Chúa Nhật XIII Thường Niên – A – 29/06/2014
Cv 12,1-11; 2 Tm 4,6-8; Mt 16,13-19
Lm. Jude Siciliano, OP.
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ
HAI VỊ ANH HÙNG VĨ ĐẠI VỀ ĐỨC TIN
Kính thưa quý vị,
Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho ông Phêrô cũng chính là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ trả lời khác nhau tại mỗi thời điểm khác nhau trong cuộc sống, tuỳ vào hoàn cảnh chúng ta gặp phải. Trong những lúc đau khổ tuyệt vọng, chúng ta cần được Đức Giêsu chữa lành. Khi phải bênh vực đức tin của mình chống lại những hành động hay những quan điểm của người khác, chúng ta mong muốn được Đức Giêsu là Đấng mạnh mẽ bênh đỡ chúng ta. Khi cảm thấy khô khan trong cầu nguyện và sự kiên định trong đức tin bị đe doạ, thì Đức Giêsu chính là “nước hằng sống” đổ tràn tâm hồn khô khan của chúng ta. Khi phải giữ vững niềm tin cho một thành viên trong gia đình đang gặp khó khăn thì chính Đức Giêsu, “Bánh hằng sống”, sẽ là nguồn lương thực nuôi dưỡng chúng ta. May thay Đức Giêsu không phải là bức tượng bằng thạch cao, hiện diện vì chúng ta với diện mạo không thay đổi.
Chúng ta chú ý đến câu trả lời mà ông Phêrô quả quyết về Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ông Phêrô tuyên bố rằng Đức Giêsu là Con “Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên bố này nhắm thẳng đến niềm tin cốt yếu của cộng đoàn Do Thái. Thiên Chúa không cố định đối với nhiều người trong quá khứ, Người vượt trên “thời kỳ lý tưởng” trong lịch sử của họ. Thiên Chúa cũng không ở một nơi nào cố định, nơi họ phải trở về để cảm nghiệm Thiên Chúa. Thực vậy, Thiên Chúa là “Thiên Chúa hằng sống”, Người đồng hành với chúng ta mọi nơi và mọi lúc. Đây chính là Thiên Chúa được nói đến trong Tin Mừng Mátthêu. Thiên Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa câm lặng hay cách biệt. Quả thật, Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày và ở đó, chúng ta nhận ra bản thân mình. Đức Giêsu chính là dấu hiệu cụ thể và Người nhắc nhớ chúng ta ý thức về “Thiên Chúa hằng sống”.
Câu trả lời của các môn đệ cho câu hỏi của Đức Giêsu “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” cho thấy nhiều người tin Đức Giêsu chính là ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia, ông Giêrêmia hay “một trong các vị ngôn sứ”. Tuy nhiên, họ đều đã chết. Nói cách khác, Đức Giêsu thực sự đang sống và Người là dấu chỉ cho họ về “Thiên Chúa hằng sống” ở với họ ngay lúc thành lập Hội Thánh. “Thiên Chúa hằng sống” ở với chúng ta suốt dòng lịch sử của Hội Thánh.
Đức Giêsu hỏi một câu quan trọng và ông Phêrô đã trả lời chính xác – ông thấu hiểu được căn tính của Đức Giêsu. Tuy nhiên, ông Phêrô không đơn thuần là một học trò trong lớp học tôn giáo, đang chuẩn bị cho kỳ thi viết cuối khoá. Câu trả lời của ông cho thấy niềm tin của ông vào Đức Giêsu và đòi hỏi ông thi hành câu trả lời ấy cho đến cuối đời. Nói cách khác, một khi đã đưa ra câu trả lời như thế thì ông không phải là một học trò có thể ngồi xuống và tự mãn với câu trả lời chính xác của mình. Quả thật, ông Phêrô không phải là một học trò trong lớp học, nhưng là một môn đệ. Nói cách khác, ông sẽ phải luôn giữ đúng tư thế, sẵn sàng đứng dậy theo Đức Kitô – dù phải chết.
Chính Thần Khí linh hứng cho câu trả lời của ông Phêrô sẽ ở với ông và chi phối cách ông trả lời cho những câu hỏi khác mà thế gian sẽ chất vấn ông về Đức Giêsu. Ông Phêrô chính là tảng đá, trên tảng đá này, Đức Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Người. Hội Thánh này, nhờ vào đức tin của ông Phêrô, sẽ được Thánh Thần hướng dẫn để tiến triển trong sự hiểu biết và thực hành Lời.
Thánh Máccô thuật lại tình tiết quan trọng này theo cách khác. Bản văn của thánh sử (8,27-30) là một câu chuyện khác kể lại việc ông Phêrô hiểu không đúng về Đức Giêsu là ai và sứ vụ của Người là gì. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng lại từ chối chấp nhận rằng sứ vụ của Người đòi buộc phải chịu đau khổ và phải chết.
Tình tiết quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay là một bước ngoặt then chốt trong Tin Mừng Mátthêu. Đức Giêsu khen câu trả lời của ông Phêrô là câu trả lời của người môn đệ đích thực, vốn hiểu được tầm quan trọng và sự đơn nhất của Đức Giêsu. Phải chăng thánh Mátthêu đang nỗ lực cho thấy ông Phêrô hiểu biết sâu sắc đến mức nào? Không phải thế, bởi vì trong khi Đức Giêsu khẳng định câu trả lời của ông Phêrô, Người cũng nêu rõ làm thế nào ông Phêrô hiểu được điều ấy. Đó là ơn Chúa ban.
Trong Tin Mừng của mình, thánh Mátthêu chỉ dùng hạn từ “Hội Thánh” hai lần (lần khác ở Mt 18,17). Thánh nhân nhận thức Hội Thánh như thế nào? Ngài không hiểu Hội Thánh hoàn toàn như một cơ cấu, nhưng như là một cộng đoàn được Đức Giêsu khởi xướng để tiếp tục sứ vụ Người đã khởi sự trong suốt cuộc đời tại thế. Ngững môn đệ tiên khởi này là một nhóm nhỏ và mỏng giòn. Với vai trò là các môn đệ, lý lịch của các ông hầu như chẳng có gì ưu tú. Tôi thắc mắc làm thế nào mà phần đa các môn đệ Đức Giêsu nói đến trong trình thuật hôm nay cũng ở trong vườn vào đêm Người bị giao nộp? Chẳng phải là sức mạnh của ông Phêrô như Đức Giêsu trả lời cho ông, nhưng với điều ông nói, đó là chứng ngôn của ông. Hội Thánh chúng ta vững bền đến mức nào? Thưa rằng vững bền như đức tin được hình thành trên đó và như chúng ta tuyên xưng.
Điều quy tụ chúng ta lại với nhau trong Chúa Nhật này không phải là điều liên kết những cá nhân khác thành một cộng đoàn. Đó không phải do chúng ta cùng tổ tiên, chủng tộc, ngôn ngữ, quốc gia hay bình đẳng kinh tế. Mối dây chung liên kết chúng ta chính là chúng ta chia sẻ cùng một đức tin. Cùng với ông Phêrô, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúng ta có thể diễn đạt đức tin đó bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau và bằng những nét văn hoá đa dạng, nhưng trong một cách thức nào đó, chúng ta công bố cùng một điều: Đức Giêsu là Chúa chúng ta, Người là Con Thiên Chúa hằng sống.
Rõ ràng rằng từ thư của thánh Phaolô, ngài biết rằng giờ chết của mình đã gần kề. Vào giờ chết của một người, người ta thường liệt kê những thành tích của họ. Lúc này, thánh Phaolô có rất nhiều thành tích từ những hành trình rao giảng của ngài và có thể dễ dàng liệt kê những hội thánh ngài đã thành lập. Thánh nhân là “Vị tông đồ dân ngoại”. Thay vì hãnh diện với những thành tích của mình, thánh Phaolô hãnh diện vì ngài đã “hoàn tất cuộc đua” và đã “giữ vững đức tin”.
Trong toàn bộ những khó khăn và chống đối mà thánh Phaolô gặp phải trong những hành trình và rao giảng, ngài luôn tin rằng có Đức Chúa ở bên cạnh ngài và ban cho ngài sức mạnh. Giống như thánh Phêrô, thánh Phaolô cần có sức mạnh đó khi ngài đối diện với cuộc tử đạo. Đức Giêsu khẳng định rằng lý do thánh Phêrô có thể tuyên xưng đức tin không phải do bất cứ khả năng nào của con người, nhưng bởi ân ban từ Thiên Chúa. Cũng thế, thánh Phaolô không hãnh diện về sức mạnh cá nhân ngài, nhưng ngài hãnh diện về việc Đức Chúa hiện diện với ngài, Người “ban cho tôi sức mạnh”.
Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, hai vị anh hùng vĩ đại về đức tin. Nhưng hãy nhớ rằng đó không phải là cách hai vị khởi sự. Qua hai con người rất hữu hạn này, Thiên Chúa đã thi hành một việc vĩ đại. Một khi hai vị biểu lộ đức tin, Thiên Chúa có thể khởi sự việc xây dựng Hội Thánh gồm những người làm chứng nhân danh Đức Giêsu. Như hai thánh Phêrô và Phaolô, tất cả chúng ta bó buộc phải làm chứng cho Đức Kitô và nhiều người sẽ phải hiến dâng mạng sống mình nhân danh Người.
Đức Giêsu đang hoạt động trong Hội Thánh, Người quy tụ và chữa lành những vết thương của chúng ta, giúp chúng ta chống lại những thế lực của tội lỗi và sự chết. Đôi khi chúng ta cảm thấy yếu đuối, hổ thẹn về những tội công khai của một số thành viên và những người lãnh đạo. Tuy nhiên, Đức Giêsu quả quyết với chúng ta rằng Hội Thánh, được xây trên đức tin mà thánh Phêrô tuyên xưng hôm nay, sẽ đánh bại mọi sự dữ thế gian mang lại. Chúng ta không được có thái độ đắc thắng khi nói ra điều này. Hội Thánh sẽ lan rộng bởi cách thức Đức Giêsu chỉ định chúng ta hôm nay. Người gọi chúng ta là “Hội Thánh của Thầy” và quả quyết với chúng ta rằng “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp