Cơn khát lương thực – Chúa nhật XVII Thường niên B
Trong bối cảnh xã hội hiện tại, khi có những cuộc xung đột căng thẳng ở nhiều cấp độ, thậm chí chiến tranh đã và đang xảy ra ở một vài quốc gia châu Âu, một thuật ngữ được lặp đi lặp lại thường xuyên, đó là “an ninh lương thực”. Đây là một nhận định và cũng là cảnh báo của các nhà chuyên môn, khi thấy các cuộc cấm vận và những mâu thuẫn chính trị tại một số quốc gia vẫn đứng hàng đầu trong việc cung cấp lương thực cho thế giới. Nỗi lo cơm bánh vẫn luôn ám ảnh con người, kể cả trong xã hội được gọi là “hiện đại và phát triển” của chúng ta. Cơn khát lương thực luôn hiện hữu trong cuộc sống, cá nhân cũng như tập thể.
Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay xoay quanh đề tài bánh ăn, hay lương thực, ở những khía cạnh khác nhau:
Trước hết, đức tin Do Thái giáo và Kitô giáo đều khẳng định: Thiên Chúa là nguyên lý của mọi phúc lành. Ngài ban cho mưa thuận gió hòa và những điều kiện thuận lợi để cung cấp bánh ăn cho con người. Tác giả thánh vịnh đã diễn tả: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê” (Đáp ca). Đức tin nói với chúng ta: những gì chúng ta đón nhận hằng ngày, những nhu cầu căn bản cho cuộc sống vật chất cũng như tinh thần đều là ân huệ Chúa ban. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 6,33). Ý niệm cầu nguyện với Ông Trời và các thần linh để được mưa thuận gió hòa luôn luôn có trong tiềm thức và niềm tin bình dân của người Việt chúng ta. Bài đọc I kể lại một phép lạ Thiên Chúa đã thực hiện qua trung gian ngôn sứ Ê-li-sa. Với hai mươi chiếc bánh lúa mạch và chút cốm, vị ngôn sứ đã truyền cho tiểu đồng phân phát cho cả trăm người, mà vẫn còn dư. Lòng tín thác cậy trông vào Chúa là điều kiện để phép lạ xảy ra.
Đức tin Kitô giáo cũng dạy chúng ta: sống trên đời, nếu chúng ta may mắn có được một cuộc sống ổn định hay dư dả về vật chất, đó là của Chúa ban, và chúng ta chỉ là người quản lý. Thiên Chúa mới là sở hữu chủ chính thức của tài sản trên thế gian. Vì vậy, mọi người tùy theo khả năng của mình, đều được mời gọi chia sẻ cho anh chị em. Bác ái chia sẻ là một điểm nhấn nổi bật trong giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo hội. Ngôn sứ Ê-li-sa đã lấy hai mươi chiếc bánh người ta tặng cho ông vào thời điểm nạn đói đang hoành hành. Ông không giữ cho riêng mình, nhưng chia sẻ cho mọi người, và phép lạ đã xảy đến qua nghĩa cử chia sẻ rộng rãi đó. Thánh Gioan kể lại trong Tin Mừng: trong đoàn người đến nghe Chúa Giêsu giảng dạy, có một em bé mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Em bé ấy đã vui vẻ chia sẻ những gì mình có cho mọi người, và phép lạ đã diễn ra. Đương nhiên, phép lạ đến từ quyền năng Thiên Chúa, nhưng lại dựa trên sự chia sẻ và cộng tác của con người. Nếu hiểu mỗi người chỉ là người quản lý tài sản Chúa trao, và sau này chết chẳng mang theo được, thì người ta sẽ dễ dàng chia sẻ cho anh chị em. Nếu các nước giàu chia sẻ cho các nước nghèo, thì lương thực trên thế giới sẽ đủ nuôi mọi người và nạn đói sẽ không còn hoành hành ở một số quốc gia châu Á và châu Phi nữa.
Cùng với những giáo huấn về chia sẻ, Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về lương thực thiêng liêng Chúa ban cho các tín hữu. Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-sa và sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ nhân bánh ra nhiều đều là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể. Trong đêm tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Người đã biến bánh thành Mình và rượu thành Máu Người. Đây không phải là biểu tượng, cũng không phải là nghĩa bóng, mà là một thực tại. Bí tích Thánh Thể, hay sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hình Bánh Rượu là tín điều, tức là điều phải tin đối với các Kitô hữu.
Sau cùng, Phụng vụ hôm nay dạy chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của sự hiệp thông, hiệp thông với Chúa và với anh chị em mình. Thánh Phaolô trong Bài đọc II đã nói đến sự liên kết gắn bó giữa các Kitô hữu. Vị Tông đồ dân ngoại đã dùng hình ảnh của một thân thể, để diễn tả cộng đoàn Kitô hữu. Để có sự hiệp thông đích thực, thánh nhân khuyên các tín hữu Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại: hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng nhau…” Vâng, bác ái, hiệp thông, chia sẻ… đó là những thông điệp mà Đức Giêsu đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể muốn nói với chúng ta.
Thánh Têrêsa Can-cút-ta là một mẫu gương của thời đại chúng ta về lòng yêu mến Thánh Thể. Trong đời sống cũng như trong sứ mạng, Mẹ đã khơi nguồn sức mạnh từ Nhà Tạm, nơi Chúa Giêsu hiện diện. Đối với Mẹ Têrêsa, Thánh Thể chính là tình yêu hy tế mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, để được ăn vào và tiêu hóa, và trở thành một phần trong con người chúng ta. Khi chúng ta đón rước Thánh Thể, thì chúng ta được Thiên Chúa ban sức mạnh để yêu mến những người khác, với cùng tình yêu mà Đức Kitô đã bày tỏ cho chúng ta. Bằng cách này, Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta mang tình yêu của Đức Kitô đến với người nghèo, và cảm nhận được sự hiện diện của Người nơi những người ấy.
Thánh nữ đưa ra một lời khuyên rõ ràng: “Tôi xin bạn hãy đến gần hơn với Thánh Thể và Đức Giêsu… Hỡi các linh mục giáo xứ, xin các cha yêu cầu các giáo dân chầu Thánh Thể trong các nhà thờ của mình bất cứ ở đâu có thể được. Hãy chầu Thánh Thể ít nhất mỗi tuần một lần, sao cho sự dịu hiền của tình yêu có thể phát triển trong tâm hồn các cha, hầu chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác”.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org