Chúa Nhật VI Thường Niên B – 15/02/2015

15-02-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Chúa Nhật VI Thường Niên B – 15/02/2015 by

Lv 13,1-2.44-46;  1 Cor 10,31-11,1; Mc 1,40-45
Lm. Jude Siciliano, OP.

TÌM GẶP ĐỨC KITÔ

Kính thưa quý vị,

Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh địa lý trong những câu chuyện từ Tin Mừng theo thánh Máccô những tuần qua. Ngay sau khi chịu phép rửa nơi dòng sông Giođan và chịu cơn cám dỗ nơi hoang địa, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai: Người kêu gọi những môn đệ đầu tiên, chữa người bị quỷ ám trong hội đường, vào nhà ông Phêrô và cứu chữa cho mẹ vợ của ông. Hôm nay, chúng ta thấy Người xuất hiện bên ngoài, bởi vì những người phong cùi bị cộng đồng cô lập (xem bài đọc 1: “Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.”). Có thể đoán cuộc gặp giữa Đức Giêsu và người phong cùi diễn ra ở ngoại thành. Người phong bị bắt ép đưa đến ở nơi đây.

Nhìn từ bài đọc trong sách Lêvi, bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào ở trên da (“nhọt, lác hoặc đốm) đều bị coi là dấu của bệnh phong. Vào thời của Kinh Thánh, ít ai biết đến các bệnh tật và cách chữa trị chúng. Vì thế, như một biện pháp phòng ngừa, một số người – người phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt (Lv 15,25-27) và những ai bị nghi có bệnh phong –  bị đuổi đi và loại ra khỏi cộng đồng. Điều này sẽ khiến chúng ta phải tự hỏi: đâu là nỗi đau đớn của họ, căn bệnh hay sự trục xuất khỏi gia đình và bạn bè, những người đáng lẽ ra phải chăm sóc và giúp đỡ người bệnh?

Ngoài điều kiện thể lý, những người đau bệnh, người già, những ông bà lão trong nhà hưu dưỡng, người khuyết tật, còn cảm thấy bị cô lập khỏi cộng đồng: gia đình, công sở và hội đồng tôn giáo. Những người bạn đến thăm, các cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe, hay những tấm thiệp với lời chúc sẽ vượt qua, tất cả đều có một giá trị lễ nghĩa đối với những ai bị giam hãm. Không chỉ mang lại sự quan tâm và dễ chịu, đó còn là những điều cụ thể kết nối họ với thế giới bên ngoài.

Trong cộng đoàn các giáo xứ, chúng ta có những thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa cho những ai ở nhà, trong bệnh viện, nhà hưu dưỡng hay trong tù. Họ “mang” bí tích đến cho những ai bị tách khỏi cộng đồng, nhưng chính sự hiện diện của họ là một dấu chỉ bí tích, là nguồn chữa lành cho những ai bị cô lập “bên ngoài làng”.

Trình thuật chữa lành người phong cùi đã khép lại chương 1 của Tin Mừng Máccô. Vào thời điểm này trong Tin Mừng, thánh Máccô đã tỏ lộ “căn cước” của Đức Giêsu. Người là “Con Thiên Chúa”, Đấng chữa lành, rao giảng, trừ quỷ, giảng dạy với uy quyền, trong những bối cảnh tôn giáo và “nội địa”(trong vùng/trong nhà) – nhưng cũng diễn ra ở ngoài các thành phố, làng mạc và trên đường. Bấy nhiêu thông tin cũng đủ làm dấy lên mối quan tâm và nghi vấn cho các nhà cầm quyền tôn giáo. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này trong tiến trình của thánh sử Máccô.

Phản ứng đầu tiên của Đức Giêsu đối với người phong hủi là “chạnh lòng thương”. Bản dịch Anh ngữ không chuyển tải được độ sâu và độ mãnh liệt trong cảm xúc của Đức Giêsu. Tữ ngữ thánh Máccô sử dụng (“splanchnizomai”) cho thấy Đức Giêsu không chỉ cảm thương người phong hủi. Động từ lột tả cái khí khái, một phản ứng bản năng, khiến cho một người phải làm điều gì đó cho người thực sự cần. Đức Giêsu không chỉ thấy đau buồn và thương xót cho họ, nhưng Người còn hành động theo bản năng và làm điều gì đó. Hơn nữa, không chỉ nhắm đến những nhu cầu cá nhân, mà còn lên án những thói tục mang lại đau khổ cho con người. Các môn đệ Đức Giêsu không thể bỏ qua việc Người đã hành động như thế nào trước những nhu cầu của con người trong hành trình tiến lên Giêrusalem.

Cũng thế, Chúng ta phải hành động để phá đổ những bức tường ngăn cách con người nơi những khác biệt về tôn giáo, xã hội, kinh tế, chủng tộc, giới tính… Nỗi đau của người phong cùi không chỉ là thể lý, nhưng còn gồm cả bất hạnh bị coi là người không có tư cách trong đời sống cộng đoàn trần thế và tôn giáo. Anh ta nghĩ rằng mình không được Thiên Chúa yêu thương. Trong suy nghĩ của mình, anh ta đã có thể nghĩ rằng bệnh tật của mình là một hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi hay vi phạm nghi lễ anh đã thực hành. Anh không chỉ cảm nghiệm sự trục xuất khỏi xã hội loài người, mà còn cảm thấy mình như một người bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Thật cô độc làm sao khi phải chịu đựng quá nhiều nỗi đau và cảm nhận rằng Thiên Chúa cũng không ở đó để giúp đỡ mình!

Gần đây, có một người phụ nữ nói với tôi rằng sau khi ly hôn, cô ta bị tẩy chay bởi những người bạn thân, một vài thành viên trong gia đình và giáo xứ của cô ta. “Tôi cảm thấy mình như một người bị phong hủi!”. Thế còn những người khuyết tật, đồng giới, người già, phụ nữ, dân nhập cư, những người khố rách áo ôm và cả đám trẻ vị thành niên thì sao? Chúng ta đã bao giờ nghe biết về họ chưa: họ được giáo xứ, gia đình, hàng xóm láng giềng và cộng đồng đối xử như thế nào? Nhớ rằng, người đàn ông Đức Giêsu đã chữa lành nằm ở ngoài cộng đoàn.

Chúng ta thường nói ta “thấy đau buồn” cho ai đó. Theo những gì Đức Giêsu đã làm thì như đó chưa đủ. Ta cần cảm thấy họ với lòng thương xót vô hạn và làm điều gì đó cho những người khiến chúng ta động lòng. Và hơn hết, chúng ta cần vượt xa khỏi các biên giới thông thường mà giáo hội và xã hội đang thực thi. Bằng việc chữa lành người đàn ông phong hủi bị trục xuất, Đức Giêsu nói cho chúng ta biết nơi những người Kitô hữu chúng ta được nhận diện vượt ra khỏi các biên giới truyền thống, Tại sao thế? Bởi vì đó là nơi chúng ta sẽ tìm thấy Đức Giêsu và cộng đoàn những người được chữa lành và được cứu.

Sau khi cứu chữa người đàn ông, Đức Giêsu nói với ông ta hãy im lặng. Người chủ ý muốn phép lạ này là của cá nhân và xảy ra trong im lặng. Trước hết, người đàn ông phải đi đến trình diện các tư tế, và trải qua nghi thức tẩy rửa được nói đến trong sách Lêvi (14,1). Có lẽ các tư tế sẽ hỏi ông ta được chữa lành như thế nào và họ sẽ nghe biết về Đức Giêsu. Ai có thể làm chứng cho Đức Giêsu tốt hơn người mà đời sống đã thay đổi nhờ Đức Giêsu? Ai có thể làm chứng cho sức mạnh uy quyền, niềm vui, khích lệ, hy vọng và chỉ dẫn Chúa trao ban, tốt hơn người được biến đổi nhờ Người?

Cuộc sống của người đàn ông phong cùi đã thay đổi không phải bởi tuân giữ luật hay lễ nghi tôn giáo, nhưng do bởi lòng thương xót, cái chạm và lời của Đức Giêsu. Nếu người phong nghe Đức Giêsu mà đi trình diện với các tư tế, quyền lực của họ có thể đã bị phá hủy và họ sẽ đối mặt với việc nhìn thấy Thiên Chúa hành động vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của họ nơi người thuyết giáo bộ hành này. Người là Đấng ông Gioan Tẩy Giả đã loan báo là “Đấng cao trọng hơn tôi”. (Mc 1,7)

Chương thứ nhất gần đi đến hồi kết, và bởi vì cuộc gặp gỡ với người phong, Đức Giêsu giờ đây cũng bị coi là ô uế theo như nghi thức. Người đã hoán đổi vị thế với người phong giờ là một “kẻ ở trong”, còn Đức Giêsu trở thành “người ở ngoài”. Nơi đó, Người sẽ cùng ở với những người như chúng ta khi bị tội lỗi tách rìa ra khỏi những người khác; khi bị chính những người trong cùng cộng đồng tôn giáo coi là kẻ chẳng ra gì hầu cùng được chia se đời sống với họ. Đức Giêsu, “người ở ngoài”, đang tìm kiếm những ai bước đi xa và phải rời bỏ cộng đồng tôn giáo của mình bởi họ không cảm thấy mình được chào đón và cũng đã mệt mỏi cố gắng hòa nhập cộng đồng.

Câu chuyện không chỉ đơn giản về việc Đức Giêsu chạnh lòng xót thương với người bị loại bỏ và chữa lành cho anh ta. Cuối cùng, Người phá bỏ giới luật tôn giáo hà khắc bằng cái chạm vào người phong hủi. Trong con mắt của những người mộ đạo, một Vị Thiên Chúa thánh thiêng cần đến một dân thánh thiện. Căn bênh của người mình khiến ông trở nên xấu xí và như thế, sự hiện diện của ông làm ô uế cộng đoàn. Anh bị tống ra ngoài. Không có cộng đoàn, làm sao anh có thể đến để nhận biết và phụng thờ Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa được nhận biết trong cộng đồng? Vào thời cổ đại, trục xuất là một án tử. Sự sống sót thể lý của một người là không thể nếu không có sự bảo vệ và sự nhận dạng nhờ các mối tương quan mà có. Đức Giêsu đương đầu với quan điểm Thiên Chúa và tôn giáo của dân chúng  bằng việc chạm và chữa lành người đàn ông. Người đập tan rào cản chính cộng đồng thiết lập giữa thiện và ác, tốt và xấu, sạch và không sạch.

Chúng ta đã thấy trong Tin Mừng Máccô rằng Đức Giêsu không cậy dựa vào các thế lực khác cho lời dạy và hành động của Người. Cách đây 2 tuần, chúng ta đã nghe đám đông sửng sốt nói rằng: “Người giảng giải như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.” (Mc 1,22). Rào ngăn cách đã bị hạ, vậy Thiên Chúa được tìm thấy ở nơi đâu? Theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy Người nơi những người bị bỏ rơi.

Đức Giêsu đang thành lập một cộng đoàn mới, nơi bao gồm những ai Người kêu gọi trở thành môn đệ; nhưng cả những ai bị loại trừ, góa phụ, cô nhi, kẻ nghèo và người ô uế. Không có sự loại trừ trong cộng đoàn mới của Người. Cộng đoàn này trái hẳn với bầu khí tôn giáo thời Đức Giêsu và cả thời đại chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa đã xâm nhập vào thế giới và thay đổi cách chúng ta phán đoán người khác và đang tái tạo lại gia đình nhân loại.

Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW