Đàn ông đàn bà theo Sách Sáng Thế
Đàn ông và đàn bà. Họ là gì và tại sao lại như vậy, xét theo từng người và xét theo cả hai với nhau? Họ giống nhau ra sao và khác nhau thế nào? Khác do bản chất bao nhiêu và khác do văn hóa bao nhiêu? Sự khác nhau này tạo ra và nên tạo ra dị biệt nào?
Đàn ông muốn gì nơi đàn bà hay đàn bà muốn gì nơi đàn ông? Họ nên muốn điều gì? Họ có thực sự cần tới nhau hay không? Nếu cần, thì tại sao? Những niềm tin nào, những phong tục nào, và những định chế nào hiện đang tác động lên tính dục phát huy được sự triển nở của con người hơn cả?
Ngày nay, có thể người ta ít đặt ra những câu hỏi như trên, nhưng họ đang hết sức say mê tranh luận với nhau về chủ đề của những câu hỏi như thế. Thực vậy, hiện nay, không có vấn đề quan trọng nào về đời người khiến người ta nói nhiều và nói ngược nhau đến như vậy. Điều đáng tiếc là, phần lớn cuộc tranh luận của người ta về đàn ông và đàn bà không đem lại bao nhiêu soi sáng; vì, vốn mang nặng tính chính trị và tranh cãi, nó chỉ đi tìm chiến thắng chứ không hẳn hiểu biết. Nghịch lý một điều, các quan niệm truyền thống, nhất là các định chế tôn giáo, vì bị coi chỉ là truyền thống, nên đang ở thế lùi. Trong giới học thuật, các nhà duy nhân bản mỗi ngày mỗi mê loạn về phái tính: hàng loạt các học giả tạo được nghề nghiệp nhờ trình bày các thiên kiến duy phái tính trong nền văn chương, triết học và thần học của Âu Châu, nhờ giảng dạy rằng phái tính là do văn hóa xây dựng nên, hay nhờ đẩy mạnh học thuyết cho rằng suy nghĩ của con người do các tùy thể của việc sinh sản, như phái tính, chủng tộc và giai cấp, xác định dứt khoát.
Trong toàn bộ xã hội hiện nay, lối suy nghĩ được coi là đúng về chính trị thẩy đều lên án hệ thống gia trưởng (patriarchy), trung tính hóa các đại danh từ và những kiểu nói khác bị coi là kỳ thị giới tính, đồng nhất hóa phòng gửi hành lý (locker rooms), phái các bà mẹ có con thơ đi đánh nhau tận trận địa Kuwait, và gần như một chiều lên án cuộc chiến tranh giới tính.
Thời nay cũng như bất cứ thời nào khác, người ta đều có nhiều ý kiến dị biệt sâu xa về chủ đề đàn ông và đàn bà. Ấy thế nhưng ta khó có được một cuộc khảo sát công cộng nghiêm chỉnh và có suy nghĩ về những ý kiến này. Vì dù được tự do ngôn luận và cởi mở đến đáng khen, ta vẫn không có được một bầu khí dư luận khuyến khích ta cải tiến các ý kiến của mình, hay thay thế chúng bằng hiểu biết và sự thật; một phần vì ta đã trở nên quá sành sõi đến không tin nổi rằng còn có thứ sự thật nào khác hơn những sự thật được nhà cầm quyền “dựng lên”.
Tuy nhiên, ta không nên quá bi quan yếm thế như vậy. Vì ta biết ít nhất vẫn còn mộ số sự thật rất quan trọng về đàn ông và đàn bà. Thí dụ, bất chấp tin tưởng của họ ra sao, độc giả nào cũng đều có một lỗ rốn. Hãy nhìn kỹ mà coi: cái lỗ rốn ấy là một bằng chứng rõ ràng cho thấy mọi người chúng ta đều sinh ra từ một người đàn bà. Đàng khác, không kể phép lạ, cuộc hiện sinh của mỗi người chúng ta đều mang ơn một người đàn ông và một người đàn bà, không hơn, không kém, không ai khác, và do đó, mang ơn hành vi kết hợp dị tính. Chuyện này không hề do xã hội dựng lên, nó là sự kiện tự nhiên, một sự kiện lâu đời hơn chính nhân tộc. Một sự kiện nữa, và sự kiện này cùng tuổi với nhân tộc, là việc con người tự ý thức được dị biệt giới tính và sự khác nhau do dị biệt này tạo ra, và cả những rắc rối do nó tạo ra nữa. Các khó khăn trong việc là đàn ông hay đàn bà, cũng như các khó khăn trong việc hiểu đàn ông và đàn bà là môt chuyện rất xưa. Tại sao? Tại một số sự thật trường cửu và bất khả giảm thiểu về đàn ông, đàn bà và giới tính đúng nghĩa mà ta sẽ đề cập sau này.
Để hiểu chút đỉnh về đàn ông và đàn bà, ta nên xem sét một câu truyện rất xưa và rất nổi bật về họ, câu truyện đầu hết về họ, tức câu truyện trong Địa Đàng. Có một số lý do để ta xem xét câu truyện này: trước nhất, để tránh xa các tranh cãi hiện thời, luôn có tính chính trị nhiều hơn. Thứ hai, để hiểu truyền thống tôn giáo của ta nguyên khởi coi người đàn ông và người đàn bà ra sao. Hiểu truyền thống này qua các nguồn đệ nhị đẳng là điều nguy hiểm, nhất là trong khung cảnh ngày nay; vì hiện nay những gì được nói về Thánh Kinh cách chung và về câu truyện này cách riêng phần lớn một là lầm lẫn hai là nông cạn, như coi nó kỳ thị giới tính hay biện minh cho việc tròng cổ đàn bà. Thứ ba, ta khảo sát câu truyện này xem xem nó có nói thật hay không và nói thật ra sao, vì, giống như nhiều câu truyện vĩ đại khác, ta sợ nó chỉ là một kho khôn ngoan hay đúng hơn chỉ giúp ta hướng tới khôn ngoan nếu ta suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của nó.
Vì phương thức trên có hơi bất thường, nên ta cần minh nhiên nói rõ ý hướng của ta ra sao khi đọc truyện này. Thứ nhất, ta đọc nó một cách kỹ lưỡng, từng chữ, thẳng thắn, tránh các bình luận sau này, của cả Do Thái Giáo lẫn Kitô Giáo, và tránh cả mọi việc người ta sử dung nó ra sao. Thứ hai, ta không đọc nó với bất cứ cam kết ý thức hệ nào, nhất là về chủ đề giới tính và phái tính. Thứ ba, ta không giả thuyết ai là tác giả, tác giả này là đàn ông hay đàn bà; vì đối với ta, việc này không quan trọng. Miễn là bản văn nói với tâm và trí ta, mời gọi ta suy tư một cách nghiêm chỉnh và mẫn cảm, thì ai nói đâu có gì là quan trọng. Nếu một nhà tư tưởng (hay một độc giả), dù là nam hay nữ, dù là duy nữ hay duy nam, tình cờ gặp được một sự thật về giới tính, thì nó vẫn là một sự thật, và cách duy nhất để biết liệu nó có đúng sự thật hay không là suy nghĩ về nó. Thứ tư, nói tổng quát hơn, ta tin rằng bản văn này có thể đọc theo lối triết học nghĩa là để tìm tòi khôn ngoan, không cần cam kết tôn giáo trước đó; người ta không cần phải là một tín hữu mới hiểu nó nói về điều gì và tại sao, hay mới có thể khẳng nhận hay bác bỏ sự thật của câu truyện. Về phương diện này, ta đọc nó giống như đọc bất cứ cuốn sách vĩ đại nào khác: ta cho rằng mỗi chữ đều có giá trị của nó; ta đặc biệt cẩn thận chú ý tới sự phối hợp (sequence) và ngữ cảnh địa phương, vì tin rằng ý nghĩa của từng phần tùy thuộc một phần ở những gì đến trước và đến sau, cả kế cận lẫn từ xa. Giống như với bất cứ cuốn sách nào, ta tìm cách khám phá ra điều nó nói và muốn nói và liệu nó có nói thật hay không.
Tuy nhiên, đọc Thánh Kinh kiểu này là một điều rất khó, vì, cuối cùng thế nào ta cũng phải đề cập tới vai trò của Thiên Chúa, không cách này thì cách khác. Y hệt như khi đọc Iliad, ta nhất thiết ta xem xét vai trò của thần Zeus và thần Apollo. Thực vậy, cơ sở triết học mà thôi không thể xác nhận hay khẳng nhận các sự kiện hay các nội dung trong mạc khải đặc biệt của Người, nhất là sau khi Thiên Chúa giáo huấn Ápraham theo cách riêng của Người. Nhưng ít nhất, qua 11 chương đầu của Sách Sáng Thế, ta tin rằng người ta có thể học được rất nhiều về những điều sách này giảng dậy liên quan tới Thiên Chúa: Người chính là cơ sở và sự hỗ trợ hữu thể học của những gì đang diễn ra trong câu truyện, không hơn không kém. Không phải một Thiên Chúa như là quyền lực áp chế và võ đoán hay như một tác nhân tự ý muốn can thiệp ra sao tùy ý, nhưng là một Thiên Chúa suối nguồn của hiện hữu và/hoặc như sự thiện “đứng đàng sau” hay hỗ trợ hoặc làm sáng tỏ ý nghĩa của tất cả những gì sắp và đang hiện hữu. Thiên Chúa trong những câu truyện này lên tiếng cho chính hữu thể; lời của Người và việc Người làm giúp ta tìm thấy, và còn hơn thế nữa, tin tưởng vào tính hữu lý và tính hợp lý của tất cả những gì ta học được từ những câu truyện này.
Các chương đầu tiên của Sách Sáng Thế (sau ngay chương một) cho ta một trình thuật về thuở ban đầu của con người, phần lớn theo thứ tự thời gian, một trình thuật mở ra lịch sử sơ nguyên của loài người. Nhưng, và có lẽ đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong “phương pháp” đọc của ta, ta xác tín rằng trình thuật theo thứ tự thời gian cũng là phương tiện chuyên chở một điều gì đó phi thời gian và vĩnh viễn về sự sống con người trên thế giới. Trình thuật này dạy ta về thuở ban đầu của loài người theo hai nghĩa: thứ nhất, nó cho ta một nhân học phổ quát (thậm chí một hữu thể học), trình bày cho ta các yếu tố tâm lý và xã hội nguyên thủy của sự sống con người, vừa có tính người vừa chân thực đối với mọi nơi, mọi lúc. Người đàn ông đầu tiên và người đàn bà đầu tiên, cũng như con cái họ, đã là những con người nhân bản theo nghĩa nguyên mẫu (prototypically) chứ không chỉ theo nghĩa tổ tiên. Thứ hai, vì trình thuật nhân học có ý hướng luân lý chính trị, nên các câu truyện này dẫn ta vào sự sống con người trong tất cả tính hàm hồ về luân lý của nó; ta sẽ học để biết các yếu tố nhân bản nào tạo ra loại rắc rối nào về luân lý hay chính trị và tại sao. Theo nghĩa này, các chương đầu của Sách Sáng Thế bắt đầu giáo dục người đọc về luân lý.
Câu chuyện ở Địa Đàng lẽ dĩ nhiên không chỉ nói về đàn ông đàn bà; trái lại, truyện kể về họ bao gồm một chủ đề rộng lớn hơn: sự bất vâng phục của họ, việc họ đánh mất sự ngây thơ vô tội và việc xuất hiện của tự do con người và việc họ tự ý thức về luân lý, việc mất Địa Đàng và việc ta bước vào cuộc hiện sinh hữu tử đầy nặng nề và đau đớn. Phần lớn những điều trình bày ở đây đã được rút tỉa từ những xem sét hết sức quan trọng này. Nhưng ta tin ta đã bao gồm đủ ngữ cảnh để chứng minh tại sao các chủ đề lớn lao này thực sự có liên quan mật thiết với câu truyện về giới tính.
I. Hữu thể nhân ban nguyên khởi
Ở đầu câu truyện, ta thấy trái đất khô, cứng và không cỏ cây (1). Ngay từ đầu, ta đã biết trái đất cần cả mưa trời lẫn lao công của con người. Ngay trước khi ta gặp họ, con người đã được xác định bằng việc làm của họ, con người nhận được việc làm đã được định sẵn cho họ: thống trị sự sống thì ít, phục vụ trái đất thì nhiều, con người sẽ phải cày cấy, lao công, mong mưa, lo lắng cho tương lai. Câu truyện khởi đầu một cách đầy thuyết phục, đem đến cho ta một sự thật gần như phổ quát về sự sống con người. Nhưng tại sao sự sống này lại là sự sống của ta? Điều gì làm cho sự sống ấy ra khó khăn đến thế? Những điều sau đây nhằm đưa ra một câu trả lời.
Manh mối đầu tiên có thể tìm thấy ngay trong nguồn gốc kép của con người: con người được tạo nên bằng hai nguyên lý, nguyên lý thấp “bụi đất”, nguyên lý cao “hơi thở sống”. Hữu thể nhân bản ra chào đời trong tư cách bụi đất có hình dạng và có sinh lực (hay hơi thở). Cao hơn trái đất nhưng vẫn bị cột vào trái đất, con người có một cái tên, adam (lấy từ adamah, nghĩa là “đất”), một cái tên nhắc ta nhớ tới nguồn gốc cát bụi thấp hèn. Ngay từ đầu, con người đã lên cao từ dưới thấp và ở giữa hai cõi cao thấp ấy.
Hữu thể nhân bản nguyên mẫu ấy là như thế nào? Hữu thể ấy là một hữu thể đơn giản với một linh hồn đơn giản, sống một cuộc sống đơn giản. Đứng thẳng, trần truồng, ngu dốt, không nói được, và ngây thơ vô tội, con người không biết gì tới các đam mê hay thèm muốn phức tạp: linh hồn hồn họ không xấu hổ cũng chẳng tự hào, không giận dữ cũng không mặc cảm tội lỗi, không ác ý cũng không tự đại, không kinh ngạc cũng không kính sợ. Họ bằng lòng khi những thèm muốn đơn giản như thức ăn, thức uống, nghỉ ngơi được thỏa mãn; giữa thèm muốn và thỏa mãn không phân cách bao nhiêu, họ không bị phân tâm hay tự ý thức về mình. Họ như đứa trẻ lớn xác hay đúng hơn một đười ươi không lông; là hữu thể nhân bản nguyên mẫu, họ chỉ là con người chủ yếu trong dáng vẻ. Cô đơn, tự do, và độc lập, hưởng điều mà sau này Rousseau gọi là “cảm quan hiện hữu”, con người chỉ sống cho chính mình, trong một thế giới cung cấp cho họ bình an, thanh thản và thoả mãn các nhu cầu căn bản của họ.
Thực tế ra, có lẽ con người chưa bao giờ sống cô đơn hay trong trạng thái địa đường. Bất chấp điều đó, câu truyện vẫn chuyên chở một khía cạnh hết sức vĩnh viễn về hữu thể ta. Bất kể các hữu thể nhân bản là gì hay trở nên gì, luôn luôn và ở tận cùng, họ cũng là các hữu thể mang theo mình một gắn bó chẳng phức tạp gì mà lại vô tư trong trắng với chính sự sống còn và tính sống động của họ. Cái lớp hiện hữu động vật này, gồm các nhu cầu thể xác tư riêng được thỏa mãn và vui hưởng tư riêng, là một phần không thể xóa bỏ của hữu thể nhân bản. Người nào cũng biết đói, khát và mệt mỏi. Không người nào, dù vị tha hay thánh thiện bao nhiêu đi nữa, lại thỏa mãn cái đói riêng của mình bằng cách đút thực phẩm vào miệng một ai khác. Hơn nữa, nhìn từ phía nhu cầu đơn giản, tức cần thức ăn thức uống, thì thế giới là nơi khá hào phóng; nếu không có sự phá phách của con người văn minh, có lẽ đến bây giờ nó vẫn như thế. Đối với phần đông các “họ hàng” đơn giản hơn của ta, trong đó có các loài linh trưởng (primates), phần lớn nó vẫn còn là một thửa vườn thực sự; và có lẽ cả với ta, nó cũng vẫn như thế, nếu ta không bao giờ ra khỏi tính động vật hay tính trẻ con.
Ấy thế nhưng, hữu thể nhân bản nguyên thủy (primordial), vì chỉ nhân bản theo nghĩa nguyên thủy, và có lẽ nên nói là nhân bản theo nghĩa tiềm năng (potentially), nên không hẳn hoàn toàn đơn giản. Như chính câu truyện đã khéo léo cho thấy, có điều gì đó gây lo ngại trong chính bản chất nguyên khởi của họ. Một khả năng bẩm sinh hay ở trong trạng thái tiềm năng nào đó nơi linh hồn con người đe dọa lật đổ sự yên tĩnh trong cuộc sống đơn giản và ngây thơ vô tội của họ. Vì nếu không, tại sao lại cần có lệnh cấm ở đây? Người ta đã nhận diện được một cách phúng dụ hai nguồn có thể gây ra sự bất ổn này; hai nguồn đó chính là hai loại cây đặc biệt, khác với những loại cây dùng làm thức ăn (St 2:9). Cây sự sống, đem lại sự bất tử, đứng ở giữa vườn; nơi con người, sự gắn bó tức khắc với sự sống hàm nghĩa, từ bản năng, họ vốn sợ chết, một nỗi sợ, một khi trở thành hữu thức, rất có thể và thực sự đã khuấy động sự thanh tĩnh của con người.
Nhưng, theo cái nhìn của Thánh Kinh, bất ổn hơn nữa còn là khả thể tự do nơi con người, được biểu tượng bằng cây biết thiện biết ác. Bất cứ lựa chọn tự do nào cũng mặc nhiên hàm nghĩa một vươn tới và một hành động dựa trên sự “hiểu biết” riêng của ta về thiện hay ác, về tốt hơn hay xấu hơn. Đối với hữu thể nhân bản, hay đúng hơn, đối với hữu thể nhân bản nguyên mẫu, cũng như đối với bất cứ đứa trẻ nào, khả thể chọn lựa cho chính mình luôn nằm trong vòng tay với. Và, như lời dạy dỗ của mọi cha mẹ, và như ta lúc còn trẻ đau đớn học được sau này, chọn lựa tự do không nhất thiết là chọn lựa tốt, kể cả cho chính mình. Thiên Chúa đại độ với tình cha hiền muốn giữ cho con người khỏi hy sinh chính niềm hạnh phúc đơn giản và thơ ngây của họ; ấy thế nhưng, nguyên sự cần thiết phải có giới hạn ấy là một bằng chứng cho thấy nguồn gốc của rắc rối vốn đã nằm rất sâu bên trong con người. Hơn nữa, khả năng hiểu lệnh cấm nơi con người, dù chỉ phiến diện, vẫn chứng minh là họ cần tới nó; vì họ đã có đủ trí khôn để phân biệt được hai cây trên bằng tên, nên chẳng bao lâu, họ sẽ có đủ trí khôn riêng và với trí khôn này, là khả năng tự làm mình ra khốn khổ.
II. Một đối tác thích hợp
Sự ngứa ngáy trong linh hồn họ, một sự ngứa ngáy sẽ hủy diệt sự mãn nguyện của họ xem ra chưa tỏ tường đối với hữu thể nhân bản đơn giản. Khó khăn thứ hai cũng thế, là chính sự cô đơn, ở một mình, của họ. Không phải con người, mà là Thiên Chúa nhận ra “con người ở một mình không tốt; ta sẽ dựng nên cho hắn một giúp đỡ ngược với hắn (ezer k'negdo)” (St 2:18). Vì nhận định này dẫn tới việc tạo dựng người đàn bà và giải thích nó, nên ta cần phải xem xét ý nghĩa của nó một cách cẩn thận hơn.
Tại sao và vì ai sự cô đơn của con người lại không tốt? Nó không tốt cho con người hay không tốt cho thế giới bao quanh họ hay không tốt cho Thiên Chúa? Nó không tốt vì hoàn cảnh hiện nay hay vì các khả thể tương lai? Nghĩa là, phải chăng vì Thiên Chúa dự ứng cái chết của con người, một cái chết mà Người vừa nhắc tới như là hậu quả của việc biết thiện biết ác, nên nay Người sẽ cung cấp phương tiện để họ trường tồn? Việc này còn tùy ở chỗ ta hiểu sự cô đơn của con người ra sao.
Thông thường và cũng thích đáng khi ta nghĩ “ở một mình” là “cô đơn” hay “cần được trợ giúp”; nghĩa là, “ở một mình” là dấu hiệu của yếu ớt. Yếu ớt cần được giúp đỡ, bất kể giúp đỡ này là một bạn đồng hành, một người hùn hạp (partner), hay một người bạn cùng làm việc với nhau; và quả thực, Thiên Chúa hứa sẽ tạo nên một “giúp đỡ” cho hữu thể nhân bản. Nhưng “ở một mình” cũng có nghĩa “tự mãn” hay “độc lập”; nó có thể là dấu chỉ sức mạnh biểu kiến, có thực chất hay do tưởng tượng. Ở một mình theo nghĩa sức mạnh hay tự mãn có thể nguy hiểm nhiều cách: người ở một mình, vì thiếu gương soi thích đáng, rất có thể không có khả năng tự biết về mình; hay vì độc lập, người ở một mình, dù ở ngay trong vườn Thiên Chúa, rất có thể vẫn không thực sự biết Thiên Chúa hiện diện (2); hay vì tự mãn, con người rất có thể có khuynh hướng muốn thăm dò các giới hạn, như người anh hùng Achilles hay như con người vòng tròn nguyên thủy trong truyện Aristophanes (trong cuốnSymposium của Platông) nói về việc phát sinh ra eros, một người đi tìm chứng cớ để bênh vực hay để chống lại chính bản sắc thần linh của mình. Đối với việc ở một mình hiểu như sức mạnh, phương thuốc thích hợp là làm cho yếu đi, bằng chia rẽ, đối nghịch, tranh chấp. Trong ngữ cảnh hàm hồ này, Thiên Chúa đã đề xuất một người giúp đỡ cũng khá hàm hồ. Trong tiếng Hípri, người giúp đỡ con người nguyên khởi là neged, nghĩa là đối nghịch với họ, là chống lại họ, là ở đàng trước họ, trước mặt họ theo nghĩa thân xác: người giúp đỡ này sẽ là một chống lại (contra). Đặt “hùn hạp” (partner) và “chống lại” với nhau, Thiên Chúa tạo nên một đối tác (counterpart) cho con người. Bất kể lý do là gì, điều cần là không phải một người nữa, mà là một người khác thế. Đồng hành ở đây xuất hiện với một khác biệt; và sự khác biệt này quả là một khác biệt rất lớn, cả theo nghĩa tốt lẫn theo nghĩa xấu.
III. Con người tự ý thức tính dục của mình
Sự xuất hiện của người đàn bà khai sáng ra hoặc nhập thân một chiều kích mới trong tính người của ta, bao gồm việc gia tăng ý lực cho lý trí và cho ngôn từ, ý thức về mình ở bình diện cao hơn, và một xã hội tính chân chính bắt nguồn từ dị biệt và lôi cuốn tính dục, tất cả trọn trong một gói. Sự khác nhau của con người đối với súc vật nhất định là việc họ tự ý thức được tính dục của họ; sự ý thức về phân chia mới này dần dần tách biệt con người ra khỏi lối sống thuần súc vật. Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, tính dục và ý thức tính dục có một số yếu tố (hay giai đoạn) khác nhau, và tách biệt với nhau, như trong tính dục đang xuất hiện của tuổi dậy thì. Trong đó, yếu tố hàng đầu lại không hẳn chỉ riêng con người mới có.
Để chuẩn bị cho họ một đối tác thích hợp, việc con người thèm khát một đồng hành được kích thích bởi cuộc gặp gỡ giữa họ và súc vật. Các năng lực ý chí đang ngủ yên của họ, những năng lực mà xét cho cùng chính là khả năng tách biệt và phối hợp, hay khả năng nhìn ra sự khác biệt và sự giống nhau, được chính cuộc gặp gỡ hay đối mặt này làm thức dậy; các tên mà họ đặt cho súc vật có thể là tùy tiện, nhưng các dị biệt do các tên khác nhau này thừa nhận thì không tùy tiện chút nào. Đây không chỉ là việc thờ ơ triển khai sự phân loại; cùng với cảm quan, năng lực biện phân này quay ngược trở lại với chính họ. Nhờ thế, họ tiếp nhận được mầm mống đầu tiên của việc tự ý thức về mình: tôi không cô đơn; nhưng tôi khác với chúng; chúng khác với tôi, đúng thế, quá khác đến không thể thỏa mãn nỗi thèm khát mới bừng dậy trong tôi tha thiết muốn một đối tác thích đáng. “Nhưng không tìm được một giúp đỡ ngược với con người nhân bản” (St 2:20).
Trong câu liền sau đó, Thiên Chúa tạo nên người đối tác từ chính con người; Người tạo nên hay dựng nên người đàn bà(ishah) lấy từ xương sườn người đàn ông (adam), rồi đem nàng tới cho con người. Như thế, tính đối ngẫu (duality) cần thiết đã được tạo nên từ bên trong. Quả thực, cuộc giải phẫu lần này ít quyết liệt hơn thủ thuật cắt đôi cân xứng do thần Apollo thực hiện trên con người vòng tròn nguyên thủy trong truyện Aristophane, trong đó, mỗi nửa tha thiết đi tìm và kết hợp tính dục với nửa khác đang thất lạc kia. Nhưng đây vẫn là một cuộc giải phẫu, và con người nguyên thủy không còn như trước nữa; họ không còn nguyên khối (whole) nữa. Như ta sẽ thấy, những khuấy động nguyên thủy và chưa định hình của bồn chồn (muốn tự do? vì cô đơn? vì tham vọng? vì sợ sệt?) sẽ được thay thế bằng một thèm muốn đã có tập chú.
Một số nhà phê bình cho rằng bản văn bài trình thuật về nguồn gốc của người đàn bà này có tính kỳ thị giới tính: không những vì người đàn ông được tạo dựng đầu tiên, thứ đến mới là người đàn bà, mà còn vì hữu thể người đàn bà có tính dẫn xuất (derivative) và tùy thuộc người đàn ông. Tuy nhiên, đọc kỹ, người ta sẽ thấy bản văn này rõ ràng hỗ trợ một cách nhìn ngược lại. Trước nhất, nguồn gốc của con người thấp hơn, họ từ đất mà ra; trái lại, người đàn bà khởi diễn từ một thân xác đã có sự sống và hơn nữa, còn từ một xác thịt lấy từ rất gần trái tim. Ngoài ra, trong diễn trình tạo dựng, người đàn ông rõ ràng chưa trọn vẹn; người đàn bà vì được dựng nên từ xương sườn không có chi méo mó cả. Đàng khác, sự khác nhau về nguồn gốc rất có thể không là dấu chỉ thứ hạng hay vị thế, mà chỉ có ý nói tới đặc điểm trong thèm muốn của người nam và của người nữ nguyên khởi mà thôi, một vấn đề ta sẽ bàn tới sau này.
Lời tố cáo kỳ thị giới tính còn có thể có câu phản chứng căn để hơn nữa. Adam, hữu thể nhân bản nguyên khởi, nghĩa là trước việc tạo dựng ra người đàn bà, trên thực tế, một là không có giới tính hai là ái nam ái nữ: nguyên lý nữ đã có ngay bên trong họ rồi; chỉ sau khi phân rẽ, mới thực sự có chuyện nam nữ, và chỉ khi đó, tính dục mới tạo ra dị biệt. Bất chấp khoa mổ xẻ nói gì, “adam” nguyên khởi, về chức năng, là người trung phái (gender-indifferent). Và điều quan trọng hơn nữa là: cả ngày nay nữa, hữu thể người, lúc khởi đầu, cũng không có giới tính và chưa gợi dục (sexless and nonerotic).
Nhưng ta nên để ý tới sự phi đối xứng về giới tính (gender asymmetry) trong bản văn. Vì dù không có sự hiện diện của người đàn bà, hữu thể nhân bản đầu tiên vẫn tỏ ra là nam giới. Và điều chắc chắn là người đàn ông ấy, trước sự xuất hiện của người đàn bà, đã phản ứng y hệt hàng tỉ người đàn ông sau này cho tới tận nay, với một cảm thức rõ rệt về ưu tiên và ưu quyền của mình: “Và người đàn ông cất tiếng: ‘cuối cùng, đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi; và nàng sẽ được gọi là đàn bà vì nàng đã được lấy ra từ đàn ông’” (St 2:23).
Sự xuất hiện của người đàn bà thúc đẩy người đàn ông nguyên khởi nói được cả một câu trọn vẹn đầy tính nhân bản; đây quả là ngôn từ đầu hết của bất cứ hữu thể nhân bản nào được trực tiếp trích dẫn trong bản văn. Người đối tác khích động linh hồn người đàn ông bước vào những sức mạnh và tầm nhìn thông sáng mới. Người đàn ông thấy người đàn bà vừa giống với mình vừa khác với mình: khi nàng đứng trước và đối diện với chàng, chàng cũng thấy ra mình lần đầu tiên. Kết quả: chàng cũng đồng thời đặt tên cho chính chàng: không còn là adam nữa, cái thứ hữu thể nhân bản theo chủng loại từ đất, mà là ish, hữu thể nhân bản nam tính cá thể, một người đàn ông nam tính trong tương quan với người đàn bà nữ tính. Người đàn bà, tức ishah, nhận từ người đàn ông cái tên dẫn xuất (derivative name) của nàng; cũng giống như nguồn gốc nàng, tên này có tính dẫn xuất. Ấy thế nhưng, trên thực tế, vị trí của nàng trong thứ ngôn từ tự khám phá ra mình và tự đặt cho mình này lại ở hàng đầu: không phải vì người đàn bà đứng đàng trước chàng trước nhất mà còn là người xuất hiện đầu tiên khiến chàng có khả năng biết mình và đặt tên cho mình. Cái nhìn thông sáng sâu xa này về tính bổ túc và tính bản ngã đã được bản văn chuyên chở một cách hết sức tươi đẹp: trong ngôn từ của người đàn ông, ishah, dù dẫn xuất về từ ngữ, nhưng lại được nói lên trước nhất.
Ta hãy xem sét kỹ càng hơn câu nói đầu tiên của người đàn ông, được coi như một biểu thức của thèm muốn tiên khởi, hay cũng có thể nói là mầm mống của tình yêu. Dù nhìn nhận sự khác biệt nơi người đàn bà, ở đây rõ ràng chàng bị ấn tượng mạnh bởi sự tương tự của nàng; không những thế, chàng còn nói hơi quá và coi sự tương tự này như giống hệt y như nhau: “đây là xương thịt tôi; đây là của tôi; đây là tôi”. Lời phát biểu thèm muốn đầu tiên của chàng được cảm nhận như là một thứ tình yêu đối với chính mình, hay chính xác hơn, như thứ tình yêu đối với xác thịt mình. Yếu tố đầu tiên của tình yêu quả có tính vị kỷ: người khác tỏ ra đáng yêu vì được coi là giống y hệt mình, xem ra là chính mình. Tình yêu này tìm sự xuất hiện, tìm sự tái hợp, tìm sự hòa tan (fusion), khi người thuật truyện phụ họa: “bởi thế, người đàn ông (ish) sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và kết hợp với vợ: và cả hai sẽ nên một xác thịt” (3) (St 2:24)
Khía cạnh nguyên khởi của tính dục này bàng bạc khắp nơi và được nhiều người biết đến. Nổi tiếng nhất có lẽ là câu truyện Aristophane về tình yêu, một cuộc tình đi tìm chính phân nửa của mình đang bị thất lạc, được trình bày như một thèm muốn được gần gũi và hoà tan vào người yêu để phục hồi thể toàn diện đã mất của mình, một thể toàn diện, mà buồn thay, không thể nào phục hồi được. Nó là sự thúc đẩy trong linh hồn nhằm sửa chữa hay cung cấp một sự thiếu vắng thuần thể xác. Đầy tính xác thân và chiếm hữu, nhưng lại không quan tâm tới thứ hạng hay qui luật, không hề bối rối vì hoàn toàn ngây thơ và không biết gì tới điều mình thực sự muốn nói hay thèm muốn, sự thôi thúc tính dục đẩy các hữu thể nhân bản thẳng lưng tới chỗ giao hợp chưa có tính nhân bản chuyên biệt, một giao hợp có người biếm họa nói là làm họ giống một con vật có hai lưng. Bất cứ điều gì khác bất ngờ xẩy ra có thể ôn hòa hóa hay biến đổi hoặc nhân bản hóa thèm muốn tính dục của ta, thứ tính dục nguyên tổ, đầy dục vọng và chiếm hữu này vẫn tồn tại và mạnh mẽ. Mọi tính dục đều có yếu tố này, một yếu tố chỉ có thể “giải thích” hay hơn hết bằng cách giả thuyết rằng mục tiêu của nó, một mục tiêu mà những người tham dự không hề ý thức được, là phục hồi một thể toàn diện nào đó cho thân xác mà mình “đã đánh mất”, là người xem ra khác kia đã được yêu thương vì thực sự chàng hay nàng chỉ là cái phần đã đánh mất kia của chính mình.
Có lẽ ta không nên nói “chàng hay nàng”. Ngôn từ của thèm muốn vốn là ngôn từ của người đàn ông: thực vậy, khi tuyên bố đặc điểm “nàng là của tôi, nàng là tôi” của thèm muốn, chàng tự đồng hóa mình với hữu thể nhân bản nam, ngược với đối tác nữ của mình. Ta không được người ta cho hay người đàn bà nghĩ gì về điều này. Thèm muốn của nàng ra sao? Các cảm quan của nàng có tính hỗ tương hay tính đối xứng hay không? Điều này ta không biết; nhưng có một số lý do khiến ta hoài nghi như thế. Thực vậy, nguồn gốc khác nhau của người đàn ông và của người đàn bà, và nguồn gốc người đàn bà từ xương thịt đàn ông, rất có thể là một gợi ý, chuyên chở nhiều dị biệt căn bản rất tự nhiên trong thèm muốn tính dục của nam và của nữ. Nếu nam trong tư cách nam muốn một kết hợp và tan hòa có tính chiếm hữu, thì nữ trong tư cách nữ muốn gì? Nếu thèm khát của nam tự nhiên tập chú vào người đàn bà, thì tâm điểm thèm muốn của người đàn bà trong tư cách nữ là chi?
Bất cứ ai không muốn tự đánh lừa mình về những vấn đề quan trọng như trên, hẳn sẽ khảo sát một cách vô tư xem liệu thèm muốn của nam và của nữ trước đây và bây giờ, trước khi văn hóa can thiệp vào, có đối xứng (symmetrical) và ngay cả đồng nhất hay không. Bước ra ngoài bản văn, nhưng chịu ảnh hưởng bởi gợi ý của nó cho rằng có sự phi đối xứng, ta có khuynh hướng nghĩ rằng sự phi đối xứng này khá hiện thực và sâu xa, nhất là khi nghĩ tới giới tính và sự dị biệt giới tính trong ngữ cảnh biến hóa. Các suy nghĩ này dựa trên các khía cạnh có liên hệ với việc sinh sản nhiều hơn là với thèm muốn tính dục đúng nghĩa, nhưng nhất thiết có những hệ luận đối với thèm muốn. Vì, xét về phương diện biến hóa, thèm muốn tính dục là để phục vụ và vốn được lựa chọn cho sự thành công của sinh sản. Do đó, giống mọi loài có vú khác, dù người đàn ông khi hưởng nhục dục thường không quan tâm tới mối liên kết của nó với việc sinh sản con cái, nhưng đặc tính của mối thèm khát nhục dục này chắc chắn bị mối liên kết với mục tiêu kia điều kiện hóa.
Vì việc làm tình có ý nghĩa sinh học, nghĩa là có liên hệ với việc sinh sản, nên các khác biệt tính dục chắc chắn được dị biệt hóa theo các khác biệt sơ khai liên quan tới việc lưu truyền nòi giống. Đối với người nữ, tương lai sinh sản lệ thuộc số trứng khá ít ỏi của họ; cơ may sinh sản thành công ấy tùy ở một chiếc trứng mỗi tháng. Đối với người nữ, sự thành công này còn tùy thuộc những gì giúp bảo đảm việc thụ thai cũng như những gì hỗ trợ và che chở đứa con. Tương lai sinh sản nam, vì không có tính cô đọng bằng, nên được cả hàng tỉ tinh trùng thi hành. Do đó, chiến thuật hữu hiệu nhất là cấy tinh nhiều lần, thường xuyên hơn, và cả đa thê nữa. So sánh với trứng, là thứ di chuyển rất ít, thường quanh quẩn đâu đó “cạnh nhà” để được che chở, tinh trùng phải di chuyển khá xa tại một môi trường thù nghịch, lại phải cạnh tranh với thật nhiều địch thủ; trong môi trường này, chỉ “ai” có vận tốc, năng lực và trì chí mới được tưởng thưởng và tồn tại do luật thải trừ tự nhiên. Các khác biệt liên quan tới giao tử (gamete) này chắc chắn có liên hệ qua lại với các khác biệt trong cấu trúc và chức năng của cơ thể và cả các khác biệt của linh hồn nữa. Xét về phương diện biến hóa, ta thấy nơi các chủng loại có vú, thèm muốn giao hợp nơi con đực nhất thiết mạnh hơn. Nó càng mạnh hơn nơi các chủng loại, như chủng người chẳng hạn, là nơi, nữ thường không chủ động, trái lại khá thụ động trong chu kỳ động dục (estrous cycle). Thèm muốn của nữ, vì thế, không nhất thiết có tính hỗ tương hay mạnh mẽ hoặc có tính năng nổ hỗ tương; ít nhất đối với động vật, tính tiếp nhận đã đủ cho nữ giới rồi.
Tình hình có phức tạp hơn, dù chỉ nói về phương diện sinh học mà thôi. Các yếu tố tâm lý khác liên hệ tới tính dục, như các yếu tố chung quanh việc tán tỉnh hay thai nghén hay dưỡng thai, càng làm bức tranh phức tạp hơn. Cơ cấu tổ chức và cân bằng thèm muốn rất khác nhau nơi các loài có vú, tùy thuộc việc cặp đôi nam nữ, như một cách thế tự nhiên, là đơn hôn suốt đời hay là đa hôn hoặc là “làm tình tùy tiện”. Hơn nữa, các khía cạnh khác trong tính dục có tính nhân bản chuyên biệt còn có thể và thực sự đã thay đổi hẳn nền tảng có tính động vật này, kể cả trước khi văn hóa ảnh hưởng tới. Ấy thế nhưng, một lần nữa, Sách Sáng Thế đã nói đúng sự thật, vì không những đã trình bày bình diện căn bản của tính dục này, nghĩa là thèm khát giao hợp nơi động vật, như là một “khía cạnh” tách biệt, mà còn gợi ý rằng ở bình diện này, thèm muốn tính dục cũng có thể được phân bổ một cách phi đối xứng, với những tập chú, định hướng và cường độ khác nhau nơi nam và nữ. Nếu đúng như thế, thì cho tới nay, tập chú của thèm muốn nơi người đàn bà vẫn còn là một mầu nhiệm.
Bất kể các khác biệt phái tính có ra sao trong thèm muốn, thì vẫn không có khác biệt nào liên quan tới ý thức về thèm muốn: nó hầu như vắng bóng. Thèm muốn được trải nghiệm, thèm muốn lên sinh lực, thèm muốn được thỏa mãn và, như người cấp tiến quen nói, không phải là vấn đề lớn. Nhục dục đến một cách tự nhiên: “và hai người đều trần truồng, cả người đàn ông (adam) lẫn vợ ông ta (ishtoh), và chẳng xấu hổ chi cả” (St 2:25). Việc không xấu hổ này cũng rất tự nhiên, như ta còn thấy nơi các động vật khác, nào chúng có biết xấu hổ là chi. Việc tự ý thức về tính dục vẫn còn là việc của tương lai; cũng thế, mọi vấn đề phê phán luân lý cũng vẫn còn là việc của tương lai. Giờ đây, chỉ là hòa tan và vui sướng.
GHI CHÚ
(1) Hãy so sánh với cảnh khởi nguyên đầy nước và phi định hình của trình thuật vốn được coi là thứ nhất. Nhiều dị biệt quan trọng khác cho thấy trình thuật thứ hai không đơn thuần chỉ là một trình thuật được mở rộng với nhiều chi tiết hơn về việc tạo dựng con người đã được tường thuật trong Sáng Thế 1. Thí dụ, trình thuật thứ nhất kết thúc ở người đàn ông, trong khi trình thuật thứ hai bắt đầu với chàng. Trong trình thuật thứ nhất, súc vật xuất hiện trước nhất nhưng con người sẽ là người thống trị chúng; trong trình thuật thứ hai, súc vật xuất hiện sau, như những kẻ đồng hành. Trong trình thuật thứ nhất, nam và nữ được tạo dựng cùng với nhau; trong trình thuật thứ hai, nam được tạo dựng trước. Trong trình thuật thứ nhất, sự vật được coi là “tốt”; trong trình thuật thứ hai, có cây biết tốt biết xấu, còn con người ở một mình thì “không tốt”. Trong trình thuật thứ nhất, con người nhận được một lệnh truyền tích cực, sinh sản tràn mặt đất và thống trị mặt đất; trong trình thuật thứ hai, họ nhận được một giới điều tiêu cực, vì cần bị giới hạn. Trình thuật đầu đưa ra một tầm nhìn có tính vũ trụ và nói với ta như những khách bàng quan, trang trọng trình bày vị trí ta giữa toàn thể vũ trụ; trình thuật sau trình bày một tập chú hoàn toàn có tính địa cầu và nói với ta như những tác nhân luân lý đau khổ, vẽ nên một bức tranh cho thấy khốn khổ đã bước vào cuộc nhân sinh như thế nào. Trình thuật đầu bác bỏ thần tính và hạ thấp địa vị mặt trời và các tầng trời; trình thuật sau cho thấy hậu quả đáng buồn trong khuynh hướng tự nhiên của con người muốn tìm đường đi riêng cho mình trong thế giới chỉ cần tới lý trí và cậy nhờ “tự nhiên” hướng dẫn.
(2) Những ai chủ trương rằng trước sự xuất hiện của người đàn bà, người đàn ông sống đồng hành và hoà hợp với Thiên Chúa là đã không coi trọng chứng từ của chính Thiên Chúa, Đấng cho rằng người đàn ông lúc đó ở một mình. Nói theo ngôn từ phi thời gian, thì chả có chứng cớ bản văn nào cũng chả có lý lẽ hợp lý nào để nghĩ rằng hữu thể nhân bản lại nhận thức được mối liên hệ của họ với đấng thần linh nếu họ không có liên hệ nào với những hữu thể nhân bản khác.
(3) Tốt nhất nên hiểu điểm này như một phê phán luân lý không phải về đơn hôn mà là về việc yêu chính những người của mình, một việc yêu, nói cho đúng, chính là loạn luân (incest), kể cả loạn luân giữa cha mẹ và con cái. Người thuật truyện muốn cho thấy rõ: yêu thân xác mình không phải là loạn luân.
Còn tiếp
Vũ Văn An