Đức Phanxicô sắp bổ nhiệm Tân quốc vụ khanh Tòa Thánh
Nhiều nguồn tin trong ngày 30 tháng Tám cho thấy Đức Phanxicô sắp sửa bổ nhiệm tân quốc vụ khanh Tòa Thánh, một việc mà dư luận khắp thế giới đang chờ mong kể từ ngày Đức HY Bergoglio được bầu làm giáo hoàng cách nay gần 5 tháng.
Vị chức sắc được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào chức vụ hàng đầu trong nền hành chánh Giáo Hội là Đức TGM Pietro Parolin, vị chức sắc không lạ lùng gì đối với dư luận Việt Nam qua nhiều cuộc thương thuyết giữa Vatican và Việt Nam trong nhiều năm trước.
Mặc dù Đức Giáo Hoàng là nguyên thủ quốc gia, nhưng Quốc Vụ Khanh thường hành xử như người cầm đầu chính phủ, cả trong các vấn đề đối nội lẫn trong các liên hệ ngoại giao của Giáo Hội, biến ngài gần như một thủ tướng.
Hiện là sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, Đức TGM Parolin vốn là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng liên hệ tới việc lên khuôn cho nhiều giải pháp của Vatican đối với các thách đố chính trị hoàn cầu hết sức chủ yếu trong suốt 2 thập niên qua.
Đức TGM Parolin cũng được coi là nhà hành chánh có tài và hữu hiệu từng giữ chức phó bộ trưởng ngoại giao trong các năm 2002 tới 2009. Trong vai trò này, ngài thường hành xử một cách không chính thức như là thương thuyết gia hàng đầu của Vatican với thế giới bên ngoài.
Ký giả kỳ cựu về Vatican là Andrea Tornielli, vào hôm 30 tháng Tám, cho rằng Đức Phanxicô, trễ lắm vào ngày 31 tháng Tám, sẽ bổ nhiệm Đức TGM Parolin vào chức vụ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nếu dự đoán này chính xác, thì quyết định này nói lên ít nhất hai điểm quan trọng liên quan tới chiều hướng quản trị Giáo Hội của Đức Phanxicô.
Thứ nhất, nó cho thấy dù Đức Phanxicô cố gắng hoạch định một cuộc cải tổ tại Vatican, nhưng ngài không có ý định khởi đi từ số không. Thay vào đó, Đức TGM Parolin sẽ là người “tái khởi động” (reboot) hệ thống điều hành của Vatican trở lại thời kỳ lúc nó còn được coi là hữu hiệu.
Ngài vốn là người trong cuộc rất hiểu việc, nhưng lại không bị liên lụy gì tới những bế tắc tai tiếng nhất về quản trị từng diễn ra thời Đức HY Tarcisio Bertone. Các bế tắc này bao gồm vụ rắc rối xẩy ra năm 2009 chung quanh việc rút vạ tuyệt thông cho một giám mục từng bác bỏ Việc Diệt Chủng Người Do Thái, cũng như vụ tai tiếng rì rỏ ở Vatican. Các vụ này gộp lại với nhau đã khiến nhiều vị giáo phẩm cao cấp khắp thế giới bất mãn và một cách gián tiếp đã thúc đẩy các Hồng Y cử tri bầu “người ngoại cuộc” Á Căn Đình làm giáo hoàng.
Việc chọn một người Ý (Parolin vốn người Ý) xem ra cũng xác nhận điều này: Đức Phanxicô không có ý định hoàn toàn lật đổ nền văn hóa truyền thống của Vatican.
Mặt khác, việc chọn lựa này còn cho thấy Đức Phanxicô không muốn khả năng ngoại giao của Giáo Hội bị lu mờ trong khi ngài phải đương đầu với các thách đố nội bộ.
Ngay lập tức, Đức TGM Parolin sẽ trở thành phát ngôn viên hàng đầu của Giáo Hội trong các vấn đề quốc tế nóng bỏng như các cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria và Ai Cập. Ngài có nhiều kinh nghiệm tại vùng này, chỉ đơn cử việc ngài làm đại diện của Tòa Thánh tại Hội Nghị Annapolis năm 2007 về Trung Đông do chính phủ Bush triệu tập.
Mặt khác, các quan sát viên Vatican lâu đời nhận định rằng bất cứ ai được bổ nhiệm vào chức quốc vụ khanh dưới quyền Đức Phanxicô cũng sẽ không phải là nhân vật quyền thế giống như thời hai vị giáo hoàng tiền nhiệm, vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất, Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đích thân cầm cân nẩy mực mọi chuyện, một điều khiến ngài ít bị lệ thuộc các tùy viên.
Thứ hai, tân hội đồng gồm 8 Hồng Y khắp thế giới, do Đức Phanxicô công bố hồi tháng Tư, sẽ trở thành hội đồng cố vấn quan trọng nhất có tính chủ yếu trong các quyết định then chốt về chính sách, khiến văn phòng quốc vụ khanh giảm khá nhiều vai trò trong khía cạnh này.
Theo chiều hướng đó, Quốc Vụ Khanh dưới thời Đức Phanxicô sẽ hành xử như một trưởng tham mưu hơn là một “phó giáo hoàng”.
Sinh tại miền Veneto, Ý, Đức TGM Parolin, ngoài tiếng Ý, còn thông thạo tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Trước đây, ngài từng phục vụ tại các tòa sứ thần ở Mexico và Nigeria, và đã phụ trách về Nam Âu tại Văn Phòng Quốc Vụ Khanh.
Vũ Văn An