Bình an – ranh giới cho những tình trạng của tâm hồn
Hai từ ranh giới làm cho con người liên tưởng đến những đường phân cách giữa những khu vực, vùng lãnh thổ hay những địa hạt nối liền nhau, khi vượt qua đường ranh giới cũng đồng nghĩa với việc người ta bước vào những vùng lãnh thổ mới.
Vật để làm ranh giới có thể được xác định là dòng sông, dãy núi, bức tường, hàng rào, hoặc gốc cây bụi cỏ… Đó là những kiểu ranh giới vật chất và hình tượng trong không gian, những kiểu ranh giới này rất dễ xác định, nhưng càng đi sâu vào lãnh vực hay thế giới tâm hồn con người thì việc xác định ranh giới là vô cùng khó khăn.
Càng khó khăn thì buộc phải cố xác định cho bằng được, vì nếu không xác định được con người sẽ bước đi trong vô định, không biết tiến lúc nào, lùi khi nao? Đi đến đâu và dừng lại ở chỗ nào? Vậy ranh giới còn được nhìn dưới gốc độ là nơi để quy chiếu và phân định giữa những tình trạng đối lập nhau: Giữa thương và ghét, giữa hiền và dữ, giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa đạo đức và chưa đạo đức, giữa thánh thiên và phàm tục, giữa tốt và xấu… Ranh giới nào để xác định cho những tình trạng này, tên của ranh giới đó là gì?
Thưa rằng ranh giới đó có tên là sự BÌNH AN. Bình an là ranh giới để xác định những tình trạng đối lập nhau trong tâm hồn con người. Tôi không biết tình trạng của tôi đang là thương hay ghét, đang hiền hay dữ, hạnh phúc hay đau khổ, thánh thiên hay phàm tục, hiền từ hay nóng giận, chân thật hay dối trá, trung thành hay bất tín… hãy cứ quy về sự bình an.
Nếu tâm hồn bình an thì hiểu rằng ta đang đứng ở vế thứ nhất (thương, hiền, hạnh phúc, thánh thiên, đạo đức, chân thật, trung thành …). Còn nếu tâm hồn bất an thì chắc chắn tình trạng tâm hồn đang ở vế thứ hai đối ngược với tình trạng tâm hồn ở vế thứ nhất.
Ranh giới của những tình trạng tâm hồn là bình an, vậy bình an là gì? Xin được trả lời bằng câu chuyện của một tác giả khuyết danh, có nội dung như sau:
Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào. Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang đứng trên vành tổ móm thức ăn cho những chú chim con. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự. "Ta chấm bức tranh này! – Nhà vua công bố. (sưu tầm từ Internet)
Sự bình an không có nghĩa là vắng bóng tiếng ồn ào hoặc thiếu vắng khó khăn hay cực nhọc… Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an. Tuy nhiên bình an lại không phát xuất từ nơi con người, con người chỉ đón nhận và làm cho sự bình an được triển nở mà thôi. Sự bình an bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính xác hơn bình an phát xuất từ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
Bởi vì từ sau khi tổ tông loài người phạm tội phản nghịch Thiên Chúa, đã dẫn đến tình trạng tâm hồn con người sống trong những nỗi lo sợ (vì con người là tội nhân trước mặt Chúa). Vì thế cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô đã đền bù và chuộc lại lỗi lầm cho con người. Có nghĩa là sự bình an được Con Thiên Chúa ban tặng trở lại cho con người.
Vậy để có được sự bình an làm ranh giới phân chia, hoặc quy chiếu nhằm xác định cho những tình trạng của tâm hồn con người, đồng thời định hướng cho con người tiến đến đâu, dừng chỗ nào, lùi khi nao … nơi nhiều những trạng thái khác nhau trong tâm hồn con người. Điều tiên quyết con người cần phải làm ngay đó là tiếp cận với Chúa Giêsu Kitô. Tiếp cận với Chúa Kitô ở đâu? Thánh Lễ là nơi tốt nhất để mọi người tiếp cận cách trực tiếp với Đức Kitô.
Nếu tâm hồn người tín hữu không có ranh giới để phân định cho những tình trạng khác nhau nơi tâm hồn, chắc chắn người Kitô hữu không thể kiểm soát tình trạng tâm hồn của mình được. Sẽ khó có thể nhận biết được (nếu không nói là không biết được) việc làm của mình đúng hay sai? Tình trạng bệnh lý tâm hồn mình nặng hay nhẹ? Nên ưu tiên cho những tình trạng nào nơi tâm hồn? Hoặc cần cắt giảm, triệt tiêu những trạng thái tâm lý nào…?
Muốn thực hiện được những điều này, bạn cần thiết lập ngay ranh giới cho những “vùng miền” khác nhau trong tâm hồn của mình bằng sự BÌNH AN, bằng cách thường xuyên tiếp cận với Đức Kitô qua Thánh Lễ. Vì nếu không vẽ được ranh giới cho đời sống tâm hồn chắc chắn bạn phải đau khổ – đau khổ vì sự bất an.
Lm Pet. Trần Trọng Khương