Bên kia sự chết – Bài giảng Chúa nhật 32 Thường niên C
Bên kia sự chết là sự sống. Đó là hạnh phúc dành cho những ai trung thành với Chúa. Thiên Chúa là quan toà xét xử con người và sẽ ban thưởng cho những ai sống đạo đức, mến Chúa yêu người.
Bên kia sự chết là cái gì? Đó là câu hỏi luôn làm lương tâm con người mọi thời đại day dứt. Nhìn chung, các tôn giáo thường có mục đích nghiên cứu và tìm cách đưa ra câu trả lời cho vấn nạn này. Do Thái giáo cũng không phải là ngoại lệ. Người Do Thái suy tư về ý nghĩa cuộc đời và về sự sống sau khi chết. Sách Macabê thuộc loại văn chương ảnh hưởng văn hoá Hy Lạp, được viết vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Tác giả khẳng định: bên kia sự chết là sự sống. Đó là hạnh phúc dành cho những ai trung thành với Chúa. Thiên Chúa là quan toà xét xử con người và sẽ ban thưởng cho những ai sống đạo đức, mến Chúa yêu người. Câu chuyện về người phụ nữ và bảy người con lần lượt bị giết trước mặt người mẹ được viết lại như một tấm gương khích lệ cho các thế hệ mai sau, đồng thời diễn tả niềm tin vào đời sau của Do Thái giáo. Bà là người can đảm, khuyên các con đừng nhụt chí trước đao phủ và kẻ quyền thế. Bởi lẽ quan quyền thế gian chỉ giết được thể xác mà không thể giết được tâm hồn. Chúng ta thấy bà là người mẹ phi thường. Nếu bà có chí khí kiên cường như vậy, là vì bà tin vào sự sống đời sau và tin vào quyền năng của Thiên Chúa tối cao.
Kitô giáo cũng cùng chung niềm tin với người Do Thái về hạnh phúc đời sau, tuy có những khác biệt. Cũng lại là con số “bảy”, nhưng lần này là bảy người cùng lấy một người phụ nữ làm vợ. Câu hỏi do phái Sađốc đặt ra, nhằm chế giễu và gài bẫy Chúa Giêsu, vì phái này không tin vào sự sống lại. Quả vậy, nếu có sự sống đời sau thì người đàn bà này sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng Người khẳng định có sự sống đời sau. Khi đó, con người sẽ trở nên thần thiêng, giống như các thiên thần. Họ không còn cưới vợ lấy chồng, vì là con cái của sự sống lại. Chúng ta tưởng tượng, nếu đời sau con người lại lấy vợ lấy chồng, thì đương nhiên lại có sinh sản và chắc chắc sẽ lại có… ly dị. Như vậy, đâu còn là hạnh phúc thiên đàng, nơi được trình bày như hạnh phúc hoàn hảo vì được chiêm ngắm Chúa và được sống trong tình yêu trọn vẹn.
Cũng liên quan đến sự chết, có biết bao vấn nạn khác thường được đặt ra: Người ta chết chôn trong mồ, trở thành cát bụi, làm sao sống lại? Những người mất một phần chi thể, khi sống lại sẽ ra sao? Trước khi chết, người ta già nua, bệnh tật xấu xí, khi sống lại sẽ ở tình trạng nào? Không ai có thể đưa ra một câu trả lời chính xác, vì họ không phải là Thiên Chúa và vì họ chưa bao giờ từng trải những kinh nghiệm và những trường hợp nêu trên. Những trả lời, nếu có, chỉ là suy luận của lý trí con người. Tuy vậy, đối với Chúa, “không có gì mà Ngài không làm được”. Từ ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa đã lấy bùn đất nắn thành hình con người và thở sinh khí làm cho con người có sức sống – theo cách trình bày của tác giả sách Sáng thế. Cũng vậy, vào ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ làm cho bụi đất trở thành con người. Nói đúng hơn là Thiên Chúa tái tạo con người từ bụi đất, là thành phần còn lại sau khi được an táng trong lòng đất. Vì vậy, khi suy tư về vận mệnh tương lai của thân phận con người, chúng ta tin vào quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa, với niềm xác tín Ngài luôn muốn những điều tốt cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta vững lòng trông cậy nơi Ngài, như Thánh Phaolô mời gọi cộng đoàn tín hữu Thêxalonica (Bài đọc II).
Trong tháng 11 dương lịch, Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời. Việc cầu nguyện cho người đã qua đời cũng là khẳng định họ vẫn tồn tại sau khi chết. Các linh hồn nơi luyện ngục đang chờ đợi được thanh tẩy để xứng đáng ra trình diện trước nhan Chúa. Việc cầu nguyện và những việc lành phúc đức của chúng ta sẽ rút ngắn thời gian tinh luyện của các linh hồn nơi luyện ngục, cho họ sớm được hưởng Thánh Nhan Chúa trên quê hằng sống. Việc cầu nguyện cho người đã qua đời cũng mời gọi chúng ta suy tư về sự chết và về sự sống đời sau. Nghĩ đến sự chết sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, đồng thời hối thúc chúng ta làm những việc lành, vì những việc tốt chúng ta làm đều được Chúa ghi nhận và thưởng công.
Hạnh phúc thiên đàng không phải là ngẫu nhiên và cho hết mọi người, nhưng là kết quả cuộc một cuộc đời sống tốt lành, mến Chúa yêu người và nhiệt thành làm việc thiện. Vào lúc tạm biệt trần thế, chúng ta đâu có mang theo được của cải bạc tiền, nhưng là ân nghĩa và phúc đức chúng ta đã thực hiện khi sống trên trần gian. Một tác giả đã viết rất sâu sắc: “Khi ta sinh ra, ta khóc, mọi người cười. Hãy sống sao để khi rời cõi thế, mọi người khóc mà ta cười mãn nguyện”. Cái “cười” của người ra đi, đó chính là sự thanh thản, không ân hận, nhưng hài lòng vì mình đã sống đẹp trên trần gian, lúc ra đi để lại thương nhớ và những kỷ niệm đẹp nơi mọi người, để rồi hình ảnh đẹp của họ sẽ lắng đọng nơi người thân mãi mãi.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org