Đối với Đức Phanxicô: “Chúng ta có thể trở nên thánh khi làm chính trị”
Trả lời câu hỏi của một thành viên trẻ của phong trào Đời sống Kitô hữu, Đức Phanxicô đã vinh danh những ai “xen” vào các việc làm chính trị dù “làm việc nhỏ hay việc lớn”. Theo ngài, ai sợ tội và không dám làm thì họ bị lầm. “Nếu anh chị em có bàn tay bẩn thì anh chị em xin Chúa tha tội và xin anh chị em tiến tới đàng trước!”, Đức Phanxicô đã nói như trên với 5.000 thành viên của phong trào đến gặp ngài.
“Nếu Chúa gọi anh chị em trên con đường này thì xin anh chị em lên đường, hãy làm chính trị dù con đường này có thể làm anh chị em đau khổ, có thể sẽ làm anh chị em phạm tội, nhưng Chúa ở với anh chị em. Anh chị em xin Chúa thứ tội và tiến tới đàng trước.” Trong buổi gặp hàng ngàn giáo dân Ý trong phong trào Đời sống Kitô hữu, như thường lệ, Đức Phanxicô để qua một bên bài diễn văn soạn sẵn – “như tất cả các bài diễn văn, nó sẽ làm anh chị em chán” -, để trả lời bốn câu hỏi của những người hiện diện đặt ra.
Công việc mục vụ ở nhà tù, hy vọng, đào tạo linh mục… đó là những chủ đề được các thành viên của cộng đồng tông đồ theo tinh thần của thánh I-Nhã đặt ra cho Đức Phanxicô. Họ là những người rất dấn thân trong các sinh hoạt xã hội. Anh Gianni 30 tuổi, người miền Aquila, thủ đô của Abruzzes, vùng bị tàn phá do cuộc động đất năm 2009 mà việc xây dựng bị chậm trễ do nhiều lý do, trong đó có lý do tham nhũng. Anh Gianni dấn thân trong các công việc của “các hiệp hội và trong lãnh vực chính trị”, anh đặt một câu hỏi đơn giản: làm sao “duy trì quan hệ giữa đức tin vào Chúa Kitô và hành động cho một xã hội công chính và đoàn kết hơn?”
“Một người công giáo không thể bằng lòng đứng ở ban công nhìn”
Đứng trước câu hỏi lớn này, Đức Phanxicô đã có những chữ đơn giản để nói lên xác quyết của mình: “Làm chính trị là rất quan trọng, dù làm việc lớn hay làm việc nhỏ! Chúng ta có thể trở nên thánh khi làm chính trị.” Đương nhiên không có chuyện “lập đảng công giáo, đó không phải là con đường”, ngài cẩn thận đề phòng trước, trong một nước mang dấu ấn mạnh bởi những thăng trầm của nền dân chủ trong tinh thần Kitô.
Nhưng ngược lại, “xen vào việc chính trị” không những chỉ là một cách, một chọn lựa nhưng còn là một “bổn phận” của người công giáo. “Một người công giáo không thể bằng lòng đứng ở ban công nhìn”, nói với các thành viên của Hiệp hội Đời sống Kitô, ngài lặp lại lời nói ngài đã nói với các sinh viên của các trường đại học Rôma và nhất là trong buổi canh thức kết thúc Ngày Giới Trẻ ở Rio de Janeiro năm 2013…
Ở Ý hai năm nay, hàng ngày ngài gặp các nhà lãnh đạo chính trị ở trên khắp thế giới, gì thì gì, ngài không ngây thơ. Các chữ của ngài đủ để nói lên, ngài, người xem lãnh vực chính trị là một “hình thức tử đạo, tử đạo hàng ngày: người đi tìm để có lợi ích chung mà không bị tham nhũng cám dỗ, (…) qua những chuyện nhỏ, rất rất nhỏ, những chuyện dần dần”, dù phải “mang thánh giá của rất nhiều thất bại và bao nhiêu là tội.”
Những người công giáo “làm chính trị với bàn tay sạch và tốt”
Những tấm gương của Robert Schuman (1886-1963) mà án phong chân phước đang tiến hành, của Alcide De Gasperi (1881-1954), nhà sáng lập Dân chủ trong tinh thần Kitô ở Ý, người được xem như một trong các Tổ phụ của Âu Châu, cho thấy có những người công giáo “đã làm chính trị với bàn tay sạch và tốt” và như thế làm “lợi cho hòa bình giữa các quốc gia”.
Nói chuyện như một cha tuyên úy nói với người trẻ, Đức Phanxicô đưa ra câu hỏi và câu trả lời, ngài nêu lên các được thua trong việc dấn thân của Giáo hội vào lãnh vực chính trị. Để chống với nạn “thờ thần tài”, chống nạn “văn hóa của loại bỏ” giết “em bé chưa sinh, loại người già ra khỏi xã hội”, để thực hiện được sự thật của giáo huấn theo tinh thần Kitô, giáo dân không được ngần ngại khi dấn thân, dù “bàn tay và tâm hồn bị dơ đi một chút”, ngài giải thích rõ ràng như trên.
Đối với Đức Phanxicô, ai nói: “Dạ thưa cha, không, con không muốn làm chính trị vì con không muốn phạm tội”, người đó lầm: “Hãy tiến tới đàng trước. Hãy cầu xin Chúa giúp anh chị em tránh dịp phạm tội và nếu anh chị em có bàn tay dơ, xin Chúa tha thứ và hãy tiến tới đàng trước. Phải làm, anh chị em phải làm…”
“Tất cả các giáo hoàng trước Đức Phanxicô đều muốn khôi phục lại danh dự cho chính trị”
Đối với linh mục Dòng Tên Alain Thomasset, chuyên gia trong giáo huấn xã hội của Giáo hội, sự mới mẻ của bài diễn văn này ở hình thức chứ không ở nội dung: “Kể từ Đức Piô XI, tất cả các giáo hoàng trước Đức Phanxicô đã thấy đây là một “nghề cao thượng’, họ muốn khôi phục lại danh dự cho chính trị.” Trước Đức Phanxicô, Đức Gioan-Phaolô II với Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici) năm 1988, rồi Đức hồng y Ratzinger khi ngài đứng đầu Bộ Tín Lý và khi ngài là Giáo hoàng cũng đã đặt vấn đề về những nguy cơ liên hệ đến chính trị.
Linh mục Alain Thomasset ghi nhận, “có thể nên nhấn mạnh nhiều hơn trên sự kết hợp của đức tin – đấu tranh cho công chính là một cách sống đời sống đức tin và ngay cả đó là một đòi hỏi của đức tin – hơn là nhắc lại các nguyên tắc lớn. Giáo huấn không mới nhưng cách nói độc đáo. Đức Phanxicô không sợ để nói lên điều này: thà làm chính trị mà bị lầm còn hơn là không làm.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
(phanxico.vn 04.05.2015/ lacroix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 05-03-2015)