Đức Thánh Cha tôn phong 35 tân hiển thánh
VATICAN. Từ chúa nhật 15-10-2017, Giáo Hội đã có thêm 35 vị hiển thánh: 33 thánh tử đạo và 2 thánh hiển tu.
Đó là 3 thiếu niên tử đạo đầu tiên tại Mêhicô vào năm 1526, tiếp đến là 2 LM: Cha Anrê de Soveral, Cha Ambrosio Francesco Ferro và 28 giáo dân tử đạo tại Brazil năm 1645. Rồi đến hai chân phước hiển tu: Cha Angelo D'Acri dòng Capuchino người Italia và Cha Cha Manuel Míguez González dòng Scolopi người Tây Ban Nha.
ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong thánh từ lúc 10 giờ 15 tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 30 chục ngàn tín hữu, trong đó có hơn 600 người đến từ bang Tlaxcala quê hương của 3 thiếu niên tử đạo người Mêhicô. Ngoài ra có các phái đoàn chính phủ 4 nước: Brazil, Mêhicô, Tây Ban Nha và Italia.
4 bức tranh lớn của 4 nhóm các vị được treo ở mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô.
Đồng tế với ĐTC có hơn 60 HY, GM, đặc biệt từ các giáo phận và dòng tu liên hệ với các vị tử đạo. Ngoài ra có hơn 600 linh mục.
Đầu thánh lễ, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với 4 vị thỉnh nguyện viên của 4 án phong thánh, tiến lên trước ĐTC để xin ngài phong thánh cho 35 vị chân phước. Rồi ngài tóm lược tiểu sử của các vị.
30 thánh tử đạo Brazil
Công cuộc truyền giáo tại Bang Rio Grande do Norte ở miền duyên hải đông bắc Brazil được khởi sự hồi năm 1597 do các thừa sai dòng Tên và các linh mục giáo phận, đến từ Bồ đào nha. Các vị bắt đầu bằng việc giảng dạy giáo lý cho các thổ dân bản xứ và thành lập các cộng đoàn Công Giáo đầu tiên.
Những năm sau đó, có những người Pháp và Hòa Lan đổ bộ lên vùng này với chủ ý chiếm đoạt những nơi mà người Bồ đào nha đến lập cư trước đó. Người Hòa Lan thành công trong ý định này vào năm 1630. Họ là những người theo Tin Lành Cải cách của Calvin và có các mục sư đi kèm. Họ giới hạn tự do tôn giáo tại một vùng trong đó cho đến bấy giờ, các tín hữu Công Giáo được tự do hành đạo. Vì thế, trong thực tế với sự chiếm đóng của người Hòa Lan, các tín hữu Công giáo tại bang Rio Grande do Norte bắt đầu bị bách hại.
Hồi đó tại bang này chỉ có hai giáo xứ: tại Cunháu, có Giáo xứ Đức Mẹ Thanh Tẩy do cha André Soveral coi sóc, nguyên thuộc dòng Tên; tiếp đến tại Natal có giáo xứ Đức Mẹ Dâng Mình do cha Ambrosio Francisco Ferro làm cha sở.
Cả hai xứ đạo đều là nạn nhân của cuộc bách hại cam go do người Tin Lành Calvin gây ra: các tín hữu tại xứ Cunhau bị giết hại ngày chúa nhật 16-7 năm 1645 cùng với cha sở André Soreval, 73 tuổi. Trong nhà thờ hôm đó có gần 70 giáo dân dự lễ. Phần lớn họ là nông dân, làm việc trong đồn điền trống mía. Vừa sau khi cha truyền phép, một toán lính Hòa Lan cùng với các thổ dân thuộc bộ lạc Tapuias võ trang tràn vào nhà thờ và tấn công dã man các tín hữu đang dự lễ. Cha Soreval buộc phải ngưng thánh lễ và cùng với các tín hữu hiện diện đọc kinh của những người hấp hối. Tất cả các thổ dân đều bị giết, ngoại trừ 5 tín hữu người Bồ đào nha bị bắt làm con tin. Trong số 60 người bị giết, người ta chỉ biết tên cha sở Soreval và một giáo dân Domingos Carvallo.
Tại giáo xứ Natal, cha sở Ambrosio và các giáo dân hay tin thảm sát, đã tìm cách chạy trốn, nhưng bị người tin lành bắt và đưa tới Uraxu, bị cắt chặt thân thể và để cho chết dần chết mòn. Lúc đó là tháng 10 cùng năm 1645. Thi thể họ bị bỏ mặc cho mưa gió và thú dữ. Số người bị giết ít nhất là 28 người.
3 thiếu niên tử đạo tại Mêhicô
Ba thánhthiếu niên Mêhicô tử đạo năm 1527 và 1529 ở Tlaxcala là Cristoforo, Antonio và Gioan. Hoa quả đầu mùa của công cuộc truyền giáo ở Mỹ châu. Hai vị đầu tiên thuộc dòng dõi quí tộc, thân phụ là hai tù trưởng, còn Gioan là đầy tớ của Antonio.
Các thừa sai dòng Phanxicô và Đa Minh đến truyền giáo tại miền Tlaxcala. Các thổ dân ở đó thờ các thần minh và thường có những vụ sát tế người cho cac thần. Các thừa sai dùng cả các phương pháp quyết liệt như phá hủy các đền thờ và thần tượng ngoại giáo. Việc làm này đưa tới phản ứng của phần lớn thổ dân địa phương, và họ trút bỏ sự thịnh nộ trên 3 thiếu niên Cristoforo, Antonio và Gioan.
Cristoforo sinh năm 1514, và con trai cưng và cũng là người sẽ nối nghiệp tù trưởng Axcotecatl. Chẳng bao lâu, Cristoforo cũng theo gương của ba người anh em khác, đến học trường của các thừa sai Phanxicô từ năm 1524. Cristoforo theo học giáo lý và tự nguyện xin chịu phép rửa tội, và nhận tên thánh là Cristoforo. Và trong thời gian ngắn sau đó cậu trở thành tông đồ truyền bá Tin Mừng cho những người thân trong gia đình và những người quen biết.
Cristoforo đề nghị với thân phụ và xin ông theo đạo, từ bỏ những tật xấu, nhất là tật say rượu. Nhưng ông không quan tâm gì đến những lời khuyên của con, và thế là Cristoforo đập vỡ các thần tượng trong nhà. Cậu bị cha cảnh cáo và tha thứ nhiều lần. Nhưng khi thấy con tái diễn nhiều lần những hành động như thế, người cha quyết định giết con.
Ông lập kế gọi các con từ trường của các cha Phanxicô về nhà. Trong khi các anh em của Cristoforo vào nhà thì ông nắm lấy tóc của cậu bé và vật cậu xuống đất, rồi lấy chân đá và dùng gậy để đánh con, làm cho chân tay của cậu bị gẫy. Khi thấy Cristoforo, tuy đau đớn, nhưng vẫn tiếp tục cầu nguyện, ông quăng con vào đống lửa đang cháy. Vài ngày sau, cả mẹ của Cristoforo cũng bị giết vì đã toan tính bảo vệ cậu con.
Người cha âm thầm chôn xác Cristoforo trong một gian phòng trong nhà. Một nhân chứng cho biết sau đó ông ta bị kết án tử hình vì tội ác đó, có lẽ là do những người Tây Ban Nha trừng phạt. Vụ này xảy ra hồi năm 1527 và bấy giờ Cristoforo mới được 13 tuổi.
Hai vị tử đạo Antonio và Gioan; sinh khoảng năm 1516. Antonio là cháu và là người thừa kế của tù trưởng địa phương, còn Gioan là đầy tớ của Antonio. Cả hai đều theo học tại trường của các cha dòng Phanxicô. Theo lời thỉnh cầu của một thừa sai dòng Đa Minh, Antonio và Gioan xung phong đi làm thông ngôn giúp các thừa sai thu thập các thần tượng.
Một hôm, Antonio vào nhà và Gioan đứng ngoài cửa, một số thổ dân giận dữ, võ trang gậy gộc, tiến đến gần. Họ đánh Gioan mạnh đến độ cậu chết ngay tại chỗ. Antonio chạy lại bênh đỡ và nói với những kẻ hành hung: ”Tại sao các ông lại đánh bạn của tôi, cậu ta đâu có tội gì? Chính tôi mới là người thu thập các tượng, vì đó là ma quỉ chứ chẳng phải là thần minh”. Các thổ dân cũng dùng gậy đánh Antonio cho đến chết.
Thi hài của Antonio và Gioan bị họ vứt xuống một rãnh gần Dacalco. Cha Bernardino dòng Đa Minh thu lượm hai thi hài và đưa về Tepeaca để an táng trong một nhà nguyện.
Thánh linh mục Angelo D'Acri
Thánh Angelo sinh năm 1669 trong một gia đình nghèo ở Acri, gia nhập dòng Capuchino và thụ phong Linh mục năm 1700 khi được 31 tuổi. Cha hăng say thi hành công tác giảng thuyết, đảm nhận các tuần đại phúc, ở miền Calabria và các nơi khác ở miền nam Italia.
Bất cứ nơi nào có cha giảng thuyết, người dân tuốn đến đông đảo lắng nghe rồi xếp hàng chờ được xưng tội với cha. Cha sẵn sàng ngồi tòa giải tội, kiên nhẫn nghe lời thú tội của từng tội nhân thuộc mọi lứa tuổi và mọi đẳng cấp xã hội để giải hòa họ với Thiên Chúa.
Mặc dù tính tình rất khiêm tốn, không hề muốn những chức vụ cao trọng, cha Angelo cũng từng phải đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong dòng như bề trên tỉnh dòng, cha giám tập, tổng kinh lược của dòng trong nhiều năm.
Sau gần 40 năm nhiệt thành hoạt động tông đồ, cha Angelo D'Acri kiệt lực qua đời ngày 30.10.1739 tại Acri, hưởng thọ 70 tuổi.
Ngay sau khi qua đời, từ nhiều nơi ở vùng Calabria và miền Nam Italia, người dân đã bắt đầu tôn kính cha như một vị thánh.
Thánh Manuel Míguel González
Cha Manuel Míguez González sinh cách đây 186 năm, tại tỉnh Orense bên Tây Ban Nha, năm 1831.
Khi được 19 tuổi, Manuel Míguez gia nhập dòng các cha Scolopi và nhận tên dòng là Faustino Nhập Thể và thụ phong linh mục năm 1857.
Cha Faustino được cử đi dạy học tại các trường của dòng, trước tiên tại Tây Ban Nha, rồi sang Cuba. Cha cũng nghiên cứu về dược thảo và chữa bệnh cho dân chúng và nổi tiếng trong lãnh vực này.
Năm 1872, cha được yêu cầu phân tích nước uống ở thành phố Sanlúcar và cha nhận lời. Cha nghĩ đó là phương thức để thoa dịu đau khổ của dân chúng, và cha cảm thấy mình là người của dân chúng và cho dân chúng.
Trong gần 50 năm trời dạy học, cha Faustino vẫn luôn tìm cách sống và hoạt động âm thầm, không tìm kiếm sự chú ý của người khác, và tận tụy giáo dục giúp đỡ các học sinh và người trẻ với một sự nhạy cảm đặc biệt, tôn trọng và quí mến. Cha biết rõ mỗi học sinh và cảm thấy được kêu gọi trở thành người đồng hành và người bạn, người thầy và là người hướng đạo của các em trên con đường giúp các em thành đạt.
Trong thời gian ấy, cha Faustino Míguez nhận thấy tình trạng dốt nát và bị gạt ra ngoài lề của các phụ nữ ở Sanlúcar. Họ không được theo học ở các trường tiểu học. Từ đó cha thấy rằng cần phải hướng dẫn họ từ tuổi thơ ấu để có thể thực sự thăng tiến nhân bản cho họ. Cha bắt đầu săn sóc một số trẻ nữ, dạy giáo lý cho các em với sự cộng tác của một vài phụ nữ. Nhóm này về sau trở thành dòng các nữ tu Chúa Mục Tử, với mục đích giáo dục các trẻ nữ nghèo, theo tinh thần và phương pháp của thánh Giuse Calasanzio.
Dòng được bản quyền giáo phận phê chuẩn và sau cùng được ĐGH Piô 11 phê chuẩn hiến pháp chung kết vào năm 1922. Năm sau đó các nữ tu đầu tiên được gửi đi truyền giáo ở Phi châu và Mỹ châu.
Ngoài các hoạt động giáo dục và y tế, cha Faustino còn viết nhiều sách, với ngôn từ đơn sơ, góp phần phổ biến khoa học. Cha không quên nghĩa vụ linh mục, dành nhiều thời giờ cho việc giải tội và linh hướng cho nhiều người. Cha qua đời tại Getafe ngày 8-3 năm 1925, thọ 94 tuổi.
Tôn phong hiển thánh
Tiếp lời ĐHY Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, ĐTC mời gọi mọi người cầu xin ơn phù trợ của Mẹ Maria và các Thánh.
Sau đó ĐTC đã đọc công thức lấy quyền Tông Đồ truyền ghi tên 35 vị chân phước vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội truyền tôn kính các vị như những vị thánh.
Cộng đoàn hát mừng chúc tụng Chúa, cùng với kinh Vinh Danh, trong khi thánh tích của các vị tử đạo được rước lên bàn thờ.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng về dụ ngôn Nước Thiên Chúa như Tiệc Cưới (xc Mt 22,1-14). Ngài nhận xét rằng: ”Nhân vật chính là hoàng tử, là vị hôn phu, qua đó ta dễ nhận thấy đó là Chúa Giêsu. Nhưng trong dụ ngôn không hề nói đến hôn thê, mà nói đến nhiều khách mời, được mong muốn và chờ đợi. Chính họ là người mặc áo cưới. Những khách mời ấy là tất cả chúng ta, vì Chúa muốn ”cử hành hôn lễ” với mỗi người chúng ta. Các hôn lễ khai mào cuộc hiệp thông trọn cuộc sống: đó là điều chính Thiên Chúa muốn với mỗi ngừơi chúng ta. Vì thế, tương quan của chúng ta với Chúa, không thể chỉ là tương quan của những thần dân sùng kính nhà vua, những người đầy tớ trung tín với chủ, hoặc tương quan của các học sinh chuyên cần đối với Thầy, nhưng trước hết là tương quan của hôn thê được yêu mến với hôn phu của mình. Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta, tìm kiếm và mời chúng ta, và Ngài không chỉ hài lòng nếu chúng ta chu toàn các bổn phận tốt và tuân giữ các giới luật của Ngài, nhưng Chúa muốn có một cuộc hiệp thông cuộc sống thực sự với Ngài, một tương quan đối thoại, tín thác và tha thứ”.
Sau khi khai triển một số khía cạnh của tương quan phu phụ của tín hữu với Thiên Chúa, đặc biệt là sự kiện nhiều người từ khước lời mời của Thiên Chúa và chỉ quan tâm tới những lợi ích riêng tư của họ, ĐTC nhấn mạnh rằng:
”Có một khía cạnh chót mà Tin Mừng nhấn mạnh, đó là áo của các khách mời, là điều không thể thiếu được. Thực vậy, không phải chỉ thưa nhận lời mời là đủ, nhưng còn cần phải mặc áo, cần có ”tập quán” sống tình yêu mỗi ngày. Vì không thể nói ”Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà không sống và thực thi ý Chúa (Xc Mt 7,21). Chúng ta cần mặc lấy tình thương của Chúa mỗi ngày, canh tân mỗi ngày sự chọn lựa theo Chúa. Các Thánh được tôn phong hôm nay, nhất là bao nhiêu vị Tử Đạo, chỉ cho thấy con đường ấy. Các vị không phải chỉ thưa bằng lời nói ”xin vâng” với tính yêu, và trong một thời gian ngắn, nhưng bằng cuộc sống và cho đến cùng. Áo hằng ngày của các ngài là tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu điên rồ khiến Chúa yêu thương chúng ta đến cùng, để lại tha thứ và áo của Ngài cho kẻ đã đóng đinh Ngài. Cả chúng ta cũng đã nhận lãnh áo trắng khi rửa tội, áo cưới với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh anh chị chúng ta, ơn chọn lựa và mặc áo ấy hằng ngày và giữ cho áo này thanh sạch. Bằng cách nào? Trước tiên bằng cách đi lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa mà không sợ hãi: đó là bước quyết liệt để đi vào phòng hôn lễ, để cử hành lễ tình yêu với Chúa”.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: vietvatican.com