Chúa Nhật XVI Thường Niên A – 20/07/2014
Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-30
Lm. Jude Siciliano, OP.
HÃY HY VỌNG TRONG MỌI HOÀN CẢNH
Kính thưa quý vị,
Có bao nhiêu người trong quý vị ít nhất một lần đã xem bộ phim Harry Potter? Phải chăng quý vị là một “Muggle”? Tôi chắc rằng quý vị đã nghe đến thuật ngữ đó, ngay cả khi quý vị không theo kịp loạt truyện Harry Potter. Trong câu chuyện, “Muggle” là người không được phú ban các năng khiếu phi thường. Tám trong số những bộ phim giả tưởng như thế này đã thu về hơn 7 tỉ đô la Mỹ! Hàng loạt sách truyện và phim ảnh kéo dài đủ lâu cho nhiều người đi từ thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Anh trai tôi phải đợi trước một hiệu sách ở New York vào nửa đêm để mua tập hai cho con gái nhỏ của anh ấy, khi ấy mới 13 tuổi. Bây giờ cô bé đã 26 tuổi. Những loạt truyện và phim ảnh này vẫn còn phát hành. Nếu quý vị chưa xem phần cuối bộ phim, thì “Harry Potter and the Deadly Hallows: phần hai” đang được chiếu trên truyền hình cáp đó.
Loạt phim như thế này không thể có được ở Walt Disney! Chúng bao gồm trong đó một thế giới của những loài, những vật kỳ lạ. Nhiều thứ ác thần. Chẳng hạn như Severus Snape, kẻ thù lâu năm của Harry. Thỉnh thoảng ông ta bị đóng khung bởi một cửa sổ hình quan tài. Có một con rồng bạch phun lửa. Kế đó có kẻ thù không đội trời chung của Harry là Lord Voldermort. Ông ta quá tàn ác đến nỗi dân chúng không dám nhắc đến tên ông. Ông ta được gọi là “kẻ chẳng bao giờ được nhắc đến”. (Một phụ nữ, sau cuộc ly dị cay đắng, đã gọi chồng cũ của mình là Lord Voldermort – nhưng đó lại là một câu chuyện khác!)
Những người tốt trong câu truyện như là Harry, Hermione, Ron có được khả năng nào? Họ rất tử tế, trong sáng, có thiện ý. Thế lực chống lại họ là kẻ ác hết sức quỷ quyệt, hùng mạnh và già đời. Bộ phim không tô vẽ, cũng không xem nhẹ các mối đe dọa chống lại người tốt và liêm chính. Đoạn cuối phim là cái chết của một vài nhân vật đáng yêu. Hãy nhắm mắt lại nếu như quý vị không muốn thấy kết cục đó – nhưng Dumbledore đã chết!
Với tất cả thế lực bóng tối dường như bất khả chiến bại như vậy, người ta khó có thể chờ đợi đến phần cuối để biết câu truyện sẽ kết thúc như thế nào. Trẻ em, cũng như những người lớn, luôn hy vọng sự thiện sẽ chiến thắng và điều ác cuối cùng sẽ bị đánh bại. Nhưng rõ ràng là trong phim, điều đó không dễ dàng chút nào. Có cuộc tranh đấu và sự đau thương trước khi chiến thắng. Đã có lúc người ta nghi ngờ chiến thắng của sự thiện. Wikipedia ví các cốt truyện trong loạt truyện Harry Potter như là các ngụ ngôn Kitô giáo. Không khó để hiểu tại sao. Chúng có nhiều điểm chung với dụ ngôn hôm nay.
Dụ ngôn chúng ta nghe hôm nay là một câu chuyện với chủ đề tương tự. Có một cánh đồng gồm cả hạt giống tốt và cỏ dại; một cuộc xung đột giữa thiện và ác. Các đầy tớ tỏ ra lo lắng. Họ đặt các câu hỏi tương tự như của chúng ta: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Có lẽ chúng ta thêm vào: “Cuối cùng, liệu các cây cỏ lùng có lấn át lúa không?”
Dụ ngôn phản chiếu lại cuộc đời Đức Giêsu. Người là hạt giống tốt được gieo trồng giữa chúng ta. Trong suốt sứ vụ của Người, kẻ thù đã gieo cỏ lùng nhằm chống lại Người. Ngay cả giới chức tôn giáo – những người Đức Giêsu muốn thuyết phục làm đồng minh – cũng gieo cỏ lùng. Thoạt tiên ác thần đã thắng, Đức Giêsu bị nghiền nát. Nhưng điều quan trọng là câu chuyện không dừng ở đó. Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết. Cuối cùng, không còn nghi ngờ gì nữa, sự thiện sẽ chiến thắng.
Một người nào đó cố gắng an ủi một phụ nữ có chồng vừa mất rằng: “Thiên Chúa không bao giờ để cho bà phải vượt quá sức chịu đựng đâu”. Dụ ngôn muốn nói rằng Thiên Chúa không hành động theo cách đó. Ông chủ gieo trồng “giống tốt” và ông không màng tới sự hiện diện của kẻ thù. Khi được hỏi về điều đó, ông trả lời thật rõ ràng : “Kẻ thù đã làm đó!” Không thể đổ lỗi cho Thiên Chúa khi những điều xấu xảy ra cho chúng ta. Câu nói “Kẻ thù đã làm đó” có thể không phải là một câu trả lời rõ ràng và trọn vẹn chúng ta mong muốn. Nhưng rõ ràng là chúng ta không thể đổ lỗi cho Thiên Chúa vì cỏ lùng.
Ông chủ căn dặn những người làm công, cảnh báo họ không được vội vàng nhổ bỏ cỏ lùng. Điều đó ngụ ý một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta rằng: “Anh có chắc rằng anh biết đâu là cây cỏ lùng và đâu là cây lúa không?” Tôi thích câu chuyện về thử vai của Fred Astaire. Vị giám khảo ghi nhận xét như sau: “Không thể nhập vai. Hơi hói đầu. Biết khiêu vũ một chút”. Astaire đã đóng khung và theo nhận xét đó trên lò sưởi. Bạn chẳng thể biết mọi chuyện cho dù đã trải qua kinh nghiệm thực thế.
Sự dữ bắt nguồn từ đâu: phải chăng từ các tệ nạn mà chúng ta vật lộn nhằm bảo vệ con cái của mình; tai họa có thể lẻn vào và thậm chí có thể làm đảo lộn các dự kiến làm điều thiện của chúng ta; và có lẽ làm ngã lòng tất cả, sự dữ cũng xuất hiện trong Hội Thánh từ khi được thiết lập? Sự dữ như thế này và còn hơn thế nữa có thể làm chúng ta ngã lòng và lạc hướng. Quý vị nghĩ rằng Kinh Thánh sẽ cho chúng ta một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi quan trọng như vậy. Nhưng dường như Kinh Thánh lặng thinh về vấn đề này. Điều rõ ràng từ dụ ngôn này là ông chủ không phải là nguồn gốc của cỏ lùng. Không phải chính Thiên Chúa mang đến cho chúng ta bệnh tật hay nhiều lần khốn khó. Cũng không như những gì người ta nói khi chúng ta đang phải chịu đựng đau khổ: “Chúa đang thử thách đức tin của chúng ta”.
Dụ ngôn đề nghị người khôn ngoan hãy nắm lấy cơ hội. Bạn không vui mừng sao khi mà dụ ngôn cho chúng ta thời gian làm được nhiều việc trong đời mình? Chúng ta có thời gian và không bị xét xử vội vàng. Dụ ngôn là câu chuyện của quà tặng ân sủng và thời gian: thời gian để thay đổi và ân sủng để làm biến đổi những gì chúng ta phải thực hiện.
Dụ ngôn này bảo đảm rằng Chúng ta không làm việc một mình. Ông chủ cánh đồng đã đầu tư nhiều cho chúng ta và hết sức quan tâm đến cuộc sống của chúng ta. Dụ ngôn là một câu chuyện về lòng xác tín. Chắc chắn rằng sẽ có một vụ gặt bội thu, cho dù lúc này chưa thể nói đến. Điều cốt yếu của dụ ngôn này chính là niềm hy vọng – ngay cả khi không có cơ sở rõ ràng, chúng ta vẫn có thể hy vọng.
Dụ ngôn này dành cho:
- Những cặp vợ chồng có được hy vọng khi họ đến tư vấn với chuyên viên về hôn nhân gia đình để hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ của họ.
- Các sinh viên có được hy vọng và trong suốt thời gian nghỉ lễ Phục Sinh sẽ đến Appalachia để làm nên một sân chơi học đường cho các trẻ em.
- Những người đang đấu tranh với cỏ lùng của căn bệnh trầm trọng ăn sâu vào cơ thể và hy vọng rằng Thiên Chúa ở gần và là sức mạnh của họ.
- Những người đang cố gắng chấm dứt cơn nghiện hay từ bỏ một thói quen xấu. Đôi khi chúng ta không chắc có thể thực hiện được điều đó, nhưng hãy nghe lời hứa trong dụ ngôn này. Ông chủ sẽ không để cho cỏ lùng chiến thắng đâu.
- Những người nghiêm túc chuẩn bị tham gia vào sự rối ren và cỏ lùng của đấu trường chính trị, với hy vọng sẽ tạo nên sự khác biệt tốt cho cộng đồng.
Trong Thánh lễ này, cùng với bánh và rượu, chúng ta dâng cuộc chiến hiện tại chúng ta đang bị cuốn vào: cố gắng làm điều tốt và không ngã lòng dù có chống đối. Chúng ta cử hành Thánh lễ, lời kinh tạ ơn của ta dành cho Ông Chủ của cánh đồng, Đấng nuôi dưỡng chúng ta bằng sự hiện diện sống động của Đức Giêsu, Người trung thành với Thiên Chúa trong suốt cuộc đời, dù cho cỏ lùng đang cố gắng bóp nghẹt điều tốt lành Người đang thực hiện.
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp