Sống tinh thần yêu thương phục vụ
KẺ SẶT – Buổi sáng ngày 4 tháng 11 năm 2012, Tổ 3 của Ca đoàn Mai Khôi, Giáo xứ Kẻ Sặt Hố Nai đã có chuyến đi thực tế về thăm “Cơ sở Bảo trợ Xã hội, Mái ấm Tình thương” tại hộp 18 – 145A Ngô Quyền, Phường Tân An, Thị xã Lagi, Bình Thuận, Việt Nam. (Xem hình ảnh)
Qua một nguồn tin giới thiệu, và được biết rằng: Cơ sở Bảo trợ Xã hội trên trực thuộc “Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang”, trực quản của Giáo phận Phan Thiết. Tại đây, có các nữ tu đã đang phục vụ, chăm sóc, và giúp đỡ những người tàn tật già cả neo đơn, những trẻ em khuyết tật bại liệt nghèo khổ, thực hiện nồi cháo tình thương cho những bệnh nhân nghèo nằm tại bệnh viện Lagi, cải táng, di dời, xây mới những phần mộ bị lãng quên không người thân chăm sóc, nhận nuôi trẻ mồ côi bị vứt bỏ, chôn cất thai nhi,…
Có tận mắt chứng kiến công việc của các nữ tu đang làm mới hiểu hết được sự khó khăn, vất vả của các Sơ. Mặc dù nơi đây không có hình bóng của một người Cha nhưng trong “gia đình” ấy vẫn luôn tràn đầy ấm áp và hạnh phúc. Chỉ có lòng kiên nhẫn và tình thương yêu trẻ nhỏ mới ràng buộc họ ở lại nơi đây.
Mỗi trẻ một hoàn cảnh, mỗi số phận khác nhau, nhiều em được cơ sở nhận về nuôi khi còn chưa dứt sữa mẹ, đồng thời nơi đây các Sơ cũng tìm kiếm, thu nhận, nuôi các em được cứu sống từ trong thai mẫu, những thai nhi bị vứt bỏ nơi đống rác,… Đứng trước thảm trạng kêu cứu của các thai nhi vô tội bị tước đoạt mạng sống, các nữ tu đã lập ra một “Nghĩa trang thai nhi” từ năm 2005 để chôn cất, đến nay đã được 7 năm, cứu sống được 140 em và đem về chôn gần 20 ngàn em, thật là kinh khủng. Nhiều em được cứu hiện nay vẫn sống tốt, và được cưu mang bởi vòng tay ấm áp của các bà mẹ, mà các em vẫn thường gọi là “bà ngoại”.
Có lẽ khi nhìn thấy vẻ mặt dễ thương của các em cùng với việc chứng kiến thảm cảnh trên chúng tôi đã thổn thức, thương cho những mảnh đời bất hạnh, bị bố mẹ bỏ rơi. Sự côi cút, mất mát của các em, hẳn sẽ làm cho những người ghé thăm không khỏi chạnh lòng, và tự hỏi “tại sao lại có nhiều mảnh đời bất hạnh đến như thế, bố mẹ của các em đâu, sao lại bỏ rơi mà không nuôi?”. Câu trả lời này có lẽ sẽ phải dành cho những người có trách nhiệm. Mặc dù thiếu vắng tình thương như vậy nhưng nhiều em cũng đã được các Sơ nuôi dạy rất tốt, và cũng đã trưởng thành.
Từ trái tim đến trái tim, chuyến đi tuy đơn sơ nhưng có thể nói vật chất ở đây cái gì cũng cần, từ vài thứ mà chúng tôi quyên góp như quần áo, gạo, mì tôm, thuốc men,… bao nhiêu cũng không đủ cho sự gia tăng số lượng. Có lẽ chúng tôi chỉ là một phần nhỏ bé của đóng góp trên mà thôi. Với 10 nữ tu và 20 bảo mẫu phục vụ, các em ngày một đông và khôn lớn, cơ sở thì chật chội. Thêm vào đó, mỗi tháng có từ 200 đến 300 người tàn tật đến sinh hoạt tại mái ấm, chờ nhận quà tình thương, một thách thức to lớn. Do đó, nơi đây cũng cần lắm những mạnh thường quân sẵn sàng chung tay nhằm giúp đỡ các Sơ tiếp tục phát triển, duy trì hoạt động bác ái yêu thương ngày càng nhân rộng để mái ấm tình thương đó sẽ còn nhiều trẻ em được cứu sống, những mảnh đời bất hạnh tìm được nơi nương ẩn.
Đến thăm cơ sở, ngoài việc tìm hiểu các em bị bỏ rơi, chúng tôi còn được thăm rất nhiều những ngôi mộ bị lãng quên được các Sơ cải táng đưa về, các Sơ đã cho các em, những người vô danh một nấm mồ. Tại cơ sở chúng tôi ghé qua thì các Sơ chỉ nuôi, cứu sống các em, đồng thời giúp đỡ những bà mẹ lầm lỡ có ý định phá thai đã được các Sơ thuyết phục đem về đây. Họ sẽ sinh em bé ở đây, có mẹ thì bỏ lại, có mẹ thì bế em đi. Việc cứu sống thì ít, nuôi một bà bầu thì tốn kém, khó khăn trăm bề. Hiện tại thì nhà của Sơ đang còn lại 85 em cho mẹ xin lại, mẹ chưa sinh nở, đa phần các bà mẹ tuổi đời còn rất trẻ. Chúng ta hãy suy nghĩ về một chút về một trong các giới răn của Chúa là: “chớ giết người” nhưng tệ nạn xã hội ở nơi đây thì lại quá nhiều. Mỗi tuần 3 ngày: thứ 2-4-6 các nữ tu đón nhận từ 20 đến 30 bào thai bị phá bỏ và đưa về “Nghĩa trang giáo xứ Đồng Tiến” để chôn cất. Vì thế một nghĩa trang đã được dựng lên, khoanh vùng rất đẹp, những ngôi mộ liền kề giống nhau xinh xinh nhưng những con số bên ngôi mộ thì lại đáng lưu ý: có mộ thì 100 em trong một, có mộ 57 em,… khi chôn cất thì mỗi thai nhi đều được đựng trong một cái lọ, được chia ô, và xây xếp chồng, nhiều mộ được ân nhân bảo trợ xây cất. Tất cả những vấn đề trên, như các Sơ trao đổi với chúng tôi, ấy cũng là bù đắp một phần cho những đứa trẻ bất hạnh. Thật vậy, công việc thì cực lắm, nhưng tràn đầy tình thương và lòng ấm áp.
Nói chung, chuyến đi chỉ là tự phát nhưng cũng thật hữu ích, đúng với tinh thần “tương thân, tương ái” của một xứ đạo với bề dày truyền thống, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người cơ nhỡ, có hoàn cảnh bất hạnh. Hy vọng rằng sau chuyến đi, không chỉ riêng chúng tôi mà cũng sẽ có nhiều nhà hảo tâm bác ái nữa sẽ đến để giúp đỡ các Sơ và cũng có những trải nghiệm như chúng tôi.
THƯ NGỎ
LƯU Ý: Bởi vì quá gấp gáp tiếp đón nên Thư ngỏ, tài liệu gốc của các Sơ đưa đã in sai (19.654.050) con số thống kê chôn cất các thai nhi, và Quý Sơ đã đính chính lại (gần 20.000). Vì thế cho nên Thư ngỏ trên đã được chỉnh sửa lại theo đúng con số thống kê của Quý Sơ.