Chúa Nhật II Mùa Chay – A – 16/03/2014
St 12,1-4a; Tv 32; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9
Lm. Jude Siciliano, O.P.
HÃY ĐỨNG LÊN VÀ ĐỪNG SỢ !
Kính thưa quý vị,
Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao các soạn giả Sách bài đọc lại chọn những bài đọc như vậy. Đó chẳng phải là lời than phiền gì đâu. Tuy nhiên, “Tại sao họ lại chọn bài đọc đó ở đời này chứ!” Chẳng lẽ các chuyên viên phụng vụ và các học giả Kinh thánh có ý gì khi chọn những bài đọc cho ngày lễ hôm nay chăng? Chính chọn lựa của họ đã tạo ra “xoay tua” để chúng ta có dịp hiểu rõ hơn về các bài đọc cho cuộc sống. Nếu các bài đọc hôm nay dành cho Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hay Lễ Kitô Vua, thì liệu chúng ta hiểu khác đi chăng? Đương nhiên nhà giảng thuyết sẽ biết rõ điều này.
Chúng ta cùng tìm hiểu xem sao, vì được viết khá lâu trước khi hình thành Mùa Chay, nên bài đọc trong sách Sáng thế hôm nay sẽ cho ta biết rõ điều gì. Trước hết, chúng ta nhìn vào bài đọc, rồi sau đó xem xét ánh sáng soi chiếu cho chúng ta trong Mùa Chay này.
Câu chuyện ông Abram và bà Sarai (tên của họ sẽ được đổi thành Abraham và Sara) là một câu chuyện được nhiều người chúng ta ưa thích. Đó là một câu chuyện về niềm tin: hai người đã đáp lại lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy ra đi…” Họ biết mình đang ở đâu, nhưng họ không biết mình sẽ đi đến đâu. Họ nghe Thiên Chúa nói với họ và vì thế họ đã khăn gói, dẹp bỏ quá khứ và sẵn sàng lên đường. (Tu sĩ Gustavo Gutierrez, O.P. đã mô tả ơn gọi của ông Abram như “sự đoạn tuyệt”. Đó chẳng phải mô tả rằng lời mời gọi hay ơn gọi có một cảm giác gì chăng?) Họ đi trước thời đại, nhưng họ phải bỏ lại sự an toàn đã trải qua, và bỏ lại cả hàng xóm láng giềng lẫn cộng đồng để đi tới miền đất hứa. Họ không hề biết miền đất đó ở đâu cả, làm sao để đến đó hay khi nào thì sẽ đến nơi. Tuy nhiên, vì phó thác vào lời Thiên Chúa mà họ đã hành động như thế. Họ gạt bỏ những dự tính cá nhân để đi theo hướng dẫn của Thiên Chúa, và đi theo từng bước một.
Sáng kiến của Thiên Chúa khởi đầu cho hành trình, sáng kiến này sẽ hướng dẫn từng ngày và thấy nó đạt đến sự thành toàn. Trong khi ông Abraham và bà Sara là những nhân vật Kinh thánh rất quan trọng, thì Thiên Chúa lại là tâm điểm cho câu chuyện của họ. Kinh thánh không cho chúng ta biết ông Abraham và bà Sara là những con người thật sự thánh thiện. Vì không có phần dẫn nhập, nên chẳng ai biết được manh mối của câu chuyện mô tả họ đặc biệt thế nào. Thay vào đó, vị trí nổi bật là Thiên Chúa. Vấn đề này chúng ta luôn thắc mắc từ đầu đến cuối Kinh thánh: “Ai chịu trách nhiệm ở đây?” Và câu trả lời luôn giống nhau là chính “Thiên Chúa!” Thiên Chúa khởi xướng lời mời gọi, và Người theo chúng ta bằng việc đồng hành và thúc đẩy chúng ta để đáp trả suốt hành trình đến sự thành toàn.
Việc đặt câu chuyện sáng thế này trong phụng vụ hôm nay đã tác động cho chúng ta biết cách lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa giữa hành trình Mùa Chay. Như ông Abraham, lúc này chúng ta được Thiên Chúa thấy rõ đang ở đâu và trong những hoàn cảnh hiện tại nào của cuộc sống. Những chương đầu trong sách Sáng thế nhắc nhớ chúng ta rằng: Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh giống Thiên Chúa. Khi tội lỗi làm hoen ố hình ảnh đó trong chúng ta, thì Thiên Chúa sẵn lòng canh tân nó. Chúng ta được mời gọi ra khỏi những bám chấp quá khứ, và tin tưởng vào ân sủng nhưng không do phúc lành và lòng xót thương của Thiên Chúa. Chúng ta không phải nổ lực hoặc nài xin để có được những ân sủng này. Nhưng, ân sủng đó luôn dành sẵn cho chúng ta trong Mùa Chay này.
Thiên Chúa có những kế hoạch lớn lao, không chỉ dành cho ông bà này. Tất cả chúng ta cũng sẽ nhận được phúc lành mà khởi đi bằng việc Thiên Chúa chọn ông Abraham và bà Sara. Câu chuyện của sách Sáng thế bắt đầu bằng lời chúc phúc cho những con người đầu tiên. Họ đã chọn lối đi riêng và đã bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng. Mùa Chay nhắc nhớ chúng ta về những “chuyến lên đường” mà chúng ta đã thực hiện trên những hành trình riêng trong cuộc sống. Đồng thời, Mùa Chay cũng nhắc chúng ta rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, và chuẩn bị để chữa trị những đổ vỡ do tội lỗi gây ra. Ông Abraham và bà Sara là những nhân vật điển hình mà Thiên Chúa chuẩn bị để chúc lành cho chúng ta là những lữ khách bám chấp.
Có thể chúng ta cảm thấy không xứng đáng với lòng quảng đại của Thiên Chúa. Nhưng công trạng không phải là điều mà câu chuyện ông Abraham và bà Sara nhắm đến. Cùng với họ, hôm nay chúng ta được trao ban ân sủng cho một khởi đầu mới và một tương lai mới. Để đứng lên và tiếp tục cuộc hành trình với Thiên Chúa như người bạn đồng hành, thì liệu chúng ta có dám bỏ lại những gánh nặng trên vai hay không? Như lòng tín thác của ông Abraham và bà Sara vào Thiên Chúa, cùng với cộng đoàn phụng tự, chúng ta nên tin tưởng cầu xin để đáp trả lời Chúa trong bài đọc thứ nhất rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con như chúng con đặt tin tưởng nơi Ngài”.
Thánh Phaolô tái khẳng định một sứ điệp tương tự với sứ điệp chúng ta đã nghe từ sách Sáng thế. Thiên Chúa đã khởi sướng và kêu gọi chúng ta, “không theo công việc của chúng ta, nhưng theo kế hoạch riêng của Thiên Chúa và ân sủng đổ tràn trên chúng ta trong Đức Giêsu Kitô…”
Trình thuật Hiển dung của thánh Mátthêu diễn ra sau việc tiên báo đầu tiên về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu (16,21) và trước việc tiên báo lần thứ hai (17,22-23). Đức Giêsu biết điều gì đang chờ đợi mình ở Giêrusalem, và Người muốn cho các môn đệ biết rằng họ cũng phải vác thập giá để theo Người. Như ông Abraham, họ sẽ phải ra khỏi lối sống hiện tại và bắt đầu hành trình được Đức Giêsu hướng dẫn tới chốn định cư mới. Sau biến cố Hiển dung, ông Phêrô muốn xây dựng một nơi cư ngụ và ở lại đó. Nhưng đó không phải là điều Thiên Chúa muốn dành cho ông Abraham và bà Sara, cũng không dành cho ông Phêrô, hay cho bất kỳ môn đệ nào khác. Mùa Chay này, một lần nữa, Thiên Chúa mời gọi chúng ta lên đường – vác lấy thập giá và bước theo Đức Giêsu. Chúng ta được nhắc nhở rằng, việc đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu sẽ có giá trị khi chúng ta vượt qua những đau khổ trong tư cách làm môn đệ. Chúng ta cũng nắm chắc rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta cho đến khi cuộc hành trình được hoàn thành.
Các môn đệ được Đức Giêsu đưa lên núi. Họ bỏ lại những tính cách của cuộc sống hằng ngày trong trần gian này, ít nhất là trong một khoảng thời gian, đó là: sự ghen ghét, thù hận, ích kỷ, tranh cãi và tranh giành nhau. Đức Giêsu dẫn họ ra khỏi lề thói cũ để bước vào một trật tự mới, nơi đó Người là ánh sáng của họ – “Dung nhan Người sáng như mặt trời”. Trên ngọn núi cao, hai người khác xuất hiện, đó là ông Môsê và ông Êlia. Ông Môsê đã nhận Mười Điều Răn từ Thiên Chúa trên núi [Sinai], và dẫn đưa dân Người từ nô lệ đến tự do; còn ông Êlia là người cũng gặp gỡ Thiên Chúa trên núi, và hướng dẫn dân chúng từ việc thờ thần ngoại đến việc tôn thờ Thiên Chúa đích thật.
Mùa Chay là hành trình lên núi khác. Chúng ta cố gắng bỏ lại những bất cập của cuộc sống và theo hướng dẫn của tiếng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta rất hài lòng, hãy vâng nghe Người”. Trong Mùa Chay, chúng ta lại quyết tâm trở thành những người biết vâng nghe Đức Giêsu hơn, và vứt bỏ sau lưng những “ồn ào” khiến chúng ta không nghe được tiếng Người. Do những tiếng nói khác làm mất tập trung, nên không phải lúc nào chúng ta cũng có những lựa chọn khôn ngoan. Nhưng trong Mùa Chay này, cùng với Đức Giêsu trên núi, chúng ta quyết tâm chú ý lắng nghe tiếng Người đang mời gọi chúng ta rằng: “Hãy đứng lên và đừng sợ”.
Tuần trước, chúng ta đã vào sa mạc với Đức Giêsu. Ở đó, chúng ta nhớ lại những cơn cám dỗ mà mình đã bị khuất phục trong cuộc sống. Chúng ta cũng nhìn nhận sự dữ tồn tại cùng với sức mạnh của nó trong thế gian. Tuần này, chúng ta cùng Người lên ngọn núi cao. Trên núi, chúng ta có quyền hy vọng, vì chúng ta có thể nhìn thấy nhờ ánh sáng hiển dung của Đức Kitô dành cho mình. Chúng ta nghe thấy tiếng Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta hãy vâng nghe Đức Kitô, vì Người chính là Tin mừng của sự tha thứ trong Mùa Chay này.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp