Chúa Nhật V Thường Niên B – 08/02/2015
G 7,1-4.6-7; 1 Cor 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39
Lm. Jude Siciliano, OP.
RAO GIẢNG TIN MỪNG ĐÓ LÀ SỨ VỤ
Kính thưa quí vị,
Phải chăng nhiều người sẽ cảm thấy lạ và bối rối khi nghe đọc viên kết thúc bài trích sách Gióp: “Đó là lời Chúa”, và chúng ta đáp lại “Tạ ơn Chúa”? Quả vậy, cuối đoạn trích, Gióp ca thán tình cảnh bi đát của mình, “mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.” Gióp thật đáng thương! – ông đã có nhiều thứ và rồi mất mọi thứ – nào là con cái, của cải, đất đai, và đầy tớ. Ông lại mang căn bệnh khủng khiếp và ngồi trên đống phân. Liệu chúng ta có muốn đáp trả bẳng lời “Tạ ơn Chúa” không? Có lẽ chúng ta cũng than vãn như ông Gióp, “Sao tôi khổ thế này!”
Những kẻ được gọi là bạn bè chẳng giúp được gì. Họ đến để “an ủi” ông và vô tình làm cho ông bị tổn thương thêm khi hối thúc ông xin Chúa tha tội. Trong cách nghĩ của họ, người tốt được Chúa “chúc lành” ở đời này với nhiều của cải, sức khỏe và con đàn cháu đống; còn tội nhân bị chúc dữ với nghèo khổ và bệnh tật. Thảm cảnh của ông Gióp gợi lên trong trí họ rằng ông bị Chúa phạt vì đã phạm tội. Ban đầu, những người bạn của ông ngồi thinh lặng bên ông suốt một tuần. “Họ ngồi xuống đất bên cạnh ông, suốt bảy ngày đêm, chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá lớn” (G 2,13). Đôi khi đối diện với nỗi khổ quá lớn của ai đó, tất cả những gì chúng ta có thể làm là ở bên họ trong thinh lặng. Sự thinh lặng ban đầu của những người bạn ông Gióp là một chọn lựa tốt hơn những gì họ làm sau đó.
Những người bạn của Gióp đã phạm sai lầm khi cố khuyên nhủ ông. Họ gắng thuyết phục ông rằng chắc hẳn ông đã làm điều gì đó không tốt nên mới đến nông nỗi này. Gióp nổi giận vì “liều an thần” của họ. Ngay cả vợ ông cũng hùa theo luận điệu nhạo báng của đám người khuyên nhủ ông, “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (2,9).
Ông Gióp là hình ảnh người tốt vô tội phải chịu đau khổ. Khi kẻ xấu chịu khổ chúng ta có thể lý giải rằng họ nhận được những gì họ đã gieo; nhưng khi người vô tội phải chịu đau khổ chúng ta không thể viện ra lý do nào để lý giải cho nỗi đau của họ. Ông Gióp không thể hiểu nổi tại làm sao những chuyện ấy lại xảy đến với mình. Ông bị hoảng loạn vì những mất mát, nỗi đau thể lý lẫn tinh thần. Điều tệ hại hơn là ông không thể hiểu tại sao Thiên Chúa lại đối xử với mình như vậy. Ông trách cứ Chúa, nhưng ông không bỏ Chúa. Ông không đánh mất mối tương quan với Chúa. Quả vậy, vào đoạn cuối sách Gióp, mối tương quan của ông với Chúa trở nên sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Giống như ông Gióp, đức tin của chúng ta cũng bị thử thách bởi những đau khổ không lý giải được. Làm sao chúng ta có thể giải thích được? Chúa ở đâu khi chúng ta đang ở tận cùng của đau khổ? Ngài bênh vực ta hay chống lại ta? Phải chăng sự đau khổ là dấu chỉ chúng ta đã làm phật lòng Chúa và vì thế bị Người phạt? Giờ đây chúng ta sẵn sàng lắng nghe bài Tin Mừng.
Đức Giêsu không chấp nhận lối nghĩ thông thường lúc bấy giờ, rằng đau khổ là hệ quả của tội lỗi hay vi phạm một điều luật tôn giáo nào đó. Sứ điệp của Đức Giêsu ngược lại hoàn toàn. Tin Mừng Máccô mô tả Đức Giêsu không ngừng loan báo triều đại Thiên Chúa qua lời nói và việc làm. Máccô thường bắt đầu trình thuật với “Ngay tức khắc…” “Ngay khi…,” “Khi ấy…” để nói lên sự liên tục trong các hoạt động của Đức Giêsu. Như thể muốn nói, Người nóng lòng loan báo Tin Mừng của nước Thiên Chúa.
Sứ vụ của Đức Giêsu sẽ dẫn Người đến cây thập giá, nhưng như ông Gióp, Người không bỏ Thiên Chúa, ngay cả khi Người bị cám dỗ và lúc đau đớn tột độ. Người sẽ tiếp tục giảng dạy nhân danh Thiên Chúa bởi vì, như Người đã nói, “Vì điều này mà Tôi đã đến thế gian”.
Đức Giêsu đến nhà ông Simon và được nghe nói người mẹ vợ của ông bị ốm. Người không nói gì, nhưng chỉ “cầm lấy tay và đỡ bà dậy.” Động từ Máccô sử dụng là “egeiren”, cũng chính là động từ dùng để mô tả sự phục sinh của Người (16, 6). Như vậy đã có một manh mối trong trình thuật này về sự sống mới Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta. Máccô nói với chúng ta rằng người đàn bà đứng dậy và “phục vụ các ông.” Không ai yêu cầu bà phải phục vụ, ngược lại, chính bà đã có sáng kiến ấy. Đấy chính là điều mà tất cả các môn đệ cần phải làm sau khi nhận được đời sống mới trong Đức Kitô. Chúng ta hãy nhìn quanh ta để tìm cách nào có thể để phục vụ cộng đoàn – làm mục vụ. Bà mẹ vợ ông Simon là “trợ tá” (người phục việc) đầu tiên.
Khi ông Simon và những môn đệ khác được bảo rằng nếu họ muốn theo Đức Giêsu, họ phải phục vụ người khác “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em.” (10:43-44), thì họ cưỡng lại. Mẹ vợ ông Simon dường như đã hiểu được điều này. Thế nhưng các môn đệ thì không, mãi cho đến khi Đức Giêsu sống lại và sai các ông đi vào thế giới để công bố Tin Mừng (16, 15). Trong khi đó, mẹ vợ ông Simon đã thực hiện những gì bà có thể trong khung cảnh đơn sơ ở nhà mình: bà phục vụ người khác sau khi được Đức Giêsu cho “trỗi dậy”.
Quả là một ngày bận rộn đối với Đức Giêsu: Người chữa lành mẹ vợ ông Simon, chữa nhiều kẻ bệnh tật và trừ quỷ. Người đi khỏi đấy để cầu nguyện, nhưng ông Simon và những người khác “đi theo,” hoặc “lần theo” Đức Giêsu. Động từ dùng để diễn tả hành động của họ là động từ dùng trong việc săn lùng động vật. Như vậy có một nét nghĩa mạnh mẽ và hung hăng trong động từ này. Một lối tiếp cận trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay có lẽ là sự tương phản giữa việc làm môn đệ Chúa theo cách mẹ vợ ông Simon, đối lại với sự mãnh liệt của các môn đệ của Đức Giêsu “lần theo” Người và muốn Người quay về với đám đông náo nhiệt. Liệu các ông có hưởng được sự nổi danh và thán phục của dân chúng dành cho các ông vì các ông thuộc về nhóm người đi theo Đức Giêsu? Các ông có muốn trở lại với những đám đông tôn sùng các ông không? Đức Giêsu đã kéo các ông ra khỏi những ước mơ vinh quang của các ông, vì Người phải tiếp tục đi đến những nơi khác “để Người còn rao giảng ở đó nữa.”
Đức Giêsu phải đi ra khi trời còn tối, “trước hừng đông”, để cầu nguyện. Trong Tin Mừng Máccô, bóng tối không phải là một nơi dễ chịu hay là nơi dành cho việc chiêm niệm cầu nguyện. Phải chăng trời còn tối khi Đức Giêsu cố phân định đâu là sứ mạng thực sự của Người? Trong các trình thuật phục sinh, các người phụ nữ ra mộ Đức Giêsu “ngay sau khi mặt trời ló dạng” (16, 2). Bóng tối hiện hữu trong trần gian và nơi các môn đệ sẽ bị xua tan bởi ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu.
Chúng ta vẫn đang ở phần đầu của Tin Mừng Máccô, nhưng chúng ta cũng thoáng thấy được những gì sắp diễn ra; triều đại Thiên Chúa sẽ nhập thể như thế nào. Chúng ta đã thấy các tầng trời mở ra (1:10); cuộc chiến đấu với Satan nơi hoang địa (1:12-13), giáo huấn về triều đại Thiên Chúa sắp đến; Chúa gọi các môn đệ đâu tiên (1, 16-20). Và chúng ta vẫn còn trong chương một! Đó là “ngày thứ nhất” của Tin Mừng.
Tại thời điểm này trong câu chuyện, “ngày thứ nhất” chúng ta đã nếm được hương vị và nắm bắt được mẫu thức của toàn bộ Tin Mừng Máccô. Trong các Chúa Nhật tới chúng ta sẽ được nghe Đức Giêsu bắt đầu dạy dỗ các môn đệ, tiếp tục giảng dạy và chữa lành trên hành trình về Giêrusalem. Câu chuyện chỉ mới bắt đầu và mỗi tuần chúng ta lại được nghe nhiều cách Đức Giêsu mang lại cho thế giới triều đại ân sủng của Thiên Chúa.
Chúng ta sẽ làm gì khi phải nếm trải sự đời, khi mà đau khổ và nguy nan ghi dấu ngày sống của mình? Liệu chúng ta có giữ vững được sự tín thác nơi Thiên Chúa như ông Gióp không? Chúng ta có nhận được niềm hy vọng và sự can đảm mà Tin Mừng mang lại không? Chúng ta đến với Thiên Chúa và đặt mình trong tay Người, luôn đứng vững nhờ niềm hy vọng ta có trong Đức Giêsu.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp