Đức Thánh Cha: 3 con đường dẫn đến nhận thức về Thiên Chúa
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 9 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 14-11-2012, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã trình bày về 3 con đường dẫn đến nhận thứ về sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Trong khi chờ đợi ĐTC đến Đại thính đường Phaolô 6, danh sách các phái đoàn đã được xướng lên và giới thiệu với mọi người, và các ca đoàn hiện cũng trình diễn những bài ca ngắn. Lúc 10 giờ 40, ĐTC tiến vào Đại thính đường giữa tiếng vỗ tay reo hò chào mừng của mọi người. Và trong bài huấn giáo tiếp đó, ĐTC tiếp tục loạt bài về năm đức tin. Ngài đặc biệt quảng diễn 3 con đường dẫn đến sự nhận biết Thiên Chúa:
Bài huấn giáo của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến
Thứ tư tuần trước (7-11-2012), chúng ta đã suy tư về niềm ước mong Thiên Chúa mà mỗi người mang trong thẳm sâu tâm hồn mình. Hôm nay tôi muốn tiếp tục đào sâu khía cạnh này, suy tư vắn tắt về một vài con đường để đạt tới sự nhận biết Thiên Chúa. Nhưng tôi muốn nhắc nhớ rằng sáng kiến của Thiên Chúa luôn đi trước mọi sáng kiến của con người, và cả trong hành trình tiến về Chúa, chính Chúa soi sáng cho chúng ta trước, Ngài hướng dẫn và dìu dắt chúng ta, luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Chính Chúa cho chúng ta đi vào cuộc sống thân mật với Ngài, tự biểu lộ và ban cho chúng ta ơn có thể đón nhận mạc khải ấy trong đức tin. Chúng ta đừng bao giờ quên kinh nghiệm của thánh Augustino, theo đó không phải chúng ta sở hữu Chân Lý sau khi tìm kiếm Chân Lý, nhưng chính Chân Lý tìm kiếm và chiếm hữu chúng ta.
”Tuy nhiên có những con đường có thể mở tâm hồn con người để họ nhận biết Thiên Chúa, có những dấu hiệu dẫn đến cùng Thiên Chúa. Dĩ nhiên, nhiều khi chúng ta có nguy cơ lầm lẫn vì những ánh đèn của thế gian, làm giảm bớt khả năng của chúng ta đi theo những con đường hoặc đọc những dấu chỉ ấy. Nhưng Thiên Chúa không mỏi mệt trong việc tìm kiếm chúng ta, Ngài trung tín với con người mà Ngài đã tạo dựng và cứu chuộc, Ngài gần gũi cuộc sống chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta. Xác tín này phải tháp tùng chúng ta hằng ngày, cả khi có một số não trạng lan tràn làm cho Giáo Hội và Kitô hữu khó thông truyền niềm vui Tin Mừng cho mỗi thụ tạo và dẫn đưa mọi người đến gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất. Nhưng đó là sứ mạng của chúng ta, là sứ mạng của Giáo Hội, và mỗi tín hữu phải sống sứ mạng ấy trong vui tươi, cảm thấy sứ mạng ấy là của mình, qua một đời sống thực sự được đức tin linh hoạt, thấm đượm đức ái, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, có khả năng chiếu tỏa hy vọng. Sứ mạng này chiếu tỏa rạng ngời, nhất là trong sự thánh thiện mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi đạt tới.
”Ngày nay không thiếu những khó khăn và thử thách đối với đức tin, đức tin thường ít được hiểu rõ, bị phản đối và phủ nhận. Thánh Phêrô đã nói với các tín hữu Kitô của ngài: ”Anh chị em hãy luôn sẵn sàng trả lời một cách dịu dàng và tôn trọng cho những ai hỏi anh chị em về niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em” (1 Pr 3,15). Tại Tây Phương trước đây, trong một xã hội được coi là Kitô, đức tin là môi trường trong đó chúng ta sinh sống; đối với phần lớn dân chúng, việc tham chiếu và gắn bó với Thiên Chúa là điều thuộc về đời sống thường nhật. Ai không tin thì phải chứng minh tại sao mình không tin. Nhưng trong thế giới ngày nay, tình trạng thay đổi và tín hữu Kitô ngày càng phải có khả năng làm chứng về đức tin của mình.
Chân phước Gioan Phaolô 2, trong thông điệp Fides et ratio (Đức tin và lý trí), đã nhấn mạnh rằng đức tin bị thử thách cả trong thời đại ngày nay, qua những hình thức tinh vi và xảo quyệt của chủ thuyết vô thần lý thuyết và thực hành (Xc nn.46-47). Từ thời thuyết soi sáng trở đi, sự phê bình tôn giáo ngày càng mạnh mẽ; lịch sử cũng bị ảnh hưởng nặng nề của những chế độ vô thần, trong đó Thiên Chúa bị coi như một điều do tâm hồn con người phóng tưởng ra, một ảo tưởng và là sản phẩm của một xã hội đã biến thái vì bao nhiêu điều tha hóa. Thế kỷ 20 vừa qua đã chịu một tiến trình tục hóa mạnh mẽ, dưới chiêu bài con người tuyệt đối tự trị, con người được coi là mẫu mực và là người kiến tạo thực tại, nhưng trở nên nghèo nàn vì bị coi là một thụ tạo, được dựng nên theo ”hình ảnh giống Thiên Chúa”.
Thời nay người ta nhận thấy một hiện tượng đặc biệt nguy hiểm đối với đức tin: thực vậy có một hình thức vô thần mà chúng ta gọi là vô thần thực hành, trong đó người ta không phủ nhận các chân lý đức tin hoặc các lễ nghi tôn giáo, nhưng chỉ coi chúng là vô nghĩa, không quan trọng đối với cuộc sống thường nhật, những điều tách rời khỏi cuộc sống và vô ích. Vì thế, nhiều khi người ta chỉ tin nơi Thiên Chúa một cách hời hợt, người ta sống ”như thể Thiên Chúa không hiện hữu” (etsi Deus non daretur). Nhưng rốt cuộc lối sống này càng tàn hại hơn nữa, vì nó đưa tới sự dửng dưng đối với đức tin và vấn đề Thiên Chúa.
”Trong thực tế, một khi xa lìa Thiên Chúa, thì con người bị thu hẹp vào một chiều kích, chiều ngang, và chính thái độ thu hẹp này là một trong những nguyên nhân căn bản đưa tới các chế độ độc tài, gây ra những hậu quả bi thảm trong thế kỷ vừa qua, cũng như cuộc khủng hoảng các giá trị mà chúng ta đang thấy. Khi làm lu mờ sự tham chiếu Thiên Chúa, thì người ta cũng che khuất chân trời luân lý đức, để nhường chỗ cho chủ thuyết duy tương đối và một quan niệm mơ hồ về tự do, tự do này thay vì có sức giải thoát, thì rốt cuộc lại rằng buộc con người vào những thần tượng. Những cám dỗ mà Chúa Giêsu đã đương đầu trong hoang địa trước khi bắt đầu sứ mạng công khai, cho thấy rõ rằng đâu là những ”thần tượng” thu hút con người khi nó không đi xa hơn chính mình. Nếu Thiên Chúa không còn vị thế trung tâm nữa, thì con người cũng đánh mất chỗ đứng đúng đắn của mình, không còn tìm thấy chỗ đứng của mình nữa trong các loài thụ tạo, trong tương quan với tha nhân. Điều mà triết lý cổ xưa gợi lại qua huyền thoại Prometeo vẫn không biến mất: con người nghĩ mình có thể trở thành thần minh của chính mình, là chủ tể sự sống và sự chết.
Đứng trước bối cảnh đó, Giáo Hội, trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, không bao giờ ngừng khẳng định chân lý về con người và về vận mệnh của con người. Công đồng chung Vatican 2 đã quả quyết vắn tắt rằng: ”Lý do cao quí nhất của phẩm giá con người hệ tại ơn gọi hiệp thông của họ với Thiên Chúa. Ngay từ khi mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực vậy con người không hiện hữu, nếu không được Thiên Chúa bảo tồn; vì được Thiên Chúa dựng nên, và được Ngài luôn luôn yêu thương, con người không sống hoàn toàn theo chân lý nếu không nhìn nhận Chúa một cách tự do và nếu không tín thác vào Đấng Tạo Dựng nên mình” (Gaudium et Spes, 19).
”Như vậy, đức tin được kêu gọi mang lại câu trả lời, – một cách dịu dàng và tôn trọng -, cho chủ thuyết vô thần, chủ thuyết hồ nghi, sự dửng dưng đối với chiều dọc, để con người thời nay có thể tiếp tục tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa và tiến bước trên những con đường dẫn đến Chúa? Tôi muốn nhắc đến vài con đường, xuất phát từ suy tư tự nhiên, cũng như từ chính sức mạnh của đức tin. Tôi muốn trình bày một cách rất cô đọng 3 từ này là: thế giới, con người, và đức tin.
Thứ nhất là thế giới. Thánh Augustino, người đã tìm kiếm Chân Lý lâu dài trong cuộc đời và đã được Chân Lý nắm bắt, thánh nhân có một trang rất hay và nổi danh, trong đó ngài khẳng định: ”Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, của biển khơi, của không khí bị loãng và lan ra khắp tới, hãy hỏi vẻ đẹp của trời cao…, hãy hỏi tất cả những thực tại ấy. Tất cả đều sẽ trả lời bạn: Hãy nhìn chúng và xem chúng đẹp dường nào. Vẻ đẹp của chúng như một bài ca chúc tụng. Vậy những thụ tạo đẹp đẽ như vậy, tuy là hay thay đổi, ai đã làm ra chúng nếu không phải là Đấng chính là vẻ đẹp bất biến?” (Bài giảng 241,2: PL 38,1134). Tôi thiết nghĩ cần phải phục hồi và giúp con người ngày nay phục hồi khả năng chiêm ngắm thiên nhiên, vẻ đẹp và cơ cấu của thiên nhiên. Thế giới không phải là một mớ hỗn mang không hình dạng, nhưng hễ càng biết thế giới, và càng khám phá những cơ cấu tuyệt vời của nó, chúng ta càng thấy một kế hoạch, và thấy rằng có một trí tuệ sáng tạo. Nhà bác học Albert Einstein nói rằng trong các luật lệ thiên nhiên, ”có biểu lộ một lý trí cao cả đến độ tất cả lý lẽ của tư tưởng và những hệ thống của con người chỉ là một phản ánh hết sức nhỏ bé so với lý trí ấy” (Il Mondo come lo vedo io, Roma 2005). Vì thế, con đường thứ I dẫn đến sự khám phá Thiên Chúa là chiêm ngắm thiên nhiên với cặp mắt chăm chú.
Thứ hai là con người. Cũng thánh Augustino có một câu thời danh trong đó ngài nói rằng Thiên Chúa ở sâu thẳm trong tôi hơn cả chính tôi (Xc Tự Thứ, III, 6,11). Từ đó thánh nhân đưa ra lời mời gọi: ”Bạn đừng đi ra khỏi chính mình, hãy trở về lòng mình: trong con người nội tâm có chân lý cư ngụ” (De vera religione, 39, 72). Đây là một khía cạnh khác mà chúng ta có nguy cơ lạc mất trong thế giới ồn ào và chia trí chúng ta đang sống: khả năng dừng lại và nhìn vào chiều sâu của chính mình và đọc niềm khao khát vô biên mà chúng ta mang trong mình, thúc đẩy chúng ta đi xa hơn và dẫn chúng ta đến một Đấng có thể làm cho mãn nguyện. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo quả quyết: ”Với sự cởi mở đối với chân lý và vẻ đẹp, đới với cảm thức về điều thiện, với tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng vô biên và mong ước hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa” (n.33).
Thứ ba là đức tin. Nhất là trong thực tại thời nay, chúng ta không được quên rằng một con đường dẫn đến sự nhận thức và gặp gỡ Thiên Chúa chính là cuộc sống đức tin. Ai tin thì kết hiệp với Thiên Chúa, cởi mở đối với ân thánh của Ngài, sức mạnh của bác ái. Như thế cuộc sống của họ trở thành chứng tá không phải về mình, nhưng về Đấng Phục Sinh, và họ không sợ biểu lộ niềm tin của mình trong đời sống thường nhật, họ cởi mở đối thoại biểu lộ tình bạn sâu xa trên hành trình của mỗi người, và biết mở ra những ánh sáng hy vọng cho nhu cầu cần được cứu chuộc, nhu cầu hạnh phúc, tương lai. Thực vậy, đức tin là cuộc gặp với Thiên Chúa, Đấng nói và hành động trong lịch sử và hoán cải cuộc sống hằng ngày của chúng ta, biến đổi nơi chúng ta não trạng, những phán đoán giá trị, những chọn lựa và hành động cụ thể. Đức tin không phải là một ảo tưởng, trốn chạy thực tại, một sự nương náu thoải mái, một thái độ duy tình cảm, nhưng đức tin là một sự dấn thân trọng cuộc sống và loan báo Tin Mừng, Tin Vui có khả năng giải thoát toàn thể con người. Một Kitô hữu, một cộng đoàn chăm chỉ hoạt động và trung thành với dự phóng của Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta trước, là một con đường ưu tiên đối với những người ở trong sự dửng dưng hoặc nghi ngờ về cuộc sống và hoạt động của mình. Nhưng điều này đòi mỗi người làm cho chứng về đức tin của mình ngày càng trong sáng, thanh tẩy cuộc sống của mình để nó phù hợp với Chúa Kitô. Nhiều người có một quan niệm hạn hẹp về đức tin Kitô, vì họ coi đó chỉ là một mớ hệ thống tín điều và giá trị chứ không phải là một chân lý về một Vị Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta trong lịch sử, một Thiên Chúa muốn thông ban cuộc sống thân mật với con người, trong một quan hệ yêu thương với Ngài. Trong thực tế, nơi nền tảng của mỗi đạo lý hoặc giá trị có một cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Kitô giáo, trước khi là một nền luân lý đạo đức, chính là một biến cố tình thương, là sự đón nhân con người của Chúa Giêsu. Vì thế, Kitô hữu và các cộng đoàn Kitô phải nhìn và giúp người khác nhìn Chúa Kitô là Đường chân thực dẫn đến Thiên Chúa.
Chào thăm
Sau bài huấn giáo dài bằng tiếng Ý, như thường lệ ĐTC tóm tắt bằng các sinh ngữ khác và chào thăm một số nhóm trong các phái đoàn hành hương. Đặc biệt ca đoàn của Nhà thờ chính tòa Westminster của Anh giáo ở Luân Đôn đã hát mừng ĐTC bài ca: Tu es Petrus, Con là Phêrô:
Trong phần chào thăm cuối cùng bằng tiếng Ý, ĐTC nhắc đến các tham dự viên diễn đàn do Caritas quốc tế tổ chức; các thừa sai, các LM, tu sĩ và giáo dân tham dự khóa học do Đại học Giáo Hoàng Salesiana tổ chức. Ngài cầu mong cho cuộc viếng thăm Tòa Thánh Phêrô giúp mọi người canh tân tinh thần và dấn thân truyền giáo. Sau cùng với các bạn trẻ, ĐTC nhắc đến lễ thánh Albertô Cả mừng vào ngày 15-11-2012 là bổn mạng của các nhà khoa học tự nhiên. Ngài nói: ”Hỡi những người trẻ thân mến, các con hãy biết dung hòa việc học hành nghiêm túc với những đòi hỏi của đức tin”.
LM. Trần Đức Anh OP (14/11/2012)