Chúa Nhật XXVI Thường Niên A
Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32
Lm. Jude Siciliano, OP.
HÃY ĐI LÀM VƯỜN NHO CHO CHÚA
Kính thưa quý vị,
Hai ông bà Harry và Kate sắp sửa mừng kỷ niệm 35 năm hôn phối. Cả bốn người con và bảy đứa cháu của họ sẽ có mặt tại bữa tiệc. Mọi thành viên trong gia đình và bạn bè quen biết hai người bấy lâu, sẽ đến chúc mừng trong dịp vui này. Đứa cháu gái Kathleen mới bảy tuổi đã sáng tác một bài thơ đặc biệt “Cây anh túc và người mẹ”. Mọi người ai nấy đều nói rằng hôn lễ của Harry và Kate được “tổ chức trên thiên đường”. Hai người là cặp đôi hoàn hảo ngay từ thuở đầu.
Nhưng thực ra, lúc mới quen nhau, không phải mọi sự đều êm đẹp như thế. Họ quen nhau trong trường Đại học, Harry là sinh viên năm đầu của trường Luật, còn Kate, khi ấy cô sắp tốt nghiệp với tấm bằng về công tác xã hội. Một công việc ở trung tâm phúc lợi xã hội đang đón chờ sẵn khi cô ra trường. Khi đã quen nhau khoảng một năm, Harry ngỏ ý xin cưới. Khi ấy, Kate nói rằng cô vẫn chưa sẵn sàng kết hôn và muốn theo đuổi ước mơ của mình, đó là giúp đỡ những người bần cùng trong xã hội, những người mà kinh tế của họ còn quá khó khăn. Harry vẫn một mực đề cập đến chuyện kết hôn, nhưng Kate khăng khăng rằng cô “vẫn chưa sẵn sàng”. Câu chuyện của hai người còn dài, nhưng kết lại: họ đã cùng nhau thảo ra một kế hoạch. Harry sẽ làm công việc nhà, để Kate có thể làm công tác xã hội – Harry là người đàn ông rất vững vàng, kiên định. Lời từ chối “không” của Kate cuối cùng đã trở thành tiếng “vâng” chân thành. Điều này đã xảy ra cách đây 35 năm.
Chẳng lẽ trong cuộc đời mình, chúng ta lại không vui mừng khi có nhiều cơ hội để thay đổi suy nghĩ của mình? Bằng cách nào đó, sau một thời gian dài chần chừ, chúng ta nắm lấy cơ hội và thưa “vâng” với ân sủng quan trọng, và điều đó làm thay đổi tất cả mọi sự: thay đổi trong một mối tương quan, một ơn gọi, hay trong khoảnh khắc hối hận về một hành động thực sự đáng tiếc mình đã gây ra.
Các bậc cha mẹ sẽ rất dễ liên hệ bản thân với dụ ngôn ngày hôm nay: đứa con miễn cưỡng, lúc đầu không vâng lời cha mẹ, nhưng sau đó lại thay đổi suy nghĩ và làm những gì cha mẹ mong muốn. Trong khi đó, đứa con mới đầu xem chừng như ngoan ngoãn, đáp lại đề nghị của bố mẹ cách nhanh chóng “Vâng, thưa cha mẹ”, nhưng sau đó lại làm theo ý riêng của mình.
Thưa quý vị, tôi xin được nói đôi lời về bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đến Giêrusalem. Đám người đông đúc bắt gặp Đức Giêsu khi Người vào thành. Thế rồi Đức Giêsu đi thẳng vào Đền Thờ. Ở đó, Người hành động như có trách nhiệm phải tẩy uế Đền Thờ khỏi những hoạt động thương mại (Mt 22,12-17). Đám đông tung hô Người, nhưng giới Lãnh đạo tôn giáo thì càng tức tối với sứ điệp Người rao giảng, với những hành động Người làm và với sự hiện diện của Người trong Đền Thờ. Ngày hôm sau, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu nguyền rủa cây vả không sinh trái. Tin Mừng Mátthêu ám chỉ việc “trổ sinh hoa trái” là phải làm những việc tốt lành nhân danh Đức Giêsu. Sứ mạng người môn đệ là phải làm đúng như điều mình tin; phải thưa “vâng” và làm đúng như lời mình thưa.
Chính trong bối cảnh bị các nhà chức trách tôn giáo phản đối, Đức Giêsu kể dụ ngôn “người cha và hai người con”. Đức Giêsu hỏi những kẻ chống đối về quan điểm của họ, và câu trả lời hoá ra như một phán quyết về chính họ. Họ giống như người con đã thưa “vâng” cách kính trọng với cha mình, nhưng cuối cùng lại không vâng lời cha. Họ thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ và chỉ thưa “vâng” với Thiên Chúa một cách hình thức bên ngoài mà thôi, nhưng thực tế họ không nghe theo lời mời gọi của ông Gioan Tẩy giả, đó là hãy đổi mới tâm can. Thiên Chúa xức dầu cho Đức Giêsu bằng Thánh Thần khi Người chịu phép rửa của ông Gioan tại sông Giođan. Đấng Mêsia đã đến, nhưng giới Lãnh đạo tôn giáo đã không đón nhận điều mà ông Gioan đã loan báo và đã làm tại sông Giođan. Họ dường như có thưa “vâng” với Thiên Chúa, nhưng lại không đáp lời vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa sai đến để nói với dân và loan báo về một Đấng Mêsia đang đến. Khi Đấng mà Thiên Chúa hứa ban cho dân đã đến và ở giữa họ, thì họ phớt lờ, không đón nhận Người.
Giới lãnh đạo Do Thái là những kẻ đạo đức giả. Dưới con mắt của Đức Giêsu, liệu có tội nào nghiêm trọng hơn tội đạo đức giả hay không? Nói cách khác, các môn đệ của Đức Giêsu phải hành động nhiều hơn là chỉ “thừa nhận Người là Đức Chúa”. Sau đó, chúng ta còn phải đi vào làm vườn nho, thực hiện điều đã thưa “vâng” ban đầu.
Rất nhiều người ở xứ đạo và trung tâm mục vụ học đường hẳn sẽ thấy rằng dụ ngôn hôm nay diễn tả đúng hoàn cảnh và tâm trạng của mình. Trong các khảo sát được gởi đến cho những ai đang hoạt động ở giáo xứ, người ta nói rằng họ muốn giáo xứ có những hoạt động cụ thể – có những nhóm sinh hoạt giới trẻ, chương trình tư vấn cho những người ly dị và goá bụa, tổ chức các lớp Kinh Thánh trong mùa Chay, rồi những khoá giảng dạy của nhiều chuyên viên ngoài giáo xứ,… Thế rồi, khi những chương trình mới này được công bố trên nhà thờ, số người tham dự lại quá ít ỏi. Theo như sứ điệp của dụ ngôn hôm nay, hội đồng mục vụ hẳn sẽ nói rằng, “Chúng tôi nghĩ các bạn đã nói ‘vâng’, nhưng ngược lại là ‘không’”. Thật ngán ngẩm!
Có một yếu tố văn hoá trong bài Tin Mừng dường như sẽ rất ít quen thuộc với chúng ta, những người Phương Tây. Trong cách sống, người Trung Đông chuộng sự biểu lộ ra bên ngoài. Nếu được hỏi “Người con nào ngoan hơn?”, thính giả của Đức Giêsu sẽ trả lời người con thứ hai, vì câu đáp ‘vâng’ của anh ta biểu lộ bên ngoài một thái độ tôn kính người cha. Trong suy nghĩ của người Phương Đông, sự tôn kính như thế cũng đủ rồi (Hãy “tôn kính cha mẹ” trong sách Đệ nhị luật 5,16). Người con thứ nhất không tôn kính cha của anh, bởi ban đầu anh từ chối, không làm điều cha anh mong muốn.
Thế nhưng, ở đây Đức Giêsu không quan tâm đến tiêu chuẩn văn hoá về chuyện tôn kính cha mẹ. Câu hỏi của Đức Giêsu tỏ lộ rõ ý định của Người: “Ai trong số hai người con này làm theo ý Cha?” Thính giả của Đức Giêsu đã trả lời chính xác: người con đầu, người con đã thay đổi suy nghĩ của mình, làm theo ý của cha.
Nhóm chống đối – các thượng tế và kỳ mục, đã chất vấn Đức Giêsu về thẩm quyền giảng dạy của Người trong Đền Thờ. Quả nhiên, các thính giả của Người đã không bỏ lỡ cơ hội. Các viên chức thu thuế và gái điếm – những người mới đầu nói “không” với Thiên Chúa, nay tích cực đáp lại lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, và bây giờ họ thực hiện đúng những điều ông Gioan giảng, những điều Thiên Chúa muốn.
Khi được hỏi tại sao họ không đi tới nhà thờ, rất nhiều người trả lời, bởi vì họ thấy rằng các tín hữu là những người đạo đức giả. Có lẽ những người này làm việc hay học cùng trường với những người tự xưng rằng mình chăm chỉ đến nhà thờ, nhưng rồi lại đi lừa đảo khách tiêu dùng hay lừa dối cấp trên, thiên vị tầng lớp xã hội, không tôn trọng đồng nghiệp, … Những Kitô hữu như thế dường như thưa “vâng” với Đức Kitô, nhưng cuộc sống lại cho thấy câu trả lời ngược lại là “không”.
Có lẽ đấy cũng là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc đến trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”. Tất cả những ai đã rửa tội đều được mời gọi trở thành người rao giảng Tin Mừng. Nếu chúng ta thưa “vâng” với Đức Kitô qua Phép rửa tội, thì việc chỉ đi tới nhà thờ vào Chúa Nhật thôi, là vẫn chưa đủ. Lời thưa “vâng” của chúng ta phải được theo sau bởi hành động đi vào vườn nho “hôm nay”. Mỗi ngày, lời nói và hành động của chúng ta phải tương hợp với điều chúng ta tuyên xưng tin vào Đức Giêsu. Có một câu nói xưa rằng: “Giả như có một phạm nhân là một Kitô hữu, vậy thì đã đủ bằng chứng để kết án và tống chúng ta vào nhà giam?”
Như Đức Giáo Hoàng đã nói, “Đọc Kinh Thánh cũng cho ta thấy rõ rằng Tin Mừng không chỉ thuần tuý là về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa… cả việc rao giảng và đời sống Kitô giáo đều phải có một ảnh hưởng trên xã hội” (số 180). Dụ ngôn hôm nay nói về điều ấy theo cách như sau: “Nếu quý vị thưa ‘vâng’ với Đức Kitô, hãy ra đi và làm công việc Người mời gọi quý vị thực hiện”. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giêsu nói về điều đó theo cách khác nữa: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ có ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, kẻ ấy mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Quý vị hãy hình dung những lời nói như thế của Đức Giêsu đã gây nhức nhối cho những thính giả nhiệt thành của Người thế nào. Thư gởi tín hữu Philípphê đã tóm gọn lời thưa “vâng” của Đức Giêsu với Chúa Cha như thế này: “Đức Kitô đã từ bỏ chính mình, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.
Là những Kitô hữu, chúng ta không thể phán xét người khác, nhưng trước hết phải kiểm điểm lại đời sống của mình. Chúng ta có theo gương Đức Giêsu, từ bỏ những đặc quyền bản thân và xa tránh mọi điều cản trở chúng ta yêu thương những người bị khinh miệt và nghèo khổ không?
Chuyển ngữ – Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp