Đấng Chữa Lành – Bài giảng Chúa nhật XXIX Thường niên B
NGÀY GIÁO HỘI VIỆT NAM
XIN ƠN CHỮA LÀNH CHO ĐẠI DỊCH CHẤM DỨT (17/10)
Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Chúng ta hãy xin Chúa đoái thương nhân loại khổ đau, hãy tìm sự công chính và gõ cửa lòng thương xót của Chúa.
Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước đều mạc khải cho chúng ta thấy dung mạo của Thiên Chúa là Đấng Chữa Lành. Có những người được Chúa chữa lành sau một thời bị trừng phạt do tội lỗi của họ, như trường hợp bà Myriam là em gái của ông Môisen (x Dân số 12,1-1). Có trường hợp Chúa chữa lành sau một thời gian dài bị thử thách đến mức đau khổ cùng cực, như trường hợp ông Gióp. Thiên Chúa chữa lành những cá nhân. Ngài cũng chữa lành cả một tập thể, như trường họp người Do Thái trong hành trình sa mạc bị rắn lửa cắn (Ds 21,4-19). Đức Giêsu là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha. Người đã đến trần gian như một vị Lang Y chữa lành con người về tinh thần cũng như thể xác. Các tác giả Phúc Âm đều trình bày với chúng ta về việc Chúa Giêsu chữa bệnh. Người chữa đủ mọi chứng bệnh mà người dân đem đến. Người cũng đến những nơi bệnh nhân tập trung như bên bờ hồ, ở đó có người đã bệnh 38 năm được Chúa chữa (x. Ga 5,1-16) Người phá mọi rào cản thành kiến để gặp những người cùi và chữa cho họ lành, đồng thời giúp họ hoà nhập cuộc sống bình thường, xứng với phẩm giá con người. Người cũng tiếp xúc và lắng nghe nỗi lòng của những cô gái làng chơi, những người thu thuế, để quy phục nhân tâm và giúp họ chỗi dậy khỏi vũng bùn tội lỗi. Cùng với việc loan báo Tin Mừng giải thoát, Chúa Giêsu chữa lành những thương tổn hồn xác, giúp họ tìm được niềm vui và an bình.
Chúa nhật 17-10 năm nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã kêu gọi toàn thể mọi tín hữu cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 mau chấm dứt. Đã gần 2 năm, kể từ khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), con virus nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thể thấy, đã làm cho cả thế giới điêu đứng hoang mang. Đại dịch này đã nhanh chóng lan rộng trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của gần sáu triệu người. Tại Việt Nam chúng ta, đã có trên 20 ngàn người chết vì Covid-19 (theo thống kê đầu tháng 10-2021). Không thể kể hết những hệ luỵ tiêu cực do dịch bệnh gây ra, trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, gia đình và cả tôn giáo. Trước sự tàn phá của đại dịch, nhiều người đã đặt ra những vấn nạn. Có người cho rằng đây là hình phạt của Thượng Đế. Người khác lại dựa vào những đau khổ hiện tại để phủ nhận Thiên Chúa. Họ cho rằng, nếu Thiên Chúa hiện hữu thì Ngài phải xót thương nhân loại cùng khổ. Không lẽ Ngài dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người. Không chỉ lương dân, mà một số tín hữu cũng băn khoăn khi chứng kiến và gánh chịu hậu quả của đại dịch.
Trước hết, chúng ta khẳng định, đại dịch và những sự dữ không phải là hình phạt của Thiên Chúa. Bản chất của Chúa là tốt lành và thánh thiện. Nếu Ngài trừng phạt con người, thì hành động của Ngài sẽ trái nghịch với bản chất. Sự dữ là do con người gây nên, vì dụ: tai nạn giao thông do bia rượu hoặc bất tuân luật lệ giao thông; tàn phá thiên nhiên gây bão lụt và tác hại đến môi trường; lòng tham và giận dữ gây nên tội trộm cắp giết người. Cũng có khi sự dữ không do con người mà đến từ những hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đức tin Công giáo khẳng định với chúng ta điều đó. Nhưng nếu chữa lành là một ưu phẩm của Thiên Chúa, thì đó không phải là ưu phẩm duy nhất của Ngài. Nói cách khác, Ngài không phải là một lang y hay một bác sĩ chuyên chữa bệnh. Nhiệm vụ chính của lang y và bác sĩ là chữa bệnh. Nếu lang y và bác sĩ nào không chữa được bệnh thì uy tín của họ sẽ bị giảm dần và có thể mất đi. Thiên Chúa là Đấng Chữa Lành tâm hồn và thể xác, nhưng Ngài cũng là Đấng Cứu Độ, Đấng giải phóng con người khỏi ách giam cầm của quyền lực sự ác và dẫn đưa con người đến sự thánh thiện hoàn hảo. Giáo Hội tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu, chữa lành con người qua Bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Hiệu quả của Bí tích này là xin Chúa chữa lành những tổn thương linh hồn và thân xác, để họ thêm sức mạnh và khỏi bệnh, và nếu đã đến lúc họ kết thúc cuộc sống dương thế, thì được vững vàng cậy trông và ra đi trong an vui thanh thản.
Hơn nữa, vẫn biết rằng xin ơn chữa lành là một phần của lời cầu nguyện Kitô giáo, nhưng mục đích của đời sống Kitô hữu không phải để được chữa lành mà thôi. Vì nếu như vậy, thì những ai tin Chúa sẽ không bao giờ phải chết. Ông Lagiarô được Chúa cho sống lại, nhưng rồi ông cũng phải chết. Chàng thanh niên con duy nhất của bà goá thành Na-im cũng vậy (x. Lc 7,11-17). Khi một người lâm bệnh, bản thân đương sự và người thân cầu nguyện với Chúa, để, nếu Ngài muốn, thì Ngài chữa lành. Tuy vậy, con người đã có ngày khởi đầu cuộc sống ở trần gian, thì cũng có ngày phải ra khỏi trần gian này. Đau khổ và sự chết gắn liền với thân phận của con người. Vì vậy, người ta gọi cuộc đời này là “cõi tạm”, là “hành trình dương thế”. Dựa vào giáo huấn của Chúa Giêsu, Giáo Hội Công giáo dạy rằng: cái chết là một sự biến chuyển, là một cuộc khởi hành mới, vì “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Như thế, mục đích của đời sống Kitô hữu còn là để được cứu độ. Thiên Chúa là Đấng Cứu độ và Ngài cứu chúng ta với tất cả con người chúng ta. Thiên Chúa cứu chữa con người cách triệt để chứ không chỉ giải quyết những tình huống nhất thời mà thôi. Đôi khi sự dữ lại là dịp để chúng ta rút ra những bài học cần thiết để nên tốt hơn.
Đã gần 2 năm, Đức Thánh Cha và cả Giáo Hội Công giáo cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Đặc biệt, tại quảng trường Thánh Phêrô, vào buổi chiều ngày thứ Sáu, 27-3-2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trong một khung cảnh trầm buồn sâu lắng và hết sức cảm động, xin Chúa thương xót nhân loại. Dù đã cầu nguyện hết sức, dịch bệnh vẫn lan rộng. Trước hiện tượng này, nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng Chúa không nhận lời chúng ta cầu nguyện và như thế thì cầu nguyện là vô ích. Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong bài huấn từ của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện vừa nêu: Nhân loại đang đi trên một chiếc thuyền, giống như các môn đệ đi trên chiếc thuyền ở biển hồ Galilê. Sóng gió bão táp nổi lên làm mọi người lo sợ. Chính lúc đó, Chúa Giêsu đang tựa gối mà ngủ. Các môn đệ trách Chúa: chúng ta chết đến nơi rồi, Thày chẳng lo gì sao? (x. Mc 4,35-41). Trước sự dữ do đại dịch gây ra, cũng có người trách Chúa như vậy. Chúa đã quở các môn đệ: sao kém lòng tin! và Người đã ra lệnh cho bão táp phải dừng. Chúa có chương trình của Ngài. Ngài hành động theo ý Ngài muốn, vào lúc Ngài muốn và với phương pháp Ngài muốn. Lịch sử đã chứng minh điều ấy. Vì vậy, lời cầu nguyện không bao giờ vô ích. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Chúng ta hãy xin Chúa đoái thương nhân loại khổ đau, hãy tìm sự công chính và gõ cửa lòng thương xót của Chúa.
Đại dịch gây nên nhiều đau khổ cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn. Đại dịch cũng là lúc chúng ta chứng kiến những nghĩa cử bác ái chia sẻ tuyệt vời! Không phân biệt tôn giáo, vùng miền, tình nghĩa đồng bào đã vượt lên trên tất cả. Giữa đau thương của đại dịch, chúng ta được nghe những “câu chuyện cổ tích” của thời đại. Với lăng kính Đức tin, người tín hữu còn nhìn thấy ở đó chính là những phép lạ Chúa làm qua những tấm lòng nhân ái của người Việt Nam đối với đồng bào.
Hôm nay, tại tất các nhà thờ ở Việt Nam, chúng ta đều dâng thánh lễ cầu nguyện. Chúng ta tin rằng lời cầu xin tha thiết của chúng ta sẽ chạm đến trời cao, và quê hương của chúng ta sẽ sớm trở lại an bình, trẻ em lại được đi học, công nhân được đến xưởng, người nông dân tiếp tục ra đồng, niềm vui và hạnh phúc sẽ trở lại với chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org