Đức Gioan Phaolô II nói về việc Đức Mẹ chứng kiến phục sinh
Dù Thánh Kinh không nói gì về việc Đức Mẹ liên hệ với Chúa Giêsu sau khi Người bị đóng đinh trên núi Canvariô, nhưng điều chắc chắn là Người có hiện ra với Đức Mẹ và chuyện trò với ngài.
Người quả có trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan lúc còn trên Thánh Giá: “thưa bà, này là con bà”. Người con này quả đại diện cho mọi Kitô hữu và toàn thể nhân loại, vì nay ngài là đấng trung gian đầy tình mẫu thân của ta. Tin Mừng cho ta hay Thánh Gioan đem Đức Mẹ về nhà mình từ ngày đó, nhưng liệu ta có thể nào tin được rằng Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, lại không bao giờ còn chuyện trò với Mẹ Người nữa không? Tại sao các soạn giả Tin Mừng lại quyết định không thuật lại bất cứ chuyện vãn nào giữa Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong trình thuật của các ngài?
Đó là những câu hỏi mà vị thánh sắp được tuyên phong (chỉ còn mấy ngày nữa thôi), là Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt ra trong buổi yết kiến ngày 21 tháng 5 năm 1997. Ta hãy đọc lại câu giải đáp của ngài:
Cứ giả thiết có sự “bỏ sót” đi, thì ta có thể gán sự im lặng này cho sự kiện sau: điều gì cần thiết cho nhận thức cứu rỗi của ta đều được ủy thác cho lời lẽ của những vị “được Thiên Chúa chọn lựa làm nhân chứng” (Cv 10:41), tức các Tông Đồ, những người làm chứng cho việc phục sinh của Chúa Giêsu “với quyền năng mạnh mẽ” (xem Cv 4:33). Trước khi hiện ra với các ngài, Đấng Trỗi Dậy đã hiện ra với một số phụ nữ tín trung vì họ có chức năng có tính Giáo Hội là “hãy đi và nói cho anh em Thầy tới Galilê, và ở đấy họ sẽ được thấy Thầy” (Mt 28:10).
Nếu các tác giả Tân Ước không đề cập tới việc Mẹ gặp Con trỗi dậy của mình, thì có lẽ điều này phải được gán cho sự kiện sau: một chứng tá như thế có thể bị những người vốn bác bỏ việc Chúa sống lại coi là quá thiên lệch, và do đó không đáng tin.
Đàng khác, các Tin Mừng tường thuật một số nhỏ các lần Chúa Giêsu trỗi dậy hiện ra và đó không phải là tóm lược trọn vẹn tất cả những gì diễn ra trong 40 ngày sau Phục Sinh. Thánh Phaolô nhắc ta nhớ rằng Người hiện ra “với hơn 500 anh em một lượt” (1Cor 15:6). Ta phải giải thích ra sao sự kiện: một biến cố ngoại thường được nhiều người biết như thế lại không được các soạn giả Tin Mừng nhắc gì tới? Đây là dấu chỉ rõ ràng cho thấy: nhiều cuộc hiện ra khác của Đấng Trỗi Dậy không được ghi chép, dù chúng đều là các biến cố nổi danh từng đã diễn ra.
Có thể nào Đức Mẹ, từng hiện diện trong cộng đoàn môn đệ đầu hết (xem Cv 1:14), lại có thể bị loại khỏi vòng những người được gặp Con Trai thần thánh của mình sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết?
Thực thế, hoàn toàn hợp lệ khi nghĩ rằng Mẹ hẳn phải là người đầu hết được Chúa Giêsu sống lại hiện ra. Há việc Đức Mẹ vắng mặt trong nhóm phụ nữ đi ra mồ vào lúc hừng đông (xem Mc 16:1; Mt 28:1) không cho thấy ngài đã được gặp Chúa Giêsu rồi đó ư? Suy diễn này cũng có thể được xác nhận nhờ sự kiện này: do chính thánh ý Chúa Giêsu, các nhân chứng đầu hết của phục sinh là các phụ nữ từng tín trung cho tới tận chân Thánh Giá và do đó là những người kiên tâm bền đỗ trong đức tin.
Thực thế, Đấng Trỗi Dậy ủy thác cho một người trong số họ, là Maria Mađalêna, sứ điệp gửi các Tông Đồ (xem Ga 20:17-18). Sự kiện này có lẽ cũng cho phép ta nghĩ rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Mẹ Người đầu tiên, vì Đức Mẹ là người tín trung bậc nhất và đã giữ vững đức tin của mình nguyên vẹn khi bị thử thách trăm bề.
Cuối cùng, đặc điểm độc đáo và đặc biệt trong sự hiện diện của Đức Mẹ tại Đồi Canvariô và việc ngài kết hợp hoàn toàn với Con yêu quí của ngài trong đau khổ trên Thập Gía đòi buộc ngài phải được chia sẻ với Người trong mầu nhiệm Phục Sinh.
Sedulius, một tác giả thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng trong cảnh huy hoàng của cuộc sống phục sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với Mẹ của Người trước nhất. Thực thế, Đức Mẹ, đấng lúc truyền tin vốn là đường để Chúa Giêsu bước vào trần gian, nay được mời gọi để loan truyền tin vui Sống Lại diệu kỳ ngõ hầu trở thành sứ giả loan báo việc Người trở lại trong vinh quang. Như thế, nhờ được tắm gội trong vinh quang của Đấng Sống Lại, ngài dự ứng trước cảnh huy hoàng của Giáo Hội (xem Sedulius, Paschale carmen, 5, 357-364, CSEL 10, 140f).
Quả là hợp lý khi cho rằng vì là hình ảnh và là khuôn mẫu của Giáo Hội đang chờ mong Chúa Sống Lại và được gặp Người trong nhóm các môn đệ ở các lần hiện ra dịp Phục Sinh, Đức Mẹ chắc chắn đã có những tiếp xúc bản thân với Con Trai sống lại của mình, để cả ngài nữa cũng được hân hoan trong sự viên mãn của niềm vui vượt qua.
Hiện diện trên Đồi Canvariô ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (xem Ga 19:25) và tại Phòng Trên Lầu ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Cv 1:14), chắc chắn Đức Mẹ cũng là chứng nhân ưu tuyển của việc Chúa Kitô sống lại, nhờ thế ngài hoàn tất việc tham dự vào mọi khoảnh khắc chủ yếu của mầu nhiệm vượt qua. Chào đón Chúa Giêsu sống lại, Đức Mẹ cũng là dấu chỉ và là dự ứng của nhân loại, một nhân loại hy vọng đạt được sự thành toàn của mình nhờ việc người chết sống lại.
Trong Mùa Phục Sinh, cộng đồng Kitô Giáo ngỏ lời với Mẹ của Chúa và mời gọi ngài vui lên: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng. Halêluia!” (“Regina Caeli, laetare. Alleluia!”). Cộng đồng này đã nhắc lại niềm vui của Đức Mẹ khi thấy Chúa Giêsu Phục Sinh như thế, và do đó, đã kéo dài qua thời gian “niềm vui”mà Thiên Thần vốn ngỏ với ngài lúc Truyền Tin, để ngài thực sự trở nên nguyên nhân của “niềm vui lớn”cho mọi người.
Vũ Văn An