Đấng giải phóng – Bài giảng Chúa nhật IV Mùa Chay năm B
Sống ở đời, chúng ta bị ràng buộc tư bề. Con người bị ràng buộc do lối sống ích kỷ, do những thành kiến mặc cảm, và cũng có thể do những tham vọng đam mê và nhất là do tội lỗi. Vì những ràng buộc này, con người trở thành nô lệ của chính mình, và họ luôn giãy giụa tìm cách để thoát ra khỏi vòng nô lệ ấy. Phụng vụ Chúa nhật IV Mùa Chay muốn khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng giải phóng và làm cho con người được tự do.
Dân Do Thái đang chán nản đau buồn trong cảnh lưu đày ở Babylon. Họ phải sống trong cảnh tủi nhục nơi đất khách. Không còn đền thờ, chẳng còn tư tế, vắng bóng các sinh hoạt truyền thống và các nghi thức tế tự. Lòng người Do Thái quặn đau nơi lưu đày. Họ không thể gượng vui mà hát xướng trước thái độ ngạo mạn của người bản địa. Những người đạo đức luôn hoài niệm về quá khứ. Họ hướng về Giêrusalem với đôi mắt đẫm lệ. Trong bối cảnh ấy, Chúa dùng vua Cyrus, vua Ba Tư, cứu dân khỏi ách lưu đày và quyết định cho họ trở về quê cha đất tổ. Khỏi phải nói, niềm vui của dân lưu đày vỡ oà. Họ nhận ra Cyrus là vị cứu tinh. Họ coi ông là người của Thiên Chúa đến để giải phóng dân riêng của Ngài và đưa về bến bờ tự do.
Nếu Thiên Chúa đã dùng ông Cyrus để cứu dân tộc Do Thái khỏi ách lưu đày ở Babylon, thì qua Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn cứu độ cả thế gian, mọi nơi, mọi thời. Ngài không cứu thế gian khỏi ách nô lệ của một chế độ, nhưng là ách nô lệ của tội lỗi, của quyền lực tối tăm. Bài Tin Mừng ghi lại cuộc đàm đạo vào ban đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Ông này là thành viên Công nghị Do Thái, tạm coi như thành viên của quốc hội. Ông cảm phục giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng còn nhiều điều băn khoăn nên đến gặp Người để khai thông trí tuệ. Chúa Giêsu đã nói với ông về tình thương của Thiên Chúa Cha. Tình thương ấy được chứng minh qua Ngôi Lời nhập thể, chính là người đang đàm đạo với ông về những thực tại thiêng liêng. Đức Giêsu cũng khẳng định với ông Nicôđêmô : Thiên Chúa sai con của Ngài đến để giải phóng nhân loại. Ai tin vào Người thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. Những ai tin vào Chúa Giêsu sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và quyền lực tối tăm. Tình thương của Thiên Chúa được chứng minh qua mầu nhiệm thập giá. Đức Giêsu đã nhắc tới con rắn đồng được treo trong sa mạc thời ông Môisen (x. Dân số 21,3-9) như hình ảnh báo trước cây thập giá. Đương nhiên, Tin Mừng được viết sau biến cố thập giá và phục sinh, nên tác giả muốn diễn tả qua hình ảnh con rắn đồng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Cũng như con rắn mang lại sức chữa lành cho dân Do Thái – những người bị rắn cắn – cái chết của Chúa Giêsu và sự phục sinh của Người cũng chữa lành những vết thương của con người do tội lỗi gây ra.
Chúa Giêsu khẳng định: một trong những điều kiện căn bản để được cứu độ hay được ơn giải thoát, đó là Đức tin vào quyền năng Thiên Chúa. Tin là tự do chọn lựa Chúa và dấn thân sống hết mình vì chọn lựa đó. Nếu bạn tin vào Chúa, bạn sẽ tìm được sự sống, sẽ được cứu độ trong ngày xét xử, sẽ được ánh sáng chiếu soi. Một khi tin vào Chúa thì những hành động của bạn sẽ là những việc thiện lương. Bởi lẽ bạn không thể tin vào Chúa mà lại có một lối sống ngược lại với điều bạn tuyên xưng.
Một cách cụ thể, tin vào Chúa là tin vào Đức Giêsu Kitô. Tin vào Chúa không chỉ có nghĩa là tin Ngài đang hiện diện, mà còn là thiện chí thực hiện những điều Chúa Giêsu dạy. “Ai khước từ Thày là khước từ Đấng đã sai Thày” (Lc 10-16). Đức Tin sự giải thoát chúng ta khỏi sự chết và đem lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Đón nhận và thực hiện lời Chúa Giêsu là tuyên xưng Đức Tin vào Thiên Chúa cách hữu hiệu nhất. Nhờ việc tuân giữ giáo huấn của Người, chúng ta trở nên những tác phẩm của Thiên Chúa, được canh tân trong Chúa Giêsu, nên con người hoàn thiện, và như thế, chúng ta làm cho ánh vinh quang của Ngài tỏa rạng qua cuộc đời của chúng ta (x. Bài đọc II).
Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu vào ban đêm đã làm cho ông Nicôđêmô thay đổi cuộc đời. Từ một người còn nghi ngờ, dè dặt, ông đã trở nên môn đệ của Chúa. Ông không còn sợ hãi nữa, trái lại, ông đã công khai biện hộ cho Chúa Giêsu nơi những người biệt phái (x. Ga 7,51) và đã cộng tác trong việc an táng Chúa Giêsu (x. Ga 19,39). Một điều đáng chú ý là khi Chúa chịu chết đau thương trên thập giá, cũng chính là lúc ông Nicôđêmô sẵn sàng từ bỏ công danh sự nghiệp để công khai nhận mình là môn đệ của Chúa Giêsu. Thông thường ở đời, người ta đi theo và tôn vinh một người chiến thắng, không mấy ai chấp nhận đi theo một người bị lên án tử hình, như trường hợp ông Nicôđêmô.
Mùa Chay là thời điểm sống Đức tin một cách mãnh liệt hơn. Phụng vụ khẳng định: nếu thành tâm tin vào Chúa, chúng ta sẽ tìm được niềm vui ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta lựa chọn đứng về phía ánh sáng hay bóng tối? Chúng ta đang làm việc thiện hay việc ác? Chúng ta đang bảo vệ sự sống hay cổ võ sự chết? Tất cả những vấn nạn này cần được trả lời bằng cuộc sống cụ thể của mỗi người.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Hãy nhìn lên cây thập giá để tôn vinh Chúa là Đấng giải phóng, để biết Chúa yêu chúng ta đến dường nào. Từ cây thập giá, chúng ta học được những bài học cần thiết trong mối tương quan với Chúa và cách ứng xử với anh chị em.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org