Chúa Nhật Thánh Gia – A – (29.12.2013)
Hc 3,2-7.12-14; Tv 128; Cl3,12-21; Mt 2,13-15.19-23
Jude Siciliano, O.P.
THIÊN CHÚA DƯỠNG NUÔI
GIA ĐÌNH KITÔ HỮU BẰNG NHỮNG GÌ ?
Kính thưa quý vị,
Chúng ta vẫn còn nhìn thấy những hang đá ở các nhà thờ hay dưới gốc cây thông Noel ở nhà. Chúng gợi lại khung cảnh đồng quê rất hợp với bài hát mà hầu hết mọi người ưa thích: “Đêm thánh vô cùng” “tất cả đều tĩnh lặng, tất cả cùng bừng sáng lên”. Có thật thế không? Bài Tin Mừng hôm nay không hề nói lên “sự tĩnh lặng và sáng láng” dành cho Gia đình thánh. Những gì họ đang trải qua thì ngày càng thêm hỗn độn, sợ hãi và hối hả.
Thánh Mátthêu nhanh chóng đưa chúng ta từ việc hạ sinh của Hài nhi Giêsu nơi hang bò lừa, đến cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ và rồi nhanh chóng đến khung cảnh hôm nay, việc cha mẹ hài nhi Giêsu phải vội vã chạy trốn để bảo vệ con trẻ. Đoạn Tin Mừng hôm nay, với những hàm ý mạnh mẽ về những hiểm nguy trên gương mặt trẻ thơ, ám chỉ rằng những mối đe dọa mà Người sẽ phải chịu khi lớn lên.
Cha mẹ Hài nhi Giêsu đã phải thực hiện những bước quyết liệt nào để bảo vệ con trẻ khỏi bàn tay tàn độc của vua Hêrôđê? Thử hình dung xem cặp vợ chồng nghèo và giản dị sẽ gặp khó khăn biết bao khi phá bỏ những ràng buộc của gia đình và làng xóm để đưa con trẻ trốn sang đất khách quê người. Ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm thấy những tấm hình từ tạp chí, truyền hình và Internet về những gia đình thực hiện giống như những điều này: chạy trốn nội chiến, thiên tai, áp bức tàn khốc trong đất nước họ, hoặc nhu cầu vượt biên bất hợp pháp để kiếm công ăn việc làm nuôi sống gia đình. Hôm nay có thể xem như là một ngày lễ của những người tị nạn và những gia đình di trú, vì lòng chính trực của Thiên Chúa ở nơi những người khốn cùng và những gia đình bị loại trừ, những người phải tha hương, như gia đình của hài nhi Giêsu đã làm, chỉ tìm cách sống sót.
Điều thánh Mátthêu làm rõ trong trình thuật hôm nay là Thiên Chúa luôn lưu tâm và hướng dẫn gia đình này, như Người đã bảo vệ và hướng dẫn dân Israel thoát khỏi sự kìm kẹp của những bạo chúa trước đây. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên, vì thực ra, trình thuật thời thơ ấu và toàn bộ Kinh Thánh là một câu chuyện liên tục về tình yêu và sự quan phòng mà Thiên Chúa dành cho những người nhỏ nhất trong xã hội. Gia đình thánh biểu trưng niềm mong ước của Thiên Chúa cho mọi gia đình được hạnh phúc, đặc biệt những gia đình là nạn nhân của thế lực áp bức bên ngoài.
Ông Giuse và bà Maria biểu trưng cho điều mà mọi gia đình nên làm, đó là: yêu thương, chăm sóc và bảo vệ cho những thành viên trẻ hơn và dễ bị tổn thương hơn. Bi kịch thay, không phải lúc nào cũng được như vậy, và trong các cộng đoàn chúng ta có những thành viên bị tổn thương cả thể xác và tinh thần; họ phải mang những vết thương tổn từ trong gia đình và sống với chúng suốt cuộc đời. Khái niệm về “gia đình thánh” là một sự trái nghịch trong thuật ngữ dành cho họ. Tôi tự hỏi liệu có một lời cầu nguyện nào để chữa lành hay không, hay một lời có sẵn trong Lời nguyện Tín hữu hôm nay dành cho những người ấy, khấn xin Gia đình thánh giúp đỡ chăng?
Không chỉ những gia đình đang chịu đựng áp lực đặc biệt mà chúng ta lưu tâm hôm nay. “Những gia đình bình thường” cũng gặp phải những áp lực trong cuộc sống. Có nhiều gia đình các thành viên phải làm hai nghề cùng một lúc. Nhiều cha mẹ nghèo phải làm nhiều nghề nữa là khác. Con cái cũng sớm chịu áp lực để vươn lên, và phải tham gia nhiều loại hình hoạt động ngoại khóa ở trường. Họa hoằn lắm các thành viên thánh gia mới cùng ăn tối với nhau, không như các gia đình hiện đại thì thường xuyên dùng bữa với nhau hơn. Vì thế, nhà giảng thuyết hãy cẩn trọng, đừng vẽ nên một bức tranh thiếu thực tế và bình dị về gia đình thánh, và cần lưu ý, mô hình lý tưởng như một kiểu mẫu chỉ dành cho gia đình hiện đại. Hãy nhớ rằng, trừ những phó tế vĩnh viễn, những nhà giảng thuyết độc thân có lẽ không đủ kinh nghiệm về cuộc sống gia đình ngày nay.
Có nhiều áp lực bên trong đè nặng trên cuộc sống gia đình. Những lời thánh Phaolô khuyên nhủ các Kitô hữu đầu tiên của thư Côlôsê là những chỉ bảo đàng lành, ngõ hầu các thành viên trong gia đình cần đối xử với nhau sao cho hợp lẽ.
“Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, hãy chịu đựng với nhau; vì Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng phải tha thứ cho nhau”.
Độc giả Kinh Thánh sẽ ghi nhận cách thức tác giả Mátthêu mô tả Đức Giêsu. Đức Giêsu đang tái hiện lịch sử của dân Người, đặc biệt những sự kiện chính yếu của các vị lãnh đạo và các tổ phụ trong quá khứ của dân Israel, vua Đavít và ông Môsê. Thánh Mátthêu nhanh chóng loại trừ vua Hêrôđê ra khỏi câu chuyện. Một ông vua trần gian bị gạt ra ngoài vì Vua đích thật của dân Do Thái đã sinh ra. Ba nhà chiêm tinh đang tìm kiếm vị Vua của dân Do Thái và họ đã gặp được Người. Thánh Mátthêu nối kết Đức Giêsu với vua Đavít, vì Người đã được cha mẹ đưa đi khỏi Bêlem, quê hương của vua Israel. Đức Giêsu rời Israel đến Ai Cập và chúng ta nhớ đến ông Môsê, đứa trẻ được bảo vệ khỏi cuộc thảm sát của vua Pharaô. Những sự kiện trong cuộc đời Đức Giêsu không trùng khớp ngẫu nhiên, vì thánh Mátthêu theo một “chủ đề ứng nghiệm” qua Tin Mừng. Đức Giêsu là ai và những gì xảy ra với Người mang ý nghĩa để nhắc nhở độc giả về những lời tiên báo về Người. Thiên Chúa không quên dân Người đã tuyển lựa, vị Vua mới của họ đã đến.
Cuối cùng, vị Vua của dân Do Thái này không được rước về từ Ai Cập trong sự huy hoàng lộng lẫy và được đặt lên ngai. Khi sự nguy hiểm đã qua, gia đình thánh trở về trong âm thầm để sống ở Nadarét, một ngôi làng tầm thường. Một lần nữa, thánh Mátthêu nhắc chúng ta cách thức Đức Giêsu hoàn tất Kinh Thánh, “…vậy để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Nadarét”. Qua tất cả trình thuật này, thánh Mátthêu cho thấy rõ rằng: qua thông điệp của sứ thần, Thiên Chúa hằng bảo vệ Đấng trị vì mới của Israel.
Các tín hữu tiên khởi đã tụ họp tại các gia đình để cầu nguyện và cùng nhau thờ phượng. Điều mà truyền thống gọi chúng ta là một “hội thánh tại gia”. Trong huấn thị về việc dạy giáo lý, các Giám mục Mỹ đã đặt tựa đề “Chia sẻ ánh sáng Đức tin”, nhắc nhớ rằng gia đình Kitô hữu là một “cộng đoàn căn bản nơi đó đức tin được nuôi dưỡng”.
Chắc chắn điều đó hoàn toàn đúng trong cuộc đời của Đức Giêsu. Người được sinh ra là người Do Thái và được nuôi dưỡng trong một gia đình Do Thái. Theo như những gì Tin Mừng cho biết, thì đây là một gia đình đạo đức sống theo niềm tin của Do Thái Giáo. Người học Sách Thánh và những giá trị tôn giáo cũng như chứng kiến các lễ hội tôn giáo từ trong gia đình. Là một gia đình sùng đạo, ắt hẳn ba vị cũng thường cầu nguyện cùng nhau. Tôi lớn lên giữa những gia đình Do Thái và dễ dàng nhận ra rằng: ngoài việc được thực hành tại đền thờ và nơi các hội đường, thì niềm tin của người Do Thái là “một tôn giáo tại gia”. Có lẽ đây chính là lý do mà họ vẫn tồn tại sau bao thế kỷ bị bách hại. Khi không thể thực hành tôn giáo cách công khai thì họ cùng nhau cầu nguyện tại nhà. Hãy nhớ rằng, các lễ quan trọng nhất của Do Thái giáo, nhất là lễ Vượt Qua, được cử hành tại gia đình.
Chúng ta là những Kitô hữu đề cao việc cùng nhau thờ phượng, đặc biệt là Phụng vụ Ngày Chúa Nhật. Nhưng chúng ta cũng được khuyến khích mang đức tin ấy về trong gia đình của mình. Chẳng hạn, Mùa Vọng vừa rồi chúng ta treo những vòng hoa Mùa Vọng ở nhà cùng với những lời cầu nguyện chúng ta cử hành cùng gia đình. Hầu như mọi nhà đều trưng bày tượng chịu nạn, tượng ảnh các thánh, nến, nước thánh… Những gì chúng ta cử hành cùng nhau hẳn phải được bắt nguồn từ những việc chúng ta làm cùng nhau ở nhà như việc chia sẻ thức ăn, cùng cầu nguyện và những nghi thức đơn giản khác. Bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta học cùng nhau tại nhà những gì mình sẽ biểu hiện trong phụng vụ Chúa Nhật – việc chúng ta là thân mình của Đức Kitô. Những gì chúng ta khởi sự từ trong Hội thánh tại gia, thì chúng ta cũng họp nhau ở nhà thờ để tỏ bày. Chúng ta là một gia đình được Thiên Chúa dưỡng nuôi bằng Lời, Thánh Thể và tha nhân.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp