳng còn muốn gì khác hơn là được chia sẻ nó. “Người đang chờ đợi chúng ta”. Đức Phanxicô nói thế. Và khi đến lúc sắp kết thúc bài nói chuyện, bản văn lại rơi mất lần nữa, ngài vẫn tiếp tục nói: “ý nghĩ này đem hy vọng lại cho ta! Ta đang trên đường tới Phục Sinh. Và đây là niềm vui của ta: một ngày kia được thấy Chúa Giêsu, được gặp Chúa Giêsu và mọi người với nhau, mọi người với nhau, không phải ở đây, ở công trường này, mà ở chỗ khác, nhưng rất hân hoan với Chúa Giêsu. Đó là cùng đích của chúng ta”.
Khi buổi yết kiến đã xong, ngài rời khỏi bục, tới chào các Hồng Y, rồi xuống gặp người bệnh và các khách qúy. Nhiều người tặng ngài đồ kỷ niệm hay một tặng phẩm nào đó: một tượng nhỏ Chúa Giêsu vui tươi trên một bàn thờ lụa vàng, một bức tranh về Chúa Kitô, một cuốn sách hình từ Áo. Một người đàn ông tự chụp hình với ngài; những người khác thì không nỡ rời tay ngài ra. Các nhân viên giữ trật tự và an ninh cố gắng giữ đường để ngài tiếp tục bước, nhưng ngài còn nhiều lời để nói, còn nhiều khách hành hương phải gặp và còn nhiều sứ vụ phải phát động trước khi ngày chấm dứt.
Vũ Văn An