Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát không? – Thứ Sáu Tuần 30 Thường Niên
“Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát không?” (Lc 14, 1-6)
“Họ có dò xét Người”
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay có nhiều tương phản giữa thái độ của Đức Giêsu và thái độ của những người Pha-ri-sêu và các nhà Luật. Thật vậy, Đức Giêsu dùng bữa và người ta quan sát Ngài. Đó chính là tương phản thứ nhất: Đức Giêsu sinh động, những người khác bất động; Đức Giêsu đến để chia sẻ bữa ăn thân hữu, những người khác lại muốn biến bữa ăn này thành một cái bẫy! Và tất cả chúng ta đều hiểu các nhà thông Luật và những người Pha-ri-sêu đứng yên một chỗ để quan sát Đức Giêsu nhằm mục đích gì. Lời nguyện Thánh Vịnh, vốn là lời nguyện của mọi người nơi một người nhờ Đức Giêsu Kitô, đã biết đến thái độ này rồi:
Lạy Chúa, suốt ngày chúng phá rối việc con làm và chỉ nghĩ đến chuyện hại con. Chúng tụ tập, rình mò, theo dõi con từng bước để tìm hại mạng con. (Tv 56, 6-7).
Ở mọi nơi và mọi thời, đều có những người thích quan sát người khác, không chỉ trong các bữa ăn, nhưng suốt ngày, để lưu ý, nhắc nhở, sửa sai, và có khi để buộc tội người ta nữa. Điều này làm cho cuộc sống không thể sống nổi cả cho người bị quan sát lẫn cho người quan sát. Nhưng điều đáng buồn là người quan sát hay dò xét lại không nhận ra tình trạng khốn khổ này, và nhất là không nhận ra mình hành động theo Sự Dữ, giống như Sự Dữ!
“Họ làm thinh”
Và rồi có một người bị bệnh phù thủng hiện diện trước mặt Đức Giêsu; Người hỏi họ:
« Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? » Nhưng họ làm thinh! (c. 3-4)
Đó chính là tương phản thứ hai, giữa lời nói và im lặng. Ngày sabát, có vị trí trung tâm trong Mười Điều Răn (x. Xh 20, 1-17; Đnl 5, 1-22), được lập ra để tưởng nhớ ơn được giải thoát khỏi kiếp nô lệ, từ đó một dân tộc được tự do và được khai sinh. Chính vì thế, người Do Thái không làm việc vào ngày sa-bát, bởi vì làm việc, xét ở bình diện nào đó, mang chiều kích lệ thuộc, thậm chí nô lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, ngày sa-bát đã biến dạng thành những khoản luật chi li, phức tạp, và qua đó thành phương tiện để dò xét và lên án; thế mà, dò xét, gài bẫy và lên án chính là hành động đặc trưng của Sự Dữ (x. Mc 3, 1-6 và Rm 7, 7-13). Đức Giêsu sẽ bật lên chiều kích chết chóc này, vốn mang dáng vẻ bề ngoài hợp Luật, và trả lại chiều kích sự sống cho ngày sa-bát.
Ngày sa-bát cấm làm một số điều tốt, nhưng không thể cấm lòng ước ao thực hiện những việc này và cũng chẳng áp đặt được. Ngược lại, ngày sa-bát giả định lòng ước ao, và khi giả định, ngày sa-bát làm cho lòng ước ao trở nên sống động hơn. Như thế, khi không cho phép làm một số điều tốt, ngày sa-bát lại củng cố lòng ước ao hướng đến sự sống, và đồng thời làm bật ra lựa chọn ngược lại, nghĩa là lựa chọn sự chết.
Đức Giêsu chấn vấn họ về vấn đề mà họ rất có chuyên môn và thẩm quyền. Nhưng họ im lặng; sự thinh lặng mà bài Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh (x. c. 4 và 6). Điều này chứng tỏ câu hỏi của Đức Giêsu không thuộc bình diện kiến thức, nhưng đụng đến nơi sâu kín trong lòng, đến lựa chọn của con tim. Trong sự im lặng, chất chứa điều gì, nếu không phải là lựa chọn “không có, cũng chẳng không” (x. Mt 5, 37). Ngày sa-bát truyền lệnh không được làm điều tốt này (trong trường hợp của Tin Mừng hôm nay là không được chữa bệnh) hôm nay, chính là để con người quyết định lựa chọn sự sống hôm nay. Xét theo vẻ bề ngoài, im lặng có nghĩa là không quyết định, nhưng nó lại làm lộ ra lựa chọn của con tim: con tim lựa chọn lề luật và biến lề luật thành nơi ẩn nấp của ý muốn giết chết. Chính lựa chọn này, trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô (Mc 3, 1-6) làm Đức Giêsu giận dữ; nhưng Ngài cũng đau khổ, nghĩa là thương cảm, vì con tim chai cứng của họ.
“Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi”
Ngày sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn, và Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật. Vì thế, luật sa-bát tượng trưng cho Lề Luật. Đức Giêsu không dời việc chữa lành vào ngày hôm sau và cũng không trình bày lập trường của mình về ngày sa-bát; Ngài đáp lại sự im lặng bằng quyền năng chữa lành. Lời giảng của Ngài về ngày sa-bát không phải là một giáo huấn lí thuyết, nhưng là hành động, hành động chữa lành. Hành động trong thinh lặng này loan báo sự thinh lặng của cuộc Thương Khó.
Hành động của Đức Giêsu làm rõ ước ao sự sống của Ngài đối với người bệnh. Ước ao trao ban sự sống vô hạn, nhưng lại được biểu lộ trong một hành vi hữu hạn. Khi làm thế, Ngài làm lộ ra ước ao sự chết đang hiện diện trước mặt Ngài, bởi vì Ngài không vi phạm luật sa-bát, khi chữa bệnh bằng quyền năng, chứ không phải bằng việc làm như thầy thuốc; do đó, lề luật không còn là chỗ ần nấp của họ. Chính những người rình rập Ngài chứng kiến vực thẳm của lựa chọn sự chết mở ra trong lòng họ. Để đáp lại, chứ không chống lại, ở đây Đức Giêsu còn làm hơn cả lời giảng “đừng chống lại kẻ dữ”, Ngài để mình bị chi phối bởi lựa chọn sự chết của kẻ dữ, vì đó là cách duy nhất để thuyết phục nó.
Quyền năng được bày tỏ ngang qua một hành vi chữa lành rất giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta quyền năng sự sống vô hạn, nói cho chúng ta lòng ước ao trao ban sự sống Thiên Chúa cho con người. Lời loan báo này được cảm nhận từ xa như là việc hủy bỏ ngày sa-bát, xét như là một giải pháp dành chỗ cho quyết định, nhưng lại có thể chứa chấp lựa chọn hướng tới sự chết (x. Mc 3, 1-6). Nếu con tim của những kẻ đối nghịch hướng tới cực điểm như thế, nghĩa là quyết định giết chết, chính là vì đã cảm nhận được nơi hành vi của Đức Giêsu lời loan báo về một ngày sa-bát được đẩy tới cùng đích, nhằm giải phóng hoàn toàn chân lý của ngày sa-bát, đó là ước ao sự sống nơi con người và trao ban sự sống nơi Thiên Chúa.
Ý nghĩa tận cùng của hành động mà Đức Giêsu thực hiện, đó là giờ đã đến, giờ quyết định để đưa ngày sa-bát và ngang qua ngày sa-bát, toàn bộ lề luật đến cùng đích, nghĩa là đến “sự hoàn tất” (x. Mt 5, 17), đó là ước ao và trao ban sự sống, sự sống dồi dào. Hành động chữa lành người bại tay diễn tả lựa chọn sự sống của Chúa; hành động này loan báo Thập Giá, loan báo « lời Thập Giá » (1 Cr 1, 18).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc