ĐGH Phanxicô – Về quà tặng trẻ em

20-03-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở ĐGH Phanxicô – Về quà tặng trẻ em by

Anh Chị Em Thân Mến, Xin chào buổi sáng!

Sau khi đã ôn lại những đối tượng khác nhau của đời sống gia đình – người mẹ, người cha, con cái, anh chị em và ông bà – tôi muốn kết thúc nhóm bài giáo lý đầu tiên này về chủ đề gia đình để nói về trẻ em. Tôi sẽ thực hiện như thế trong hai phần: hôm nay tôi sẽ suy tư về quà tặng lớn lao là trẻ con được ban cho nhân loại. Nhưng điều này là thực sự; xin cám ơn tràng pháo tay. Chúng là quà tặng lớn lao cho nhân loại, nhưng chúng cũng bị loại trừ một cách triệt để. Và tuần tới tôi sẽ suy tư về một số vết thương, mà không may thay, làm tổn hại trẻ em. Xuất hiện trong tâm trí tôi là nhiều trẻ em mà tôi đã gặp trong suốt chuyến thăm vừa qua đến Á Châu: tràn đầy nhựa sống, lòng nhiệt thành và, mặt khác, tôi lại thấy nhiều trong số các cháu sống trong thế giới trong những hoàn cảnh không xứng với phẩm giá. Thực ra, một xã hội có thể bị phán xét bởi cách thế mà con trẻ của nó được đối xử. Không chỉ về mặt đạo đức, mà còn về mặt xã hội: nếu đó là một xã hội tự do hoặc một xã hội nô lệ về những lợi ích mang tính quốc tế.

Điều đầu tiên mà trẻ em nhắc nhớ chúng ta là điều mà tất cả chúng ta, trong những năm đầu đời, đã hoàn toàn lệ thuộc vào sự chăm sóc và tình thương của những người khác. Và Con Thiên Chúa đã không tách mình ra khỏi giai đoạn này. Đó là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm niệm mỗi năm vào dịp Giáng Sinh. Hang Đá là một biểu tượng thông truyền thực tại này cho chúng ta một cách đơn giản nhất và trực tiếp nhất. Nhưng điều đó thật kỳ lạ. Thiên Chúa đã không gặp khó khăn trong việc làm cho các trẻ em hiểu về chính Ngài, và trẻ em không gặp vấn đề trong việc hiểu về Thiên Chúa. Thật không phải là một sự tình cờ mà trong Tin Mừng lại có những lời rất tuyệt vời và mạnh mẽ của Chúa Giêsu về “những người bé mọn”. Từ “bé mọn” chỉ đến tất cả mọi người lệ thuộc vào sự trợ giúp của người khác, và đặc biệt, trẻ em. Ví dụ, Chúa Giêsu nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25). Và nữa: "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10). Do đó, trẻ em ở nơi chính chúng là sự phong phú đối nhân loại và đối với Giáo Hội, bởi vì chúng gợi nhắc chúng ta cách liên lỉ điều kiện cần thiết để vào Nước Thiên Chúa: đừng coi chính bản thân chúng ta là đủ, nhưng đang cần sự trợ giúp, cần tình yêu và sự tha thứ. Và tất cả chúng ta đều cần sự trợ giúp, tình yêu và sự tha thứ. Mọi người!

Trẻ em nhắc nhớ chúng ta về một điều tốt lành khác: chúng nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta luôn luôn là con trẻ: ngay cả khi một người trở thành một người trưởng thành hay một người lớn tuổi, ngay cả khi một người trở thành người cha mẹ, nếu người ấy có một vị trí mang trách nhiệm, thì bên dưới tất cả điều này vẫn cứ còn đó căn tính của một người con trẻ. Tất cả chúng ta đều là con trẻ! Và điều này hướng chúng ta đến một dữ kiện là chúng ta không tự trao ban sự sống cho chúng ta mà chúng ta lãnh nhận sự sống ấy. Quà tặng lớn lao của sự sống, quà tặng đầu tiên mà chúng ta lãnh nhận: sự sống! Đôi khi chúng ta sống mà quên mất điều này, như thể chúng ta là những ông chủ của sự hiện hữu: thay vào đó, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc. Trong thực tế, đó là một lý do đối với một niềm vui lớn lao được biết rằng trong mọi lứa tuổi của cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi điều kiện xã hội, chúng ta là và vẫn cứ là con trẻ. Đây là thông điệp chính yếu mà trẻ em mang lại cho chúng ta, bằng sự hiện diện của chúng. Sự hiện diện của chúng mà thôi nhắc nhớ chúng ta ra rằng mỗi người và tất cả chúng ta đều là con trẻ.

Nhưng cũng còn nhiều quà tặng, quá nhiều sự phong phú mà trẻ em mang lại cho nhân loại. Tôi sẽ chỉ nhắc lại một vài mà thôi. Chúng mang lại cách nhìn thực tại của chúng, bằng một cái nhìn tin tưởng và trong sạch. Một đứa trẻ có một niềm tin tự nhiên vào người cha và người mẹ của nó: và nó cũng có một niềm tin tự nhiên vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu và vào Mẹ Chúng Ta. Đồng thời, cái nhìn nội tâm của nó thì trong sáng, nó chưa bị ô nhiễm bởi ý xấu, tính hai lòng, bởi “những thói tật” của cuộc sống làm chai cứng tâm hồn.

Chúng ta biết rằng trẻ em cũng mang tội nguyên tổ, rằng chúng có sự ích kỷ của chúng, nhưng chúng có một sự trong sạch, một sự đơn sơ nội tâm. Nhưng trẻ em không phải là nhà ngoại giao! Chúng nói điều chúng cảm nghiệm. Chúng nói điều chúng thấy một cách trực tiếp! Và quá thường là chúng đặt cha mẹ chúng vào sự khó khăn. Chúng nói, “Nhưng con không thích điều này vì điều này xấu”, trước mặt người khác. Nhưng trẻ em nói điều chúng thấy. Chúng không hai mặt, chúng chưa học nền khoa học của sự hai mặt mà chúng ta, những người lớn, đã học.

Hơn thế nữa, trong sự đơn sơ nội tâm của chúng, chúng mang lấy ở nơi chúng khả năng nhận và cho đi sự dịu dàng. Sự dịu dàng có nghĩa là có một con tim “bằng thịt” chứ không phải “bằng đá”, như Kinh Thánh nói (x. Ed 36:26). Sự dịu dàng cũng là một bài thơ: nó có nghĩa là “cảm” được mọi thứ và sự kiện, chứ không phải coi những điều ấy như là những vật thể thuần tuý, chỉ để sử dụng, bởi vì chúng hữu dụng… Trẻ em có khả năng cười và khóc: một số các bé mỉm cười khi tôi nhấc chúng lên và hôn chúng… Một số thấy tôi mặc đồ trắng, chúng tưởng tôi là một bác sỹ, và rằng tôi sẽ tiêm vắc-xin cho chúng, nên chúng khóc – nhưng một cách tự nhiên. Trẻ em là như vậy, chúng mỉm cười và khóc: hai điều mà ở nơi những người lớn thường bị “khoá chặt”, chúng ta không còn khả năng… và quá thường việc mỉm cười của chúng ta trở thành một nụ cười cứng nhắc, một điều gì đó không có sức sống, một nụ cười không vui vẻ gì – thường là một nụ cười giả tạo, của một chú hề. Trẻ em cười một cách tự nhiên và khóc một cách tự nhiên… nó luôn lệ thuộc vào tâm hồn và tâm hồn của chúng ta thì bị khoá chặt và thường là đánh mất khả năng cười và khóc này…

Và, do đó, trẻ em một lần nữa có thể dạy chúng ta biết cười và biết khóc. Tuy nhiên, chúng ta phải thường xuyên tự hỏi chính mình: tôi đang cười cách tự nhiên bằng sự trong sáng, bằng tình yêu hay nụ cười của tôi giả tạo? Tôi có vẫn biết khóc hay tôi đã đánh mất khả năng khóc? Nhưng hai điều này là hai câu hỏi rất nhân bản mà trẻ em dạy chúng ta.

Vì tất cả những lý do này mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài: “trở nên như trẻ nhỏ”, bởi vì “Trẻ em là thế như chúng thuộc về Nước Trời” (x. Mt 18:3; Mc 10:14).

Anh chị em thân mến, trẻ em mang lại sức sống, niềm vui, niềm hy vọng, cũng như sự rắc rối, nhưng cuộc sống là thế. Chúng chắc chắn cũng mang lại những lo âu và đôi khi là vấn đề. Tuy nhiên, thật là tốt biết bao khi có một xã hội với những lo âu và vấn đề này hơn là một xã hội buồn tẻ và nhạt nhẽo bởi vì nó vẫn tồn tại mà không có trẻ em! Và khi chúng ta thấy rằng tỷ lệ sinh sản chỉ ở mức 1% thì chúng ta có thể nói rằng xã hội này già nua bởi vì nó vẫn tồn tại mà không có trẻ em.

Joseph C. Pham chuyển ngữ từ Zenit

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW