Đức tin và hành động – Bài giảng Chúa nhật XVI thường niên C

14-07-2016 Chức năng bình luận bị tắt ở Đức tin và hành động – Bài giảng Chúa nhật XVI thường niên C by

Hai người phụ nữ trong Tin Mừng cho thấy hai cách gặp Chúa. Ta có thể gặp Chúa khi nghe Lời của Ngài. Ta cũng có thể gặp Chúa qua những hoạt động bác ái. Cả hai cách gặp Chúa đều đáng khích lệ. Người tín hữu không thể chỉ chọn một trong hai, mà mỗi người đều phải chuyên tâm cầu nguyện và thực hành bác ái.

Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô khởi đầu sứ vụ thánh Phêrô, báo chí trong và ngoài Giáo Hội công giáo đã đúc kết lý tưởng của hai vị Giáo Hoàng và tặng cho các ngài hai danh xưng ngắn gọn đầy ý nghĩa: Đức Tin và Hành Động. Nếu Đức Bênêđitô XVI nhấn mạnh đến Đức Tin thì Đức Phanxicô lại lưu ý nhiều đến hành động. Nếu vị Giáo Hoàng người Đức là chuyên gia về thần học cao siêu, thì vị Giáo Hoàng người Achentina lại nhấn mạnh tới những hoạt động nhằm phục vụ người nghèo. Tước hiệu của hai vị Giáo Hoàng cũng mang ý nghĩa rất đặc biệt: Thánh Bênêđitô là bậc Tổ phụ của một trong những ơn gọi đan tu, Thánh Phanxicô lại từ bỏ mọi sự để lựa chọn Bà Chúa nghèo, để sống cho và sống với người nghèo. Đức Tin và hành động gắn bó với nhau như hai mặt của một tấm huân chương. Sự gắn kết ấy làm cho Đức Tin nên hoàn hảo và tỏa sáng. Hẳn ai trong chúng ta cũng đã có lần nghe Thánh Giacôbê khẳng định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Hình ảnh Giáo Hội hôm nay được dệt nên bởi hai vị Giáo Hoàng kế tiếp nhau. Đó cũng là chứng từ rất mạnh mẽ của thời đại chúng ta. 

Hai gương mặt phụ nữ được trưng dẫn trong Tin Mừng  diễn tả hai khía cạnh quan trọng của cuộc đời con người nói chung và cách riêng là cuộc đời tín hữu: Hoạt động và Chiêm niệm. Có một thời người ta phân chia và xếp hạng, những đan sĩ nam nữ sống trong đan viện được gọi là những người sống đời chiêm niệm, và những linh mục triều hay một số cộng đoàn dòng tu được gọi là những người hoạt động. Cách phân chia này thực sự không hợp lý, vì nó tách biệt hai khía cạnh của đời sống tu trì, đang khi chúng phải được liên kết gắn bó với nhau. Quả thật, nếu một linh mục chỉ chuyên lo đời sống hoạt động mà lãng quên cầu nguyện thì những hoạt động ấy mất đi chiều kích siêu nhiên. Cũng thế, một đan sĩ chỉ chuyên lo suy niệm mà quên bổn phận của mình trong cộng đoàn thì lời cầu nguyện của họ có nguy cơ trở thành lý thuyết xa vời. Chiêm niệm và hoạt động phải được gắn kết với nhau nơi mỗi con người. Đó không phải là những việc thuộc lãnh vực đời tu, mà liên hệ đến mọi người, giáo sĩ và giáo dân. 

Đừng vội phê phán bà Mátta. Chúa Giêsu không phủ nhận sự vất vả của bà. Khi khẳng định lựa chọn của Maria là phần tốt nhất, thiển nghĩ Chúa không đặt công việc của bà Mátta ở hàng thứ yếu hay không cần thiết. Bởi lẽ sự tất bật của bà nhằm phục vụ Chúa và mọi thành viên trong gia đình. Nhờ Bà, Chúa được đón tiếp và thiết đãi chu đáo. Nếu liên kết bài Tin Mừng với Bài đọc I trích sách Sáng thế, chúng ta thấy Mátta có một “đồng minh” là bà Sara, vợ ông Abraham. Bà Sara cũng tất bật và chu đáo lo đón tiếp Đức Chúa khi Ngài đến thăm. Lòng mến khách của bà đã được Chúa thưởng công: mặc dù ở tuổi cao niên, Chúa cho bà mang thai cách lạ lùng, điều chính bà cũng không tưởng tượng được. Vì thế, khi nghe Chúa nói “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó, bà Sara vợ ông sẽ có một con trai”, bà Sara đã che miệng cười. Đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được, sau này, sứ thần Gabrien đã khẳng định với Trinh nữ Maria như thế. 

Chúa Giêsu đã gọi sự lựa chọn của Maria là “phần tốt nhất”. Lời “trách yêu” của Mátta khi nói với Chúa cho thấy sự thân thiện của Người với gia đình này. Chúng ta có thể trích dẫn nhiều chứng từ trong Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và thực hiện Lời ấy trong cuộc sống. Người còn khẳng định, những ai nghe và thực hiện Lời Thiên Chúa thì trở nên anh chị em và mẹ của Chúa, thậm chí còn có phúc hơn người đã cưu mang và sinh hạ Người. Các tín hữu Việt Nam chúng ta chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Lời Chúa. Không những thế, họ rất coi thường và vô tâm khi tham dự thánh lễ, vào lúc chia sẻ Lời Chúa thì nói chuyện riêng, hoặc thiếu tập trung để lắng nghe bài giảng. Thói quen này đã tạo nên cách sống đức tin hời hợt, thiếu gắn bó với Chúa bằng đời sống nội tâm và không thiết tha cầu nguyện. 

Hai người phụ nữ trong Tin Mừng cho thấy hai cách gặp Chúa. Ta có thể gặp Chúa khi nghe Lời của Ngài. Ta cũng có thể gặp Chúa qua những hoạt động bác ái. Cả hai cách gặp Chúa đều đáng khích lệ. Người tín hữu không thể chỉ chọn một trong hai, mà mỗi người đều phải chuyên tâm cầu nguyện và thực hành bác ái. Hai phương pháp ấy bổ túc cho nhau: khi chuyên tâm cầu nguyện, công việc bác ái của chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái hơn; khi nhiệt thành làm việc thiện, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ sâu sắc và thực tế hơn, vì ta được gặp Chúa trong anh chị em mình,  nhất là nơi những người nghèo khổ bất hạnh. 

Đức Giêsu Kitô đang ở giữa chúng ta – Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu Côlôxê như vậy (Bài đọc II). Thánh nhân đã dấn thân hy sinh phục vụ Giáo Hội trong niềm xác tín ấy. Ngài có thể chịu mọi gian nan thử thách do lòng yêu mến Giáo Hội, vì Chúa Giêsu đang hiện diện và hiến thân vì chúng ta.  Chúng ta được mời gọi bắt chước vị Tông đồ dân ngoại, để cùng làm cho gương mặt của Giáo Hội toả sáng trong lòng thế giới hôm nay.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW