Cho đến khi nào, lạy Chúa?
croire.la-croix.com, Dominique Greiner, 2021-01-27
Khi bắt đầu cách ly lại, mọi người đều cảm thấy mệt mỏi và cam chịu…
“Cho đến khi nào, lạy Chúa?” Lời kêu van này đi suốt Thánh Kinh, đó là tiếng kêu than của người viết thánh vịnh, người cảm thấy Chúa quên mình “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảnh mặt làm ngơ?” (Tv 13: 2)
Và nhất là khi kẻ thù dường như đắca thắng, “Lạy Chúa, tới bao giờ đối phương còn phỉ báng? Địch quân cứ nhục mạ danh Ngài mãi mãi sao?” (Tv 74:10)
Đó là tiếng kêu của tiên tri Khabacúc, người trách Chúa đã không nghe tiếng kêu của ông, “cho đến bao giờ, lạy Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: “Bạo tàn!” mà Ngài không cứu vớt” (Kb 1, 2).
Trong sách Khải Huyền, đó là tiếng kêu của những người tử đạo vì đức tin vào Chúa của họ “Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?” (Kh 6:10).
Đó cũng có thể là kêu than của chúng ta khi vi-rút vẫn tiếp tục hoành hành công việc giết người của nó và viễn cảnh bị cách ly lại ngày càng hiển nhiên. Lạy Chúa, chúng con sẽ chịu đựng đại dịch này bao lâu nữa? Khi nào chúng con có thể trở lại đời sống bình thường? Khi nào chúng con trở lại cuộc sống không khẩu trang, không giãn cách, không thử nghiệm, không giới nghiêm, nói chuyện giữa người thân, bạn bè, đồng nghiệp với nhau không lưới ngăn cách?
Trong thời điểm khó khăn này, hy vọng của chúng ta thực sự bị thử thách, đôi khi hy vọng tan vỡ. Nhưng Chúa sẽ không bao giờ trách chúng ta vì chúng ta than với Ngài về tình trạng mệt mỏi của chúng ta.
Và trong đức tin, chúng ta tin rằng Ngài đã nói với chúng ta qua Sách Thánh: những câu chuyện của những người, đàn ông cũng như đàn bà đã trải qua thử thách. Ông Nô-ê, ông Áp-ra-ham, ông Gióp, ông Giô-na-than, Maria, Thánh Phaolô, người phụ nữ bị chứng hoại huyết… những vị không những cho chúng ta tấm gương để noi theo nhưng còn là bạn đồng hành với chúng ta. Trong nghịch cảnh, Chúa không để chúng ta một mình và Ngài để chúng ta tự do lựa chọn hình ảnh của người nào sẽ là chỗ dựa cho chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn