ĐTC Phanxicô: dùng ơn Chúa ban để phục vụ
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, hôm 1.10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về đăc sủng của Thánh Thần trong Giáo Hội. Ngài nói rằng đây không phải là tài năng riêng của con người, nhưng là ân sủng mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Ngài cũng nói thêm rằng sự phong phú các đặc sủng trong Giáo Hội không nên là duyên cớ để mình tự cao tự đại, nhưng chúng ta phải biết sử dụng chúng để phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn.
Sau đây là toàn văn bài chia sẻ của ngài:
“Xin chào anh chị em,
Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đổ đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội để làm cho Giáo Hội thêm sống động và phong nhiêu. Nếu phải phân biệt ân sủng này thành những ơn riêng để xây dựng và để giúp ích cho hành trình của cộng đoàn Kitô hữu, đó gọi là các đặc sủng. Trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn đặt vấn đề: vậy thì, chính xác thì đặc sủng có nghĩa là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra và đón nhận nó? Và hơn hết: việc Giáo Hội có nhiều đặc sủng nên được nhìn nhận với cái nhìn tích cực, như một cái gì đó tuyệt đẹp, hay như một vấn đề?
Bình thường, khi người ta nói “đặc sủng”, người ta có ý nói đến tài năng, một khả năng tự nhiên. Nhưng khi nói: “Người này có đặc sủng (biệt tài) giảng dạy”, thì có phải nói rằng anh ta có tài không? Đấy, khi đối diện với một người rất tài năng và dấn thân trong công việc, người ta thường nói: “Đây là một người có biệt tài”. – “Nghĩa là sao?” – “Tôi không biết, nhưng đó là một biệt tài”. Chúng ta thường nói như thế, đúng không? Chúng ta không biết chúng ta nói gì, nhưng chúng ta thường nói như thế: “Đó là một biệt tài”. Nhưng dưới cái nhìn Kitô giáo, đặc sủng còn là cái gì đó cao hơn khả năng cá nhân, hay là cái gì đấy mà con người có thể tự mình thủ đắc. Đặc sủng là một ơn, một món quà Chúa Cha ban tặng qua tác động của Thánh Thần. Đó là một ơn được ban cho ai đó, không phải vì người đó tuyệt vời hơn người khác hay vì người đó xứng đáng: đó là một ơn mà Thiên Chúa ban cho người ấy, để cùng với tinh thần nhưng không và tình yêu như Chúa, người ấy có thể sử dụng nó để phục vụ cộng đoàn vì thiện ích cho tất cả. Nói theo kiểu con người một chút thì Thiên Chúa ban tài năng này, đặc sủng này cho người này không phải vì chính anh ta, nhưng là để phục vụ tất cả cộng đoàn. Hôm nay, trước khi đến quảng trường này, tôi đã gặp gỡ rất nhiều trẻ em tàn tật tại Thính Đường Phaolo VI. Một hiệp hội để dấn thân chăm sóc các trẻ em: cái gì vậy? Hiệp hội này, những con người này, những thiện nam tín nữ này có đặc sủng chăm sóc các trẻ em tàn tật. Đây là một đặc sủng.
Một điều quan trọng cần phải được nhấn mạnh ngay là người ta không thể tự mình biết được là mình có đặc sủng này hay đặc sủng kia hay không. Nhưng nhiều lần, chúng ta nghe nhiều người nói rằng: “Không, tôi có tài năng này, tôi biết hát hay!” và không ai dũng cảm nói với họ rằng: “Tốt hơn là bạn nên im đi vì mỗi khi bạn hát là bạn đang tra tấn chúng tôi!” Không ai có thể nói rằng: tôi có đặc sủng này. Chính cộng đoàn là nơi nở ra những ân sủng mà Chúa Cha đổ đầy trên chúng ta, và chính trong lòng cộng đoàn mà người ta học nhận ra những điều đó như một dấu chỉ của tình yêu dành cho mọi con cái của Người. Thế nên, tốt hơn là mỗi người chúng ta hãy tự vấn: “Có đặc sủng nào mà Thiên Chúa khơi lên trong tôi nơi ân sủng của Thánh Thần Người không và có ân sủng nào mà anh chị em của tôi, trong cộng đoàn Kitô hữu, nhận ra và được thêm sức không? Tôi phải làm gì với món quà này: tôi sống với lòng quảng đại, tôi dùng nó để phục vụ mọi người, hay tôi chẳng để ý đến nó và quên nó đi? Hay có khi nó trở thành điều khiến tôi kiêu hãnh về mình, than phiền về người khác và muốn cộng đoàn phải làm theo cách của tôi?” Đó là những câu hỏi mà chúng ta phải tự vấn mình. Liệu tôi có một đặc sủng nào không, liệu tôi có nhận ra đặc sủng này từ Giáo Hội không, và liệu tôi có hài lòng với đặc sủng này và tôi có một chút ganh tị với các đặc sủng của người khác và muốn có đặc sủng đó không… Không, đặc sủng là một món quà. Chỉ Thiên Chúa mới có thể ban.
Tuy nhiên, kinh nghiệm tuyệt vời nhất là khám phá ra rất nhiều đặc sủng khác nhau và nhiều món quà của Thánh Thần mà Chúa Cha tuôn đổ trên Giáo Hội! Không nên nhìn điều này với một sự bối rối hay khó chịu: tất cả đều là những món quà mà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn Kitô hữu để cộng đoàn có thể lớn lên một cách hòa hợp, trong đức tin và trong tình yêu của Người, như một thân thể duy nhất, thân thể của Đức Kitô. Chính Thánh Thần là Đấng ban phát sự khác biệt các đặc sủng này, làm nên sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Chính Thánh Thần làm điều này. Vì thế, trước sự phong phú các đặc sủng này, con tim chúng ta phải mở ra với niềm vui sướng và chúng ta phải nghĩ rằng: “Thật tuyệt đẹp biết bao! Nhiều ân sủng khác nhau vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và được yêu thương theo một cách thức độc nhất!” Thật đáng buồn nếu các ân sủng này trở nên duyên cớ cho sự ganh ghét và chia rẽ, ganh tị! Như trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corinto, chương 12, tất cả các đặc sủng đều quan trọng trong mắt Chúa và đồng thời, không gì có thể thay thế. Điều này có ý nói rằng trong cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta cần đến nhau, mỗi ơn sủng nhận được sẽ trở nên tròn đầy khi được chia sẻ với anh chị em vì thiện ích của tất cả mọi người. Đây chính là Giáo Hội! Khi nào Giáo Hội, trong sự phong phú của các đặc sủng, được diễn tả trong sự hiệp thông, thì không thể nào sai lạc được. Đây là nét đẹp và là sức mạnh của sensus fidei, cảm thức siêu nhiên của đức tin, mà Chúa Thánh Thần ban cho để tất cả có thể cùng nhau đi vào tâm điểm của Tin Mừng và học cách bước theo Đức Giêsu trong đời sống của mình.
Các bạn thân mến, đây chính là điều mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta ngày hôm nay: nhận ra những đặc sủng khác nhau mà Người đã phân phát trong cộng đoàn với niềm vui sướng và lòng biết ơn, và hợp tác với nhau tùy theo sứ mạng và việc phục vụ mà chúng ta được mời gọi. Nhờ đó, Giáo Hội có thể được lớn lên với ân sủng của Thiên Chúa và trong mọi nơi mọi lúc, Giáo Hội có thể trở thành dấu chỉ khả tín và là chứng tá sống động cho tình yêu Thiên Chúa.”
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ