Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất – B

27-12-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất – B by

St 15,1-6. 21,1-3; Hr 11,8.11-12.17-19; Lc 2,22-40
Lm. Jude Siciliano, OP.

VỊ TRÍ CỦA TRẺ EM TRONG QUAN NIỆM CỦA THIÊN CHÚA

Kính thưa quý vị,

Mấy người bạn của tôi đều rất phấn khích. Con gái họ vừa mới sinh đứa cháu đầu tiên. Họ đã chuẩn bị hành lý cho chuyến đi 250 dặm bằng ô tô để gặp thành viên mới nhất trong gia đình. Họ không thể đợi được! Một trẻ thơ ra đời là một sự kiện lớn lao đối với các gia đình và bè bạn. Họ tổ chức ăn mừng ra mắt thành viên mới này. Nhiều tiếng khen ngợi, trầm trồ. Họ tranh nhau bồng ẵm bé trên tay “Anh chị đã bế nó lâu rồi, giờ đến lượt tôi.” “Này, để tôi ẵm nó tí!”

Mọi thứ chẳng thay đổi mấy trong lịch sử nhân loại. Khi chúng ta mang một đứa trẻ đến nhà thờ để nhận bí tích Thanh Tẩy, thánh Luca nói với chúng ta rằng, đối với Giuse và Maria, một cặp vợ chồng Do Thái mộ đạo cùng với con, họ cần phải lên Đền Thờ để dâng của lễ. Hai ông bà nghèo và của lễ không phải là con bò, chiên hay dê mà là lễ vật của người nghèo, hai con chim bồ câu. Có lẽ hôm ấy ở Đền Thờ cũng có một vài tín đồ. Họ cầu nguyện cùng với niềm mong chờ Đấng Mêsia đến và giải phóng. Chẳng phải các ngôn sứ đã hứa điều ấy sao? Phải chăng họ cần có ai đó để cứu họ thoát khỏi ách đô hộ Rôma và giữ cho niềm hy vọng vào Thiên Chúa của tổ tiên luôn được sống động?

Những tín đồ có lẽ đã nhớ lại lời hứa Chúa đã thực hiện với ông Ápraham và bà Sara. Khi Chúa hiện ra với ông Ápram (sau này là Ápraham), ông đã tỏ lòng biết ơn vì những ơn lành Chúa đã ban cho ông. Thế nhưng kèm theo là một lời cảnh báo, ấy là những ơn lành đấy chỉ là tạm thời vì hai ông bà không có con. Như thế sẽ không có con cái nối dõi tông đường, một gia đình không có tương lai. Thế rồi Thiên Chúa đã hứa với ông Ápram rằng con cái ông sẽ đông đúc như sao trên bầu trời đêm.

Cuộc trao đổi giữa Thiên Chúa và ông Ápbraham thật sự không có gì nổi bật. Không có bụi cây cháy; không có sấm chớp khi Chúa nói. Giống cuộc trò chuyện giữa hai người bạn khi ngồi cà phê với nhau. Tuy vậy, dẫu không có pháo hoa và ông Ápram và bà Sara đã cao niên, Ápram đã đón nhận lời Chúa hứa với ông. Ông tin tưởng vào lời Chúa và đức tin của ông nơi Thiên Chúa làm cho ông “được kể như người công chính.” Niềm tin của ông đã đặt ông vào mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa.

Phần thứ hai của câu chuyện đã khẳng định rằng đức tin của Ápram đã sinh hoa trái, hai ông bà có được một mặt con. Người con này sẽ là dấu chỉ về lời hứa của Thiên Chúa với ông bà rằng hậu duệ của họ sẽ đông đúc như sao trời. Trong suốt lịch sử của mình, những người Do Thái trung tín luôn mong chờ cho niềm hy vọng vào Chúa của họ được thực hiện. Giống như Ápraham, họ đã tin vào Đấng đã hứa. Ngày lễ hôm nay mừng lòng trung tín của Thiên Chúa và sự thành toàn của lời Chúa hứa. Con cháu của Ápbraham cũng đông như sao trời như lời Chúa đã hứa. Thế nhưng có một sự bất ngờ nào đó trong sự thành toàn lời hứa này. Đấng sẽ thực hiện lời hứa này, người trưởng tử trong số nhiều con cái của Thiên Chúa, đi vào Đền Thờ cùng với cha mẹ đơn nghèo của mình và người khác hầu như không nhận ra Người.

Một cặp vợ chồng người Do Thái sùng đạo dâng con mình cho Chúa. Ai có thể đoán biết đây chính là Đấng mà cả dân tộc đã ngóng chờ? Dễ dàng dường bao khi người ta không nhận ra Người. Người hầu như lạc giữa các thầy tư tế đang hiến tế các con vật, giữa những người Pharisêu đang giảng dạy các trẻ nhỏ, giữa những tiếng kêu ồn ào của những con vật đang khiếp sợ và những người đổi tiền. Nếu ai đó gây sự chú ý nơi Đền Thờ, chắn hẳn đó phải là những thầy tư tế đạo mạo và những người giàu có, ăn mặc đẹp đẽ và đứng ở những vị trí đầu. Người ta dễ dàng bỏ qua đứa trẻ đang cùng với cha mẹ nghèo của em!

Không phải tất cả đều lãng quên em. Đã có cụ Simêon và bà Anna, những người lính canh thâm niên không bỏ Chúa vì tin rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ họ. Quả là một nhóm người không có gì là nổi bật: bố mẹ, đứa trẻ, hai cụ già và những người đang cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói trẻ em và người lớn tuổi tiêu biểu cho hai cực của cuộc sống và là những người dễ bị tổn thương và thường bị lãng quên nhất. Đức Thánh Cha cũng nói một xã hội bỏ rơi trẻ em hay gạt ra bên lề những thành viên lớn tuổi cho thấy sự thất bại của xã hội ấy. Người không chỉ nói về những quốc gia nghèo nhất, không chỉ với 14 triệu trẻ em trong đất nước này phải bụng đói mà đi ngủ. Không chỉ 3,8 triệu người Mỹ lớn tuổi sống dưới mức nghèo khổ, hưởng những chi phí chăm sóc sức khỏe không như mong đợi và đang cần nơi ở trong thời tiết khắc nghiệt. Đa phần những người lớn tuổi nghèo khó là phụ nữ, họ nhận lương thấp vì sự phân biệt đối xử về lương bổng. Gần như một trong số năm người phụ nữ độc thân, góa bụa hay ly hôn trên 65 tuổi đều nghèo túng.

Những người bé mọn nhất trong xã hội là những người mà Thiên Chúa lưu tâm nhất và Người kêu gọi chúng ta cũng để ý đến họ. Đây là một chủ đề trong Kinh Thánh.  Hai cụ già trong trình thuật Tin Mừng hôm nay thu hút sự chú ý của chúng ta – ông Simêon, người tỉnh thức mong chờ và bà Anna, vị ngôn sứ. Họ nhận ra điều Thiên Chúa đang thực hiện và loan báo sự việc ấy.

Nhờ bí tích Thanh Tẩy chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa viếng thăm và cư ngụ. Khi Chúa bất ngờ đến thăm Đền Thờ của chúng ta, liệu chúng ta có nhận ra Người chăng? Chúng ta có dành chỗ cho Người không? Vì Người ta có sẵn lòng thay đổi không? Ai có thể giúp chúng ta khám phá ra sự xuất hiện đầy bất ngờ của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta? Xét theo bài Tin Mừng hôm nay, những cụ già có lòng sốt mến và trung tín có thể giúp chúng ta.

Đây chính là ngày để ăn mừng những người cao niên trong cuộc đời chúng ta vì đã giúp chúng ta biết Đức Kitô. Họ là những lính canh, qua bao năm phục vụ trung thành, vẫn giữ được sự tập trung và giúp chúng ta khai tâm mở trí. Họ biểu trưng cho sự khôn ngoan trong gia đình và giữa những người thân quen của chúng ta – bố mẹ và ông bà, cô dì chú bác và những người bạn và người quen lớn tuổi.

Trong các giáo xứ họ đứng lớp và chuẩn bị trẻ em lãnh nhận các bí tích; tổ chức và phân phát thực phẩm cho bệnh nhân; mang Thánh Thể đến cho những người bị liệt; chăm sóc con cháu và dạy bọn trẻ cầu nguyện. Họ hiện diện ở các nơi linh thiêng của chúng ta – nhà thờ giáo xứ và các nguyện đường. Họ mang hoa đến và chuẩn bị bàn thờ để dâng Thánh lễ; trả lời điện thoại trong văn phòng giáo xứ; đếm tiền giỏ vào các sáng thứ Hai; họ là những thành viên của ban tang lễ, tham gia đọc Sách Thánh và phân công các thừa tác viên Thánh Thể và còn nhiều, nhiều việc khác nữa.

Thiên Chúa đến một cách nhẹ nhàng và chúng ta không muốn bị nhỡ đón tiếp Người vào cuộc đời chúng ta. Trong Thánh Lễ này, chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn những bà Anna và những ông Simêon, là những người giúp chúng ta mở rộng cặp mắt và đôi tai để nhận ra ánh sáng Đức Kitô đang vào trong Đền Thờ của chúng ta.

Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW