“Đấng Cứu độ muôn dân” – Bài giảng Lễ Hiển Linh
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Belem, những người đầu tiên được đón tiếp Chúa là Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng chăn chiên. Họ đều là những người Do Thái. Tuy thế, ơn Cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại không chỉ dành cho người Do Thái, mà được dành cho mọi dân tộc trên thế giới.
Ngày lễ Hiển Linh trước đây được gọi là Lễ Ba Vua. Tên gọi lễ Ba Vua nhắc lại sự kiện ba nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Belem để thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Khi gọi là lễ Ba Vua, là chúng ta nhấn mạnh tới sự kiện. Còn khi nói Lễ Hiển Linh là chúng ta chú trọng tới ý nghĩa và nội dung của ngày lễ. Qua sự kiện ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu, Chúa tỏ mình ra cho muôn dân và khẳng định: Người là Đấng Cứu độ muôn loài. Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Belem, những người đầu tiên được đón tiếp Chúa là Đức Maria, Thánh Giuse và các mục đồng chăn chiên. Họ đều là những người Do Thái. Tuy thế, ơn Cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại không chỉ dành cho người Do Thái, mà được dành cho mọi dân tộc trên thế giới. Cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông đã nói lên điều đó. Vì lẽ đó mà Phụng vụ ngày nay gọi ngày lễ này là Lễ Hiển Linh, muốn nhấn mạnh tới ý nghĩa của sự kiện này. Cuộc lên đường đầy gian nan trắc trở của ba nhà đạo sĩ, vừa là thiện chí kiếm tìm Chân lý của các ông, vừa là lời mời gọi của Thiên Chúa gửi đến các ông để các ông đến tôn nhận vương quyền của Đấng Cứu thế. Ngôi sao lạ chính là biểu tượng của lời mời gọi đó.
Thiên Chúa là Cha chung của hết mọi dân tộc. Đức Giêsu là quà tặng của Chúa Cha cho nhân loại. Quà tặng ấy là bằng chứng hùng hồn về tình thương của Thiên Chúa. Thánh Gioan thánh sử đã viết: “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Như thế, những ai đón nhận Chúa Giêsu là đón nhận quà tặng từ Thiên Chúa Cha. Đón nhận Chúa Giêsu không dừng lại ở những công thức hay ngôn từ, mà còn là thiện chí thực hiện giáo huấn của Người. Nhờ thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu, biết bao người đã từ bỏ tội lỗi và nên hoàn thiện. Món quà vô giá này, Thiên Chúa không ban cho riêng một dân tộc hay một cá nhân nào, nhưng hết thảy mọi người đều được mời gọi đón nhận quà tặng của Thiên Chúa. Qua sự kiện ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa muốn giới thiệu quà tặng đó cho muôn dân. Các lễ vật của các nhà đạo sĩ là vàng, trầm hương và mộc dược hàm chứa lời tôn vinh Chúa Giêsu là Thiên Chúa (qua biểu tượng Trầm hương), là Vua (Vàng) và Đấng Cứu thế (Mộc dược).
Tính phổ quát của ơn Cứu độ còn được diễn tả một cách đặc biệt qua Lời Chúa trong Bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia. Giêrusalem được giới thiệu như trung tâm thế giới, và từ đó vinh quang của Thiên Chúa toả lan. Ngày ấy, người khắp nơi sẽ tuôn về Thánh Đô. Các dân tộc, các nền văn hóa đều quy hướng về Chúa, các loại sản phẩm tượng trưng cho sự phong phú đa dạng của các dân tộc đều được mang về Giêrusalem để dâng cho Chúa. Đến với Giêrusalem là đến với Nhà Đức Chúa để tôn vinh và cảm tạ Ngài. Đây là một viễn tượng tương lai, vừa diễn tả Thiên Chúa là Cha chung của gia đình nhân loại, vừa cho thấy sẽ có ngày vinh quang Ngài toả lan đến tận cùng thế giới.
Đức Giêsu là Ánh sáng muôn dân, như lời Ngôn sứ Isaia: “Này đây Ta đặt con làm ánh sáng muôn dân, để con đem ơn Cứu độ của Ta đến tận cùng trái đất” (Isaia 49,6). Cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ đã làm cho những gì Bài đọc I diễn tả và lời ngôn sứ Isaia vừa trích dẫn được ứng nghiệm. Với ánh sao chỉ đường, ba nhà đạo sĩ đã “nhìn thấy” nơi Hài Nhi này là Vua và là Đấng Cứu độ. Họ đã đến thờ lạy Hài Nhi. Họ đã vượt đường xa dặm thẳm để đến với Belem. Cuộc gặp gỡ với Hài Nhi Giêsu đã làm họ thỏa mãn và quên hết mệt mỏi của chặng đường dài.
Cuộc tìm kiếm của ba nhà đạo sĩ phần nào phác họa đời sống đức tin của người Kitô hữu chúng ta. Bởi lẽ tin là một cuộc tìm kiếm liên lỉ, là một chuỗi liên tục những khám phá và những bất ngờ. Những ai nỗ lực tìm kiếm Chúa sẽ gặp được Ngài. Đức tin trước hết đòi chúng ta phải biết chấp nhận những hy sinh. Các nhà đạo sĩ là những người trí thức uyên thâm. Họ đã chấp nhận rời bỏ quê hương lên đường vì nhận ra thông điệp của một ngôi sao. Họ cũng khôn ngoan cân nhắc trước mưu mô của Hêrôđê. Ông ta lấy danh nghĩa đi thờ lạy Hài Nhi nhưng thực ra muốn ngấm ngầm giết hại vị Vua mới sinh. Trong đời sống đức tin, muốn được gặp Chúa, chúng ta cũng phải chấp nhận từ bỏ lối sống không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Khi các nhà đạo sĩ bị lạc đường, họ không nản lòng, nhưng kiên trì tìm hiểu để thấy hướng đi cho mình. Mục đích được gặp vị Vua mới sinh đã cho các ông quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Các ông nêu gương cho chúng ta về sự kiên nhẫn và hy vọng. Quả thế, trong hành trình tìm kiếm Chúa, có những lúc chúng ta nản chí vì những thử thách gian nan. Sự kiên trì và cậy trông chắc chắn sẽ giúp ta tìm thấy Chúa và gặp gỡ Ngài.
Nếu ba nhà đạo sĩ đã cất công lên đường tìm cho bằng được Hài Nhi mới sinh, thì những nhà chuyên viên Kinh Thánh kiến thức uyên thâm lại dửng dưng với việc Đấng Cứu thế ra đời. Đây là một nghịch lý vẫn tồn tại ở mọi thời. Chi tiết này cho ta thấy tìm kiếm và tôn thờ Chúa không phải chỉ trong sách vở và lý thuyết suông, nhưng còn là nỗ lực để gặp được Chúa trong cuộc đời. Không chỉ dửng dưng với việc Đấng Cứu thế hạ sinh, Hêrôđê gian ác còn sợ vị Vua mới sinh cướp mất ngai vàng của mình, nên đã ra kế hoạch giết hại vị Vua ấy.
Nếu Đức Giêsu là Đấng Cứu độ muôn dân, thì không còn sự phân biệt dân Do Thái với dân ngoại, vì tất cả đều được quy hướng về Thiên Chúa. Mọi lời chúc tụng tôn vinh đều dâng về Ngài. Thánh Phaolô đã khẳng định với tín hữu Êphêsô: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”. Như vậy, ngày lễ Hiển Linh nhắc chúng ta vinh dự lớn lao Chúa ban. Bởi lẽ, chúng ta trước đây đều là “dân ngoại”, nhưng nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được kết hợp với Đức Giêsu. Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Nếu năm xưa ba nhà đạo sĩ đã nhờ ngôi sao chỉ đường để đến thờ lạy vị Vua mới sinh, thì hôm nay, mỗi Kitô hữu được mời gọi trở nên một ngôi sao toả sáng giữa cuộc sống đầy ồn ào náo nhiệt và bon chen tính toán. Bởi lẽ, nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được trở nên ánh sáng trần gian, vì được kết hợp với Đức Kitô là Ánh Sáng ngàn đời từ Thiên Chúa Cha, Đấng là cội nguồn ánh sáng. Các Kitô hữu trở nên ngôi sao sáng khi cố gắng sống trung thực, với lương tâm ngay thẳng và với tâm hồn thánh thiện. Những đức tính này có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với anh chị em không cùng niềm tin, và như thế, họ nhận ra Đức Giêsu và giáo huấn của Người.
Sau khi gặp gỡ và thờ lạy Chúa Giêsu, ba nhà đạo sĩ đã “đi lối khác mà về xứ mình”. “Đi lối khác” là kết quả của cuộc gặp gỡ với vị Vua mới sinh. “Đi lối khác” cũng là để tránh gặp Hêrôđê đang manh tâm tìm cách xuyên tạc và phủ nhận sự thật. Người tín hữu, sau khi mừng lễ Giáng Sinh cũng cần tìm ra một lối đi mới cho đời mình, nghĩa là đoạn tuyệt với lối sống cũ còn đầy khuyết điểm, gian tham và ích kỷ. Đó chính là hành trình gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ trần gian.
Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng trần gian, xin chiếu rọi những góc khuất trong cuộc đời chúng con, nhờ đó, chúng con có thể chiếu toả ánh sáng trong đời sống hằng ngày. Xin hãy giúp chúng con để mỗi Kitô hữu trở nên một ánh sao chỉ đường cho nhiều người biết Chúa là Đấng Cứu độ và là Vua vinh quang. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org