“Đấng hồi sinh” – Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm C
Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng Canh tân đổi mới, thì mỗi chúng ta lại được mời gọi cộng tác với Ngài trong sự nghiệp canh tân này. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, Chúa Giêsu nói: Ngài sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy, vì anh em ở với Thầy từ ban đầu” (Ga 15,26-27). Như thế, người Kitô hữu cùng có một chức năng như Chúa Thánh Thần, là chức năng làm chứng cho Chúa Giêsu.
Thế giới của chúng ta trong hai năm vừa qua đã trở nên tiêu điều do đại dịch Covid-19. Ngoài những hệ luỵ về kinh tế, những tổn thương tâm lý cũng rất nghiêm trọng và cần phải một thời gian dài mới hy vọng phục hồi. Khi thế giới còn đang phải đối mặt với dịch bệnh, thì chiến tranh lại bùng nổ ở một quốc gia Âu châu, khiến cho hoà bình thế giới bị đe doạ. Những hệ luỵ của cuộc chiến tranh này còn nghiêm trọng hơn hậu quả của dịch bệnh. Đối với người Kitô hữu, chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta xin Ngôi Ba Thiên Chúa phục hồi những thương tổn trong đời sống con người và trong xã hội. Thánh vịnh 103 đã trình bày tác động canh tân của Chúa Thánh Thần: Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.
Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân tâm hồn. Trước những bon chen bận rộn và lo toan của cuộc sống, tâm hồn chúng ta bị vấy bẩn vì những tham vọng trần tục. Tiếng nói của Chúa nhiều khi bị lần át, thậm chí bị bóp nghẹt trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta. Thánh Thần Chúa sẽ phục hồi những thương tổn, chữa lành những bệnh tật thiêng liêng, đó là sự khô khan, lười biếng, những cứng cỏi, dửng dưng trước nỗi đau của tha nhân bạn bè. Nội dung Ca tiếp liên trong Phụng vụ hôm nay nói đến những tác động canh tân của Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn con người. “Tâm bình, thế giới bình”. Nếu tâm hồn con người bình an, thế giới sẽ bình an. Khi tâm hồn thanh thản, họ sẽ sống thân thiện với thế giới xung quanh, và cùng nhau xây dựng một thế giới an bình.
Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân vũ trụ. Thế giới của chúng ta vẫn được gọi là “thế giới hiện đại”. Tuy vậy, nếu nền văn minh đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, thì tình người và những đức tính nhân bản lại đang khủng hoảng nghiêm trọng. Vẫn còn đó những xung đột sắc tộc và tôn giáo, đến mức chém giết và huỷ diệt lẫn nhau. Danh Thiên Chúa bị con người lợi dụng để biện minh cho hành động sát nhân của mình. Chúa Giêsu đã báo trước tình trạng này, khi Người căn dặn các môn đệ: “Sẽ đến lúc kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Cha, cũng chẳng biết Thầy” (Ga 16,23). Cùng với nhân loại bị thương tổn do ghen ghét thù hận, thiên nhiên vũ trụ là căn nhà chung của chúng ta cũng bị thương tổn nghiêm trọng. Mẹ Thiên Nhiên đang lên tiếng gào thét trước thái độ thờ ơ và những hành vi xâm phạm môi trường. Xúc phạm đến thiên nhiên là xúc phạm Đấng Sáng tạo, vì thiên nhiên là tác phẩm Thiên Chúa tạo dựng. Tác phẩm này phản ánh vinh quang và sự thánh thiện của Ngài. Xúc phạm thiên nhiên cũng là huỷ diệt chính mình, vì thiên nhiên là tương lai của chính chúng ta. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần canh tân đổi mới vũ trụ, để tìm lại sự quân bình trong đời sống con người, và sự hài hoà Thiên – Địa – Nhân như quan niệm và lý tưởng của người Á đông chúng ta. Khi mối tương quan này được tôn trọng, con người sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng Canh tân đổi mới, thì mỗi chúng ta lại được mời gọi cộng tác với Ngài trong sự nghiệp canh tân này. Khi nói về Đấng Bảo Trợ, Chúa Giêsu nói: Ngài sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy, vì anh em ở với Thầy từ ban đầu” (Ga 15,26-27). Như thế, người Kitô hữu cùng có một chức năng như Chúa Thánh Thần, là chức năng làm chứng cho Chúa Giêsu. Nói cách khác, Kitô hữu làm chứng cho Chúa Giêsu nhờ sức mạnh và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng ban sức mạnh. Ngày lễ Ngũ Tuần, cũng vẫn những con người ấy là Phêrô và các tông đồ, trước đó còn sợ sệt nhút nhát đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, bỗng chốc trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan phi thường. Chúa Thánh Thần đến ban cho các ông sức mạnh. Cùng với Chúa Thánh Thần, các ông rao giảng Chúa Giêsu phục sinh với lòng can đảm và xác tín. Ngày hôm nay, cùng với Chúa Thánh Thần, chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu. Có thể nói, Thánh Thần là vị chứng nhân vô hình, còn chúng ta là những chứng nhân hữu hình. Chúa Thánh Thần tác động nơi chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta có đủ can đảm và khôn ngoan làm chứng cho Chúa. Tác động của Chúa Thánh Thần thật kỳ diệu: Ngài vừa ban sức mạnh cho người rao giảng, đồng thời mở lòng mở trí người nghe, để họ hiểu Lời Chân lý. Những khách hành hương ỏ Giêrusalem hôm đó đến từ nhiều miền đất khác nhau, nhưng lạ thay, họ hiểu hết những gì ông Phêrô và các tông đồ rao giảng. Họ ngạc nhiên trước sự thông thái mà Chúa Thánh Thần ban cho các ông. Được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu mọi thời đại có thể rao giảng Đức Giêsu cho những người đương thời. Chính Chúa Thánh Thần tác động nơi người giảng cũng như nơi người nghe, để Lời sinh hoa kết trái.
Là Đấng canh tân đổi mới, Chúa Thánh Thần cũng là Đấng liên kết các Kitô hữu. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh một thân thể để chứng minh điều này. Sống trong Giáo Hội, mỗi chúng ta là một chi thể của thân thể có Chúa Giêsu là Đầu. Chúa Thánh Thần gắn bó chúng ta với Chúa Giêsu và với nhau, để làm nên một thân thể tràn đầy sức sống. Gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa (hiệp thông chiều dọc). Liên kết với mọi người, chúng ta được hiệp thông với anh chị em mình (hiệp thông chiều ngang). Sự hiệp thông hai chiều này giúp chúng ta đón nhận sức sống từ nơi Thiên Chúa và củng cố tình huynh đệ đối với nhau. Chúa Thánh Thần luôn củng cố tình hiệp thông ấy một cách khôn ngoan huyền nhiệm. Sự hiệp thông này làm nên vẻ đẹp của Giáo Hội Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng. Dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu chăng nữa, Kitô hữu không mất niềm hy vọng, vì Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Ngôn sứ Egiêkien được mệnh danh là vị ngôn sứ của niềm hy vọng. Vào lúc dân Do Thái sống cảnh lưu đày ở Babylone, xa quê cha đất tổ, họ cảm thấy dường như Thiên Chúa bỏ rơi họ. Vị Ngôn sứ của chúng ta đã động viên khích lệ dân lưu đày. Ông khẳng định với họ: Thiên Chúa không bỏ rơi dân người. qua hình ảnh những bộ xương khô rải rác trong sa mạc, nhờ tác động của Thần Khí Thiên Chúa, lại trở nên những con người mạnh khoẻ cường tráng, vị ngôn sứ diễn tả quyền năng và tình thương của Thiên Chúa: cho dù dân Do Thái tàn tạ giống như những bộ xương khô, Thiên Chúa sẽ phục hồi và làm cho họ trở nên những con người bằng xương bằng thịt, sức sống sung mãn và hạnh phúc tràn đầy (x. Ed 37,1-14).
Thế giới hôm nay, đôi lúc giống như cảnh hoang tàn với những bộ xương khô không còn sinh khí. Đó là gia đình ly tán. Đó là anh em huynh đệ tương tàn. Đó là những khó khăn về kinh tế, chồng chất nợ nần. Đó còn là những mâu thuẫn trong tương quan cá nhân và đoàn thể. Đó cũng là những hệ luỵ tàn khốc của đại dịch chúng ta đã và còn đang trải qua. Lễ Hiện Xuống nhắc chúng ta: Chúa Thánh Thần là Đấng phục hồi. Đối với những ai trông cậy, Ngài sẽ làm cho con tim sẽ vui trở lại, đau thương lùi xa và cầu vồng hy vọng xuất hiện.
“Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Chúc tụng Chúa đi, hỡi anh chị em! Vì Chúa chúng ta thờ là Đấng muôn trùng cao cả! Ai tin cậy vào Ngài, sẽ tìm thấy bình an hạnh phúc. Xin cho chúng ta cảm nhận được hạnh phúc ấy ngay trong cuộc sống hôm nay. Amen.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org