Đấng kiên nhẫn và bao dung – Bài giảng Chúa nhật XVII Thường niên năm C
Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung, con người cũng cần phải kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và bao dung trong ứng xử hằng ngày. Hai hình ảnh được Đức Giêsu dùng để nói về sự kiên nhẫn và bao dung: hình ảnh người bạn và hình ảnh người cha.
Trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người. Người là Đấng mời chúng ta tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) và ban cho chúng ta một mẫu gương: Người tha thứ bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác Người lại đến để vác chúng ta trên vai của Người. Không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta phẩm giá mà tình yêu vô hạn và bền vững này đã ban cho chúng ta. Người cho phép chúng ta ngẩng cao đầu và bắt đầu lại một lần nữa, với một sự dịu dàng không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng nhưng luôn luôn đem lại cho chúng ta niềm vui” (Số 3). Quả vậy, lòng thương xót bao dung là danh xưng và là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về để giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận chúng ta.
Lịch sử cứu độ cũng là lịch sử ghi lại lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa trong cách đối xử với Dân riêng của Ngài, một dân được gọi là “dân cứng đầu cứng cổ” và “lòng chai dạ đá”. Lịch sử ấy đan xen giữa yếu đuối bất trung của con người với quyền năng tối cao của Thiên Chúa. Biết bao lần Israen sa ngã, Thiên Chúa trừng phạt và khi họ sám hối ăn năn, Ngài tha thứ cho họ.
Tác giả Sách Sáng thế diễn tả cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với ông Abraham như một cuộc “mặc cả” giữa hai người mua bán. Từ con số 50 người công chính là điều kiện để Chúa không trừng phạt cho thành Sodoma, Thiên Chúa đã nhận lời giảm xuống còn 10 người. Cuộc “mặc cả” này cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Thiên Chúa trước tội lỗi của con người. Nếu đọc tiếp sách Sáng thế, chúng ta sẽ thấy con số 10 người công chính trong thành Sodoma cũng không thể tìm thấy. Vì vậy, thành này đã bị tiêu diệt.
Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn và bao dung, con người cũng cần phải kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và bao dung trong ứng xử hằng ngày. Hai hình ảnh được Đức Giêsu dùng để nói về sự kiên nhẫn và bao dung: hình ảnh người bạn và hình ảnh người cha. Người bạn cho vay bánh vì bất đắc dĩ và không muốn bị quấy rầy. Người cha cho con những điều tốt đẹp xuất phát từ tình thương. Từ hai hình ảnh đó, Chúa Giêsu đã kết luận: Nếu con người với nhau mà còn đối xử như thế, huống chi Cha trên trời lại không đối xử tốt hơn sao? “Hãy xin thì sẽ được; Hãy tìm thì sẽ thấy; Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”. Lời khẳng định này đem lại cho chúng ta niềm vững tin và hy vọng nơi Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Người là cội nguồn của muôn phúc lành. Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng thầm kín riêng tư của chúng ta để ra tay cứu giúp và phù trợ. Cầu nguyện với Chúa không chỉ diễn tả những nhu cầu để xin Ngài ban ơn. Cầu nguyện còn là những dòng tâm sự nồng nàn của tình mến yêu và hiếu thảo, để sống trong mối liên hệ thân tình mật thiết với Chúa, Đấng mà chúng ta được phép gọi là “Cha”. Lời cầu nguyện không chỉ nhằm mục đích xin ơn cho cá nhân người cầu nguyện, mà còn cho những người xung quanh, đặc biệt những người đang rất cần ơn Chúa như những người ốm đau bệnh tật, người nghèo khó, người đang gặp thử thách gian nan và thất bại trong cuộc sống. Lời nguyện cần phải đi đôi với lòng kiên nhẫn, với niềm xác tín rằng Chúa luôn thấu hiểu chúng ta. Như người cha, Ngài luôn muốn cho chúng ta gặp những điều tốt lành.
Để lời cầu nguyện được Chúa nhận lời, người cầu nguyện cũng phải lo sống đạo đức đẹp lòng Chúa và cố gắng thực thi Lời của Ngài. Thánh Phaolô nhắc đến phép rửa của người Kitô hữu, tượng trưng cho cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Khi được dìm mình trong dòng nước thanh tẩy, người Kitô hữu chết với Chúa Giêsu và được sinh ra trong sự sống mới. Đó là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Mọi cố gắng hy sinh đều nhằm đạt tới mục đích này. Mọi ơn Chúa ban cũng nhằm giúp chúng ta sống đúng ơn gọi của Bí tíchThanh tẩy.
Thiên Chúa là Đấng bao dung. Các tín hữu là con của Chúa cũng phải sống bao dung như Ngài. “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cùng tha kẻ có nợ chúng con”. Đó là lời kinh Chúa Giêsu dạy chúng ta, cũng là lời kinh chúng ta vẫn đọc hằng ngày. Tuy vậy, trong thực tế, ít khi chúng ta để ý đến việc thực thi lời kinh ấy.
Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và ông Abraham kết thúc bằng lời cam kết: “Vì mười người đó (mười người công chính), Ta sẽ không phá hủy Sodoma”. Thế giới hôm nay đầy tràn tội ác. Nếu có những người công chính biết cầu nguyện và tôn vinh lòng thương xót của Chúa, Ngài sẽ ban ơn giúp sức để thế gian tránh khỏi những hình phạt, để được bình an. Ước chi mỗi tín hữu chúng ta hãy là những nhân tố tốt lành, như muối men và như ánh sáng cuộc đời hôm nay, để nhờ đó Thiên Chúa giáng muôn phúc lành cho nhân loại.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org