Chúa Nhật II Mùa Vọng – A – (08.12.2013)
Is 11,1-10; Rm 15,4-9; Mt 3,1-12
Jude Siciliano, O.P.
HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN
Kính thưa quý vị,
Xưa có một câu đố rằng: “Khi một cây bị ngã trong rừng, nếu chẳng ai ở đó cả, thì liệu người ta có biết nó gây nên tiếng động nào không?” Có lẽ là không biết, vì khi cây ngã tạo ra những hiệu ứng của các sóng âm thanh, nhưng không có con người hay động vật nào ở đó chịu sự rung động của các sóng âm thanh đó qua tai mình. Đây là một câu đố thú vị, gợi lên những suy tư có giá trị, và không làm tổn thương gì cả. Nhưng khi một số cây cối đổ xuống có thể gợi lên nhiều câu hỏi và nỗi đau; chúng ta không đề cập đến những cây làm gỗ ở đây. So sánh xa hơn nữa, thật chua xót khi cây gia phả bị gãy, hay trong trường hợp của miền Giuđa, khi nhà Đavít bị gãy đổ như một thân cây dưới tay của những người Átsua.
Tuy nhiên, ngôn sứ Isaia tiên báo sự sụp đổ của nước Átsua hùng mạnh. “Khốn thay Átsua!” (10,5). Hơn nữa, từ cây đã bị ngã đổ của nhà Đavít sẽ mọc ra một chồi non. Những gì có vẻ là tiêu vong và thất vọng trong mắt người khác, thì trong mắt của những người tin đều là đầy sức sống và tràn trề hy vọng. Sẽ có sự sống nảy sinh nơi sự hủy diệt và tuyệt vọng. Ước mơ của ngôn sứ Isaia là từ dòng dõi vua Đavít sẽ xuất hiện một vì vua, giống như vua Đavít, để bảo vệ dân chúng và mang lại một vương quốc hòa bình. Lúc đó con người và thậm chí cả thiên nhiên, sẽ sống hòa hợp với nhau: “Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau.”
Dân chúng không thể mang lại sự tái sinh này cho quốc gia của họ, nhưng Thần Khí của Thiên Chúa thì lại có thể. Sẽ xuất hiện một vị thủ lãnh được ơn “khôn ngoan và minh mẫn”, “mưu lược và dũng mãnh”, “hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”. Hình ảnh tuyệt vời của bài đọc này gợi lên những niềm hy vọng về Đấng Mêsia, khi được ứng nghiệm, sẽ có lợi hơn nhiều so với những người Giuđa, “sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này”. Khi Đức Chúa hành động và lời hứa cứu độ xảy đến, tất cả mọi người sẽ được hưởng ân lộc.
Tại sao ai cũng sẵn sàng vượt qua gian nan để đi vào hoang địa nghe một người giảng thuyết nói với họ rằng: “Hãy thay đổi đời sống!”? Hoang địa tự bản chất là nơi không tiện nghi, nhưng ông Gioan Tẩy Giả lại mạo hiểm thêm một “yếu tố đầy ngụ ý”. Thay vì chào đón những người cảm phục ông, mời họ ngồi xuống và làm cho họ được thoải mái, thì lời nói đầu tiên của ông lại là: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”
Chẳng phải là những ngày trước Giáng Sinh được coi là thời gian của ánh đèn lập lòe, âm nhạc hân hoan, hăm hở mua sắm cho những người thân yêu và linh đình tiệc tùng đó sao? Nhưng từ giờ trở đi, lời rao giảng của ông Gioan đã cảnh tỉnh chúng ta. Bởi lẽ, ông là sự kết nối của chúng ta từ lời hứa của ngôn sứ Isaia cho tới khi lời hứa được hoàn trọn nơi Đức Kitô. Ông Gioan là người giao thời giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Ông Gioan kêu gọi chúng ta kiểm điểm lại đời sống, suy nghĩ lại các thứ tự ưu tiên, tái định hướng những ước mơ và khát vọng của mình.
Tại sao chúng ta lại làm khó mình với việc tự chất vấn bản thân như thế? Thưa rằng, vì ông Gioan không chỉ nói với chúng ta là phải “ăn năn”. Ông còn nói thêm rằng: “Vì Nước Trời đã đến gần”. Thiên Chúa sắp hoàn trọn những lời hứa và sẽ diễn ra rất gần với chúng ta. Với cuộc thăm viếng sắp đến (“Đấng đến sau tôi”), chúng ta sẽ chuẩn bị cho nhà mình được ngăn nắp. Những lo lắng về việc mua sắm, hoặc nhận lãnh của cải vật chất sẽ không làm chúng ta sao nhãng việc chiêm ngắm và lắng nghe rằng: Một lần nữa, khi ngự đến, Đấng đã được hứa ban sẽ bước vào thông phần với thân phận làm người của chúng ta.
Ông Gioan không rao giảng chốn phồn hoa đô hội, hay nơi một ngai tòa đầy quyền lực ở Giêrusalem. Ông chỉ sống ở bìa rừng. Tuy vậy, những người sống ở trung tâm như Giêrusalem (và những người thuộc quyền thống trị của vùng này ở Giuđê) đang rời khỏi gia đình, công việc và cộng đồng của họ để đến lắng nghe ông giảng dạy. Họ đang rời bỏ các nơi tiện nghi của mình, đi đến những khu vực xa xôi để nghe Lời Chúa. Mùa Vọng là một cơ hội cho ta tạo nên một không gian riêng trong cuộc sống của mình; rời bỏ trung tâm tiện nghi và những nhịp sống được hoạch định, và đến một nơi thanh vắng để nghe những điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Trong văn kiện “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng) gần đây, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết rằng: “Tôi không muốn Giáo hội được xem như là trung tâm điểm và cuối cùng bị dính chặt trong một mớ những nỗi ám ảnh và thủ tục.”
Không gian lễ bái của chúng ta được giản lược bớt đi, đặt trong không khí Mùa Vọng, khuyến khích chúng ta đơn giản hóa, bình tâm và lắng nghe. Những điều chúng ta sẽ nghe là “câu chuyện cũ” của lời các ngôn sứ đã hứa về sự hồi sinh. Ông Gioan là một vị ngôn sứ nữa đã đi ra ngoài hoang địa để khuyến khích chúng ta ngóng chờ, trông mong một sự đổi mới sâu xa bởi một Đấng, mà như ông Gioan nói, sẽ làm Phép Rửa cho chúng ta bằng Thánh Thần và bằng lửa.
Đây không chỉ là những điều Thiên Chúa bắt đầu thực hiện trong một thời gian dài trước đó trong vùng sa mạc Giuđê. Thông điệp của ông Gioan là nhắm vào hiện tại; thông điệp này được chia ở thì hiện tại. Ông đang chuẩn bị con đường cho Thiên Chúa. Nếu ta đang bị vướng mắc trong tình trạng thờ ơ hay những thói quen hằng ngày, thì ta sẽ biết là mình cần đến một vị cứu tinh thế nào. Đó là những gì ông Gioan hứa với chúng ta, một Đấng có thể nung nấu và đổi mới tinh thần chúng ta bằng cách làm Phép Rửa cho ta một lần nữa trong Chúa Thánh Thần.
Mùa Vọng không hề thanh lọc và làm cho ta nên xứng đáng. Đây là thời gian cho ta tin tưởng rằng Đức Kitô đang đến và cư ngụ trong chúng ta. Điều khích lệ và trợ giúp chúng ta là sự gợi nhớ lại lời hứa của ngôn sứ Isaia, và lời hứa đó sẽ được hoàn trọn nơi Đức Kitô.
Trong suốt mùa vui chơi và nâng chén hân hoan chúc mừng, chúng ta hãy đề cập đến một điều không nên nói ra là: ăn chay và cầu nguyện; chờ đợi và giữ thinh lặng nội tâm, để nhờ đó, chúng ta có thể được nuôi dưỡng bởi Kinh Thánh trong Mùa Vọng này. Niềm vui và chay tịnh sẽ đến vào dịp Giáng Sinh. Ít nhất là trong một chốc lát, khi các giai điệu của gian hàng bán đồ Giáng Sinh bật lên thì hãy tắt tiếng tivi đi. Hãy rời mắt khỏi màn hình và dâng một lời nguyện thầm với niềm khao khát và tin tưởng: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến, xin hãy đến.”
Tuần trước, khởi đầu Mùa Vọng, chúng ta bắt đầu đọc Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Một trong những đặc điểm của ngài là sử dụng cụm từ “Nước Trời” trong suốt Tin Mừng, không như thánh Máccô và thánh Luca thì lại nói về “Nước Thiên Chúa”. Theo truyền thống Do Thái, tác giả Mátthêu tránh nhắc đến thánh danh. Khi đề cập đến “Nước Trời”, ngài không nói về một sự kiện trong tương lai, hay một nơi chốn theo địa lý. Trong suốt Tin Mừng, qua các bài giáo huấn của Đức Giêsu với các dụ ngôn và hành động của Người, thánh Mátthêu cho thấy triều đại Thiên Chúa ở giữa thế giới chúng ta ngay ở đây và vào lúc này.
Ngay từ khởi đầu Tin Mừng này, mầm mống xung đột đã nảy sinh giữa Đức Giêsu và chính quyền Rôma, cũng như với các nhà lãnh đạo tôn giáo có thông đồng với Rôma. Sự thống trị của người Rôma đồng nghĩa với việc kiểm soát bằng áp bức; trong khi đó, uy quyền của Đức Giêsu sẽ được tỏ lộ thông qua lòng trắc ẩn, chữa lành bệnh tật và đón nhận những người tội lỗi. Vì Đức Giêsu đã quy tụ cả những người đàn ông lẫn phụ nữ, Do Thái và dân ngoại, nô lệ và tự do vào một cộng đồng bình đẳng, như thế: “Nước Trời đã đến gần”.
Thánh Mátthêu minh họa cách đa dạng và toàn diện Nước Trời bằng cách nói với chúng ta “nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc” đến với Phép Rửa của ông Gioan. Dường như họ cũng đến để được chịu Phép Rửa. Thế nhưng, khi họ tiến lên phía trước, ông Gioan cũng cảm nhận được sự giả dối của họ. Họ không thể đòi hỏi đặc quyền đặc lợi như các nhà lãnh đạo tôn giáo, cũng như quyền lợi với tư cách là con cháu ông Ápraham. Họ phải chứng tỏ bằng việc làm rằng, đức tin của mình là chân thành. Người nói với họ: “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng ăn năn sám hối”.
Mùa Vọng mời gọi chúng ta ăn năn sám hối, đó là bước khởi đầu. Tiếp đó, chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mình xem có sinh lợi như là hoa quả của vương quốc mà Đức Giêsu đến rao giảng hay không. Thánh Phaolô kể ra một số hoa thơm trái ngọt phải có trong cộng đoàn mới của Đức Giêsu: “Sống hòa thuận với nhau”, và tôn vinh Thiên Chúa “bằng sự đồng tâm nhất trí với nhau”. Đó là mong muốn của thánh Phaolô đối với cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma. Ngài hy vọng cộng đoàn như thế sẽ làm chứng cho Đức Kitô giữa các dân ngoại. Như ông Gioan Tẩy Giả đã làm chứng, chúng ta hy vọng rằng việc làm chứng của cộng đoàn giáo xứ mình sẽ thu hút được những người khác, nhờ đó, họ rời bỏ các trung tâm tiện nghi của mình để tham gia với chúng ta khi cùng chúng ta lắng nghe Lời Chúa và được dưỡng nuôi trong bàn tiệc cuộc đời.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp