Dám mặc lấy niềm vui!
Đức Phanxicô trong Thánh Lễ Mùa Vọng ngày 15/12/2014
famillechretienne.fr, Linh mục Sébastien Thomas, 2019-12-09
Theo truyền thống chúa nhật thứ ba Mùa Vọng là chúa nhật của niềm vui, chúa nhật Gaudete, chữ đầu tiên mở đầu thánh lễ: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Gaudete in Domino semper: iterum dico, gaudete, Pl, 4, 4). Để thể hiện niềm vui này, linh mục mặc áo lễ màu hồng. Áo lễ màu hồng chỉ mặc hai lần trong một năm, chúa nhật thứ ba Mùa Vọng và chúa nhật thứ tư Mùa Chay.
Niềm vui của chúng ta trong ngày chúa nhật này trước hết bắt nguồn từ việc Đấng Cứu Chuộc sắp đến trong hai tuần nữa. Từ hai tuần qua, chúng ta đã chuẩn bị lễ Giáng Sinh: chúng ta trang hoàng nhà cửa, làm máng cỏ, mua quà tặng người thân và nghĩ đến một bữa ăn ngon, nhưng trên hết là chuẩn bị tâm hồn để gặp và kính thờ Chúa Giêsu Hài Đồng. Chúng ta không hát Gloria trong thánh lễ, chờ đến ngày 24 tháng 12 chúng ta sẽ hát mừng!
Niềm vui dù trong đau khổ
Tuy nhiên chúng ta biết, trong số anh em chúng ta có một số người đang chịu thử thách, đang đau khổ. Vì thế Giáo hội có ngày chúa nhật vui mừng, để giáo dân quên đi chốc lát lo lắng, bệnh hoạn, cô đơn của họ chăng? Và dĩ nhiên khó để nói với một người đang đau khổ hãy vui lên. Điều này có vẻ phi lý, thậm chí là mất lịch sự và kỳ cục. Vậy thì vì sao Giáo hội lại có ngày chúa nhật hân hoan này?
Nghịch lý của đời sống kitô hữu
Nếu Giáo hội cử hành ngày chúa nhật Gaudete vui mừng thì chắc chắn trước hết là để cho những ai đang đau khổ. Chúa Kitô đến đầu tiên hết với người bệnh, người phạm tội (Mc 2,17). Tháng 5 năm 1975, Thánh Phaolô VI đã viết Tông huấn Vui mừng hân hoan, Gaudete in Domino khi ngài đang bị bệnh, đang gặp thử thách. Chúng ta cần phải đọc lại, ngài viết ở đoạn ba: “Đó là nghịch lý của tín hữu kitô làm sáng tỏ một cách kỳ lạ thân phận con người: không thử thách, không đau khổ nào bị loại ra khỏi thế gian này, nhưng nó mang một ý nghĩa mới trong xác tín được tham dự vào sự cứu chuộc của Chúa và cùng chia sẻ vinh quang với Ngài”.
Vì Chúa Kitô đã chịu mọi đau khổ cho chúng ta, Ngài mang nỗi đau của chúng ta trên thập giá để chúng ta không bao giờ cô đơn nữa. Không phục sinh mà không chết đi, Chúa Giêsu đã biết điều này vì chính Ngài đã sống kinh nghiệm này. Một bài hát quen thuộc có lời: “Từ máng cỏ đến thập giá, Thiên Chúa cho chúng ta một mầu nhiệm sâu đậm. Từ máng cỏ đến thập giá, Ngài yêu thương chúng ta không mệt mỏi”. Trong thử thách, trong nghi ngờ của chúng ta, chúng ta đừng mệt mỏi khi xin Chúa chia sẻ niềm vui của Ngài với mình. Cụ thể chúng ta có thể biểu hiện tình yêu này chung quanh chúng ta: một cuộc gọi, một buổi thăm viếng, một món quà, một ánh nhìn… Và nhất là chúng ta dám mang niềm vui đến cho những người đau khổ ở gần chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn