Chúa Nhật IV Mùa Vọng – A – (22.12.2013)

20-12-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Chúa Nhật IV Mùa Vọng – A – (22.12.2013) by

Is 7,10-14; Tv 24; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24
Jude Siciliano, O.P.

ĐỨC GIÊSU ĐỒNG HÀNH VỚI NHÂN LOẠI
TRONG SỰ XÁO TRỘN

Kính thưa quý vị,

Khi mới nghe Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, chúng ta sẽ thấy có thanh âm lạ lùng. Nghe như mâu thuẫn vậy, bởi vì: Chẳng phải vua Akhát từ chối xin Thiên Chúa một dấu chỉ tựa như sự sắp xếp mà chúng ta gọi đó là niềm tin sao? Nhằm nâng đỡ niềm tin, chúng ta được chỉ dạy phải tín thác vào Thiên Chúa ngay cả khi không có những dấu chỉ rõ ràng. Thế nhưng, tại sao ngôn sứ Isaia lại tức giận khi vua Akhát từ chối xin dấu chỉ? – “Hãy cứ để dấu dưới âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”. Vua Akhát đáp lại: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa”. Chẳng phải điều đó nghe khó hiểu sao?

Những bối cảnh dưới đây có thể giúp giải thích điều này. Tám thế kỷ trước Chúa giáng sinh, Đế quốc Assyria đã tràn qua các quốc gia nhỏ hơn để xâm chiếm Ai Cập. Israel, vương quốc phía Bắc, đã liên minh với Assyria và chuẩn bị tấn công Giuđa. Lúc bấy giờ, Ai Cập muốn vua Akhát, thủ lãnh của Giuđa, hợp lại để chống trả người Assyria. Ngôn sứ Isaia khuyên vua Akhát hãy trung tín với giao ước và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Thay vì hợp tác với Ai Cập để chống lại Assyria, vua Akhát đã quay sang phò vua Tiglath Pileser, trị vì nước Assyria. Thậm chí ông còn đưa hình thức phượng tự của người Assyria vào trong Đền thờ. Ngôn sứ Isaia đã ra sức thuyết phục vua Akhát tin rằng lời nói của ông đáng tin cậy, nên ông đã khuyến khích vua xin Thiên Chúa một dấu. Nhưng vua Akhát đã quay sang người Assyria xin sự trợ giúp mà không phải xin Thiên Chúa giúp sức. Do đó, việc từ chối của vua Akhát đã khiến ngôn sứ Isaia buộc tội ông vì làm phiền cả dân chúng và Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã hứa bảo vệ Giêrusalem và duy trì ngai vàng vua Đavít. Vì vậy, Thiên Chúa đáp lại vua Akhát: “Này đây trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”. Nếu có ai hỏi vua Akhát: “Ai chịu trách nhiệm ở đây?” Ông sẽ dựa trên phương diện chính trị, quyền lực quốc gia mà trả lời rằng, người chịu trách nhiệm là vua nước “Assyria”. Các nhà lãnh đạo chính trị và quốc gia thường không quan sát tổng thể, chỉ nhìn hạn hẹp trong phạm vi quyền lực. Nếu chúng ta đặt cùng câu hỏi này với ngôn sứ Isaia, ông sẽ trả lời ngay và không dè dặt gì rằng: “Thiên Chúa và chỉ Thiên Chúa chịu trách nhiệm”.

Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Miền Giuđa sẽ bị dân Assyria xâm chiếm. Trong trường hợp này, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ xét xử miền Giuđa. Nhưng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” cuối cùng sẽ làm cho Assyria bại trận.

Chúng ta muốn Đấng Emmanuel đến và sẽ mừng sinh nhật Người sớm hơn. Niềm an ủi Người mang đến là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ nối kết chúng ta vào những nơi chúng ta cần sức mạnh, sự can đảm và lòng trắc ẩn để sống như dân tộc sống giao ước của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nhưng khi Giáng sinh đang cận kề, và trong lúc tổ chức mừng sinh nhật Đức Kitô, và giả như Thiên Chúa đến phán xét tội lỗi và những liên minh mờ ám mà chúng ta đã thỏa hiệp để có được sự giàu sang, thân thế và địa vị xã hội, thì liệu chúng ta có còn mừng nhau vài cốc rượu bên cây thông và máng bò lừa hay không? Ngôn sứ Isaia báo cho biết, khi Thiên Chúa đến sẽ mang theo cả sự thách đố và nguồn an ủi. Sự phát xét sẽ dựa vào những liên minh và sự kỳ vọng mà chúng ta đã đặt vào nơi các quyền lực như: quân sự, kinh tế, thân thế, cạnh tranh, những hệ thống bất công, v.v… Có lẽ khi mừng Đức Kitô đến, lời cầu nguyện đầu tiên của chúng ta sẽ là: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”. Tiếp đến, chúng ta sẽ chuẩn bị để mừng Đấng Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vì một lần nữa, chúng ta hoán cải và quay về với Đấng Cứu Thế cho sự sống mới.

Thánh Mátthêu được dưỡng dục tốt trong truyền thống Do Thái. Ngài cho thấy điều đó ngay từ khởi đầu của sách Tin Mừng. Sự mô tả của ngài về những điều dẫn đến biến cố hạ sinh của Đức Giêsu tập trung vào niềm hy vọng của dân tộc. Bằng việc trích dẫn sách ngôn sứ Isaia, thánh Mátthêu cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta; không phải theo cách chung chung, nhưng ngay bấy giờ trong dòng tộc của vua Đavít – như Thiên Chúa đã hứa. Lời hứa trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm. Bằng việc hướng các độc giả đến với Kinh thánh, ngôn sứ Isaia nhắc nhở rằng các tín hữu hãy đặt niềm tin vào Kinh Thánh – đặc biệt giữ vững niềm hy vọng và củng cố đức tin trong những khi ngã lòng.

Thiên Chúa đã đến thế gian: một thế gian mà các kế hoạch không luôn luôn được thực hiện theo như ý, và nơi thế gian này, con người phải tập thích nghi với thực tại hiện hữu trước mắt họ. Ông Giuse đã thành hôn với bà Maria, và tất nhiên, ông đã có những kế hoạch cho mình. Bào thai của bà Maria đã làm đảo lộn thế giới và kế hoạch của ông. Thay vì tố cáo bà Maria, ông “đã định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Ông là “người công chính” và sẽ bảo vệ bà Maria khỏi bị ô danh. Ông không có ý trả thù, và mặc dù bà Maria đã sai, nhưng ông vẫn thể hiện lòng khoan dung.

Sau giấc chiêm bao, ông Giuse “đưa vợ về nhà mình”. Quả thật, thế giới Thiên Chúa chọn để đến không chỉ là một nơi nghèo nàn, lao động cực nhọc, đầy áp bức của quân đội và chính trị, mà ngay từ đầu đã xuất hiện sự xáo trộn – thậm chí sự xáo trộn đó đã có từ khi đứa trẻ còn trong lòng mẹ. Thiên Chúa nắm lấy cơ hội lớn là sinh ra giữa chúng ta. Để tạo ra con đường bằng phẳng và thực thi kế hoạch suôn sẻ hơn cho Đấng cứu thế, chắc chắn đối với Thiên Chúa phải có những chọn lựa khác khôn ngoan hơn. Nhưng liệu ai có được “con đường bằng phẳng” qua cuộc sống xáo trộn này? Thật lý tưởng khi biết rằng Đấng Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lại chọn cách đồng hành với chúng ta, những con người trong một thế giới hiện thực và đầy hỗn độn. Tất nhiên, Thiên Chúa cũng đồng hành với chúng ta trong sự hỗn độn đó.

Lần tới cha chủ tế trong Thánh Lễ, hoặc ở phần mở đầu lại cầu xin: “Chúa ở cùng anh chị em”, chúng ta sẽ đáp lại theo đúng kỷ luật phụng vụ: “Và ở cùng Cha”. Nhưng chúng ta có thể thì thầm thêm rằng: “Tạ ơn Chúa! Chúa ở cùng con, ngay ở đây và bây giờ, cuộc sống con đây đầy rẫy những bất toàn, sự sợ hãi, đầy ắp những thứ cần phải làm và cả sự xao lãng, hòa lẫn niềm vui, nỗi buồn và cả tình yêu. Chúng con xin tạ ơn Chúa!”

Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW