Đời sống thuở ban đầu
Qua vết thời gian, chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu cặn kẽ về tình trạng đời sống tinh thần và vật chất của làng xứ Kẻ Sặt trong những thế kỷ đầu, cho tâm hồn vời vợi dâng cao.
1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Như đã ước tính, từ năm 1553 về sau, thôn Trang Liệt được thành lập. Đây cũng chính là năm mà theo Việt Nam Giáo Sử của Linh mục Phan Phát Huồn, các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã đến truyền bá đạo Công Giáo tại Việt Nam. Từ cách gọi theo dân gian: Liệt Thôn, rồi Trang Liệt, triều đình đã đặt là xã Tráng Liệt. Do đó, Tráng Liệt cũng được chính thức tổ chức theo hệ thống hành chánh quốc gia thời bấy giờ.
Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, đó là thời kỳ Trịnh, Nguyễn phân tranh. Họ Nguyễn ở phía Nam, Họ Trịnh ở phía Bắc. Vua Lê trở thành hữu danh vô thực. Thủ lãnh của mỗi thế lực lúc đó được gọi là ‘’chúa’’, như chúa tể thống lĩnh. Tráng Liệt thuộc vùng cai trị của chúa Trịnh.
2. TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH
Theo cuốn Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp, thời kỳ này nước ta được tổ chức từ trung ương đến địa phương gồm có: Bộ, Đạo, Phủ, Lộ, Trấn, Châu, Huyện, Xã, Thôn. Tráng Liệt thuộc Đạo Nam Sách ( sau trở thành Xứ rồi Tỉnh Hải Dương). Khi Tráng Liệt được nâng lên cấp Xã hay Làng với tư cách pháp nhân, thì có cơ quan quản trị do người làng tự cắt đặt ra, có công điền, công thổ, có hương ước (như hiến pháp) và khoán lệ (như luật pháp).
Trong công cuộc xây dựng cộng đồng quê hương, chúng ta không thể quên kể đến Các Vị Hương Trưởng Đầu Tiên, cũng gọi là Đầu Làng đã nối tiếp sự nghiệp của ông bà Tổ, điều hành công vụ, áp dụng những nghị quyết của các cụ và thi hành chính sách triều đình.
Việc này quả thực không thể tìm ra được những tài liệu lịch sử biên niên chính xác. Nhưng qua ký ức của các vị cao niên, cùng với những văn tự bằng chữ Nho và chữ Nôm của một số gia đình còn giữ được, rồi đến những bài ca vãn thành văn và truyền khẩu, thì những vị Hương Trưởng Đầu Tiên sau đây được ghi nhận:
- Ông Lý Khang
- Ông Lý Quyền
- Ông Tổng Phú
- Ông Tổng Tráng
- Ông Tổng Cần
- Ông Lý Khoa
- Ông Lý Tín
- Ông Lý Độ
- Ông Lý Chỉnh.
Đặc biệt, hai vị ở đầu danh sách này còn thuộc số Các Anh Hùng Tử Đạo Kẻ Sặt nữa. Làm việc đời, nhưng các vị cũng là tín hữu. Do đó, dưới ánh sáng Tin Mừng, các vị đã chu toàn nhiệm vụ cách tốt đẹp.
Cùng với giáo quyền, các vị hương trưởng trên đã hình thành những nền nếp tổ chức làng xứ, tạo nên truyền thống độc đáo của quê hương mà chúng ta sẽ đề cập tới trong những đoạn sau.
3. PHONG TỤC TẬP QUÁN
Thời gian chưa nhận được ánh sáng dức tin Công Giáo, chưa có thánh đường, thì làng đã xây dựng được một ngôi thờ phượng theo tín ngưỡng phổ thông của dân tộc Việt Nam và cũng là nơi họp bàn việc công ích. Đó là Ngôi Đình Làng.
Đình làng được xây dựng trên một thế đất đẹp tại Khu Thượng. Phía trước Đình có một giếng nước gọi là Giếng Đình. (Giếng ở Miền Bắc rộng như một cái ao, người ta gánh nước về nhà để làm nước uống và nấu ăn). Phía sau Đình là một cái ao rộng hình cái dạ chó, gọi là Ao Chạ. Đặc biệt, mọi dòng nước quanh vùng đều chẩy tập trung vào ao này rồi mới đổ ra Sông Sặt.
Đình sơ khởi chỉ gồm một gian nhà gỗ nhỏ kiểu cổ, hai bên có hai dẫy nhà giảng võ và dậy học, với những cây cổ thụ. Tới đầu thế kỷ 20, đình được xây lại theo kiểu đông, tây, kim, cổ phối hợp, rộng lớn hơn và có trần nhà. Cũng như các làng khác, trong đình có bàn thờ ông Thần Làng rất linh thiêng…
Hàng năm, ngày 25 tháng chap gọi là ‘’ngày hạp triện’’ tức là chuẩn bị tổ chức, đến ngày mồng 10 tháng giêng là ‘’ngày khai triện’’ thức là ngày mở cửa đình. Khởi đầu ngày hội làng lớn này là một cuộc rước lão long trọng, mời các cụ cao niên và vị vọng vào đình đồng chủ tọa. Ông Lý Trưởng điều hợp chương trình đại hội. Đại lược chương trình nghị sự của ngày mở cửa đình gồm có:
Nhận khai tân đinh, các Ngõ đệ trình danh sách những thanh niên nam giới đến tuổi 18, đăng ký vào sổ đinh của làng, tức là xin vào làng.
Nhận trình lão hạng, tức những ông tới tuổi 55 được sắp xếp vào danh sách để khi đủ 60 tuổi sẽ lên lão, chính thức trở nên thành viên của Hội Hương Lão hay Hội Kỳ Anh.
Bắt khoán tức là áp dụng những biện pháp chế tài hay trừng phạt của làng đối với những vi phạm phá làng phá xóm, trộm cắp, chửa hoang v.v…
Tháo khoán là tuyên bố tha cho những ai đã bị phạt vạ xong hay đã đoái công chuộc tội. Tháo khoán cũng còn là nhận những đơn xin nhập bạ vào làng vớiđiều kiện có người bảo lãnh.
4. ĐỜI SỐNG VĂN HÓA
Nho học rất thịnh hành kể từ đời Tiền Lê. Cứ ba năm một khoa thi Hội được mở tại kinh đô. Tới năm Mậu Ngọ 1678 thì ba năm mở một khoa thi Hương tại các tỉnh.
Trường làng ta lúc đầu là ở ngay tại hai dãy nhà giảng võ trong khu đình làng. Những vị khoa bảng trong làng đã từng có một số các vị như cụ Nghè Nhân, ông Cử Nghĩa, ông Tú Cương và các ông khóa, ông đồ…Một số văn, thơ, vè do các vị sáng tác còn được lưu truyền tới ngày nay, sẽ xin được giới thiệu riêng ở phần Phụ Lục…
Về văn nghệ và giải trí của người lớn cũng như trẻ em thường có tính cách bình dân nhưng không kém sâu sắc và vui tươi.
Các trò chơi gồm có: đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, đánh chắt, nhẩy dây, nặn đất, thả diều, múa lân, kể cả những hình thức đỏ đen như lắc đĩa, tổ tôm, chắn, bất, tam cúc v.v…
Để thưởng thức tinh thần cách tao nhã, cũng có những thể loại văn chương như ngâm thơ, bình câu đối. Nhưng phổ thông nhất vẫn là những bài ru em, hát trống quân và diễn kịch. Nhạc khí chỉ có các loại đàn cổ Việt Nam như độc huyền hay đàn bầu, nhị, nguyệt, sáo, tiêu, trống, phách, xênh; gọi chung là ‘’phường bát âm’’ theo giai điệu ngũ cung Đông Phương (hò, sừ, sang, xê, cống).
Đặc biệt nhất là khi áp dụng trong việc thờ phượng, các cụ còn sáng tác những điệu ca vãn như dâng hoa, dâng hạt, than quyển, ngắm đứng đầy dân tộc tính. Ngoài ra còn các phường trống của ba khu được tổ chức và tập luyện những âm thanh, động tác và nhịp điệu hết sức linh hoạt và tưng bừng.
Việc thông tin đại chúng thì dùng mõ. Mõ là một dụng cụ làm bằng gốc tre già, được khoét rỗng ở giữa, có khe hở như miệng há , khi cầm khúc cây gõ vào thì phát ra âm thanh ròn rã, tần số lên cao và vang xa. Người đảm trách công tác này được gọi là anh mõ, đúng ra là ‘’thằng mõ’’. Đó là một nhân viên thông tin có nhiệm vụ đi đến từng ngõ, gõ một hồi mõ để gây sự chú ý của bà con, rồi rao lên những lời thông tin. Ví dụ: ‘’Cốc cốc cốc…Nghe đây! Nghe đây! Tôi chiềng làng nước, dân dậy tôi đi rao, nhà ai có trâu bò bị ốm, mai đem lên đình mà báo… Cốc cốc cốc.’’
Một vài đặc trưng khác của người Làng Sặt trong thời kỳ này, đó là: Không nhà nào viết gia phả rõ ràng mà chỉ là những lời chỉ bảo truyền khẩu của cha ông cho con cháu, cho nên những thế hệ về sau rất dễ quên tên các bậc tổ tiên và họ hàng. Về việc đặt tên, thì lúc đó không dùng giấy khai sinh như ngày nay. Khi có thủ tục làm giấy khai sinh thì ngoài tên họ, còn tên đệm cho nam đều là Văn, tên đệm cho nữ đều là Thị. Đến tên gọi, thì lại ít dùng các tên khác nhau như ngày nay. Nhiều nhà đông con thì gọi con trai đầu lòng là Cả (với tên gọi nào đó theo sau), con gái đầu lòng là Ả (với tên gọi nào đó theo sau), và tiếp theo cũng chỉ có một tên, nhưng phân biệt người nọ với người kia bằng cách dùng số thứ tự. Ví dụ: Hai Mỗ, Ba Mỗ, Bốn hay Tư Mỗ cho tới Chín… Mười… v.v…
5. SINH HOẠT KINH TẾ, XÃ HỘI
Sinh kế căn bản của làng ta trong giai đoạn sơ khai chỉ ở hai lãnh vực chính là canh nông và chài lưới. Ruộng vườn đều là đất khẩn hoang. Những năm đầu đều được miễn thuế. Sau đó Trịnh Cương sai các quan phủ, huyện làm việc đạc điền và định thuế biểu.
Trong canh nông, cần kể tới nghề trồng rau và trồng thuốc lào. Thuốc lào Sặt được đồng bào miền Thượng du ưa chuộng vì khói thuốc khá nặng.Nghề chài lưới cũng thịnh hành, do có Sông Sặt thuận lợi và bọc theo ven làng.
Ngoài ra, các dòng nước khắp các vùng xung quanh lại theo hệ thống rạch và cừ, mà đổ về làng Sặt, mang theo rất nhiều loại thuỷ sản…
Một số nghề thủ công khéo léo như đan lát, lò rèn, nặn tượng và đồ gốm cũng được khởi sự. Đặc biệt, về mặt thương mại thì mỗi ngày một phát triển mạnh, vì những yếu tố địa lợi, trên bến, dưới thuyền, đường giao thông thuận tiện với các vùng lân cận, nhất là năng khiếu kinh doanh của dân làng.
Về tiền tệ, thời Lê Trung Hưng vẫn tiêu tiền Hồng Đức từ đời vua Lê Thánh Tôn tức là tiền kẽm. Triều đình còn cho đúc bạc lạng để tiêu; mỗi lạng 10 đồng, mỗi đồng 2 tiền. Bạc có thể cắt ra mà tiêu cũng được.
Đường cái chỉ là do đắp đất lên, còn những con đường trong ngõ xóm thì lát gạch và lát nghiêng nên rất bền bỉ cho tới ngày nay vẫn tồn tại.
Việc di chuyển và chuyên chở thì đi bộ, mà đi chân đất. Nếu phải mang theo vật dụng thì gánh, vác, khiêng rất cực nhọc và tốn sức. Khi số lượng vật dụng nhiều thì dùng xe bò kéo nặng nề và chậm chạp.
Xới, xúc đất thì dùng cuốc, xẻng. Cày, bừa ruộng thì dùng sức người và trâu kéo. Để dẫn thuỷ nhập điền, gầu dai, gầu sòng được sử dụng và dùng guồng để kéo nước, nhất là khi tát ao bắt cá.
Về nhu cầu ánh sáng, dân làng thường đốt đuốc, thắp nến và đốt đèn dầu lạc hay thầu dầu. Đặc biệt, tại các ngã ba ngã tư đường làng còn có những cột đèn và được thắp sáng ban đêm cho việc đi lại được dễ dàng và an toàn.
Về nhà ở, đại đa số thì mái lợp ra, vách trát đất. Gia đình nào khá giả thì dựng nhà bằng gỗ, tường xây và mái lợp ngói. Nói chung thì nhà nào cũng có một cái sân lát gạch để phơi thóc và hoa mầu.
Bữa ăn cơ bản là cơm, canh với cà ,cá…tuy đạm bạc nhưng ngon miệng và bổ dưỡng. Chất đốt phổ thông là rơm, rạ, củi, trấu và than.
Không có dịch vụ y tế công cộng, nhưng khi đau yếu thì dân làng thường tự chữa trị theo kinh nghiệm dân gian. Đối với những bệnh nặng thì có những ông lang chẩn mạch và bốc thuốc theo khoa Đông y, thường gọi là Thuốc Bắc.
Cách trang phục và trưng diện của cả nam và nữ giới, mọi người thường chỉ mặc áo cánh mầu nâu, quần thâm, riêng nữ giới thì dùng váy thâm, chân trần hay đi guốc. Khi dự lễ hội, nam giới mặc quần trắng, áo dài đen, tóc búi tó, đội khăn xếp hay che ô; nữ giới mặc áo dài tứ thân 4 mầu, váy thâm, vấn tóc tròn và đội nón lá. Các bà các cô không dùng đến một loại mỹ phẩm nào, nhưng tóc thì được gội bằng bồ kết thơm tho, ăn trầu cho má đỏ tự nhiên và răng nhuộm đen kít mầu hạt huyền…
6. AN NINH, PHÒNG THỦ
An ninh phòng thủ làng thôn là một công tác quan trọng được chú tâm đặc biệt, để bảo vệ sinh mạng và tài sản của cư dân, để phát triển và thăng tiến đời sống.
Xung quanh làng được đào cừ, đắp lũy và trồng tre kiên cố, có những cổng làng để ra đồng. Trong làng còn có những điếm canh (điếm tuần). Mọi thanh niên tới tuổi 18 sau khi khai tân đinh ở đình, đều có nhiệm vụ tuần phu bảo vệ và xây dựng làng.
Vũ khí gồm có dáo, mác, gậy gộc, trống, chiêng, tù và v.v… Thanh niên được huấn luyện quyền thuật và côn trượng rất tinh tường.
Phòng hỏa cũng thuộc lãnh vực an ninh. Dụng cụ chính là câu liêm để kéo sập những ngôi nhà gần đám cháy cho khỏi bị lây lan.
Đối với quốc gia, thanh niên còn có nghĩa vụ quân sự khi tình hình đòi hỏi. Nhà Hậu Lê đặt ra hai thứ binh: Một là Ưu Binh lấy tại Thanh Hóa, Nghệ An, có nhiệm vụ phòng thủ kinh đô, được cấp công điền; hai là Nhất Binh, lấy tại Sơn Nam, Sơn Tây và Hải Dương, có nhiệm vụ phòng thủ các trấn, tỉnh, được lập thành vệ, cơ, đội. Mỗi cơ có 200 người, để 100 tại ngũ còn 100 trừ bị cho về làm ruộng.
Trong thời kỳ này, có một vị chỉ huy quân sự lừng danh cấp Cơ thuộc tỉnh Hải Dương, là ông quản cơ (đại đội trưởng) Chu Tăng Xương, lại chính là người làng Tráng Liệt của chúng ta. Ông từng lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhưng trong một trận giao tranh với quân Tầu, ông đã bị chúng chặt mất thủ cấp. Triều đình bèn truy tặng ông một cái đầu bằng vàng ròng, rồi mới đưa về quê quán. Ông được mai táng tại một huyệt đất quý thuộc khu vườn nhà cụ Bạ Hanh. Sau này người ta thường thấy có nhiều hiện tượng phi thường… Truyện này xem ra lại khác với truyện kể về nguồn gốc lập làng trước đây.
7. GIÁO XỨ TIÊN KHỞI
Như đã trình bầy, làng Tráng Liệt được hình thành cùng thời với đạo Công Giáo tại Việt Nam.
Và trong đoạn về nguồn gốc quê hương, ông bà Tổ là người đã được chịu Phép Rửa, từ vùng Thanh Hóa di cư ra miền Hải Dương, tạm trú tại làng Châu trước, rồi mới rồi lên lập nghiệp vĩnh viễn tại đất Sặt. Vì đạo đức, đầy năng lực và có uy tín, nên hẳn Ông Bà đã được sự cảm mến của những người sống xung quanh, và đã hình thành được một cộng đoàn sơ khởi những người tin vào Chúa Dêu (tiếng cổ, gọi Chúa Giê Su). Hiện ở làng Châu tuy không có giáo hữu, nhưng vẫn còn một nền nhà rộng phía trên một cái ao gọi là Ao Nhà Thờ và một dẫy tre gọi là Lũy Gia Tô là vị trí ẩn nấp của giáo hữu trong thời cấm đạo. Lại có lời truyền tụng rằng trong một trận lụt, người ta thấy một Tượng Chịu Nạn trôi ngược dòng nước từ Châu sang Sặt. Dân làng vớt lên thờ và đạo bắt đầu từ đó.
Về mặt lý trí, chúng ta có thể căn cứ vào những sự kiện về Đạo Công Giáo tại Miền BắcViệt Nam nói chung, được thường thuật trong Việt Nam Giáo Sử của L.M. Phan Phát Huồn, và Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam của Lm. Bùi Đức Sinh, để suy ra sự hình thành của giáo xứ tiên khởi Kẻ Sặt.
Ngày 2-2-1626, giáo sĩ Baldinotti người Ý, thuộc Dòng Tên, được gửi tới Bắc Việt. Người được Trịnh Tráng đón tiếp và trọng đãi tại Hà Nội.
Ngày 2-7-1627, giáo sĩ Alexandre De Rhode (Cha Đắc Lộ) cũng tới Hà Nội. Người và một số vị khác nói sõi tiếng Việt, nên công cuộc truyền giáo hết sức hiệu quả. Trở về La Mã. Cha Đắc Lộ xin Đức Giáo Hoàng Innocent X cho thành lập hàng giáo sĩ và địa phận tại Việt Nam.
Tiếp đó là sự nghiệp của các cha thuộc Hội Truyền Giáo Ba Lê (Mission Étrangère De Paris). Năm 1679, Đức Cha Pallu xin Tòa Thánh chia địa phận của ngài ra làm hai: Địa phận Tây Bắc và Địa phận Đông Bắc.
Ngày 14-2-1670, Đức Cha La Motte họp công đồng tại Nam Định và chia địa phận ra nhiều xứ, mà linh mục bản quốc được cử làm cha chính xứ.
Lúc đó Bắc Việt có 7 thừa sai Pháp, 11 linh mục Việt, nhiều thầy giảng và 200.000 giáo dân.
Giáo xứ Kẻ Sặt tiên khởi được hình thành trong khoảng thời gian và bối cảnh Giáo Hội Việt Nam sơ khai như trên, đặc biệt với những sự kiện sau:
Năm 1627, một linh mục Dòng Tên, tiếng Việt gọi là Cha Năng đã đến Tráng Liệt giảng đạo. Năm 1630, giáo xứ Kẻ Sặt được chính thức thành lập, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, (theo tài liệu của Cha Bùi Đức Sinh). Vị chính xứ tiên khởi là Cha Antôn Học, (theo lời kể của Cha Già Trung).
Năm 1676, Cha Juan de Santa Cruz (Cha Thập), vị thừa sai dòng Đa Minh ra Đàng ngoài giảng đạo đã ở Tráng Liệt.
Năm 1695, từ một làng có cả lương lẫn giáo, Tráng Liệt trở thành một giáo xứ Công Giáo toàn tòng, với dân số khoảng trên 1000 người.
Tráng Liệt được Cha Chính Địa Phận Đàng Ngoài Francois Deydier, gọi là Cha Phan chọn làm trụ sở truyền bá Phúc Âm của cả Miền Bắc Việt Nam. Khi ngài .được tấn phong giám mục, Đức Cha Deydier đã đặt tòa giám mục đầu tiên của Địa Phận Đàng Ngoài tại Tráng Liệt, tiền thân của các Địa Phận Miền Bắc, kể cả Hải Phòng.
Năm 1702, Đức cha Lezoli, giám mục tiên khởi của địa phận Đông được tấn phong tại Tráng Liệt. Sau này, Kẻ Sặt còn vinh dự được chọn làm nơi tấn phong nhiều giám mục khác như: Đức cha Raimundo Lezzoli Cao, Đức Cha Nicasio Arellalo Huy, Đức Cha Ruiz De Azua Minh và Đức Cha Francois Gomez Lễ .
Nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Khu Thượng, trong lãnh địa Nhà Phước ngày nay. Tại Khu Trung và Khu Hạ thì có nhà nguyện, còn gọi là nhà giáo.
Thời đó bổn đạo gọi các cha bằng ‘’cụ’’, gọi đức giám mục là Đức Thầy hay ‘’Đấng Vít Vồ’’ (phiên âm từ tiếng La Tinh Episcopus hay tiếng Pháp Évêque). Ngoài ra còn có các từ ngữ khác như: Rosario là Văn Côi hay Mân Côi, Dominico là Đa Minh, Sacramento là Bí Tích, Sanctissimo là Xăng Ti, Adventus là Mùa Át, Trường kẻ thử la tinh là Tiểu Chủng Viện, Trường Lý Đoán là Đại Chủng Viện v.v…
Cũng như trường hợp các vị hương trưởng đầu tiên đã nói ở trên, về phương diện tôn giáo, các Vị Trùm Trưởng Đầu Tiên đã có nhiều công sức trong sự nghiệp xây dựng giáo xứ thời kỳ tiên khởi. Những vị còn được biết quý danh nêu sau đây là căn cứ theo những lời kể và theo những văn bản còn lưu lại. Nếu thiếu sót thì đây cũng là một vấn đề còn cần được sưu tầm thêm:
- Ông Trùm Tầm
- Ông Trùm Kìn
- Ông Trùm Nhường
8. BIẾN CỐ CẤM ĐẠO
Con đường theo Chúa quả là con đường thập giá. Tuy nhiên, Đau Khổ Dọn Nền Xây Hạnh Phúc và Thập Giá Đưa Đường Tới Vinh Quang. Cũng như Giáo Hội sơ khai hai nghìn năm về trước và ở khắp nơi, Giáo Hội Việt Nam đồng thời Cộng Đoàn Tráng Liệt cũng cùng chịu đau khổ và chịu thử thách như vàng trong lửa vậy.
Suốt hai thế kỷ 18 và 19, bao cuộc bách hại Đạo Công Giáo đầy máu và nước mắt đã diễn ra, do các triều đình phong kiến nhà Nguyễn chủ trương, khiến dân làng Kẻ Sặt đã có hàng trăm vị tử vì đạo trong đó danh tính của 33 vị còn được lưu truyền. Thế nhưng nỗi đau thương này lại trở thành niềm hãnh diện của mọi con dân Kẻ Sặt, từ đời này qua đời kia.
Trong thời khó khăn này, giáo xứ Tráng Liệt đã từng là nơi trú ẩn an toàn của các vị thừa sai. Nhưng đến năm 1712, Trịnh Cương cấm đạo, làng Tráng Liệt bị đốt ra tro, riêng có ngôi thánh đường lại được bình yên.
Năm 1721, Trịnh Cương lại cấm đạo lần nữa. Xứ Tráng Liệt bị bao vây và cướp phá, có tới 150 bổn đạo bị án ‘’phát lưu thảo trượng’’ tức là đem đi giết tập thể và chôn vùi chung dưới một huyệt tại phủ Bình Giang, bên trên có bảng đề ‘’Giặc Da Tô’’.
Tới năm 1924, dân làng đã cải táng các vị và đem về quê hương. Có 2 nguồn tin: Một nói rằng hài cốt của Các Vị được chôn cất tại cánh đồng Mả Mài, cạnh dòng Sông Đào, với mộ đài xây bằng gạch đã được thiết lập để tưởng niệm, nên thường gọi là Vườn Thánh.
Nhưng cũng nguồn tin khác nói rằng hài cốt của Các Vị được an táng ở Nấm Bưởi và cánh đồng Vực sau Đền Camêlô. Mới đây, ngày 1-11-1995 lại cải táng lần nữa để đặt tất cả di cốt của các vị tại ngay lễ đài Nghĩa Địa ngày nay, như những hình ảnh ghi nhận trên đây.
Riêng về những vị còn được biết tên, có ông Luca Thu lúc đó đã 60 tuổi bị đưa đi đầy ở La Phù thuộc tỉnh Quảng Yên rồi chết rũ tù tại đó. Ông là vị tử đạo tiên khởi của giáo xứ.
Trên 100 năm sau, vào năm 1861,Tự Đức lại cấm đạo quyết liệt và sắt máu hơn nữa. Tráng Liệt cũng như tất cả các làng công giáo khác phải phân tán và sát nhập vào các làng bên lương khác để không được giữ ‘’tả đạo’’ nữa. Các vị biết tên còn lại là những đầu mục và thứ mục (những chức sắc về đạo và đời) đều bị xử trảm (chém đầu) cùng ngày 9-5-1862, nhằm ngày 11 tháng Tư năm Nhâm Tuất, tại pháp trường Năm Mẫu ngoại ô tỉnh Hải Dương. Ngày hôm sau, thi hài các Tôi Tớ Chúa đã hy sinh được thân nhân và dân làng đưa về quê quán và an táng trong thánh đường cũ trên Khu Thượng và ở cánh đồng Sa Trong. Sau này khi ngôi thánh đường chính được xây dựng tại trung tâm làng xứ như hiện nay, hài cốt của các Đấng đã được cải táng và đặt cả dưới gian cung thánh, dưới độ sâu 2 mét tây.
Các Anh Hùng Tử Đạo Tiền Nhân này, gồm có:
01. Thầy giảng Đaminh Nghĩa 02. Ông Lý Phanxicô Khang 03. Ông Đồ Tôma Ba
04. Ông Phó Gioan Hậu 05. Ông Vệ Đaminh Khảng 06. Ông Vệ Đaminh Tuấn
07. Ông Phó Vicentê Đạt 08. Ông Khán Đaminh Kham (Thuận) 09. Ông Khóa Đaminh Tơ
10. Ông Phêrô Linh 11. Ông Lái Gioan Khuông 12. Ông Đaminh Cận
13. Ông Vệ Gioan Thoa 14. Ông Vệ Đaminh Đắc 15. Ông Vệ Phanxicô Chi
16. Ông Vệ Đaminh Lập 17. Ông Vệ Đaminh Mậu 18. Ông Vệ Gioan Cán
19. Ông Khán Đaminh Dụng 20. Ông Lý Đaminh Quyền 21. Ông Phó Đaminh Nhuận (Khuê)
22. Ông Lang Đaminh Xao 23. Ông Khán Phêrô Bích 24. Ông Vệ Phanxicô Châu
25. Ông Lang Đaminh Lục 26. Ông Vệ Đaminh Phổ
Hai Mươi Sáu vị trên đã được Đức Cha Colomer Lễ Địa Phận Đông cùng Cha Chính Masso Tế khởi sự việc tra án Tử đạo năm 1871, để đệ trình Tòa Thánh La Mã xin tôn phong Chân Phước. (Linh mục Bùi Đức Sinh đã soạn riêng một cuốn tiểu sử các vị, nhan đề ‘’26 Anh Hùng Tử Đạo Kẻ Sặt’’, do ông Chu Văn Nghiệp xuất bản năm 1974).
Ngoài 26 vị trên đã có hồ sơ tại Tòa Thánh, còn 7 vị khác nữa là:
- Ông Luca Thu, 60 tuổi, chết rũ tù ở Quảng Yên.
- Ông Lang Phêrô Nhàn, 71 tuổi, chết rũ tù ở Hải Dương.
- Ông Gìa Khán, tính cương trực, giàu bác ái.
- Ông Khán Điệp, người có tài săn bắt.
- Ông Vệ Thân, một quân nhân hào hùng.
- Ông Lang Bạc, một lương danh y.
- Chú Khoa, 17 tuổi, một thanh niên can trường.
Như vậy, không thể kể tới hàng trăm vị tử đạo vô danh khác, những vị mà hậu thế còn được biết đến tên trên đây tổng cộng là 33 vị.
Có 2 bài thơ vẫn được truyền tụng trong dân làng. Một nhan đề ‘’Truyện Các Đấng Tử Đạo Kẻ Sặt’’. Đây là bài diễn ca theo thể thơ lục bát, dài 440 câu, không rõ tác giả, nhưng hẳn là do một Ông Khóa nào đó. Một bài khác nhan đề ‘’Vãn 26 Ông Tử Đạo Kẻ Sặt’’. Đây là một bài vãn theo thể thơ ngũ ngôn, dài 124 câu. Nội dung cả 2 bài đều tường thuật tình hình cấm đạo, quý danh và tính khí của từng vị Anh Hùng Đức Tin Tiền Nhân. Với những câu như:
‘’Lang Xao, Lang Bạc, Đồ Ba
Bán tơ cân sợi gọi là Lái Khuông’’
‘’Dù cho xương thịt tan tành
Phó trong tay Đấng Tạo Thành mà thôi.’’
‘’Xưa ở tỉnh Hải Dương, huyện Bình Giang Kẻ Sặt’’
Tiến trình phong thánh là cả một vấn đề thời gian khá lâu dài, với những điều kiện ắt có và đầy đủ… Chúng ta kỳ vọng nơi nỗ lực vận động của hàng trăm vị mục tử Kẻ Sặt hiện nay, ở trong nước và nhất là ở hải ngoại; đồng thời cùng hiệp ý cầu nguyện và góp phần, hầu ước vọng chung mau trở thành hiện thực.
Một sự kiện đặc biệt và đáng ghi là: Trong số 117 Vị Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam được tôn phong năm 1988, có Cha Vinh Sơn Đỗ Yến thuộc dòng Đaminh, sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Nam Định, bị xử trảm ngày 30-6-1838 tại Hải Dương, dưới thời Minh Mạng. Tuy ngài không là người gốc Sặt, nhưng lại là vị mục tử coi sóc xứ Sặt, nên cũng gọi là Thánh Tử Đạo Kẻ Sặt; như các vị người nước ngoài mà chịu nạn tại VN. thì vẫn gọi là các Thánh Tử Đạo Việt Nam vậy. Bộ xương thánh của ngài vẫn được đặt ngay ở tòa cạnh bên phải gian cũng thánh, từ dưới nhìn lên, từ lâu lắm rồi, nhưng không ai biết rõ. Năm 1957, sau biến cố di cư, thì một số anh em Liên Minh Thánh Tâm (vì thời cuộc, lúc đó gọi là Nhóm Ca Đoàn) khi sắp xếp lại tòa, đã mở nắp hòm đặt ở giữa tòa, và bất ngờ phát giác ra có một bộ xương sọ ở trong. Những hàng chữ La Tinh và Hán Tự cho biết dó chính là xương của Thánh Vinh Sơn Đỗ Yến: OSSA – Beati Vincentii YẾN – Sacerdotis Et Mart – Ord – Praed.
(Sự kiện nêu trên là hoàn toàn chính xác, khác với nguồn tin từng nói rằng: ‘’Năm 1999, nhân dịp đại tu ngôi thánh đường chính để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Công Đồng Kẻ Sặt, người ta đã phát giác ra ở trên trần nhà thờ, một cái hộp đựng chiếc sọ người, có ghi là: ‘’Thủ cấp Cha Đỗ Yến’’.)
Tưởng cũng nên tìm hiểu về một câu tục ngữ quê hương thường được nhắc tới là: ‘’Gan Sặt, mặt Búa’’, với những lẽ sau:
‘’Can’’ tức là ‘’Gan’’. Quả thực, ngoài tính can đảm, gan dạ trong chiến đấu của người Sặt qua dòng lịch sử thành lập làng, còn đức can trường của người tín hữu Sặt đối với lòng tin vào Thiên Chúa, cho dù phải chịu khốn khó hay chịu chết vì đạo, như những biến cố trong thời phong kiến trình bầy ở trên…
‘’Búa’’ hay ‘’Phúc Bố’’ là tên một làng ở bên kia sông Sặt, với một họ đạo gọi là Thuỷ Cơ gồm những gia đình chài lưới. Làng Búa đã từng giúp đỡ giáo dân Sặt trong thời kỳ bách đạo bằng cách lập một cầu nổi bằng bè nứa cho dân Sặt chạy qua lánh nạn, nhưng bè bị đứt khiến một số người đã bị chết đuối. Gọi là ‘’mặt Búa’’ vì ở đây từng có những vị làm mát mặt cho dân họ như Ông Án Búa, ông Cử Trinh…