Caritas Việt Nam: Hội nghị thường niên năm 2012
Xuân Lộc – Ngày 28-30/11/2012, Caritas Việt Nam tổ chức Hội Nghị thường niên năm 2012 tại TGM Xuân Lộc với chủ đề: “Thực thi bác ái trong tinh thần liên đới và bổ trợ”.
Tham dự hội nghị có 4 vị Giám mục: Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, GM. Gp Xuân Lộc, Chủ tịch UBBAXH – Caritas VN; Đức TGM FX Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBBAXH (Giáo tỉnh Huế); Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch UBBAXH (Giáo tỉnh Sài gòn); Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UBBAXH (Giáo Tỉnh Hà nội); có 80 tham dự viên là các Cha Giám đốc, Phó Giám Đốc Caritas 26 giáo phận, các Tu sĩ và chuyên viên xã hội.
TGM Xuân lộc đang hoàn thiện những cơ sở mới chuẩn bị hội nghị FABC. Ban tổ chức đón tiếp ân cần, phục vụ tận tình chu đáo. Các tham dự viên có dịp gặp gỡ nhau và sống hiệp thông trong các giờ đạo đức của Thánh lễ, Kinh Phụng Vụ, Chầu Thánh Thể, suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày. Chính khi tìm về nguồn tình yêu nơi Thiên Chúa, các thành viên gia đình Caritas Việt Nam cảm nghiệm được sức sống kỳ diệu liên kết tất cả trong nhiệm thể Chúa Kitô và kín múc được sức mạnh cho những hoạt động diễn tả tình yêu này.
I. Ngày 28 tháng 11
Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh khai mạc khóa Tập huấn “Liên đới và bổ trợ” tại hội trường Tòa Giám Mục.Ngài chia sẽ “Thiên Chúa yêu thương chúng ta ra sao, chúng ta cũng được mời gọi yêu thương anh em như vậy. Khi cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong ơn gọi phục vụ thì dẫu có phải hy sinh như các vị Tử đạo, chúng ta vẫn sống hạnh phúc. Chúng ta hãy sống và thông truyền niềm hạnh phúc được làm người, được làm con Chúa, được phục vụ Chúa và anh chị em”.
Nữ tu Lucia Nguyễn Thị Hồng Vân, Tiến sĩ Tâm lý thuộc Dòng Nữ Tử Bác Ái, khai triển đề tài “Liên đới và bổ trợ” dưới nhiều góc nhìn khác nhau: quan điểm triết học, khoa học nhân văn – xã hội, học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo.
Đức Cha Đaminh gặp gỡ các vị Giám đốc Caritas các Giáo phận với lời chào mừng và khích lệ. Ngài ước mong các thành viên mạng lưới Caritas Việt Nam tiếp tục dấn thân mạnh mẽ hơn nữa trong sứ vụ bác ái Kitô giáo.
Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas Việt Nam, chào đón những tham dự viên và cầu chúc hội nghị diễn ra tốt đẹp, hy vọng sẽ đem lại những hoa trái cho công việc phục vụ tại các Giáo phận.
Tiếp tục Khóa Tập huấn dành riêng cho Quý Cha Giám đốc Caritas 26 Giáo phận.
Nữ tu Lucia Hồng Vân, trình bày đề tài: “Kỹ năng ra quyết định” với những nội dung chính:
- 1. Khẳng định phẩm chất của người lãnh đạo Caritas
- 2. Định nghĩa quyết định
- 3. Để có thế quyết định hiệu quả
- 4. Các phong cách quyết định
- 5. Một số nguyên tắc trong tiến trình quyết định
- 6. Các kiểu cách quyết định trong cộng đoàn
- 7. Xác định phương pháp ra quyết định
Nữ tu Hồng Vân cũng chia sẻ thêm về “Dự thảo ngân sách và Quản lý tài chánh” là một trong những đường lối làm việc khoa học để có thể hội nhập vào quốc tế.
II. Ngày 29 tháng 11
7h45: Thánh lễ khai mạc. Đoàn đồng tế gồm 4 Đức Cha và 41 cha. Đức cha Đaminh chủ tế và giảng lễ.
Ngài chia sẽ: mệnh lệnh truyền giáo mà Chúa Kitô Phục Sinh trao cho các môn đệ: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Cốt lõi Tin mừng mà Chúa Kitô truyền cho các môn đệ rao giảng, đó là: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con một, để những ai tin vào Ngài thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin vào Chúa Kitô,tuân giữ mọi điều Người truyền dạy, không gì khác hơn là đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng tất cả lòng yêu mến của mình, và thể hiện cách cụ thể qua tình yêu thương dành cho anh em đồng loại: “ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Đó là giới răn lớn nhất. Giới răn thứ hai cũng giống như vậy là ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và các tiên tri đều quy về hai giới răn ấy” (Mt 22,37b-40). Thánh Gioan quả quyết rất mạnh rằng: “Ai không yêu mến anh em mà nó trông trông thấy được, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng nó không trông thấy” (1Ga 4,20b).
Caritas chúng ta hiện diện giữa anh em đồng loại để cứu giúp những mảnh đời bất hạnh, đói nghèo về vật chất và tinh thần. Những gì chúng ta đang học hỏi về liên đới và bổ trợ, cũng như tất cả học thuyết xã hội của Giáo hội, đều nhằm giúp chúng ta hiểu được giáo huấn và gương sáng của Chúa Kitô trong các chiều kích sâu xa và rộng lớn của nó, để giúp cho công tác Caritas ngày càng được hoàn bị và hữu hiệu hơn. Đến lượt chúng ta cũng phải giúp cho những người khác hiểu biết được những giáo huấn phong phú đó.
ĐTC Bênêđictô đã khai mở Năm Đức Tin cho toàn thể Giáo hội. Ngài mời gọi mỗi tín hữu nghiêm túc xét lại giáo huấn và gương sáng của Chúa về tất cả những điều phải tin và phải thực hành để mỗi người biết canh tân đời sống đức tin của chính mình. Xin cho Năm Đức Tin của Giáo hội gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp, bắt đầu nơi mỗi người chúng ta.
Đến 9 giờ: khai mạc hội nghị thường niên.
Đức Cha Đaminh khai mạc và mời gọi các Đại biểu Caritas sống Đức ái trong năm Đức tin.
Ngài chia sẻ: “Nhiệm vụ của các Đại biểu Caritas trong năm Đức Tin là khích lệ các tín hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, gia tăng chứng tá bác ái trong cuộc sống Đức Tin của mình… Để thực hiện nhiệm vụ này, chỉ nhắc nhở, gây ý thức thôi không đủ. Cần phải đốt lên trong lòng mỗi tín hữu ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô và khơi lên bầu nhiệt huyết, hạnh phúc được trao tặng tình yêu của chính Thiên Chúa cho anh chị em”.
Tiếp theo ngài trình bày đề tài: “Sống Đức Ái trong năm Đức Tin” như là định hướng cho hoạt động Caritas Việt Nam trong năm mới 2013.
Từ số 14 của Tự sắc “Cửa Đức Tin”, ngài suy tư 3 vấn đề:
- Liên hệ giữa đức tin và đức mến.
- Đối tượng của chứng tá bác ái.
- Nguồn gốc của chứng tá bác ái.
Đức cha đề nghị Caritas quan tâm đặc biệt 4 loại người.
Những người đàn bà lâm vào hoàn cảnh phá thai: dựa vào các khảo sát xã hội và những tiếp xúc hàng ngày nơi các xứ đạo, người ta thấy số người nạo phá thai ngày một gia tăng và sồ các thai nhi bị giết tại các bệnh viện và các trung tâm y tế cũng đang tăng lên rất nhanh. Điều đáng lo sợ hơn nữa là tại các khu là trọ của đồng bào di dân, người ta giành mua các bào thai gần sinh để đem bán. Vì thế, cần có sự giáo dục để mọi người giáo dân biết bảo vệ sự sống, nhất là sự sống của thai nhi. Đồng thời cần gây ý thức để các giáo xứ quan tâm giúp đỡ những người lỡ bước lầm đường và ngăn ngừa việc buôn bán thai nhi.
Các em thiếu nhi thất học: theo dõi thông tin báo chí và qua các tiếp xúc trực tiếp, người ta thấy rõ số các thiếu niên bỏ học giữa chừng rất cao. Có nhiều nguyên do: vì hoàn cảnh nghèo, nhà ở nơi xa hẻo lánh. Cũng có lý do vì đua đòi theo những trào lưu xã hội, không còn nghĩ đến tương lai. Chứng tá bác ái của các giáo xứ cần quan tâm đến những em này để tạo điều kiện cho các em trở lại trường, ít nhất là bổ túc văn hoá. Ước chi các giáo xứ và các giáo phận quan tâm nhắc bảo và cụ thể hơn nữa cấp những học bổng hoặc giúp đỡ cho các cha mẹ vay mượn để con cái họ được đến trường.
Quan tâm đến những người nghèo mới: những người nghèo cũ thường là ở vùng sâu vùng xa, làm nghề nông, làm thuê làm mướn, không đủ ăn đủ mặc, bệnh tật, không có thuốc men…Còn người nghèo mới là những người đang rơi vào hoàn cảnh xã kinh tế suy thoái hôm nay. Họ vẫn ở nhà cao cửa rộng nhưng thực ra giấy quyền sử dụng đất, nhà cửa của họ đã bị cầm cố ở ngân hàng. Công ăn việc làm của họ bị đổ bể phá sản. Có người chán chường thất vọng, có người cố gắng gỡ gạt, đi mượn thêm tiền để cứu công trình. Nhưng càng vay mượn, càng thua lỗ. Số những người ở hoàn cảnh này tuy kín đáo nhưng khá nhiều tại các xứ đạo vùng thị trấn thành thị. Các giáo xứ cần quan tâm nâng đỡ để họ vững bước đức tin và can đảm trước hoàn cảnh khó khăn.
Những người buồn nản thất vọng: đây là một lớp người hết sức đông đảo, nhưng cũng rất kín đáo, khó nhận thấy. Họ thuộc mọi thành phần, người nghèo túng, và cũng có cả người giàu có, người sống lẽ loi một mình, nhưng cũng có khi là những người sống giữa đám đông, được nhiều người hâm mộ. Tâm trạng chung của họ là cuộc đời trống rỗng, chán nản và mất hy vọng trước cuộc đời, sống buông thả. Có những người còn nghĩ đến việc kết liễu cuộc sống. Vấn đề ở đây không phải là những khó khăn vật chất hay bệnh tật nhưng là tinh thần đứng trước những vấn đề của cuộc đời. Trong sứ mệnh chứng tá bác ái, các giáo xứ cần được khích lệ qua tâm để khám phá ra những người này và nâng đỡ họ, đem đến cho họ sự cảm thông của tình người và sức mạnh của lòng tin vào tình yêu của Thiên Chúa.
Nhiệm vụ của các đại Biểu Caritas trong năm Đức Tin là khích lệ các tín hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, gia tăng chứng tá bác ái trong cuộc sống đức tin của mình.Bất cứ ở đâu, dù thôn quê hay thành thị, dù là nơi giàu hay nghèo cũng có nhiều anh chị em cần đến chứng tá bác ái của Giáo hội.
Để thực hiện nhiệm vụ này, chỉ nhắc nhở gây ý thức thôi không đủ. Còn cần phải đốt lên trong lòng mỗi tín hữu ngọn lửa tình yêu của Chúa Kitô và khơi lên bầu nhiệt huyết, hạnh phúc được trao tặng tình yêu của chính Thiên Chúa cho người anh chị em. Để làm được chuyện này, chính các Đại Biểu Caritas phải là những người đã được thiêu đốt bởi tình yêu của Chúa và là những người mang trong mình lòng xót thương của Chúa là Đấng “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36).
Sau đó, Cha Vinhsơn Vũ Ngọc Đồng, SDB – Giám đốc Caritas Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động trong năm vừa qua của Văn phòng và những mối tương quan với các Ủy ban, các tổ chức bác ái trong nước cũng như ngoài nước. Ba Đại diện của Caritas Giáo tỉnh cũng cho thấy những điểm sáng và cả những khó khăn trong hoạt động tại mỗi Giáo phận đặc thù. Caritas Việt Nam cần phải quan tâm đào tạo năng lực cho các nhân viên, và thúc đẩy mở rộng các hoạt động nhằm phục vụ người nghèo dưới nhiều hình thức đa dạng.
Đại diện 3 Giáo Tỉnh báo cáo sinh hoạt Caritas miền Bắc – miền Trung – miền Nam với những nét đặc sắc riêng của mỗi miền, sáng nên vẻ đẹp phong phú trong những sinh hoạt Caritas Việt Nam.
Buổi chiều: có 5 bài tham luận đóng góp với hội nghị.
- Tham luận của đại diện Dòng tu nữ do Nữ tu Maria Phạm Thị Tơ.
- Tham luận của đại diện Dòng tu nam do Lm Phaolô Nguyễn Đình Vĩnh.
- Tham luận về đào tạo do Anh Phêrô Bùi Ngọc Hiệp.
- Tham luận về y tế cộng đồng do Bác sĩ Giuse Phạm Văn Dũng.
- Tham luận về HIV do Lm Giuse Hoàng Huy Cường.
Sau đó ba Giáo tỉnh và nhóm Tu sĩ – chuyên viên xã hội cùng nhau hội thảo nhóm theo 5 câu hỏi của ban tổ chức. Những nội dung các bài tham luận, các bài báo cáo được thảo luận sôi nổi và những góp ý cụ thể, gợi những ý tưởng cho Caritas Việt Nam vạch ra những đường hướng hành động tốt nhất vì lợi ích của người nghèo.
III. Ngày 30 tháng 11
Kinh sáng và Thánh lễ khởi đầu một ngày mới trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa. Đức TGM FX Lê Văn Hồng chủ tế và giảng lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ.
8h30: Trở lại hội trường, các nhóm trình bày đúc kết và đề đạt những kiến nghị lên Caritas Việt Nam.
Đức cha Đaminh ban hành điều lệ và Thẻ Hội viên Caritas. Ngài lắng nghe những ý kiến đóng góp của các tham dự viên và chia sẽ những kinh nghiệm mục vụ của Giáo phận Xuân lộc.
Cha Vinh sơn đúc kết nội dung chương trình Hội nghị thường niên diễn ra từ ngày 28.11 đến trưa ngày 30.11. Ngài đại diện ban tổ chức cảm ơn Quý Đức Cha, Quý Cha và toàn thể Quý Đại biểu về tham dự Hội nghị. Lời cảm ơn đặc biệt được gởi đến Đức Cha Đaminh, Đức Cha Tôma, Quý Cha, Quý Thầy và toàn thể những người cộng tác đã đón tiếp, phục vụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các Đại biểu suốt những ngày qua.
Đức cha Đaminh cảm ơn cha Tổng thư ký và các nhân viên trong văn phòng Trung ương đã hết lòng chuẩn bị và tổ chức HNTN 2012, cảm ơn sự hiện diện của quý cha giám đốc và các đại biểu từ 26 Giáo phận, các Dòng tu, các khách mời đã tề tựu, dù mệt nhọc vẫn luôn hăng say. Một bầu khí tốt đẹp của những tâm hồn cùng một ý hướng, cùng một tâm tình cầu nguyện cho tình bác ái được thể hiện trong những ngày qua.
Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu chủ sự giờ Chầu Thánh Thể, tạ ơn Chúa.
Sau cơm trưa mọi người chia tay ra về với niềm vui trong tinh thần yêu thương phục vụ.
Hội nghị thường niên năm 2012 kết thúc trong tâm tình tri ân Thiên Chúa và cảm ơn nhau, cùng mở ra cho một năm mới của Caritas Việt Nam với nhiều đổi mới và nổ lực hơn trong việc phục vụ bác ái.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xác định trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu: Bản chất của Giáo Hội và cũng là của từng tín hữu Kitô gồm 3 điểm: Đời sống phụng tự – Hoạt động bác ái – Loan báo Tin Mừng ( số 22-25).Như thế, mọi thành phần Dân Chúa gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tín hữu giáo dân cần phải đồng hành với nhau trên con đường tình yêu này.
Trong Tự sắc “Cửa Đức tin”, Đức Thánh Cha Bênêđictô viết: “Năm Đức Tin sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái. Đức Tin không có Đức Mến thì không mang lại hoa trái và Đức Mến không có Đức Tin thì sẽ là một thứ tình cảm không thuyết phục. Đức Tin và Đức Mến cần có nhau, đức này giúp đức kia thực hiện hành trình của mình”.
Đức Cha Đaminh cũng viết: Đức Tin là Đức Mến trong gốc rễ, còn Đức Mến là Đức Tin mang hoa trái. Đức Tin khi được canh tân thì cũng làm cho Đức Mến được tăng triển và ngược lại, khi Đức Mến được nồng cháy thì Đức Tin cũng được cũng cố.
Trong Năm Đức Tin, nếu muốn cho Đức Tin của Dân Chúa được canh tân, chúng ta cần phải khích lệ mọi thành phần Dân Chúa gia tăng sức lực thực hiện công việc bác ái nhiều hơn nữa. Và khi Đức Tin được canh tân, Dân Chúa cũng sẽ có thêm sinh khí để gia tăng chứng tá bác ái. Đức Tin đem ánh sáng, Đức Mến đem hơi ấm. Đức Tin được canh tân, Đức Mến được tăng cường thì Năm Đức Tin không những chỉ là năm đầy ánh sáng mà còn là năm sưởi ấm lòng người thời đại đang lạnh giá vì sự ích kỷ của con người.
LM. Giuse Nguyễn Hữu An (30/11/2012)
[AFG_gallery id=’17’]