“Đây là Mình Thầy” – Lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô năm C
“Đây là Mình Thầy”. Lời nói của Đức Giêsu đi cùng với cử chỉ trao bánh cho các môn đệ trong bữa tiệc ly đã diễn tả tình thương mến của Chúa đối với các ông và đối với các tín hữu ở mọi thời đại. Thánh Gioan đã khẳng định: “Người đã yêu thương các môn đệ, và đã yêu thương đến cùng” (Ga 13,1). Ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa nhắc lại cho chúng ta tình yêu kỳ diệu ấy.
Thánh lễ chúng ta dâng được gọi là “cử hành Thánh Thể” hay Hy tế tạ ơn (Eucharistie). Trung tâm của Phụng vụ thánh lễ là việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể. Những lời của Chúa Giêsu được linh mục chủ tế lặp lại cách khoan thai, rõ ràng và trân trọng: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là mình Thầy… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy”. Trong ngôn ngữ bình dân, những lời này được gọi là “lời truyền phép”. Bởi lẽ, sau khi linh mục chủ tế đọc những lời này, thì bánh trở nên Mình Thánh Chúa Giêsu và rượu trở nên Máu Thánh Người. Thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu được Đức Thánh Cha Urbano IV thiết lập từ năm 1264, một năm sau khi phép lạ Thánh Thể xảy ra tại Tiệp Khắc vào năm 1263. Trong Tông sắc thiết lập ngày lễ này, Đức Thánh Cha đã viết: “Để củng cố và đề cao Đức Tin chân thật, sau khi cân nhắc cẩn thận, Ta truyền lệnh rằng, ngoài những cuộc tưởng nhớ hằng ngày mà Giáo hội thể hiện đối với Bí Tích rất thánh này, mỗi năm sẽ còn có một Đại Lễ đặc biệt nữa được cử hành vào một ngày nhất định, và cụ thể là vào ngày thứ Năm sau tuần Bát Nhật kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngày đó, dân thánh thiện sẽ sốt sắng và mau chóng tập trung lại trong các ngôi Thánh Đường của chúng ta, và tại đó, các bài Thánh Ca sẽ được vang lên bởi các Giáo sĩ và các Giáo dân với trọn niềm vui thánh thiện”. Hiện nay, vì lý do mục vụ, hầu hết các địa phương đều dịch ngày lễ này vào Chúa nhật kế tiếp.
“Đây là Mình Thầy”. Lời nói của Đức Giêsu đi cùng với cử chỉ trao bánh cho các môn đệ trong bữa tiệc ly đã diễn tả tình thương mến của Chúa đối với các ông và đối với các tín hữu ở mọi thời đại. Thánh Gioan đã khẳng định: “Người đã yêu thương các môn đệ, và đã yêu thương đến cùng” (Ga 13,1). Ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa nhắc lại cho chúng ta tình yêu kỳ diệu ấy. Đây là tình yêu có một không hai. Bởi lẽ trên đời này không ai có thể trao tặng cho người khác chính bản thân mình. Mầu nhiệm Thánh Thể là sự nối dài của mầu nhiệm Nhập Thể. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa làm người và cự ngụ giữa chúng ta. Qua mầu nhiệm Thánh Thể, Con Thiên Chúa phó trót thân mình để ở với chúng ta cho đến tận cùng thời gian. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Việc hiến trao trót thân mình cho các môn đệ chính là bằng chứng của tình yêu cao cả nhất của Chúa Giêsu đối với nhân loại.
“Đây là Mình Thầy”. Cử chỉ hiến thân của Chúa nhằm mục đích trở nên lương thực thiêng liêng cho các môn đệ và cho các tín hữu. Trong hành trình Đức tin là hành trình về quê trời, người tín hữu không chỉ được nuôi dưỡng bằng lương thực vật chất, mà còn bằng lương thực thiêng liêng. Ngôn sứ Êlia trong Cựu ước (x 1V 21,1-29) trên đường đến núi của Thiên Chúa (núi Horeb), đã được nuôi dưỡng bằng bánh và nước, nhờ đó ông đủ sức để tiếp bước trong hành trình chạy trốn sự săn đuổi của vua A-cáp và hoàng hậu Giêzabel, người tín hữu trong hành trình về Quê Trời được tiếp sức bằng Thánh Thể để có thêm nghị lực thiêng liêng chống lại những cám dỗ đang bao bọc tư bề. Thánh Thể cũng là linh dược, tức là thuốc thiêng đối với đời sống người tín hữu. Nhờ linh dược này, mà những tổn thương tâm hồn được chữa lành, những tội lỗi được tha thứ, buồn sầu sẽ được thay thế bằng niềm vui. Vì vậy, Mình Thánh Chúa những bệnh nhân đón nhận cùng với Bí tích Xức dầu, chúng ta thường gọi là « Của Ăn Đàng ». Đó là nguồn trợ lực siêu nhiên giúp người tín hữu đi đến đích điểm trong bình an.
« Đây là Mình Thầy », Giáo Hội Công giáo tin rằng lời của Chúa Giêsu luôn có hiệu lực, mỗi khi các linh mục cử hành Thánh Thể. Chúa vẫn hiện diện trong hình Bánh và hình Rượu, kể cả khi thánh lễ đã kết thúc. Nghi thức cung nghinh Thánh Thể ra ngoài thánh đường chính là khẳng định Đức tin vào sự hiện diện thánh thiêng ấy. Trong cuộc cung nghinh này, Chúa Giêsu đi đến với mọi người mọi nhà, để chúc lành và nâng đỡ phận người giữa những đau khổ chông gai của cuộc sống. Hành trình cuộc đời – cũng là hành trình thập giá – của con người không còn đơn lẻ, nhưng có Chúa đồng hành và nâng đỡ. « Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng » (Mt 11,28). Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta đến với Người.
« Đây là Mình Thầy ». Cử chỉ trao ban chính bản thân của Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về chia sẻ. Thánh Thể chính là sự cho đi vì người khác. Trước nỗi thống khổ về tinh thần cũng như thể xác của bao người xung quanh, Chúa mời gọi chúng ta hãy quảng đại chia sẻ. Khi chia sẻ và cho đi, chúng ta sẽ có được niềm vui, vì « cho đi là còn mãi » như người ta thường nói. Hơn thế nữa, đối với Kitô hữu, giúp người bất hạnh cơ nhỡ là giúp chính Chúa Giêsu, vì Người đồng hoá với họ (x. Mt 25,31-46).
Chúng ta hãy đến tôn thờ Thánh Thể. Nơi Bí tích này, Thiên Chúa hiện diện với loài người, thiên đàng ở giữa nơi trần thế. Nhờ lĩnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, con người được ăn bánh các thiên thần và được thần linh hoá, nên giống Đức Giêsu, Đấng Cứu độ chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org