Đấng hòa giải và chữa lành – Chúa nhật XVI Thường niên B
Là Kitô hữu, chúng ta tin Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng và là Đấng Cứu độ. Nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà chúng ta hiện hữu trên đời; nhờ Đấng Cứu độ mà chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Tin vào Chúa Giêsu là tin vào sứ vụ hòa giải và chữa lành của Người, đồng thời thành tâm thiện chí đón nhận giáo huấn của Chúa, để bản thân mỗi người chúng ta được hòa giải và được chữa lành.
Tại sao phải hòa giải? Vì tội lỗi đã làm gián đoạn mối tương quan giữa ta với Chúa và giữa ta với tha nhân. Tại sao phải chữa lành? Vì những nết xấu đã gây tổn thương nơi tâm hồn và thể xác chúng ta. Hòa giải với Chúa để được sống trong tình thương của Ngài. Hòa giải với anh chị em để cùng dựng xây một thế giới đại đồng huynh đệ.
Trong thư gửi giáo dân Ê-phê-sô, thánh Phaolô đã diễn tả sứ vụ của Chúa Giêsu. Người là bình an của chúng ta. Nhờ cái chết của Người, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa. Cây thập giá vươn cao trên đồi Canvê năm xưa, vừa như gạch nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người (chiều dọc), vừa như dấu chỉ hòa giải giữa con người với nhau (chiều ngang). Thánh Phaolô đã nêu rõ: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét”. Hành động của Thiên Chúa thật kỳ lạ: Ngài đã dùng thập giá vốn là dấu chỉ của thất bại và đau thương để diễn tả ơn tha thứ của Thiên Chúa và sự chữa lành các tâm hồn. Cây thập giá người Do Thái đã dùng để thể hiện sự thù ghét của họ, nay lại trở thành biểu tượng của hòa giải và tình thương.
Người Kitô hữu khi ngước nhìn thập giá Chúa Giêsu, được mời gọi suy tư về ơn Cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua cái chết của Con Một Ngài. Tôn thờ thập giá không nhằm mục đích khắc sâu hận thù. Trái lại, thập giá là biểu tượng của hòa bình, của hy vọng và nhất là của tình thương Thiên Chúa.
Khi chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá, Chúa Giêsu chứng minh Người là Mục tử chết vì đàn chiên. Trong lịch sử Ít-ra-en, có những mục tử đích thực và cũng có những mục tử giả hiệu. Trong Bài đọc I, Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Giê-rê-mi-a để lên án những mục tử giả hiệu, còn gọi là những kẻ chăn chiên thuê. Thay vì dẫn dắt và chăm sóc chiên, những người này lại làm cho đàn chiên tan tác, hỗn loạn và chia rẽ. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng tiên báo một vị Mục tử đích thực mà Đức Chúa sẽ sai đến trần gian. Liên kết với giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Gioan, chúng ta thấy Chúa chứng minh Người là Mục tử tốt lành, là mục tử thực sự các ngôn sứ đã tiên báo nhiều thế kỷ trước. Vị Mục tử ấy chăm lo cho đàn chiên và chấp nhận chết cho đàn chiên được sống.
Tin Mừng thánh Mác-cô chứng minh cho chúng ta về vị Mục tử đích thực này, đó là Chúa Giêsu. Như một mục tử quan tâm chăm sóc đàn chiên, Chúa Giêsu đến với các làng mạc, chữa bệnh nhiều người. Dân chúng đói khát Lời Chân Lý và họ tuôn đến với Người, bất kể giờ giấc. Chúa Giêsu không xua đuổi họ, nhưng Người “chạnh lòng thương” họ như bầy chiên không người dẫn dắt. Chúa không có ngày nghỉ cuối tuần. Người cũng không làm việc theo giờ hành chính. Ngày hôm nay cũng vậy, bất cứ ai thành tâm đến với Người, đều được Người tiếp đón và chúc lành.
Như thế, thập giá và mục tử là hai hình ảnh cùng diễn tả một thực tại, đó là tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện. Ngài không đòi buộc chúng ta phải làm điều nọ điều kia, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân. Kitô hữu là người thấu hiểu điều đó, để cố gắng trở nên người hoàn hảo, như một con chiên tốt trong đàn chiên của Chúa.
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Kitô hữu là thành viên của Giáo hội. Chúa Giêsu là mục tử dẫn dắt chúng ta. Hãy đến với Người để được hòa giải và chữa lành. Trên đường đời nhiều hiểm nguy và cám dỗ, hãy đến thụ huấn với Chúa, để xin Người dìu dắt chúng ta trên mọi nẻo đường. Lời thánh vịnh 22 rất quen thuộc diễn tả hạnh phúc của những ai sống trong gia đình Thiên Chúa. Chúa Giêsu là mục tử. Người luôn quan tâm chăm sóc và chữa lành chúng ta, vì chúng ta thuộc về Người. Vì thánh vịnh này thường được hát trong Thánh lễ cầu hồn và an táng, nên nhiều người nghĩ những lời ca và ý nghĩa chỉ nói về người đã qua đời. Không phải vậy, tâm tình của thánh vịnh là tâm tình của mỗi chúng ta. Bởi lẽ hết thảy chúng ta đều đang được Chúa hướng dẫn, bao bọc và chở che dưới cánh tay yêu thương của Ngài.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org