Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm C
“Khiêm tốn nhận ra thân phận mình”
Mùa Chay được khai mạc với một nghi thức rất cảm động và mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc, đó là nghi thức xức tro trên đầu. Khi khiêm tốn cúi đầu lãnh nhận một chút tro bụi, chúng ta cảm nhận thân phận hèn yếu của kiếp con người. Tro bụi là thứ vô dụng, còn sót lại sau khi các vật chất đã bị ngọn lửa thiêu rụi.
Nhận mình là tội nhân, là người còn mang nhiều khiếm khuyết đối với Chúa và đối với tha nhân, đó là sứ điệp của nghi thức phụng vụ cảm động này. Lời Chúa hôm nay tiếp tục nhắc nhở chúng ta, hãy nhận thức mình là ai trong vũ trụ mênh mông này. Ông Môi-sen đã đưa ra chỉ dẫn cho người Do Thái khi họ đến dâng của lễ. Nội dung lời cầu nguyện hướng về cội nguồn của dân tộc, xuất phát từ một người A-ram phiêu bạt, đã trải qua nhiều nỗi truân chuyên. Vừa nhận ra thân phận phiêu bạt của mình, người dâng của lễ cũng tuyên xưng đức tin vào quyền năng cao cả của Thiên Chúa, Đấng đã dẫn dắt Dân riêng của Ngài trong những nẻo đường gian nan của lịch sử. Đây cũng là tâm tình sám hối để xin Chúa tha thứ cho những bất xứng và lầm lỗi của cha ông cũng như của bản thân, đồng thời nhận ra thân phận con người bất toàn của mình.
Việc xác định rõ vị trí của Thiên Chúa trong cuộc đời đỏi hỏi những hy sinh và chiến đầu cam go. Mùa Chay cũng được gọi là thời điểm của những “trận chiến thiêng liêng” để giã từ quá khứ, biến đổi cuộc đời, làm cho đời mình nên tốt lành và trong sáng hơn. Đức Giê-su cũng đã trải qua cuộc chiến cam go như bao người khác. Thánh Lu-ca kể lại với chúng ta cơn cám dỗ của ma quỷ trong hoang địa. Đây cũng chính là những cơn cám dỗ mà chúng ta đang phải đối diện trong cuộc sống hằng ngày. Nội dung của các cơn cám dỗ nhắm tới lòng tham về ăn uống, quyền lực, danh vọng và sau cùng là sự kiêu ngạo chối bỏ quyền năng của Chúa.
Những cơn cám dỗ ma quỷ đã dùng trong sa mạc cũng chính là những cám dỗ mà nguyên tổ loài người đã gặp phải ở thời xa xưa ở vườn Địa Đàng. Ông A-đam và Bà E-và đã bị cám dỗ về lòng ham mê ăn uống, về quyền lực muốn “nên giống như Thiên Chúa” và nhất là về việc nghi ngờ tình thương của Chúa. Hai Ông Bà đã ngã gục trước những cám dỗ này và đó là nguyên nhân dẫn đến sự chết cũng như mọi đau khổ trong cuộc đời. Hậu quả là họ bị xua đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng, xua đuổi khỏi không gian hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho họ.
Những cám dỗ này, mỗi chúng ta đang phải đối diện trong cuộc sống hằng ngày. Những tham vọng vật chất làm con người mất đi tình huynh đệ gia đình cũng như tình làng nghĩa xóm. Những ham muốn quyền lực khiến người ta chà đạp tất cả để vươn lên, kể cả khi dùng những mánh mung hay tội ác. Quan niệm thái quá về tự do đã làm cho nhiều người muốn khước từ sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời, tự cho mình có thể làm được mọi sự mà không cần có Thiên Chúa. Trong xã hội hiện đại hôm nay tại Việt Nam, những cơn cám dỗ này có nguy cơ càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Chúng núp dưới những tên gọi rất mỹ miều, đôi khi còn được che chắn bởi những khẩu hiệu rất kêu hoặc mang danh lương tâm, từ thiện, nhưng thực tế là đang tôn vinh sự ích kỷ, những tham vọng hay hận thù. Cũng chính do những cám dỗ này, mà thế gian không bao giờ ngừng tiếng súng, chém giết và bạo lực gia tăng, luân lý xã hội suy đồi.
Chúa Giêsu đã chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ. Người không bị khuất phục trước mưu mô của Sa-tan. Người là mẫu gương cho chúng ta trong trận chiến thiêng liêng trên thế gian này. Mùa Chay đã khởi đầu, chúng ta hãy vào sa mạc với Chúa để sống tinh thần hy sinh cầu nguyện, đồng thời nhìn lại đời sống của bản thân, thiện chí trở về và dứt khoát sửa đổi đời sống, nhờ đó mà chúng ta nên con người mới nhờ lòng nhân hậu bao dung của Chúa là Cha chúng ta.
Ước mong mỗi chúng ta hãy cùng suy tư và thực hành lời Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI: “Mùa Chay mời gọi chúng ta, qua những thực hành trong đời sống Ki-tô hữu theo truyền thống lâu đời, hãy nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng việc chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, tăng trưởng đức ái và lòng mến Chúa yêu người qua những việc làm cụ thể là ăn chay, thống hối và giúp đỡ người nghèo” (Sứ điệp Mùa Chay năm 2013, số 3).
GM. Giuse Vũ Văn Thiên – TGM Hải Phòng