Chờ đợi trong hy vọng – Bài giảng Chúa nhật I Mùa Vọng năm A
Chúng ta chờ đợi Chúa trong niềm hy vọng và sự xác tín vào quyền năng của Ngài, và chắc chắn Người sẽ đến.
Ai trong trong chúng cũng đã có lần chờ đợi: chờ đợi một biến cố quan trọng trong đời; chờ đợi người đi xa trở về; chờ đợi một tin vui của người thân. Cuộc chờ đợi nào cũng làm chúng ta hồi hộp lo lắng xen lẫn với khấp khởi mừng vui. Trong khi chờ đợi, thời gian dường như trôi đi rất chậm, rất dài.
Mùa phụng vụ đầu tiên trong năm mới có tên là Mùa Vọng hay Mùa Đợi. Chúng ta chờ đợi Chúa đến. Đức Giêsu đã đến hai ngàn năm nay trong lịch sử, nhưng đối với mỗi cá nhân sống trên cõi đời này, thì Người vẫn đang đến. Và thế là, mỗi ngày sống của chúng ta trên trần gian là một ngày chờ đợi để gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ này mang màu sắc lạc quan hay bi quan tùy thuộc vào thái độ sống của mỗi người. Đối với ai thành tâm kiếm tìm Chúa thì cuộc gặp gỡ ấy là niềm vui và hạnh phúc. Đối với ai chỉ coi giá trị vật chất đời này là đích điểm, thì cuộc gặp gỡ ấy lại là sự kết án đau thương.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ yêu thương giữa Thiên Chúa với con người, Phụng vụ Mùa Vọng mở đầu bằng lời kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Chúa Giêsu trích dẫn sự kiện trong lịch sử Thánh Kinh mà người Do Thái nào cũng biết, đó là biến cố Đại Hồng thủy. Khi ông Nôê đóng tàu thì có nhiều người chê cười ông. Nhưng khi nước dâng lên thì họ bị nước cuốn trôi. Chúa kêu gọi mọi người hãy học bài học lịch sử đó như một kinh nghiệm sống, để luôn chuẩn bị sẵn sàng, vì không biết giờ nào và ngày nào sẽ là lúc tận cùng của cuộc sống cá nhân chúng ta. Lúc tận cùng ấy huyền nhiệm và khó hiểu, được diễn tả như việc có hai người đang làm ruộng, hay hai người đang xay bột, một người được để lại và người kia được đem đi. Hay cũng bất ngờ như người chủ đi xa trở về bất chợt, vào lúc những người giúp việc không ngờ.
Tỉnh thức để đón Chúa, người tín hữu cũng được kêu mời tỉnh thức đối với anh chị em mình. Ngày nay người ta nói nhiều đến chứng bệnh vô cảm. Con người trở nên dửng dưng lạnh lùng trước những nhu cầu và nỗi đau của người thân hoặc những người xung quanh. Con đường dẫn ta đến gặp Chúa là con đường được nối kết bằng những việc bác ái ta làm đối với anh chị em mình. Bởi lẽ chúng ta không chỉ đi một mình đơn lẻ để gặp gỡ Chúa, mà ta đi với anh chị em, trong tình mến thân thiện của những người có cùng một Cha trên trời là Thiên Chúa tối cao. Không thể sống tinh thần Mùa Vọng mà lại dửng dưng hay thù ghét anh chị em của mình. Khi Chúa đến gặp ta, Người sẽ xét xử về cách sống của ta đối với những người xung quanh, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh. Như vậy, “tỉnh thức” có nghĩa là quan tâm đến người khác và ân cần giúp đỡ họ.
Lời Chúa trong ngày mở đầu Năm Phụng vụ mang sắc thái của một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi tín hữu hãy lên đường tiến về Giêrusalem để đón Chúa. Những hình ảnh được diễn tả trong Bài đọc I cho thấy Giêrusalem là trung tâm điểm của thế giới. Mọi nơi đều hướng về trong niềm vui mừng hân hoan. Đây là sự khai mở một triều đại mới của lịch sử. Chúa đến để chúc phúc cho dân người. Nếu chúng ta lắng nghe lời hiệu triệu này mà đón Chúa, thì cuộc sống của chúng ta sẽ an bình tốt đẹp và nở hoa. Có Chúa hiện diện, sẽ không còn chiến tranh. Con người sẽ “đúc gươm đao thành cuộc thành cày; rèn giáo mác nên liềm nên hái”. Một xã hội thanh bình sẽ được thiết lập nếu ta biết mở rộng tâm hồn để đón Chúa và thực thi giáo huấn của Người.
Hãy thức dậy những ai ngủ mê! Hãy ra khỏi bóng tối của ích kỷ hận thù, để bước vào ánh sáng huyền nhiệm của bác ái thứ tha. Sống theo ánh sáng, đó là một điều kiện không thể thiếu đối với những ai muốn đi theo và làm môn đệ của Đức Giêsu. Những ai thiện chí sống theo ánh sáng, phải can đảm bước ra khỏi đêm đen, vì ánh sáng và đêm đen lại hai thực tại bất dung hòa. Thánh Phaolô khuyên chúng ta, hãy loại bỏ những việc làm đen tối… hãy ăn ở đứng đắn như người sống giữa ban ngày… không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng (Bài đọc II).
Cuộc đời này là sự chờ đợi liên lỉ. Chờ đợi Chúa không giống như tìm kiếm sự may rủi hay chờ một cơ hội có ngẫu nhiên, có thể đến mà cũng có thể không. Chúng ta chờ đợi Chúa trong niềm hy vọng và sự xác tín vào quyền năng của Ngài, và chắc chắn Người sẽ đến. Cuộc đời này được sánh ví như một con đường. Mỗi người chúng ta đang đi trên con đường đó. Ở cuối của con đường này, Chúa đang chờ đợi chúng ta, vì thế mà sự đợi của chúng ta là chờ đợi trong hy vọng. Chúng ta cũng tin chắc Chúa là Đấng yêu thương, luôn dành những điều bất ngờ cho những ai giữ một lòng trung tín và cậy trông nơi Người.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org