Di sản Chân Phúc Gioan Phaolô II nơi Đức Phanxicô

25-10-2013 Chức năng bình luận bị tắt ở Di sản Chân Phúc Gioan Phaolô II nơi Đức Phanxicô by

Người ta hay so sánh giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô, vị tiền nhiệm tức khắc và hiện còn sống của ngài, chứ ít ai so sánh ngài với Chân Phúc Gioan Phaolô II mà lễ nhớ được mừng vào ngày 22 tháng 10 vừa qua.

Đây là dịp để ta tự hỏi các chủ đề nào của Đức Gioan Phaolô II vẫn còn sống động đến lúc này trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Tiến sĩ Edward Mulholland trên trang mạng của Viện Gregorian thuộc Cao Đẳng Biển Đức cho rằng ba chủ đề sau đây cho thấy tính liên tục rất mạnh giữa hai vị nối nghiệp Thánh Phêrô này: hiểu con người nhân bản trong nét cao cả và thảm hại của họ sau khi sa ngã, tuyên xưng một Thiên Chúa giầu lòng xót thương, và thúc đẩy truyền giáo phát sinh ở chỗ hai thực tại này gặp nhau.

Cả Chân Phúc Gioan Phaolô II lẫn Đức Phanxicô đều hay nói tới phẩm giá của con người nhân bản. Thông điệp thứ nhất của Đức Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, là cốt chính đối với tư tưởng và trọn hướng đi của triều đại giáo hoàng của ngài. Các sáng kiến mục vụ trong Năm Thánh Cứu Chuộc, Năm Thánh Ngàn Năm Mới, trong các gặp gỡ với giới trẻ và trong rất nhiều chuyến tông du và viếng thăm, tất cả đều xoay quanh việc tìm hiểu con người nhân bản trong nét cao cả của họ và trong mầu nhiệm tội lỗi và sự Sa Ngã. Ở cốt lõi các trước tác của Đức Gioan Phaolô II, ta thấy sự thật sâu xa về số phận con người và việc họ triệt để cần một Đấng Cứu Chuộc.

Đối với Đức Phanxicô, ta thấy điều trên trong việc ngài không ngừng vươn tay ra nắm lấy những con người đã sa ngã lại càng sa ngã hơn nữa vì bị đặt ra ngoài mọi chăm sóc và quan tâm của anh em đồng loại. Đó là những người bị đẩy ra bên lề, những người bị lãng quên, những người tị nạn chết đuối ngoài khơi Lampudesa. Và đối với những người khá giả của Phương Tây, Đức Phanxicô coi việc ưu tiên hóa giầu sang và tiện nghi vật chất trên việc chăm sóc người túng thiếu của họ là dấu chỉ và hậu quả của việc thiếu đức tin; đối với ngài, chỉ có đức tin mới tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội trong đó, người ta thực sự chăm sóc lẫn nhau.

Trong Ánh Sáng Đức Tin, ngài viết: “Sự thống nhất của con người chỉ có thể quan niệm được trên căn bản tiện ích, trên tính toán thiệt hơn về quyền lợi hay trên sự lo sợ, chứ không trên sự tốt đẹp của việc sống chung với nhau, không trên niềm vui mà chỉ có sự hiện diện của người khác mới đem lại được. Đức tin làm ta biết đánh giá cơ cấu tương giao nhân bản vì nó nắm được nền tảng tối hậu và số phận dứt khoát của các tương giao này nơi Thiên Chúa, nơi tình yêu của Người, và do đó, dõi được ánh sáng lên nghệ thuật xây dựng; hiểu như thế, nó trở thành một phục vụ đối với ích chung” (Ánh Sáng Đức Tin, số 51).

Cả nơi Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Phanxicô, cái hiểu sâu xa trên về chiều cao mà con người có thể vươn tới cùng với vực thẳm mà họ từng rơi xuống quả thật làm nổi bật quan niệm về một Thiên Chúa chủ yếu xót thương. Lòng thương xót của Chúa là lời đáp trả sự Sa Ngã của con người, và lòng thương xót ấy có tên là Giêsu Kitô, Thiên Chúa Nhập Thể.

Thông điệp thứ hai của Đức Gioan Phaolô II là một suy niệm kéo dài về Chúa Cha “giầu lòng thương xót”. Ngày phong hiển thánh của ngài, Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, nhắc ta nhớ tới công ngài thúc đẩy việc lập ra ngày lễ này, và việc ngài hấp hối vào vọng Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa năm 2005. Thiên Chúa, Đấng “giầu lòng thương xót”, được nhắc tới trong lời nguyện đầu Thánh Lễ cử hành vào ngày kính Chân Phúc Gioan Phaolô II.

Lời giảng và gương sáng của Đức Phanxicô đặt căn bản trên mệnh lệnh chính yếu, là bắt chước Chúa Giêsu về lòng thương xót người khác. Lòng thương xót này đặt căn bản trên ý niệm Thiên Chúa là Cha thương xót. Mọi ý niệm khác về Thiên Chúa, như đấng tạo hóa, đấng ban lề luật, quan tòa, v.v… đều được hiểu dưới ánh sáng tình yêu thương xót. Nội dung căn bản của đức tin là niềm tin vào một Thiên Chúa tình yêu. Điều này lên khuôn toàn bộ chương một của thông điệp Ánh Sáng Đức Tin. Đức Phanxicô ít khi lên tiếng mà lại không nhắc tới tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đối với cả Đức Gioan Phaolô II và Đức Phanxicô, mệnh lệnh truyền giáo phát sinh từ cái hiểu sâu xa đối với tình yêu Thiên Chúa và nhu cầu con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa cứu chuộc, Đấng nhập thể tình yêu Thiên Chúa, xuống thế để cứu chuộc ta khỏi tội lệ và tái lập ra vào địa vị cao cả. Tội lỗi ta và tính hay sa ngã của ta không kết thúc lịch sử ta; sự sống con người không phải là thảm kịch; điều kỳ lạ và bất ngờ nhất đã xẩy ra: Thiên Chúa đã trả hết món nợ không cùng của ta cho sự công bằng thần linh bằng giá đau khổ nhân bản.

Sứ mệnh của ta như một Giáo Hội là công bố Tin Mừng đó, cử hành Tin Mừng đó trong phụng vụ, được nuôi dưỡng bằng sự tươi mát không cùng của nó trong các bí tích, và sống Tin Mừng đó một cách hân hoan và mời gọi để người khác cũng được lôi cuốn vào sự thật chính yếu của ơn cứu rỗi này. Bất cứ khi nào các điều này xẩy ra, tên của nơi Lời Chúa được công bố, Thân Thể Người được truyền phép, ơn thánh Người được san sẻ, tình yêu Người được trải rộng ra khắp mọi người, chính là Giáo Hội, bất luận xẩy ra trong một tòa nhà hay nơi những bàn tay thiện nguyện trên một cánh đồng truyền giáo vô danh. Ta chỉ là Kitô hữu bao lâu nhập thân được sứ mệnh của Chúa Kitô và san sẻ lòng thương xót của Chúa cho mọi người ta gặp, những người nam nữ, giống như ta, đang rất cần ơn thánh Chúa.

Thông điệp của Đức Gioan Phaolô ban hành sau ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, tựa là Centesimus Annus đã dành trọn một chương nói về con người như là “con đường của Giáo Hội”. Động lực truyền giáo đẩy ta quá bên kia việc giảng giải bằng lời. Lời Thiên Chúa cũng phải trở nên máu thịt nữa nơi các hệ thống chính trị và kinh tế công chính nữa. Tháng 10 năm 1978, Đức Cựu Hồng Y Karol Wojtyla đã khởi đầu triều giáo hoàng của ngài bằng cách nói với mọi người rằng “Anh chị em đừng sợ” phải mở rộng cửa Giáo Hội, mở rộng tâm hồn mình và mở rộng cả cửa các hệ thống chính trị và kinh tế nữa. Đối với Đức Gioan Phaolô II, sống cuộc sống tại những nơi, trong đó tất cả chúng ta đều giúp đỡ mọi người để họ nên tốt hơn, vừa là một nhân đức vừa là một nguyên tắc xã hội tức tình liên đới.

Đối với Đức Phanxicô cũng thế, đó chính là cốt lõi sứ mệnh của Giáo Hội. Bất cứ cải tổ nào, bất cứ sự cử nhiệm giám mục nào, bất cứ hành động nào của Vị Đại Diện Chúa Kitô, đều được phán đoán bởi tiêu chuẩn tối hậu này: liệu quyết định này có giúp Giáo Hội sống sứ mệnh của Chúa Kitô tốt hơn không? Ngài không muốn có người ngồi trong các hàng ghế cho bằng các tông đồ năng động lên đường rời bỏ các bãi đậu xe ở nhà thờ.

Bỏ qua các dị biệt về phong thái và nhân cách, tâm hồn hai vị giáo hoàng này cực kỳ tương tự nhau. Xét về nhiều phương diện, đó chính là sự nhập thân trái tim của Công Đồng Vatican II, từng được Đức Gioan XXIII triệu tập. Đức Phanxicô quả đã học được bài toán thần học từ Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Khốn Cùng + Thương Xót = Truyền Giáo.

Vũ Văn An

 

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW