Bí tích của hiệp thông – Chúa nhật XIX Thường niên
Chúa nhật XIX Thường niên là Chúa nhật thứ ba, trong chuỗi 5 Chúa nhật liên tiếp của Phụng vụ năm B, đều có cùng một chủ đề chính là Thánh Thể. Điều này cho chúng ta thấy việc tôn sùng yêu mến Thánh Thể quan trọng như thế nào trong đời sống Kitô hữu.
Công đồng Vatican II đã viết: “Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (x. LG 11). Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo khẳng định: “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (số 1211). Những khẳng định này cho chúng ta thấy, đời sống hiện tại cũng như tương lai của Kitô hữu, cá nhân cũng như tập thể, đều hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể, bởi trong Bí tích này, Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta. Thiên Chúa ở giữa loài người. Việc tôn sùng Thánh Thể sẽ cho chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiên đàng ngay khi còn ở dưới thế.
Ngôn sứ Ê-li-a đang bị vua A-kháp săn đuổi, sau khi ông chiến thắng trong cuộc thách chiến với các tiên tri của thần Ba-an. Trong lúc mệt mỏi chán chường, ông tìm về hướng núi Hô-rép, là nơi Thiên Chúa đã ban Luật Giao ước cho con cái Ít-ra-en qua ông Môi-sen. Trong hành trình chạy trốn này, Thiên Chúa đã nuôi sống ông bằng cách sai một con quạ hàng ngày mang bánh và nước đến cho ông, nhờ đó ông đủ sức đi đến núi Hô-rép. Ở đó ông đã được gặp Chúa, và ông đã tìm lại được bình an.
Từ rất sớm, cộng đoàn Kitô hữu đã nhận thấy qua sự kiện này hình ảnh của Bí tích Thánh Thể. Con đường dương thế vừa xa vời vừa nhiều chông gai cám dỗ. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh, giúp sức cho người tín hữu, nhờ đó họ được gặp gỡ Chúa ngay trong cuộc đời hiện tại, và cũng là bảo đảm sẽ được gặp gỡ Chúa trong hạnh phúc Nước Trời.
Thánh Thể là Bí tích của hiệp thông, hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em. Thánh Phaolô đã viết cho giáo dân Cô-rin-tô như sau: “Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh” (1Cr 10,16-17). Qua những lời này, thánh Phao-lô đã diễn tả cả hai chiều kích hiệp thông nơi Bí tích Thánh Thể, đó là liên kết với Chúa và liên kết với anh chị em. Khi rước Thánh Thể, chúng ta có sức sống thần linh nơi con người phàm hèn của chúng ta, để rồi sức sống ấy giúp chúng ta gắn bó với anh chị em mình.
Trong giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta thường đọc thấy cụm từ “Cộng đoàn Thánh Thể”. Một gia đình, một hội đoàn, một giáo xứ được kêu gọi trở nên cộng đoàn Thánh Thể. Điều này có nghĩa, mọi sinh hoạt của đời sống thường ngày nơi gia đình, nơi hội đoàn và nơi giáo xứ đều bắt nguồn từ Thánh Thể và phản ánh ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. Mọi sinh hoạt ấy phải giúp các cá nhân gặp gỡ Chúa Giêsu, liên kết với Chúa Giêsu, sống khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ anh chị em mình, như Chúa Giêsu trong Bí tích cực trọng này. Cộng đoàn Thánh Thể là nơi các thành viên đều cảm nhận tình thương yêu gắn bó, để không ai bị loại trừ và lãng quên. Cộng đoàn Thánh Thể cũng được gọi là cộng đoàn hiệp thông, nơi có tình yêu Thiên Chúa ngự trị.
Trong cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã chứng minh: Người đến từ Chúa Cha, và ai tin và đón nhận giáo huấn của Người, thì sẽ được gặp Chúa Cha. Khi nhắc lại biến cố Man-na trong Cựu ước, Chúa Giêsu khẳng định: Người là Bánh hằng sống, và Bánh ấy chính là Thịt của Người, ban tặng vì phần rỗi thế gian. Như thế, cộng đoàn Thánh Thể được nuôi dưỡng bởi Thịt và Máu Chúa Giêsu, để mỗi ngày thêm vững mạnh trong sự thánh thiện.
Thánh Thể là lời mời gọi chia sẻ. Cộng đoàn Thánh Thể là nơi mỗi thành viên chuyên tâm làm việc bác ái. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Ngài yêu thương. Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta…”. Lối nói “bắt chước Thiên Chúa” và “sống như Đức Kitô” đều diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và tình yêu kỳ diệu ấy đang thể hiện qua Bí tích Thánh Thể.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org