Địa lý phong thủy
A. VỀ PHONG THUỶ
Phong Thuỷ (Phong là gió, Thuỷ là nước), cũng thường gọi là Khoa Địa Lý, là một môn khoa học nhân văn độc đáo và lâu đời của Đông Phương, vừa có tính triết học lẫn thực nghiệm.
Theo khoa học tự nhiên, đó chỉ là những mạch nước ngầm dưới lòng đất. Đối với các thế đất mang hình dáng các con vật cũng vậy, đó chỉ là kết quả của những sự biến thiên qua các thời kỳ địa chất tạo nên, hoặc do gió (phong) và nước (thuỷ) soi mòn từ đời này tới đời kia mà tạo thành. Sự hình thành một thế đất quý là theo quá trình thời gian lâu dài, do đó mà lại có một nguyên tắc nữa là ‘’Phong thuỷ đổi thay’’. Ví dụ có khúc sông bị dòng nước soi mòn một bên, nhưng lại bồi đắp bên kia cho nên mới có kinh nghiệm ‘’Bên bồi thì ở, bên lở thì đi’’; hoặc có những thế đất quý bị chính con người phá huỷ khi xây cất, khai khẩn theo nhu cầu, vì không biết hoặc vì cố tình yểm đi…
Nhiều học giả Tây Phương trong đó có các vị giáo sĩ Công Giáo cũng từng nghiên cứu môn học này. Người Đông Phương thường có khuynh hướng tổng hợp, do đó thấy hiệu quả thì cứ tin, không cần lý giải. Người Tây Phương thì thiên về phân tích, chứng minh để xem xét sự vật và sự việc theo nguyên tắc khoa học.
Nhưng tựu chung Đông Tây đều gặp nhau và công nhận các yếu tố khách quan ảnh hưởng rất đậm đến con người. Đó là những yếu tố: cảnh trí thiên nhiên như sông, núi, thế đất cao thấp, khu vực khí hậu trên Địa Cầu, các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, tiếng ồn ào hay sự tĩnh mịch và tình trạng môi sinh… tác động vào tâm lý, ý chi, khả năng, việc xây dựng nhà cửa và làm ăn sinh sống của con người.
Hơn nữa, quan niệm triết học Đông Phương mà cũng là tinh thần văn hóa dân tộc Việt còn vô cùng thâm sâu qua những câu: ‘’Thiên Địa Nhân đồng nhất thể’’ và ‘’Địa linh Nhân kiệt.’’
B. TỔNG QUAN VỀ THẾ ĐẤT KẺ SẶT
Nếu từ trên phi cơ nhìn xuống, người ta sẽ nhận thấy làng Kẻ Sặt có những hình dáng của bốn con linh vật chồng chéo lên nhau, gọi là Tứ Quý: Long, Ly, Quy, Phượng.
Tuy nhiên, nếu chú ý và không cần theo nguyên tắc, thì với mắt thường và đứng ở mặt đất bằng, chúng ta cũng có thể mường tượng thấy các hình dáng đó, như:
Từ giữa ngôi Đình Làng và Đền Thánh Camêlô nhìn về hướng Sông Sặt, chúng ta thấy cả một cánh đồng và khu nhà ở nổi lên theo hình cánh chim phụng hoàng: Đó là thế đất Phượng. Cánh chim này còn trải rộng tới cánh đồng Đằng Ngái. Mình chim nằm trên cánh đồng Mả Vàng, đầu và mắt chim ở khoảng Cổng Giỏ, đặc biệt mỏ ngậm một tờ giấy.
Giữa Khu Trung là thế đất Quy (Rùa). Điển hình nhất là một cái gò nổi lên mà nay đã trở thành một cái ao trũng xuống, gọi là Ao Rùa. Lý do tại sao sẽ được nói tới dưới đây. Trên bờ ao hiện có một con rùa bằng đá, lưng cõng một cột đèn cũng bằng đá.
Từ Cầu Sắt tới Phố Chính Kẻ Sặt, chậy ngang qua Chợ Ga cũ ra tới Cầu Xộp là hình thể con Ly. Con Ly tương tự như con hổ nhưng nhỏ, hiền và không ăn sinh vật. Độc đáo nhất là chân trước nó bám vào một cây bút lông, loại bút viết chữ Nho.
Kỳ diệu nhất là thế đất Long (Rồng), không có hình dáng cụ thể trên mặt đất, vì chỉ là những mạch nước ngầm chậy ngoằn ngoèo dưới lòng đất và có linh khí phát lên, duy có nhà chuyên môn nắm vững những quy luật của khoa dịch lý mới nhận ra được. Thân mình Rồng được mô tả uốn khúc theo ba khu Tư, Hạ, Trung và đầu Rồng ở Khu Thượng, với con mắt là giếng Nhà Thương Xót, còn bộ râu Rồng thì tủa về các làng Châu Khê và Lương Đường ở phía Nam làng Kẻ Sặt.
Ngoài những hình tượng Tứ Quý trên, còn một đặc điểm thực tế và dễ nhận ra nhất, đó là: Tất cả mọi dòng nước của các vùng xung quanh đều chẩy về làng Sặt. Do đó, bao loài tôm cá cứ theo dòng nước mà đổ về đây, khiến cảnh trí của làng càng thêm xanh tươi xinh đẹp và nguồn lợi thì lại được phong phú hơn.
Thực vậy, đứng từ trên Đê Cầu Xộp là một vị trí khá cao, người ta nhận thấy ngay rằng mọi dòng nước từ các làng Sãi, Me, Châu, Tranh và xa hơn nữa là từ Trầm, đều chẩy qua Cống Đá như thể một đập nước.
Vào khỏi Cống Đá, khối nước này tỏa ra, bao quanh làng theo hệ thống cừ, rồi lại tập trung cả vào Ao Chạ ngay sau Đình Làng, cũng gọi là Ao Dạ vì là một cái ao giống hình cái dạ chó. Cuối cùng nước mới thoát ra sông Sặt.
Đối với đặc điểm này, các lời nhận xét và bình luận đều ghi nhận rằng đất Sặt là nơi trù phú, thương mại phồn thịnh và dân Sặt ngày càng phát triển giầu có.
Xưa kia thánh địa lý Tả Ao, (tên thật là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, vào thời vua Lê chúa Trịnh), có lần đi qua làng Sặt đã phát hiện ra thế đất quý này, bèn cảm hứng làm một bài thơ mà cũng chính là bản khảo sát, trong đó có câu:
‘’Thấy tứ bề Long, Ly, Quy, Phượng;
Nghĩ dân này lừng lẫy bốn phương.’’
C. CUỘC TRIỆT TIÊU LONG MẠCH
Riêng về sự kiện Rồng, câu chuyện sau đây còn được truyền tụng trong dân làng xứ:
Khoảng năm 1873, cha Bactholoméo người Y Pha Nho, mà dân xứ thường gọi là cha chính Bắc, là vị rất thông thạo khoa thiên văn địa lý. Một đêm kia, người nghe mạch dưới lòng đất động và biết rằng con rồng đã đến thời kỳ chuyển mình, phát phú quý vinh hoa trên xứ Sặt.
Người cho rằng dân này từ nay con gái sẽ xinh đẹp ra mà đi lấy những quan quyền; con trai sẽ tài giỏi hơn và đạt tới công hầu khanh tướng; dân chúng nói chung sẽ giầu có, do đó mà trở nên thờ ơ hay có thể bỏ đạo luôn…
Vì có Lời Phúc Âm rằng: ‘’Được lời cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì’’, nên cha chính Bác đã quyết định một kế hoạch triệt tiêu long mạch để tránh hậu họa. Người triệu tập một buổi hội các bô lão và chức sắc tại xứ đường và hỏi:
Các con có muốn giữ đạo Đức Chúa Lời không?
Các vị đồng thanh đáp: Thưa cha có.
Người hỏi tiếp: Các con có muốn đời sống được bình an không? Thưa muốn ạ.
Cha chính đã nắm được những yếu điểm của các cụ, nên phán bảo:
Vậy các con cần phải khởi công ngay việc phòng vệ xóm làng, bằng cách đào hào cho sâu tại những nơi mà cha sẽ chỉ, đoạn trồng tre làm lũy kiên cố, vì thời kỳ giặc giã sắp đến nơi rồi.
Sau đó, đích thân cha dẫn các cụ đi quanh làng và định những chỗ đào hào. Có nơi tiếp theo hệ thống cừ thoát nước đã có sẵn, có nơi lại đào thêm mà xét về mặt dẫn nước thì không cần lắm. Nhưng dân thì cứ làm vì đức vâng lời, và làm cách hăng hái… Không ai hiểu được thâm ý của người là bí mật triệt long mạch đi. Thế là con rồng đã bị cắt thân mình ra nhiều đoạn.
Chưa xong, cha chính còn tiến hành một cuộc triệt hạ quan trọng nữa. Đó là mắt con rồng ở ngay trong lãnh địa Nhà Chung lúc đó mà nay là Nhà Mụ thuộc Khu Thượng. Nguyên trước đã có một cái giếng ở sát bờ tre, (giếng nước ăn ở miền Bắc rộng như một cái ao nhỏ, có bậc để xuống gánh nước lên), nay người lại bảo đào một cái giếng khác, vị trí cách giếng cũ không bao xa, nhưng lại chính là mắt con Rồng. Khi mới khơi được vài thước đất thì gặp ngay mạch nước phun lên. Càng đào sâu, nước càng tràn lên nhiều, đến nỗi cả khu vực xung quanh bị lụt hàng tháng trời. Ôi mắt Rồng từ đó đã bị chọc thủng mất rồi!
D. NHỮNG LỜI BÀN LUẬN
Dư luận hậu thế trong làng thường có một nhận định đồng nhất rằng cha chinh Bắc đã thành công trong việc triệt long mạch đi. Cũng kể từ sau đó, bổn đạo xứ nhà càng tỏ ra vâng phục các cha cố Tây hầu như tuyệt đối.
Khi muốn chào cha, người ta còn phải nói một cách hết sức trịnh trọng là ‘’Con xin phép lậy cha’’. Nhiều vị từng mắng và mắng ngay trên tòa giảng, thậm chí lại đánh cả bổn đạo mà chẳng ai dám có phản ứng gì, còn lấy làm… vinh dự nữa chứ. Thế cho nên mới có cái thành ngữ gọi tình trạng đó là ‘’Đạo ba toong’’ (do từ baton trong tiếng Pháp là cái gậy).
Như thời Trung Cổ (Moyen Age) xưa ở Châu Âu, Thần Quyền thường lấn át cả Thế Quyền. Các cha cố Tây ở những xứ truyền giáo trong đó có Kẻ Sặt, cho tới giữa Thế Kỷ 20 tức là vào thập niên 40, vẫn còn cung cách đó. Một giai thoại thường được kể lại: Năm 1943, ông Lý Kiệm vừa mới nhậm chức. Một hôm đang ở đình làng làm việc cùng các viên chức, anh bõ nhà chung đến trình ông lời của cha xứ tây:
Thưa thầy Lý, cha ‘’truyền’’ thầy lên nhà xứ để gặp Cha.
Thầy lý trợn mắt, với lấy cây roi mây, quất cho anh bõ một roi, và nói: ‘’Này thì truyền’’.
Chưa hết, ông quất cho anh bõ thêm một roi nữa và bảo: ‘’Roi này đem về trình cha. Cút !’’
Chỉ tội nghiệp cho anh bõ. Mà cha tây từ đó cũng cảm thấy cần xét lại. Phải chăng quả như Lời Thánh Kinh: ‘’Cái gì của Thiên Chúa, hãy trả lại Thiên Chúa. Cái gì của César hãy trả cho César’’.
Một nhận định khác từng phàn nàn vì làng mình đã bị mất long mạch, cho nên việc học hành thường dở dang, đường tiến phát cứ trở ngại, không được bằng những làng khác trong vùng như Lương Đường hay Mộ Trạch tức là làng Trầm…
Nam giới vốn có rất nhiều khả năng về mọi lãnh vực kỹ thuật, nghệ thuật,văn chương, y dược, kinh tế, hành chánh và quân sự, nhưng vẫn cứ ở trong một chừng mực nào thôi, không có ai được kể là xuất chúng với tầm vóc quốc gia, chưa nói tới quốc tế !
Tuy nhiên, về phương diện tôn giáo thì hiển nhiên Kẻ Sặt là một Giáo Xứ phát triển và thịnh đạt vào bậc nhất trong Giáo Hội Việt Nam và có thể nói trong Giáo Hội Hoàn Vũ ! Những yếu tố sau đây đã chứng minh cách hùng biện cho nhận định này:
Một ngôi Thánh Đường đồ sộ, với những tổ chức đạo đức quy mô, những sinh hoạt tông đồ và phụng vụ sốt sáng, đặc biệt là một Giáo xứ có đông đảo Tu Sĩ nam cũng như nữ, nhất là có tới trên một trăm Linh Mục, hậu duệ của Các Đấng Anh Hùng Tử Đạo Tiền Nhân.(Vấn đề độc đáo này sẽ xin dược trình bầy rõ chi tiết sau, ở phần Lịch Sử…)
Lại còn có lời bàn rằng vì… máu mắt con rồng đã tràn lên, nên dân Sặt mới có nhiều người đau mắt và mù lòa. Lời bàn này xem ra có tính chất dị đoan. Thực ra, hiện tượng ‘’mắt toét’’ chỉ là vì dân làng ta trước đây phần lớn chuyên về trồng mầu, thường tưới bón bằng nước tiểu và phân người, cũng gọi là ‘’phân bắc’’, tức là phân hữu cơ. Vả lại, việc làm phân và giữ gìn vệ sinh lại không được cẩn thận, nên nhiều người mới dễ bị đau mắt như vậy. Cũng vì thế, Kẻ Sặt Miền Bắc trước kia còn có hiện tượng độc đáo nữa là… rất nhiều ruồi.
E. NHỮNG CUỘC TRIỆT TIÊU KHÁC
Thế đất quý ở Khu Trung cũng đã bị triệt đi một cách xem ra có lý trong bối cảnh thiết kế ngôi Thánh Đường vĩ đại như chúng ta thấy ngày nay.
Nguyên thuỷ ở Khu Trung có một gò đất tuy không cao, nhưng nổi lên khỏi mặt đất bằng và trông như hình một con rùa lớn, ở gần với bờ Sông Sặt.
Không phải với xe ủi như thời nay, nhưng chỉ bằng cuốc, xẻng với sức người, gò đất đó đã bị đào trũng xuống thành một cái ao mới, đặt tên là Ao Rùa.
Khối đất lớn đó đã được dân xứ vận chuyển bằng cách khiêng tay và chở bằng xe bò để đem lấp đi một cái ao cũ ở trước hai cây tháp, cho công trường thánh đường thêm rộng rãi, gọi là Sân Ao Lấp.
Trở lại công cuộc triệt hạ long mạch. Đến đầu thế kỷ 20, ông Phủ Khoát về nhậm chức Phủ Bình Giang, mà cơ quan hành chánh của Phủ đặt ngay tại Kẻ Sặt. Ông ta nguyên là một tướng cướp khét tiếng, tuy không biết chữ nhưng lại có nhiều tài thiên bẩm, nhất là giỏi về khoa địa lý. Pháp đã chiêu dụ được ông và phong cho chức tri phủ.
Khi đi quan sát quanh làng Sặt, ông từng gật gù hiểu ý vị giáo sĩ Y Pha Nho trước đây. Nhưng ông ta còn phát hiện được những sợi râu rồng vẫn còn nguyên vẹn ở hai cánh đồng Đằng Bùi và Nấm Bưởi. Để triệt hạ cho dứt, ông đã lập dự án bồi đê bằng cách cho đào một con sông, tức Sông Đào hay Sông Bà Bống. Đặc điểm con sông này tuy nông, nhưng nước thì luôn trong và xanh. Thế là mọi long mạch thuộc đất Kẻ Sặt đều bị triệt hết ! Những sợi râu rồng vẫn còn trải dài tới các làng Châu Khê, Lương Đường và Ngọc Cục. Phải chăng vì thế mà ở những nơi đây đã từng có những người nổi danh về văn học và đạt tới phẩm tước triều đình như Phạm ngũ Lão và Phạm Quỳnh ?
Về thế đất Ly ở Khu Tư cũng đã bị yểm nên không phát lên được. Có những cái nấm đất khá lớn, nhất là Nấm Thiêng ở gần Trường Ga. Đó chính là những nơi chôn vàng bạc châu báu mà quân Tầu trong thời kỳ Bắc thuộc đã cướp của dân ta, đồng thời cũng để yểm đi một thế đất quý.
Theo khoa phong thần, trước hết họ chọn một thế đất theo nguyên tắc dịch lý…Sau khi đào và đặt của cải xuống, họ bắt cóc một người trinh nữ, cho ngậm nhân sâm rồi gắn miệng lại, đặt ngồi và trói chân tay vào một ngai vàng. Trước mặt là một cây đèn dầu, có lỗ thông hơi đủ cho người thở và đèn cháy. Sau một trăm ngày, nhân sâm tan và dầu đốt cạn hết; người con gái cũng chết và trở thành thần giữ của. Năm 1953, Quân Đội Pháp đã dùng xe ủi đất để lập đồn binh, tất cả các nấm đều đã bị san bình địa, và thế đất Ly hoàn toàn biến mất.
F. HI VỌNG VẪN VƯƠN LÊN
Tới thời đại chúng ta ngày nay, rất may mắn và thật kỳ diệu, vẫn còn lại một thế đất nguyên vẹn, đó là thế đất Phượng, với cánh chim trải rộng và mỏ ngậm tờ giấy như đã mô tả ở trên… Hẳn Hoàng Thiên đã ưu ái bảo tồn cho Quê Hương Kẻ Sặt thân yêu của chúng ta phần gia tài hiếm quý này; vì mặc dù đó là một thế đất dễ nhận ra và rất gợi cảm, mà không hề bị một toan tính nào của người trần phá đi !
Cho nên trên tinh thần của niềm tin chính đáng, chúng ta có thể đinh ninh rằng, vào một lúc nào đó sắp tới đây, thế đất Phượng còn lại nói trên, sẽ đến thời kỳ hồng phát. Đó chính là lúc mà ‘’Phượng Hoàng minh vu cao cương’’, thì toàn dân ta dù còn lại ở Miền Bắc, đã di cư vào Miền Nam hay đang lưu lạc khắp nơi trên hành tinh Địa Cầu này, cũng sẽ cùng được thừa hưởng khí thiêng địa linh quê hương yêu dấu mà Chúa đã ban cho như thể nơi có đầy những sữa và mật vậy.
Một cách cụ thể, hẳn đó là lúc mà Kẻ Sặt chúng ta sẽ có những điển hình nổi bật về nhiều lãnh vực: tôn giáo, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chính trị và quân sự ở tầm vóc quốc gia cũng như quốc tế.