Đức Giáo Hoàng lấy Châu Mỹ La Tinh làm gương mẫu
Ý thức về sự nghèo khổ của châu lục, khi đi thăm ba nước ở châu lục này, Đức Jorge Bergoglio cũng muốn nâng cao gương mẫu độc đáo của sự phát triển và kinh nghiệm phong phú của Giáo hội ở đây cho thế giới biết.
Chính trong chuyến đi vùng ngoại vi nhưng cũng là trọng tâm của Châu Mỹ La Tinh mà Đức Phanxicô bắt đầu cuộc viếng thăm Quito, thủ đô của Ecuador, nơi ngài được đón tiếp vào chiều chúa nhật 5 tháng 7-2015.
Sau Rio de Janeiro (Ba Tây) cách đây hai năm nhân Ngày Giới Trẻ, không một nước lớn nào ở đây được Đức Phanxicô dừng chân trong chuyến đi đầu tiên về châu lục này. Ngay cả quê hương Argentina cũng không, khi ở Ascuncion, thủ đô Paraguay ngài cũng chỉ có thể nhìn về cố hương từ xa xa và cũng phải chờ đến ngày 10 tháng 7-2015.
Ngược lại, ba nước Ecuador, Bôlivia, Paraguay là những nước nhỏ nhất ở Nam Mỹ. Như thế có thể tóm tắt thách đố của một châu lục mang đậm nét sinh động của người bản xứ, vấn đề môi sinh của rừng Amazon, sự toàn cầu hóa, nạn nghèo khổ, các căng thẳng của lãnh thổ, nạn buôn ma tuý hay sự phát triển đô thị không kiểm soát.
Đến bên cạnh những người bị gạt ra bên lề
Tất cả các mối quan tâm này đều thân thiết với cựu Tổng giám mục Buenos Aires. Để chuẩn bị cho giáo dân thuộc địa phận Santa Cruz của Bôlivia, nơi Đức Giáo hoàng sẽ đến ngày thứ tư 8 tháng 7, trong tháng vừa qua tòa giám mục đã tổ chức các buổi tối học hỏi về Đức Phanxicô và “lựa chọn người bị gạt ra bên lề của ngài”.
Quy tụ các đại diện cơ quan, đoàn thể, nghiệp đoàn, các nhà chính trị, các buổi gặp gỡ này bàn về vấn đề người trẻ không có việc làm, những trẻ em bị bỏ rơi, những “người già” không có tiền hưu, các tù nhân không được xét xử.
Bao nhiêu là nạn nhân của “văn hóa loại bỏ” mà Đức Giáo hoàng không ngừng lên án và những chủ đề mà ngài phải lên tiếng qua 22 bài nói chuyện trong chuyến tông du này, chuyến đi dài nhất cho đến giờ phút này của triều giáo hoàng của ngài. Rất nhiều cuộc viếng thăm cho thấy tầm quan trọng của các người bị gạt ra bên lề này. Như thế 5000 tù nhân ở nhà tù quá tải Palmasola, Santa Cruz đang sốt ruột chờ ngài đến thăm.
Hình tượng các gương mẫu mới
Đâu sẽ là sứ điệp ngài muốn nhắn?
Nếu Đức Phanxicô đã ưu tiên cho các nước ngoại vi ở Âu Châu (Albania, Bosnia) là vì ngài muốn nâng giá trị của việc sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các tôn giáo.
Lần này ở Châu Mỹ La Tinh, chuyến đi của ngài là để khuyến khích một cách có thể phát triển để hòa giải các điều trái ngược.
Những gương mẫu mới “phối hợp truyền thống Kitô và tiến bộ dân sự, công chính và công minh chính trực với sự giải hòa, phát triển khoa học và kỹ thuật với minh triết khôn ngoan của con người, với sự đau khổ làm phong phú cho niềm vui mang đầy hy vọng”, như ngài đã giảng trong bài giảng ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe, 12 tháng 12-2014.
Trong lần phỏng vấn trước chuyến đi này, chuyến đi mà hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cùng tháp tùng, hồng y đã so sánh Châu Mỹ La Tinh như một “phòng thí nghiệm, nơi thử nghiệm các mẫu mới của sự góp phần và các hình thức có tính biểu hiệu hơn” để cho “các tầng lớp dân chúng có tiếng nói mà cho đến giờ này họ chưa được nghe cho đủ”. “Phòng thí nghiệm” này sẽ được thấy rõ vào ngày thứ năm 9 tháng7, khi ngài đến Santa Cruz để gặp các “phong trào bình dân” mà Đức Giáo hoàng sẽ chủ sự với sự hiện diện của Tổng thống Evo Morales của Bôlivia.
Khuyến khích nhiệt huyết của việc truyền giáo
Theo hồng y Parolin, khuôn mẫu của Châu Mỹ La Tinh cũng là khuôn mẫu mà phần còn lại của Giáo hội cũng nên xem, đặc biệt hồng y muốn nhắc đến tài liệu Aparecida, tên một đền thờ ở Ba Tây nơi Đức Jorge Bergoglio đã tích cực tham gia vào cuộc hội thảo của Hội đồng Giám mục của Châu Mỹ La Tinh (Celam) được tổ chức ở đây năm 2007. Hồng y Bergoglio đã soạn thảo “Tài liệu Aparecida” này.
Tổng giám mục Sergio Gualberti, địa phận Santa Cruz cho biết, “Khi Đức Phanxicô nói đến một Giáo hội đi ra, một Giáo hội đi truyền giáo, khi ngài nhắc chúng ta phải là môn đệ-truyền giáo, khi ngài nói đến những vùng ngoại vi thì chúng tôi tìm trong các quy chiếu này một ngôn ngữ chung, đã được triển khai trong các buổi hội thảo lớn của Celam, của Medellin cho đến Aparecida”.
“Cũng một cách này, cũng một phương pháp làm việc của ngài ở Thượng Hội đồng, với việc tham khảo rộng lớn từ nền tảng giống như cách ngài đã làm ở Celam, các tài liệu được đưa đến bàn luận ở cấp bậc giáo xứ.” Các buổi gặp gỡ mà Đức Giáo hoàng sẽ gặp trong từng nước với các giám mục hay với các tu sĩ, các chủng sinh là những dịp để khuyến khích tinh thần truyền giáo của Giáo hội này.
Chuyến đi này cũng vun đắp lại tinh thần truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên. Công trình của Dòng Tên trải dài trong từng nơi ngài viếng thăm. Ở Paraguay, lịch sử đánh dấu bởi sự “thu nhỏ lại” vào văn hóa bản địa của các tu sĩ Dòng Tên nhưng hình thức này cũng đã có ở Ecuador. Ngày thứ hai, 6 tháng 7, ở Guayaquil, Đức Phanxicô sẽ gặp các tu sĩ Dòng Tên trong bữa ăn sáng. Ngược với các chuyến tông du của các vị tiền nhiệm khác, tuần này Đức Phanxicô về mảnh đất quen thuộc của mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 06.07.2015/ la-croix.com, Sébastien Maillard (Roma) và Nicolas Senèze (Santa Cruz), 2015-07-05)