Biến hoang mạc thành cánh rừng
Crux | 24-04-2015
Chiều chúa nhật 24 tháng 4, Đức Phanxicô bất ngờ đến một buổi họp mặt được tổ chức ở vườn Villa Borghèse, Rôma nhân dịp Ngày Trái đất.
Sự kiện có tên “Làng cho Trái đất” (Villaggio per la Terra) được phong trào công giáo Ý Focolari tổ chức.
Buổi sự kiện nói về việc bảo vệ môi trường được tổ chức từ ngày 22 đến 25 tháng 4 tại Rôma, có chủ đề: “Công dân Rôma và thế giới, chúng ta có thể làm gì ngoài các trách nhiệm ở lãnh vực chính trị và lãnh vực quản trị quần chúng?”
Trong số những người tham dự sự kiện này có linh mục Maurizio Patriciello, cha xứ họ đạo Naples, cha là biểu tượng của sự kháng cự khi đứng trước vấn đề vệ sinh và môi trường của “Đất của lửa”. Hàng triệu tấn phế thải kỷ nghệ độc hại bị chôn một cách bất hợp pháp trong vùng, với sự giúp đỡ của mafia địa phương Camorra, làm đất đai bị nhiễm lâu dài.
Sau khi lắng nghe nhiều lời chứng, Đức Phanxicô đã bỏ bài diễn văn soạn sẵn mà nói tự phát những lời đầy khích lệ cho những người đang đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn:
Cảm ơn rất nhiều vì mọi sự, và bây giờ cha sẽ nói ứng khẩu một chút. Cha sẽ để qua một bên những lời đã viết sẵn, và nói ra những gì đến trong đầu…
Lắng nghe anh chị em nói, có hai hình ảnh đến trong đầu cha. Hoang mạc và cánh rừng. Cha nghĩ, những người này, là anh chị em đó, đang làm việc trên hoang mạc để biến nó thành cánh rừng. Anh chị em đến nơi nào có hoang mạc, nơi nào không có hi vọng và làm mọi chuyện để tạo nên một cánh rừng trên hoang mạc này. Rừng thì đầy cây cỏ, nhưng cũng không có sắp đặt trật tự… nhưng cuộc sống là thế mà. Đi từ hoang mạc đến cánh rừng là một việc tuyệt đẹp mà anh chị em làm. Anh chị em biến hoang mạc thành cánh rừng. Rồi anh chị em có thể thấy cách để biến cái gì đó thành rừng… nhưng trong rừng có sự sống, còn trong hoang mạc là sự chết.
Có nhiều hoang mạc trong các thành phố, hoang mạc trong cuộc sống của những người không có tương lai, bởi luôn luôn, cha muốn nhấn mạnh rằng, luôn luôn có những định kiến, sợ hãi. Những người này sống và chết trong những hoang mạc của thành phố. Khi biến hoang mạc thành cánh rừng, là anh chị em làm một phép lạ. Cứ tiến tới như thế.
Anh có kế hoạch làm việc gì nào? Tôi không biết… Chúng tôi đến với bạn, và chúng ta sẽ xem có thể làm gì. Cuộc sống là phải bắt lấy. Như thủ môn trong bóng đá vậy. Anh phải bắt lấy trái bóng khi nó được sút đi… trái bóng có thể đến từ mọi hướng. Nhưng anh chị em không được sợ sự sống, cũng đừng sợ xung đột…
Có người từng nói với cha, cha không biết là có thật hay không, rằng từ ‘xung đột’ trong tiếng Trung Quốc được cấu hành bởi 2 ký tự là ‘nguy cơ’ và ‘cơ hội.’ Đúng là thế, xung đột là nguy cơ và cũng là cơ hội.
Chúng ta có thể phản ứng với xung đột như một thứ mà chúng ta tránh xa… Kitô hữu chúng ta biết rõ về thái độ của thầy Lêvi, của luật sỹ với người đàn ông tội nghiệp bị cướp đánh bỏ mặc dọc đường. Thầy Lêvi và luật sỹ tìm lối khác mà đi, để không thấy, để không can dự. Ai mà không mạo hiểm, thì không bao giờ đến gần với thực tế. Để biết được thực tế, để biết được lòng người, thì phải đến gần. Đó là nguy cơ, nhưng cũng là cơ hội, cho tôi và cho người mà tôi đến. Cho tôi và cho cộng đoàn mà tôi đến. Cha nghĩ về những lời chứng của anh chị em, ví dụ những việc mà anh chị em đã làm trong các nhà tù.
Xung đột, đừng bao giờ, đừng, đừng bao giờ quay mặt đi để khỏi thấy xung đột. Phải đối diện với xung đột, phải đối diện với sự dữ, để giải quyết chúng.
Hoang mạc thì xấu xa, cả hoang mạc trong lòng tất cả chúng ta hay hoang mạc trong thành phố, trong vùng ven, đều xấu xa. Cũng có hoang mạc nơi những cánh cửa hàng xóm khép kín… Chúng ta đừng sợ đi vào hoang mạc để biến đổi nó thành cánh rừng nơi có sự sống dồi dào, chúng ta đừng sợ đi lau khô nước mắt để mọi người đều có thể mĩm cười.
Cha nghĩ đến nhiều thánh vịnh của dân Israel, khi họ bị lưu đày ở Babylon, ‘Chúng tôi không thể hát bài ca của mình, bởi đang ở nơi đất lạ.’ Họ có nhạc cụ, có tay, nhưng không có niềm vui để cất lên tiếng hát, bởi đang là con tin nơi đất lạ. Nhưng khi được giải phóng, thì thánh vịnh viết, ‘họ không thể tin nổi,’ và ‘trên miệng đầy tiếng cười.’ Như thế, khi biến hoang mạc thành cánh rừng, thành sự sống, thì có tiếng cười.
Cha có bài tập về nhà cho anh chị em đây. Hãy nhìn vào gương mặt của mọi người khi anh chị em đi trên đường, họ lo lắng, họ khép chặt trong bản tan, họ thiếu nụ cười, hoặc họ thiếu sự trìu mến, thiếu tình thân ái… Nơi đâu không có tình thân ái, thì luôn luôn có thù ghét và chiến tranh. Chúng ta đang sống trong Thế chiến III phân mảnh, khắp mọi nơi. Hãy nhìn vào bản đồ thế giới, và anh chị em sẽ thấy.
Tình thân ái phải tha thứ, phải đi kèm với tha thứ. Nhiều lúc, phải đến thật gần. Vấn đề này, xung đột này, khó khăn này, tôi phải đến với nó, như cha từng nghe chuyện nhiều thanh niên cao thượng đã làm ở một nơi đầy nạn bài bạc, nơi quá nhiều người mất mọi thứ, mọi thứ… Ở Buenos Aires, cha thấy có những người già đến ngân hàng rút hết đồng bạc cuối cùng rồi đi ngay đến sòng bạc, đi ngay lập tức. Đến gần nơi xung đột, đến gần, thật gần…
Có một sự quan trọng trong các trò chơi, với thể thao và nghệ thuật nữa. Đó là nhưng không, là miễn phí. Tình thân ái phải nhưng không, và người ta phải học biết sự khôn ngoan của nhưng không, bằng cách chơi, bằng thể thao, nghệ thuật, với niềm vui được ở cùng nhau, gần gũi nhau.
Có khi trong thế giới, dường như nếu bạn không trả tiền thì bạn không được sống, khi con người mà Thiên Chúa tạo thành, là trung tâm thế giới lại bị vứt ra ngoài, và thế vào đó là thần tiền bạc. Ngày nay, trung tâm thế giới là thần tài, và những ai tìm đến chân thần tài… còn những ai không tìm được thần tài thì bị đói, bị bệnh, bị bóc lột… Hãy nghĩ về việc bóc lột trẻ em.
Từ khóa chính là ‘Nhưng không.’ Nhưng không, cho tôi trao cuộc đời mình để đến cùng người khác và biến hoang mạc thành cánh rừng. Nhưng không thật đẹp.
Và còn sự tha thứ, bởi với tha thứ, thì hối hận và oán giận tiêu tan. Và phải luôn luôn xây dựng, đừng hủy hoại, nhưng hãy xây dựng…
Đây là những điều mà cha nghĩ đến. Làm sao để làm được những chuyện này? Đơn giản là phải nhận ra, tất cả chúng ta đều có điểm chung, chúng ta đều là con người. Và trong nhân loại này, chúng ta có thể đến gần nhau, để làm việc cùng nhau… Mà có người lại nói, ‘Nhưng tôi thuộc về tôn giáo này, hay tôn giáo kia…’ Không thành vấn đề.
Tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm việc, tôn trọng nhau. Cha thấy đó là phép lạ, phép lạ biến hoang mạc thành cánh rừng. Cha cảm ơn vì mọi việc anh chị làm!
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
Nguồn: phanxico.vn