Địa lý nhân văn

18-08-2012 Chức năng bình luận bị tắt ở Địa lý nhân văn by

A. DÂN SỐ

Về dân số chính thống, tính đến năm 1954, có khoảng 10.000 người, với khoảng 2500 nóc gia. Nếu tính cả những người nhập cư từ các nơi đến và người Hoa ở Khu Phố thì thêm khoảng 500 người và trên 100 nóc gia nữa.

B. CÁC HỌ

Theo cuốn Sổ Đinh tổng kết năm 1953, toàn dân Kẻ Sặt có 20 Dòng Họ, là: Phạm, Chu, Vũ, Dương, Đào, Lê, Nguyễn, Quách, Trần, Đoàn, Đặng, Đinh, Ngô, Hoàng, Lã, Lão, Lưu, Đỗ, Mai, Hà.  Lâu đời nhất là các họ: Phạm, Chu, Vũ, Đào.  Đa số nhất là các họ: Phạm, Lê, Nguyễn, Trần.  Từ tương đối đến ít hơn là các họ: Đinh, Ngô, Quách, Đoàn, Đặng, Hoàng, Lã, Lão, Lưu, Đỗ và Mai.

C. NGƯỜI SẶT

Người Kẻ Sặt được nhận định là tốt lành, sốt sáng, cần cù, khéo léo, và có khả năng về nhiều phương diện lao động sản xuất cũng như văn hóa, nghệ thuật, kể cả về phụng vụ trong sinh hoạt tôn giáo….

Nữ giới phần nhiều xinh đẹp, khôn ngoan, quán xuyến việc nhà, đảm đang buôn bán. Người ngoài làng mà lấy được vợ Sặt thì kể như là có phúc lắm. Nam giới thì ham hoạt động, có tinh thần chiến đấu cao và đa năng đa hiệu. Trình độ tổ chức các lễ nghi đạo, đời từng nổi tiếng xưa nay. Ngay cả việc làm cỗ cũng tỏ ra khéo léo nữa.

Điểm độc đáo là chỉ cần nhìn nét mặt, dáng vẻ nam hay nữ, già hay trẻ, và nghe giọng nói thôi, thì dù chưa gặp nhau bao giờ, hai người đồng hương cũng có thể cảm thông một cách diệu kỳ như nhau và người nọ nghĩ về người kia rằng: ‘’Đúng là người Sặt mình rồi!’’

Ở Miền Bắc, người Khu Thượng còn giữ được nhiều đặc tính của dân Sặt chính cống, với dáng vẻ cổ xưa, thậm chí còn có người hai ngón chân cái vẫn hướng vào nhau như Người Giao Chỉ xa xưa. Có lẽ vì họ cư ngụ ngay trên Thôn Liệt sơ khai và thừa hưởng khí thiêng của đất đai nhiều hơn chăng ?

Người Khu Trung và Khu Hạ có nhiều nét tiến bộ về cách phục sức và ăn chơi. Còn Người Khu Tư hay Khu Phố thì hòa đồng với số dân tứ phương đến nhập cư với nhiều sắc thái thị thành.

(Ở Miền Nam và nhất là ở Hải Ngoại ngày nay, thì không còn có thể nhận xét được ai là người thuộc khu nào nữa, vì tất cả đã đổi mới nếp sinh hoạt tiến bộ và văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn một cái gì chung nhất biểu lộ ra khiến chúng ta có thể thốt lên rằng: Đúng là Người Sặt mình rồi !).

Về những hiện tượng tiêu cực trong đối nhân xử thế như tính hay chê bai, gièm pha, phá ngang…kể cũng thấy thể hiện. Do đó thường có câu phê phán rằng ‘’Làng ta mà’’ hay ‘’Sặt mình đấy’’. Tuy nhiên, quan niệm này xem ra khá chủ quan, phiến diện, vì lẽ những cái tiêu cực như thế chỉ ở thiểu số và vốn là cái tâm lý thường nghiệm của con người trần thế nói chung, từ muôn thuở đến muôn nơi mà thôi, chứ hoàn toàn không phải ở… "Làng ta’’ hay ‘’Sặt mình’’ đâu !

D. TẦNG LỚP

Về tầng lớp xã hội, nói chung, không có sự phân biệt giầu nghèo, sang hèn, vì toàn dân xứ đã thấm nhuần tinh thần bình đẳng của Kitô Giáo ngay từ thuở lập làng. Trên thực tế thì cũng có tình trạng chênh lệch về đời sống, như một câu ca dao quê hương đã mô tả cách châm biếm nhưng chỉ để khôi hài rằng:

‘’Khu Thượng là khu… giầu thay,
Ăn cơm bát mẻ, rửa tay mảnh nồi.
Khu Hạ là khu… nghèo thay,
Ăn cơm bát sứ, rửa tay chậu đồng.’’

Thực ra thì ở cả Ba Khu đều có những gia đình giầu có, gọi là ‘’đứt nố, đổ vách’’, có nhà gạch, lợp ngói; xen lẫn với những gia đình nghèo khó, gọi là ‘’ăn sáng, lo tối’’, nhà tranh vách đất. Ý câu ca dao muốn nói về một số nhà giầu thời xa xưa, nhưng lại… không sang, qua cách ăn cách mặc. Có nhà đem chôn hàng chum vại tiền bằng bạc để dành mà không biết kinh doanh sinh lời. Có người suốt đời chỉ mặc áo vá hay… đóng khố mà thôi. Có ông khi cưới vợ, may được một cái quần dài, mỗi lần đi lễ thì mang theo, đến cổng nhà thờ mới mặc vào, xong lễ tới cổng nhà thờ lại cởi ra đem về, mãi khi ông lên lão rồi mà cái quần đó vẫn… còn mới ! Một câu ca dao khác không kém phần dí dỏm nói về giới nghèo:

‘’Hới cô mang thắt lưng xanh,
Có về Khu Thượng với anh thì về.
Khu Thượng chỉ có vài nghề: Sáng đi đánh dậm, tối về tổ tôm.’’

Quả thật, người Khu Thượng rất giỏi về các kỹ thuật đánh dậm, đơm lờ và câu cá. Nhưng chơi tổ tôm cũng là môn giải trí cờ bạc mà nhiều người có nghệ thuật tới mức… thượng thừa.

Thực ra thì mấy câu ca dao trên đã nói lên được những nét đặc thù của Dân Sặt ta nói chung, chứ không hẳn là riêng ở một khu nào.

E. VIỆC HỌC HÀNH

Từ xa xưa, thời kỳ còn học chữ Nho, Kê Sặt đã có một số các vị khoa bảng như cụ Nghè Nhân, cụ Cử Nghĩa, cụ Tú Cương.  Ngoài ra các vị Khóa thì cũng khá nhiều, chẳng hạn uyên thâm như cụ Khóa Chinh, thơ hay như cụ Khóa Thanh, dạy giỏi như cụ Khóa Chu v.v…

Đến thời kỳ Tây thuộc, học chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp, có nhiều người đã đậu Bằng Tiểu Học, thường gọi là Bằng Xéc (Certificat), mấy người đậu Bằng Trung Học, gọi là Bằng Thành Chung (Diplôme ).

Ai thi đậu, gia đình bèn ăn khao mừng rỡ, rồi còn được lên Đình Làng trình diện các cụ và lãnh thưởng một đồng bạc Đông Dương, đã là đáng giá lại rất vinh dự và còn được miễn cả công dịch.

Từ thời độc lập 1945, việc học tập bằng quốc ngữ theo chương trình giáo dục mới trở thành phổ thông và vì quan niệm đã thay đổi, do đó sĩ số nam cũng như nữ càng ngày càng đông hơn.

Về trường ốc, trong thời kỳ Hán học, môn sinh chỉ được dậy tại nhà các ông khóa. Những gia đình giầu có lại đón thầy đồ về tư gia để dậy con cháu chữ nghĩa thánh hiền và cũng dậy cả võ nghệ nữa.

Thời kỳ Tây học, có hai trường công lập: trường sơ học bên cạnh huyện lỵ, thường gọi là Trường Công và trường tiểu học ở nhà ga cũ, thường gọi là Trường Ga.

Ngoài ra, còn có bốn trường tư thục tại tư gia của: ông Giáo Nhẫn ở Khu Thượng, ông Giáo Biểu ở Khu Hạ, ông Giáo Lục ở Bến Bè và ông Giáo Hiện ở Phố Sặt, có tên là trường Gia Long.

Sau biến cố năm 1945, những trường lớp trên không còn nữa, nhưng các lớp học bình dân dậy theo phương pháp i tờ được mở ra nhất thời tại các điếm tuần, đã giúp nhiều người biết đọc và viết căn bản.

Đến năm 1950, một trường tiểu và trung học  tư thục công giáo duy nhất được thành lập, đó là Trường Văn Côi. Cơ sở trường với các lớp học được đặt ngay tại các gian của khu Nhà Dẫy cạnh Thánh Đường chính.

Ngoài học sinh Sặt, học sinh các làng lân cận cũng đi bộ hàng mấy cây số tới hay ở trọ mà theo học. Khi đi thi, thí sinh còn phải lên tận thị xã Hải Dương để dự .

Tính tới năm 1954, Kẻ Sặt đã có hàng trăm người đậu Tiểu học, mấy người đậu Trung Học và Tú Tài… Riêng biệt, chỉ có các linh mục Kẻ Sặt với hàng trăm vị,  là được đào tạo tới trình độ cao cấp.  Nhiều vị rất xuất sắc và lỗi lạc trong sứ vụ đối với Giáo hội và Xã hội.

(Trong Phần Hai về Lịch Sử, chúng ta sẽ đề cập tới thành quả học tập rực rỡ của các thế hệ mới, ở Miền Nam và Hải Ngoại…)

Đó là về phương diện kiến thức phổ thông tổng quát, riêng về phương diện học đạo, học bổn hay giáo lý công giáo, thường gọi là học kinh thì tất cả mọi người từ tuổi thơ ấu, đều được quan tâm cẩn thận. Việc học đạo này được tổ chức tại nhà dẫy, do các cô mụ phụ trách khá nghiêm khắc. Ngoài ra, giới trẻ nam nữ còn được học kinh tại nhà các ông trương và bà trương ở bốn khu. Gọi là học kinh, nhưng chủ yếu là học thuộc lòng, không có cắt nghĩa, cũng thi kinh và được thưởng.

Phương pháp giảng dậy thì chỉ theo cách truyền khẩu, kèm theo là một kỷ luật sắt, nghĩa là đánh đòn học trò hay môn sinh bằng thước kẻ hay roi mây !! Nhưng nhiều người lại rất thông minh sáng dạ, đến nỗi có thể thuộc lòng cả cuốn sách kinh Toàn Niên hay truyện ông thánh A-lê-xù !

F. HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN, GIẢI TRÍ

Hoạt động của các đoàn thể thanh thiếu niên Kẻ Sặt rất sôi nổi và hào hứng.  Thanh niên Sặt lại xuất sắc về các bộ môn kịch nghệ và thể thao.

Diễn kịch thường được tổ chức tại khoảng giữa Thánh Đường chính và Nhà Dẫy, hoặc tại sân các tư gia rộng. Kịch do người Sặt soạn lấy theo các truyện cổ hoặc theo hạnh các thánh, xuất sắc như vở kịch Ông Lý Mỹ, anh hùng tử đạo Việt Nam.

Về âm nhạc thì từ xa xưa, chỉ có những nhạc khí cổ truyền như sáo, dịch, nhị, độc huyền (đàn bầu), trống, phách với những bản nhạc cổ không lời như Lưu Thuỷ, Kim Tiền… Đến năm 1943 mới có các nhạc khí Tây Phương như banjo, banjo-alto, mandoline, harmonica, accordéon, violon và harmonium.

Phần phụ diễn thì chỉ có hài kịch, cũng khiến khán giả cười bằng thích. Không có phụ diễn tân nhạc, cho mãi tới năm 1945 mới có những bài hùng ca và tới năm 1951 mới có những bài tình cảm như Chiều Quê, Sơn Nữ Ca, Làng Tôi v.v… Cũng chưa có máy khuếch đại âm thanh mà phải dùng loa cuốn bằng giấy bìa.

Riêng về phương diện Phụng Vụ, qua các cuộc rước kiệu thì đã có một Ban Kim Nhạc cử các bản nhạc Tây thôi.

Nhưng lại có ba Phường Trống rất rộn ràng phấn khởi.  Ngoài ra, từ năm 1949, thánh ca tân nhạc đã bắt đầu áp dụng, qua các buổi đền tạ Mẫu Tâm và Thánh Tâm rồi tiến tới hát chầu lễ, thay thế việc hát bằng tiếng Latinh trước đây, tạo nên một bầu khí chiêm niệm mới.. (Phần Lịch sử sẽ bàn rõ về vấn đề này sau).

Hai môn thể thao thịnh hành nhất là bóng truyền và bóng đá, thường được tổ chức tại Sân Vận Động Trường Công và Sân Ao Lấp. Nhưng chưa có các tiện nghi để tập thể dục. Cũng có một sân tennis ở huyện, nhưng chỉ dành cho giới chức việc mà thôi.

Những năm đầu thập niên 40, thỉnh thoảng tại sân huyện có chiếu bóng công cộng, nhưng chỉ là những phim nói tiếng Tây, không có phụ đề tiếng Việt. Mãi tới đầu thập niên 50 mới có một rạp hát duy nhất gọi là Rạp Ciné Ánh Sáng do ông Lý Nhượng xây dựng ở khoảng giữa Khu Trung và Khu Hạ. Nơi đây thường chiếu những phim nói tiếng Việt của nền điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu, như phim Cánh Đồng Ma chẳng hạn. Ngoài ra, cũng có những đoàn hát tuồng Cải Lương đến trình diễn.

Về công viên thì chỉ có một Vườn Hoa Con Cóc ở ngoài phố và sân trước cổng Huyện Ly. Nhưng cảnh trí xung quanh làng thì có nhiều nơi khá nên thơ và đẹp mắt, nhất là hai đền thánh: Đền Vicentê ở ngay Cầu Xộp và Đền Camêlô  ở gần Cầu Tranh.

Cũng chưa có thư viện. Sách báo còn ít người đọc và chỉ đọc tại nhà. Mãi tới năm 1953, chính quyền xã mới tổ chức những phòng thông tin và sách báo ở ba điếm tuần.  Chưa có máy thu thanh, mặc dù vào đầu thập niên 50 Hà Nội đã có đài phát thanh, nhưng dân chúng ở đó cũng chỉ được nghe qua hệ thống loa công cộng.  Máy hát nghe nhạc thì đã có, nhưng là loại quay bằng dây cót cho kim chậy trên đĩa nhựa lớn, âm thanh nghe thì nhỏ mà có vẻ lạc giọng.

Còn một thú tao nhã nữa là thả diều. Trẻ con thì thả diều nhỏ và thấp đã dành, nhưng người lớn thì thả diều sáo to và rất cao.  Tiếng sáo vi vu êm đềm cả làng đều nghe thấy và lấy làm vui. Chiếc diều nổi tiếng nhất vì có cánh rộng với bộ sáo diều to và nhiều âm thanh, được gọi là Diều Ông Nhiêu Thiệu.

 

Địa lý đại cương, Random

NHỮNG BÀI VIẾT KHÁC

18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt
18/08/2012 Kẻ Sặt

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW